Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Cuộc chiến tranh giành cá: xâm lược của Trung Quốc có thể kích động tranh chấp tương lai

World Politics Review
Tác giả: Johan BergenasAriella Knight
Người dịch: Huỳnh Phan
19-2-2015
H1
Một tàu tuần tra bảo vệ bờ biển Nhật Bản tiếp cận một chiếc thuyền đánh cá Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Đảo Miyako, ngày 2 tháng 2 năm 2013 (AP photo / Bộ chỉ huy khu vực 11, Tuần Duyên Nhật Bản).
Người Viking chinh phục biển cả để cưỡng đoạt và cướp bóc. Người Anh thiết lập đế chế của mình qua việc thống trị đại dương. Và trong 40 năm qua, Hải quân Hoa Kỳ đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới về thương mại và liên kết toàn cầu chưa từng có qua việc bảo vệ các tuyến đường biển chính. Các đại dương trên thế giới luôn luôn là một miền chiến lược quan trọng. Nhưng những mối đe dọa ngày nay đi xa hơn sự phát triển của các tin tức nổi bật, như là khả năng hải quân tiên tiến của Trung Quốc và các hoạt động phát triển tàu ngầm của Nga tại Biển Baltic. Một thách thức trên biển thầm lặng hơn đang lớn lên ngoài tầm mắt: kiểm soát các ngư trường thế giới.


Với hơn 90% ngư trường toàn cầu, hoặc hoàn toàn suy sụp, hoặc cạn kiệt và nhu cầu về cá dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao, cạnh tranh khốc liệt về quyền truy cập và đánh cá là rất có khả năng xảy ra, nếu không nói là không thể tránh khỏi. Xét cho cùng, các nước đều có một lịch sử xung đột lâu dài về các mặt hàng tiêu thụ, và đối với nhiều nước, số cá bắt được là một nguồn thực phẩm chính và sinh kế.
Nếu hiện nay căng thẳng về việc tiếp cận với cá đã lớn lên thì phần lớn đó là do các hành vi gần đây của một quốc gia: Trung Quốc. Là nước sản xuất cá lớn nhất thế giới kể từ năm 1990, Trung Quốc giờ đây thấy mình phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp cá. Khoảng 30% trăm ngư trường Trung Quốc đã suy sụp, và 20% bị khai thác quá mức. Trong khi đó mức tiêu thụ cá của Trung Quốc hàng năm tăng lên với tốc độ là 6% từ năm 1999 đến 2010, trong thời gian đó, đất nước này cũng có thêm hơn 80 triệu người (tương đương với toàn bộ dân số Đức).
Để đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, Trung Quốc đã lập các đội tàu đánh cá biển xa lớn nhất thế giới, với hơn 2.000 tàu và có kế hoạch mở rộng lên 2.300 tàu năm này (nhiều hơn 10 lần so với kích cỡ đội tàu đánh cá biển xa của Hoa Kỳ). Ngành công nghiệp đánh cá của Trung Quốc là một trong những ngành được chính phủ trợ cấp cao nhất trên thế giới, vì vậy việc mở rộng nhanh chóng này không nên được hiểu như là một ví dụ về ngành công nghiệp tư nhân hay tăng trưởng do nhu cầu thúc đẩy mà là một ví dụ về chính sách trực tiếp của chính phủ.
Trung Quốc biết họ có một cuộc khủng hoảng đáng lo về an ninh lương thực, có thể mở ra tình trạng bất ổn rộng khắp và đe dọa tính hợp pháp của chính phủ. Khi đó mở rộng sản xuất thủy sản, là một phần của một chiến lược rộng lớn hơn cho sư tồn tại của chế độ – và họ trở nên hung hăng hơn, với việc đánh cá trái phép của các tàu cá Trung Quốc ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và đặc biệt là ở vùng lân cận của TQ ở Đông Nam Á. Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc đã bắt giữ 4.600 tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của mình, trong khi các tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc luôn bị bắt gặp đánh cá trong vùng biển của Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Nga.
Các quốc gia khác không coi nhẹ những hành động của Trung Quốc. Mùa thu năm ngoái, hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc bị phát hiện thu lượm trái phép san hô trong vùng biển của Nhật Bản, trong giai đoạn giữa hai chính phủ này có nhiều căng thẳng đối với quần đảo Senkaku đang tranh chấp mà Trung Quốc cho là đảo Điếu Ngư của họ. Sau đó để đáp trả, tuần duyên Nhật Bản đã không cho các tàu Trung Quốc đang tìm kiếm chỗ trú cho một cơn bão đang tới được vào trú ẩn. Vài tuần trước, Philippines đã nộp khiếu nại chính thức với Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila sau khi một tàu Trung Quốc bị cáo buộc đâm 3 tàu Philippines và hơn 25 tàu Trung Quốc đánh bắt loại trai khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng trong Bãi Ngầm Scarborough giàu có và đầy tranh chấp ở Biển Đông.
Tầm quan trọng của an ninh lương thực đối với các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc là không thể phủ nhận. Các ngư trường đang cạn kiệt của chính họ góp phần thúc đẩy Bắc Kinh đưa ra yêu sách lãnh thổ trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản [ở Biển Hoa Đông], Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Vì dân số thế giới và tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng lên, và cùng với họ là mức tiêu thụ cá toàn cầu, nên các xung đột về tài nguyên thiên nhiên và nguồn cung cấp thực phẩm sẽ chỉ tăng về số lượng và có thể cả về bạo lực. Hành vi của Trung Quốc nên được coi là một dấu hiệu cảnh báo sớm về những tác động an ninh mà các ngư trường không được quản lý và việc đánh cá bất hợp pháp có thể có đối với xung đột trong tương lai.
Các nước đang bắt đầu áp dụng đơn phương các biện pháp cứng rắn hơn chống lại việc đánh cá bất hợp pháp. Tổng thống mới đắc cử của Indonesia, Joko Widodo, đã bắt tay vào cái mà ông gọi là chính sách “liệu pháp sốc” đối với đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia bao gồm việc đánh chìm tất cả các tàu đánh cá bất hợp pháp – một biện pháp trừng phạt bất thường, không ngạc nhiên là đang kích động phẫn nộ ở những quốc gia láng giềng có ngư dân đang bị bắt giữ. Đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương cấm toàn bộ việc đánh bắt cá thương mại trong vùng đặc quyền kinh tế và đang trong quá trình triển khai các máy bay điều khiển từ xa tuần tra việc đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của mình. Hàn Quốc, dưới sức ép của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, dự định tăng hình phạt tối đa cho đánh cá bất hợp pháp đến năm lần giá trị của lượng cá bắt được bất hợp pháp.
Thách thức với trữ lượng cá giảm xuống và xung đột về tài nguyên hữu hạn tăng lên là một trường hợp điển hình của bi kịch về những thứ của chung dẫn đến một thế giới dễ bị xung đột hơn. Một phần lớn của giải pháp dài hạn hơn là thay đổi thói quen tiêu dùng và quản lý cân bằng hơn các nguồn tài nguyên mà thế giới đang có. Một biện pháp tức thời để giảm bớt những hậu quả tiêu cực của việc đánh bắt quá mức là thực thi và đưa vào thực hiện các hiệp định khu vực và quốc tế đang có, như Hiệp định về các biện pháp của nước có cảng, được Tổ chức Lương Nông LHQ thông qua vào năm 2009. Hiệp định này thẳng tay giải quyết việc đánh bắt trái phép bằng việc buộc các nước phải ban hành luật lệ kiểm soát chặt chẽ hơn các tàu mang cờ nước ngoài tại các cảng của họ. Nhưng các tổ chức phi chính phủ và khu vực công nghệ tư nhân cũng cần xốc vào.
Quỹ Từ thiện phi lợi nhuận Pew đã đưa ra một sáng kiến lớn, Dự án dừng đánh cá bất hợp pháp mà bên cạnh các chiến lược khác, đã triển khai một cơ sở dữ liệu theo dõi qua vệ tinh giám sát sự di chuyển của các tàu đánh cá trong thời gian thực, và khi phát hiện có chuyển động đáng ngờ, có thể cảnh báo cơ quan chức năng về một mối đe dọa đánh cá bất hợp pháp. Google đang trong quá trình phát động một dự án tương tự, Global Fishing Watch (Canh chừng Đánh cá Toàn cầu). Ngoài ra, một số công ty sản xuất máy bay điều khiển từ xa đang hợp tác với các nước như Belize, nước này hiện đang sử dụng loại máy bay này để tuần tra các rạn san hô của mình.
Xung đột hải quân xưa nay được định hình bởi chiến lược lớn, như là cạnh tranh đối với các tuyến đường biển và truy cập biển. Tuy nhiên, trong tương lai, khi dân số tăng lên và nguồn cá cạn dần thì xung đột có thể là về các của cải nằm bên dưới bề mặt đại dương – và hòa bình phụ thuộc vào cách chúng được quản lý tốt đến mức nào.
Johan Bergenas là Phó Giám Đốc nhóm Quản Lý Sáng Kiến Xuyên Biên Giới tại Trung Tâm Stimson. Ariella Knight là một nhà nghiên cứu thuộc nhóm Quản Lý Sáng Kiến Xuyên Biên Giới tại Trung Tâm Stimson.
Nguồn : Basam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét