Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Myanmar nói ‘quân Hán đánh thuê ở Kokang’

BBC


Tướng Mya Htun Oo nói ‘có lính đánh thuê Trung Quốc’ ở Kokang
Báo chí Đông Nam Á trích lời quân đội Myanmar nói rằng họ tin là có cả cựu binh Trung Quốc nay là ‘lính đánh thuê’ (mercenaries) trong các đơn vị chiến binh quân đội Kokang ở vùng biên giới giáp Vân Nam.


Theo trang Bangkok Post hôm 21/2, Trung tướng Mya Htun Oo, tư lệnh quân cảnh Myanmar nói tại cuộc họp báo rằng có 61 quân nhân phía chính phủ và 72 quân nổi dậy Kokang bị giết cho tới thời điểm đó.
Tướng Mya Htun Oo cho hay tại thủ đô Nay Pyi Daw:
“Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt và trực thăng quân sự đã vào cuộc.”
Ông nói trong phiến quân có cả ‘cựu binh quân đội Trung Quốc’ được chiêu mộ để chiến đấu cho lực lượng Kokang.
Theo Tân Hoa Xã, cho tới cuối tuần qua, quân đội chính phủ Myanamar (Miến Điện) đã chiếm được một số cứ điểm trên đồi trong phạm vi 18 dặm từ Laukkai, thủ phủ của khu tự trị Kokang vốn có đa số dân thuộc sắc tộc Hán.
Giao tranh nổ ra hôm 9/2 sau khi một lãnh tụ sắc tộc Kokang, ông Bành Gia Thanh từ Trung Quốc trở về Myanmar sau một số năm sống lưu vong.
Hôm 17/2, chính quyền Liên bang Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại vùng Kokang.

 

Giao tranh bùng nổ ở Kokang đã làm hàng nghìn người dân phải ly tán
Xung đột tại vùng này cho tới hôm nay 24/2/2015 đã làm 30-50 nghìn người chạy sang Vân Nam, Trung Quốc, theo BBC Miến Điện, thu hút sự chú ý của báo chí khu vực.
Một số nguồn tin khác tin rằng số người tỵ nạn lên tới 100 nghìn.

Họ là ai?

Dư luận quốc tế đang tập trung tìm hiểu các phiến quân Kokang từ đâu ra và họ muốn gì.
Người Kokang, có tên chữ Hán là Quả Cảm, thuộc sắc tộc Hán, nói tiếng Quan Thoại ở vùng tiểu bang Shan phía Bắc, Myanmar.
Các lãnh chúa vùng này từ Vân Nam và Tứ Xuyên đến đây và đã được vua Thanh phong chức từ thế kỷ 18.
Nhưng Quân đội Liên minh Quốc gia Dân tộc Myanmar (MNDAA) mà ông Bành Gia Thanh hay Phone Kya Shin là lãnh tụ đương nhiệm, lại có gốc gác từ một nhóm cộng sản.
Trong những năm sau thế chiến 2, một nhóm du kích có tên là Đảng Cộng sản Miến Điện được Trung Quốc ủng hộ.
Sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ Myanmar thất bại vào những năm cuối của thập niên 1980, nhóm này tham gia thành lập ra Quân đội Liên minh Quốc gia Dân tộc Myanmar.
Họ đã liên minh với các nhóm sắc tộc có vũ trang khác như Quân đội Độc lập Kachin (KIA), quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA).
Riêng về nhóm vũ trang Kokang gốc Hán thì họ đã bị quân chính phủ đẩy lui năm 2009 và Bành Gia Thanh chạy sang Vân Nam trú ngụ.

Lãnh tụ Phone Kya Shin tức Bành Gia Thanh từng là cộng sản
Myanmar đã thiết lập một hệ thống chính quyền tuân thủ họ tại Kokang và tình hình yên ổn được 5 năm.
Nhưng từ năm ngoái, Bành Gia Thanh cùng đồng đảng đã quay về sau khi ông ta trả lời trang Hoàn cầu Thời báo ở Trung Quốc, cam kết ‘chiếm lại Kokang’.
Sinh ra trong một gia đình Kokang gốc Tứ Xuyên, Bành Gia Thanh được Đảng Cộng sản Miến Điện hỗ trợ vào thời kỳ ở Trung Quốc nổ ra Cách mạng Văn hóa.
Báo chí khu vực cho rằng phe đảng của ông này không có sự ủng hộ của dân chúng địa phương vì họ cho là phiến quân và lãnh tụ của họ ‘thực chất là người Trung Quốc’.
Nay, tin nói có cả các cựu binh Trung Quốc làm lính đánh thuê cho quân đội của Bành Gia Thanh tại Kokang, gây lo ngại sâu rộng ở Myanmar, theo BBC Miến Điện.
Tuy thế, tin về ‘lính đánh thuê Trung Quốc’ bị Quân đội Liên minh Quốc gia Dân tộc Myanmar bác bỏ.
Trang VOA tiếng Anh phỏng vấn một chuyên gia Trung Quốc về khu vực Đông Nam Á nói rằng quân đội Myanmar nêu khẩu hiệu tiến vào Kokang để dẹp băng đảng ma tuý.
Tuy thế, khó có thể xác nhận là Bành Gia Thanh, năm nay đã ngoài 80 tuổi, có dính líu đến ma tuý hay là không và mục tiêu lâu dài của ông ta tại Kokang là gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét