Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tầng lớp trung lưu và tiến trình dân chủ hóa Việt nam

Kính Hòa, phóng viên RFA

2015-02-25
Đường Đồng Khởi ờ Sài gòn là con đường thường được các giới nhiều tiền dạo bộ...
Đường Đồng Khởi ờ Sài gòn là con đường thường được các giới nhiều tiền dạo bộ…  kenh 14.vn
Your browser does not support the audio element.

Theo nhiều quan sát lịch sử thì sự phát triển của tầng lớp trung lưu lưu sẽ dẫn đến dân chủ hóa xã hội. Tầng lớp này đã phát triển gần ba mươi năm nay tại Việt nam. Họ tham gia vào việc hướng tới một xã hội dân chủ như thế nào. Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa ý kiến của những nhà quan sát trong nước, và một số doanh nhân Việt nam.


Quyết định cải cách kinh tế theo hướng thị trường của đảng cộng sản từ năm 1986 đã làm cho thu nhập trung bình của người Việt nam tăng lên trong gần ba thập niên qua. Theo nhiều nguồn thống kê khác nhau thì hiện nay Việt nam có thu nhập trung bình đầu người qui ra đô la Mỹ là hơn 1000 đô la một năm. Song song đó, một tầng lớp trung lưu cũng được hình thành. Họ là những doanh nghiệp tư nhân, chuyên viên kỹ thuật hay quản lý ở các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, những người hoạt động nghề nghiệp tự do,… Một đặc điểm chung là họ có học vấn cao hơn số đông dân chúng trong xã hội.
Theo những dẫn liệu lịch sử trong hai thế kỷ vừa qua, khi tầng lớp trung lưu lớn mạnh thì dễ có những thay đổi xã hội theo hướng dân chủ hơn. Lý do được đưa ra là những người tầng lớp trung lưu chịu nhiều thiệt hại trong một chế độ hà khắc, và do có nền tảng giáo dục cao nên họ có khuynh hướng mong muốn có một xã hội tiến bộ hơn.
Tầng lớp trung lưu ủng hộ chế độ?
Một cựu sinh viên Luật không hoàn toàn đồng ý về viễn cảnh này ở Việt nam, mặc dù anh cũng cho rằng chính tầng lớp trung lưu Việt nam hiện nay là những người đối mặt với những nhũng lạm, và hiểu rõ xã hội.
Có một cái không rõ có phải là đặc trưng của người Việt nam hay không là tâm lý an phận, chấp nhận thực tại. Thông thường thì khi đối mặt với những chuyện như vậy, người Việt , đặc biệt là tầng lớp trung lưu sẽ xoay xở sang cách khác để làm ăn. Họ cho rằng không cần thiết phải chấp nhận những rủi ro không đáng có trong quan hệ làm ăn với chính quyền. Họ làm ăn một cách ngoan ngoãn. Một học giả phương Tây có nhận xét là tầng lớp trung lưu ở Trung quốc và ở Việt nam, khác với tầng lớp trung lưu ở các nước phương Tây thường độc lập với chính quyền và sẳn sàng phản ứng khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Nhưng tầng lớp trung lưu ở các nước độc tài toàn trị cộng sản như Trung quốc và Việt nam thì nó lại hình thành nhờ ác mối quan hệ thân hữu với chính quyền, lớn lên được nhờ các mối quan hệ làm ăn với chính quyền, sống được nhờ vào chính quyền. Cho nên là họ sẽ cấu kết với chính quyền để làm ăn chứ không có xu hướng chống lại.”
Tầng lớp trung lưu ở các nước độc tài toàn trị cộng sản như TQ và Việt nam thì nó lại hình thành nhờ các mối quan hệ thân hữu với chính quyền, lớn lên được nhờ các mối quan hệ làm ăn với CQ, sống được nhờ vào chính quyền. Cho nên là họ sẽ cấu kết với CQ để làm ăn chứ không có xu hướng chống lại
Một cựu sinh viên Luật
Một Tổng giám đốc doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh là chị Bình cũng có nhận xét về thái độ cầu an của giới trung lưu Việt nam, song song đó lại cũng có những chuẩn bị cho sự thay đổi.
Nói chung là có nhiều thứ không được vừa lòng, nhưng mà nói gì thì nói thì quan điểm của người Việt nam là biết thân mình trước, thời cuộc thì ba chấm… Theo tôi nghĩ như vậy, tỉ dụ như anh thấy rằng có xu hướng là hiện nay người ta cho con đi học ở nước ngoài rất là nhiều. Thì đó là sự chuẩn bị nhất định của các gia đình Việt nam thôi. Nói gì thì nói chứ ở góc độ tích cực thì cũng hy vọng mọi thứ nó an lành.”
Cùng có quan điểm như người cựu sinh viên luật nói trên là kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh ở Đà Nẵng. Anh Thạnh là một nhà hoạt động xã hội dân sự nhiều lần bị cơ quan công quyền quấy rối và đàn áp vì những hoạt động dân sự như kiện các nhà máy thủy điện xả nước làm chết dân trong những năm qua.
Theo qui luật thì lớp trung lưu là lớp gánh vác vũ đài dân chủ, nhưng có điều là ở Việt nam giới trung lưu được sinh ra do chế độ độc đảng. Họ có thể là người nắm chính quyền, hay là người kinh doanh nhưng là tư bản thân hữu. Những người này được đánh giá là có thu nhập khá, có tài sản, có kiến thức, nhưng họ xuất thân từ việc hưởng lợi và khống chế của hệ thống chính trị, cho nên họ có hạn chế là không dám lên tiếng hoặc không muốn lên tiếng. Tích lũy thành công của họ có thể là có những hoạt động không đúng pháp luật. Họ không muốn lên tiếng vì quyền lợi của họ gắn chặt với tình thế hiện nay của xã hội.”
Sự quan tâm đến thay đổi chính trị, và tương lai dân chủ
Chị Tâm, làm chủ một doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long thì cho rằng giới trung lưu có quan tâm đến chính trị, mong muốn có thay đổi chính trị theo hướng dân chủ hơn, nhưng chị chia ra làm hai loại khác nhau:
Trừ những người nào họ thuộc tầng lớp lãnh đạo, tầng lớp bên đảng, họ không muốn điều đó, những người không có đảng thì muốn điều đó. Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa, ông sãi mới muốn sự thay đổi chứ ông vua đâu có muốn sự thay đổi.”
Chị Bình cũng có ý kiến rằng có hai nhóm trung lưu trong xã hội Việt nam, một nhóm mong muốn sự thay đổi, nhóm còn lại thì không, nhưng không rõ nhóm nào đông hơn.
Từ người dân thường cho đến cán bộ ai cũng hiểu là thể chế hiện nay là không thể chấp nhận được, tức là một thể chế độc quyền độc đảng tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Ngay cả đảng viên cộng sản người ta cũng rất là chán ghét
kỹ sư Nguyễn Tiến Trung
Một nhà hoạt động dân chủ trẻ khác là kỹ sư Nguyễn Tiến Trung thì có cái nhìn tương đối khác hơn:
Từ người dân thường cho đến cán bộ ai cũng hiểu là thể chế hiện nay là không thể chấp nhận được, tức là một thể chế độc quyền độc đảng tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Ngay cả đảng viên cộng sản người ta cũng rất là chán ghét. Nhưng mà người ta chưa thấy được đường hướng nào, hay làm gì để mà đưa đất nước đi đến hướng dân chủ được. Họ chỉ không đồng ý thôi, chứ họ không làm gì, và đó là đa số.”
Trong những năm vừa qua, các hoạt động dân sự và dân chủ hóa Việt nam diễn ra phong phú hơn, và thực sự là có những người thuộc tầng lớp trung lưu dấn thân vào công cuộc đấu tranh đó. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà kinh doanh thành công, có nói rằng ông quyết định dấn thân vào công cuộc dân chủ hóa đất nước và phản biện xã hội sau khi thấy rằng chế độ chính trị hiện hành vu cáo ông trong một vụ được gọi là trốn thuế. Gần đây nhất nhạc sĩ nhạc Rap trẻ tuổi Nguyễn Vũ Sơn cũng lên tiếng thách thức nhà cầm quyền cộng sản Việt nam, mặc dù anh xuất thân từ một gia đình trung lưu khá giả tại Sài Gòn.
Vì thế nên cũng vẫn có quan điểm hy vọng rằng tầng lớp trung lưu sẽ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc dân chủ hóa Việt nam. Luật sư Lê Công Định cho biết quan điểm của ông:
Tôi nghĩ là tầng lớp trung lưu ở Việt nam hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng, tuy là so với Tây Âu hay các nước đã phát triển thì tầng lớp trung lưu ở Việt nam chưa có vai trò bằng. Tuy nhiên, tôi nghĩ là trong vài năm tới họ sẽ đóng vai trò quan trọng. Đừng nhìn họ với góc độ là những người lên tiếng phản biện xã hội. Họ là những người sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, chúng ta hãy nhìn theo hướng đó, thì chúng ta sẽ thấy rằng tầng lớp trung lưu rất quan trọng. Đừng có thất vọng vì họ bây giờ chỉ lo thu vén chuyện gia đình hay chỉ lo làm ăn, để làm gia đình họ phát triển. Thật ra chính những điều đó, vô hình chung giúp bộ mặt xã hội Việt nam trong tương lai thay đổi rất là nhiều. Tôi cũng như anh Trần Huỳnh Duy Thức, đặt rất nhiều hy vọng vào tầng lớp trung lưu ở Việt nam.”
Ông Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức vốn cũng là những người thành đạt trong xã hội, đã dấn thân vào những đòi hỏi dân chủ cho Việt nam. Cả hai ông đều bị bắt giam, ông Lê Công Định hiện đã được trả tự do và bị quản chế ở địa phương, còn ông Thức hiện vẫn còn bị giam.
Trong một nghiên cứu mới đây về vai trò của tầng lớp trung lưu trong những cuộc cách mạng ở các thế kỷ trước cũng như các cuộc cách mạng hay chuyển biến xã hội gần đây, nhà nghiên cứu người Mỹ là Francis Fukuyama viết rằng vị trí trung lưu của một người chưa chắc làm người đó  ủng hộ nền dân chủ hay một chính phủ trong sạch. Thậm chí ở các quốc gia như Thái Lan, hay Trung quốc họ còn ủng hộ các chế độ độc tài để bảo đảm quyền lợi của họ. Nhưng họ sẽ đối đầu với sự lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền, và ngay cả ở Trung quốc thì họ cũng muốn có một xã hội tự do hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét