VNTB
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013; Quốc hội ban hành Luật Biểu tình;
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của quyền tự do biểu tình.
Chương I: Quy định chung
Điều 1. Biểu tình
Biểu tình là sự tập hợp giữa các cá nhân, dưới dạng đứng yên hoặc diễu hành nhằm biểu thị ý chí, nguyện vọng để gây sức ép đối với một vấn đề bất kỳ về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa nảy sinh trong và ngoài nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức dân sự – xã hội, công dân Việt Nam.
Điều 3. Phạm vi điều chỉnh
1. Công dân có quyền biểu tình ôn hòa; không lợi dụng cuộc biểu tình để gây rối an ninh công cộng; tuân thủ những quy định của địa phương về âm thanh, ánh sáng.
2. Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thực hiện quyền biểu tình. Mọi hành vi đe dọa, chia rẽ, gây cản trở hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự, hoặc xử phạt hành chính tùy theo tính chất, mức độ.
3. Quyền biểu tình của công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi Điều 9 của Luật Biểu tình. Việc giới hạn cũng không làm mất đi bản chất của quyền này.
4. Việc đình công của các doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền biểu tình: gắn với quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, quyền thân thể.
2. Quyền tự do ngôn luận: là sự tự do phát biểu mà không bị kiểm duyệt hoặc hạn chế. Tự do ngôn luận phải tuân thủ nguyên tắc không được xúc phạm, miệt thị nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào…
3. Vũ khí: là những vật dụng được nêu tại Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-06-2011 Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
4. Hung khí: là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt), hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm, hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
5. Nghĩa vụ thông báo: Trước khi diễn ra cuộc biểu tình, những người giữ vai trò tổ chức có trách nhiệm thông báo tất cả nội dung của cuộc biểu tình sẽ diễn ra đến cơ quan công quyền.
6. Ôn hòa: Không xâm phạm trái phép vào các tuyến giao thông, các tòa nhà hành chính, không phỉ báng, kích động bằng việc đốt cờ, hô khẩu hiệu tục tĩu trong quá trình biểu tình.
7. Kiểm soát biểu tình: là vẫn giữ được các cam kết như ban đầu giữa đoàn biểu tình và phía nhân viên công lực từ lúc bắt đầu, đến khi kết thúc.
Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào những tiêu chuẩn định lượng của Luật Hiến pháp như: phải có đủ cơ sở pháp lý, có đủ bằng chứng thực tế xác minh, các biện pháp áp dụng phải tương xứng với hành vi vi phạm…
8. Giá trị tự do cơ bản: Những giá trị phổ quát về nhân quyền, dân chủ như: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền ứng cử, bầu cử,…
9. Công trình công ích nhà nước: Ở đây là các công trình công cộng liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của quốc gia như: nhà máy thủy điện, nhà máy nước, nhà máy nguyên tử.
10. Các biện pháp giải tán biểu tình: Được sử dụng khi cuộc biểu tình có các hành vi bạo lực không kiểm soát được, diễn biến biểu tình khác xa thông báo.
10.1 Kêu gọi giải tán biểu tình bằng lời nói
10.2 Tiến hành bắt giữ cá nhân
10.3 Tiến hành bắt giữ một số cá nhân
10.4 Sử dụng các biện pháp hỗ trợ: Phun vòi rồng, dùng hơi cay…
Chương II: Tổ chức hoạt động biểu tình
Điều 5. Các trường hợp cấm biểu tình
1. Nhằm chống lại giá trị tự do, dân chủ cơ bản.
2. Nhằm mục đích kêu gọi Tòa án Hiến pháp tuyên bố giải tán một đảng chính trị nào đó (khi Việt Nam có Tòa án Hiến pháp).
3. Nhằm ủng hộ một đảng phái đã được Tòa án Hiến pháp tuyên bố là đảng vi hiến và bị cấm hoạt động (khi Việt Nam có Tòa án Hiến pháp).
4. Nhằm tụ họp những hội mà theo Luật về Hội đã bị cấm hoạt động (hiện nay Việt Nam chưa có Luật về Hội).
5. Nhằm gây rối trật tự công cộng, an ninh xã hội, gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến các dịch vụ công; tiến hành tấn công lực lượng an ninh, hoặc gây những nguy hiểm cho các cá nhân, cộng đồng.
6. Tiến hành biểu tình đồng thời với địa điểm đang diễn ra cuộc đình công của người lao động.
7. Tiến hành biểu tình khi có vũ khí, hung khí, vật liệu nổ, các loại phương tiện khác gây nguy hiểm đến cá nhân, tài sản công của Nhà nước.
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của đoàn biểu tình
1. Quyền của đoàn biểu tình
a) Yêu cầu cảnh sát đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình tiến hành biểu tình. Trong đó, có đảm bảo tài sản công và tài sản cá nhân.
b) Chụp ảnh, quay video, nhằm thông tin hoặc tìm kiếm sự ủng hộ cho đoàn biểu tình.
c) Được giám sát bởi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, truyền thông, báo chí độc lập trong nước và quốc tế.
d) Phối hợp với cơ quan công quyền dừng hoạt động biểu tình bất kỳ lúc nào hoặc tiến hành tước quyền biểu tình với mọi đối tượng có hành vi gây rối trong đoàn.
2. Nghĩa vụ của đoàn biểu tình
a) Tùy vào yêu cầu mục đích nội dung biểu tình, thời gian thông báo gửi cơ quan quản lý trật tự trị an về văn bản công bố chi tiết, về nội dung biểu tình, từ 12 giờ đến tối đa là 48 giờ trước khi cuộc biểu tình diễn ra.
Nội dung văn bản bao gồm: thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm bắt đầu và kết thúc (bao gồm tuyến đường tuần hành nếu có), số lượng người tham gia, mục đích của việc biểu tình, nội dung âm thanh và biểu ngữ, cường độ âm thanh.
b) Những người tổ chức biểu tình có nghĩa vụ tuân theo sự chỉ dẫn của cảnh sát nhằm đảm bảo diễn biến biểu tình theo hướng ôn hòa.
c) Những người tổ chức biểu tình có trách nhiệm theo dõi diễn tiến của việc biểu tình, chịu trách nhiệm về việc biểu tình phải diễn ra một cách ôn hòa.
d) Không sử dụng những hình ảnh, biểu tượng gây hiểu lầm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người, có tính chất thù địch về mặt chính trị trên trang phục, băng-rôn, khẩu hiệu.
e) Không mặc những trang phục, hoặc sử dụng những biểu tượng có tính chất kích động bạo lực hoặc kỳ thị.
f) Ban tổ chức cuộc biểu tình có nghĩa vụ tổ chức biểu tình đúng thời gian thông báo, số lượng người tham gia.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền
1. Quyền của cơ quan công quyền
a) Có thể cấm biểu tình tại thời điểm chuẩn bị tiến hành biểu tình khi có những căn cứ rõ ràng cho thấy biểu tình không tuân thủ đầy đủ các quy định theo luật biểu tình. Thông báo điều này cho đoàn biểu tình tối thiểu 6 giờ trước khi biểu tình dự kiến diễn ra.
b) Có thể giải tán biểu tình trước thời điểm đăng ký khi có những căn cứ rõ ràng cho thấy quá trình biểu tình đã bị mất kiểm soát từ phía người tổ chức biểu tình. Thông báo điều này cho những người tổ chức biểu tình và yêu cầu được hợp tác.
c) Ngay khi tuyên bố giải tán biểu tình, tất cả các thành viên lập tức phải rời khỏi nơi biểu tình. Trong quá trình biểu tình, không chỉ những người tổ chức biểu tình mà cảnh sát cũng có thể yêu cầu người không tuân thủ các quy định về Luật Biểu tình ra khỏi đoàn biểu tình.
d) Tiến hành tạm giữ hành chính một cá nhân hay một vài cá nhân được cho là gây nguy hiểm trực tiếp cho “trật tự biểu tình”, và được phép yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân, thông qua sự đồng ý các quan điểm chung với những người tổ chức biểu tình.
e) Được phép sử dụng các biện pháp khác ngoài lời kêu gọi nhằm giải tán biểu tình, trong trường hợp lệnh giải tán được ban ra. Các biện pháp này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.
2. Nghĩa vụ của cơ quan công quyền
a) Thực hiện mọi biện pháp để tạo môi trường thuận lợi nhất cho đoàn biểu tình. Trong đó đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, trẻ vị thành niên được bày tỏ quan điểm của mình. Đảm bảo tài sản cá nhân, tài sản công trong tiến trình giám sát biểu tình.
b) Loại bỏ hoặc tìm cách loại bỏ sự phân biệt đối xử trong quá trình biểu tình (sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới tính, thể trạng).
c) Bảo vệ đoàn biểu tình khỏi sự đe dọa hoặc quấy rối vật lý, các hành vi khiêu khích, bạo lực từ bên ngoài. Tạo điều kiện cho những tổ chức nhân quyền, báo chí giám sát, báo cáo về cuộc biểu tình ôn hòa.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
2. Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với công dân vì lý do tham gia các cuộc biểu tình.
3. Tiến hành bắt giữ cá nhân, bắt giữ hàng loạt, sử dụng vũ lực trái phép, hình sự hóa các cuộc biểu tình, sử dụng các phương tiện khác nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình công khai, hợp pháp.
4. Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và người tham gia hoạt động biểu tình.
5. Trường hợp đã có tuyên bố cấm biểu tình hoặc có lệnh giải tán biểu tình đã được công bố, người nào tiếp tục tiến hành cuộc biểu tình, tùy thuộc vào mức độ và hậu quả gây ra mà sẽ bị xử tương ứng với các quy định tại Bộ Luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Hình sự.
Điều 9. Giới hạn quyền biểu tình
1. Sử dụng quyền biểu tình nhằm mục đích chống đối lại xã hội bằng cách cổ vũ, tôn vinh chủ nghĩa khủng bố.
2. Sử dụng quyền biểu tình để bao vây và tấn công vào tòa nhà Quốc Hội, khu vực quân sự, các công trình công ích nhà nước.
3. Sử dụng quyền biểu tình để kích động hận thù, gây chia rẽ các sắc tộc, kỳ thị hoặc phỉ báng tôn giáo, vùng miền trong nước.
Chương III. Xử lý vi phạm
Điều 10. Xử lý vi phạm
1. Người nào đe dọa, chia rẽ, gây trở ngại hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp bằng các hành động bạo lực, hoặc đe dọa tinh thần người tham gia biểu tình ở trước, trong và sau cuộc biểu tình, sẽ căn cứ theo quy định tương ứng của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
2. Người nào sở hữu vũ khí hoặc chất nổ trong quá trình tham gia biểu tình sẽ chịu trách nhiệm tương ứng của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
3. Người nào ép buộc người khác tham gia vào cuộc biểu tình dưới mọi hình thức sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc xử lý hình sự
4. Sau khi đã có tuyên bố cấm biểu tình hoặc lệnh giải tán biểu tình đã được công bố, người nào tiếp tục chống đối bằng việc tiếp tục tiến hành biểu tình sẽ được xử lý theo các quy định tương ứng của Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
5. Những người tổ chức biểu tình, người trợ giúp biểu tình, cơ quan công quyền mà sử dụng vũ khí hoặc công cụ bạo lực khác gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe cho người khác, hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác tại cuộc biểu tình, cũng như tại địa điểm diễn ra cuộc biểu tình, sẽ chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với Bộ Luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lý.
6. Việc xử phạt hành chính được dẫn chiếu, áp dụng điều khoản liên quan của Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự và Luật Xử phạt vi phạm hành chính, hoặc văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Chương IV. Điều khoản thi hành
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực từ…,
2. Việc thực hiện Luật này không chờ đợi vào văn bản hướng dẫn dưới luật, nếu như các văn bản này được ban hành không đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Biểu tình.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa …, kỳ họp thứ … thông qua ngày … tháng … năm 201…
* Bài viết và ý kiến góp ý cho dự luật Biểu tình xin gửi về địa chỉ: bancctc@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét