Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

ĐÁNH ĐU Ở NGÃ BA ĐƯỜNG

Sài gòn Báo FB

Nguyễn an Dân

Mấy hôm nay dư luận đang bàn tán việc ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn đầu một phái bộ hùng hậu 4 Ủy Viên Bộ Chính Trị (Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Đinh Thế Huynh) và một số quan chức cao cấp bên chính phủ như Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, bộ trưởng một số bộ tài chính, kế hoạch đầu tư…sang thăm và làm việc với Trung Quốc.
Chuyến đi của phái đoàn này sẽ có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong chính trị Việt Nam trong giai đoạn từ đây đến năm sau.


Tôi xin phép góp vài ý kiến
TIẾP TỤC HỢP TÁC CHẶT CHẼ VÌ LỢI ÍCH THIẾT THỰC CỦA AI?
Theo thông cáo chính thức của Việt Nam, người đứng đầu hai đảng của hai nước Việt Trung đã ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng, trong đó luôn nhấn mạnh một ý lớn là sự hợp tác của hai đảng cộng sản cầm quyền luôn là “đã từ lâu và sẽ vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước”.
Có lẽ các quan chức của hai bên đã quên rằng có một số ngư dân Việt Nam, vì tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của mình mà tử vong trong tháng 5,6/2014 (khi Trung Quốc triển khai giàn khoan HY 981), sẽ không được hưởng những “lợi ích thiết thực” này do sự “hợp tác chân thành, chặt chẽ” từ lâu và sắp tới của hai đảng.
Nhân dân Việt Nam mong muốn phía Trung Quốc phải có một hành động thiết thực và chịu trách nhiệm nhất định cho tổn thất nhân mạng của công dân Việt Nam trong sự kiện giàn khoan vừa qua.
Không thấy phái bộ Việt Nam nêu ra sự việc này với phía Trung Quốc, hay là phái bộ “không biết và chưa nghe cấp dưới báo cáo” , hay là sinh mạng công dân Việt Nam bị bỏ quên trong việc cần thiết phải duy trì “tình hữu nghị giữa hai đảng anh em Trung –Việt”.
Kể từ thời ông Hồ Chí Minh và ông Mao Trạch Đông còn cầm quyền đến nay (thông cáo chung có đề cập), nhân dân Việt Nam đã trải qua cuộc cải cách ruộng đất thảm họa, rồi một thời kỳ đất nước ly tán và đói khổ (sau 1975 cho đến trước đổi mới 1986 khi bắt chước theo mô hình đại nhảy vọt và ba ngọn cờ hồng của TQ).
Tất cả đều là làm theo học theo đảng cầm quyền Trung Quốc. Không rõ nếu các “lợi ích thiết thực” sắp đến, có đủ bù đắp cho thiệt hại của quá khứ do việc hợp tác này gây ra hay không?
Trong tuyên cáo chung cũng có đoạn hai đảng và hai nước sẽ “tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ quân đội”.
Ai cũng biết chính quyền Trung Quốc (cũng là đảng cộng sản TQ) đã chỉ huy quân đội lấn chiếm hết khu vực Hoàng Sa và 70% quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Giao quân đội và an ninh quân gia vào một đối phương đã, đang và sẽ thôn tính lãnh thổ Việt Nam để họ “tăng cường định hướng chính trị và đào tạo cán bộ quốc phòng” của mình, liệu rằng có là khôn ngoan?
Tại sao phái đoàn lần này do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo không đề nghị phía Trung Quốc xin lỗi vì đã gây ra thiệt hại nhân mạng cho ngư dân Việt Nam, cũng như tháo bỏ các công trình xây dựng và rút quân khỏi các đảo đã bị chiếm đóng của Việt Nam, trước khi nói đến các việc ký kết hợp tác quốc phòng, an ninh..?
Và hơn nữa, đảo là của Việt Nam, Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực cướp đoạt, sao không danh chính ngôn thuận kiện thưa đòi lại mà phải “tiếp tục thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị để tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài” , thật là khó hiểu?
NGÃ BA ĐƯỜNG
Trong bối cảnh địa chính trị quan trọng của Việt Nam mà chúng ta đã biết thì Việt Nam đang trong sự chi phối của Trung Quốc, sự tái tạo ảnh hưởng của Mỹ và bàn tay tận dụng của Nga.
Sự tranh giành ảnh hưởng của 3 ông lớn này chính là nguyên nhân sâu xa của các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp đi khắp các nước có liên quan (Úc, Ấn, Nga..) lúc này của đảng cầm quyền Việt Nam hiện nay, mà nói theo dân gian là đi cầu ngoại viện. Nhưng liệu rằng hiệu quả như thế nào?
Trước khi đi Mỹ, ông Trọng đi Trung Quốc. Phải chăng những thỏa thuận vừa ký kết đó là lời cam kết duy trì tình hữu nghị Trung Việt để đảng cầm quyền Trung Quốc yên tâm là ông Trọng sẽ không trở cờ với Trung Quốc khi sang Mỹ?
Mỹ dĩ nhiên mong muốn một chính quyền thân Mỹ ở Việt Nam lên cầm quyền.
Ông Nguyễn Phú Trọng thì không nằm trong “nhóm thân Mỹ” này, đảng cộng sản Việt Nam muốn chuyến đi của ông Trọng sang Mỹ có hiệu quả thì họ phải chứng tỏ cho Mỹ thấy là ông Trọng sẽ góp phần quan trọng vào kế hoạch chuyển hóa quyền lực của Mỹ trong nội bộ Việt Nam. E rằng điều này sẽ khó thể thực hiện với những gì ông Trọng đã ký kết với Trung Quốc vừa qua.
Về phía Trung Quốc là như vậy, về phía Nga, một quốc gia lớn có ảnh hưởng ở Việt Nam trong quá khứ, và đang có ưu thế hơn Mỹ trong cảng Cam Ranh, điều này đã làm Mỹ phản ứng (vừa qua Mỹ đã lên tiếng “không hài lòng Việt Nam” vì cho máy bay Nga dùng cảng Cam Ranh để tiếp dầu) cũng là một khó khăn không nhỏ cho con đường đi thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nga ngày nay chỉ còn là một cái bóng của gã khổng lồ chân đất. Mỹ- Trung-Nga đang có ảnh hưởng vào bàn cờ Việt Nam thì Nga đã ở vào thế yếu so với hai nước còn lại. Nga sẽ ở ngoài tranh chấp Biển Đông vì không còn thực lực can thiệp giúp Việt Nam hữu hiệu khi Việt-Trung va chạm.
Đảng cầm quyền Việt Nam thừa hiểu điều đó, thế nhưng vì sao họ vẫn ưu tiên cho Nga hơn Mỹ ở Cam Ranh?
Câu trả lời nằm ở vị trí tấm bình phong, đảng cầm quyền Việt Nam cần dùng Nga như một lá chắn cho các chỉ trích từ công chúng trong việc kháng Trung trong khi không khoái đi với Mỹ vì sợ mất chế độ, hơn là vì những lợi ích thiết thực từ lá chắn Nga mang lại.
Từ khi Gorbachov, trong một bàn tiệc bừa bộn dọn vội vàng để tiếp cựu Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tại điện Kremli vào thập niên 90, đã từ chối cho Việt Nam vay tiền, thì tình hữu nghị Việt Xô giữa chính quyền hai nước chỉ còn là quá khứ.
Dùng Nga để cân bằng với Trung Quốc tại Việt Nam có lẽ chỉ là liều thuốc an ủi tinh thần và mị hoặc quần chúng hơn là có được hiệu quả thực sự từ đó.
Mỹ đã đưa ra bài kiểm tra nhỏ cho chuyến công du thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nếu quan hệ “hữu danh vô thực” với Nga như hiện nay mà đảng cầm quyền Việt Nam còn không từ bỏ và dứt khoát có thái độ (qua việc máy bay Nga tiếp dầu ở Cam Ranh) trước khi ông Trọng đến Mỹ, thì Mỹ liệu có tin là “nhóm bảo thủ thân Tàu” trong đảng muốn thực bụng nghiêng về phía Mỹ?.
E rằng những gì ông Trọng sẽ đạt được ở Mỹ sẽ khó có lợi ích gì cho Việt Nam.
Nga thì dĩ nhiên trung lập vì không còn lực và đang sa lầy ở Ukraine. Trung Quốc cũng không từ bỏ tham vọng ở Biển Đông và Kênh đào Kra. Trong ngã ba đường này, nếu đảng cộng sản Việt Nam không lựa chọn dứt khoát và cứ đu dây ở ngã ba Nga-Trung- Mỹ, thì rốt cuộc đất nước Việt Nam cũng chỉ tiếp tục là con chốt thí cho các cường quốc, như đã từng xảy ra trong quá khứ vào thập niên 1970.
E rằng với thông cáo chung ký kết với Trung Quốc vừa qua, sự không dứt khoát trả lời Mỹ trong vấn đề Nga tại Cam Ranh mới đây, sẽ làm Việt Nam mất hẳn Trường Sa và Hoàng Sa lần này (có khi vĩnh viễn).
Trung Quốc sau khi lấy trọn hai quần đảo của Việt Nam, sẽ dừng lại để tránh va chạm thêm với Mỹ. Và vì đảng cầm quyền Việt Nam không thực lòng, Mỹ cũng sẽ không vì Việt Nam mà gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Con tốt Việt Nam một lần nữa sẽ bị thí trên bàn cờ địa chính trị quốc tế, và dân tộc Việt Nam không được hưởng lợi ích gì, chỉ còn mấy cái bánh vẽ ở “con đường Tơ Lụa trên biển” mà Trung Quốc đang đưa ra làm mồi nhử.
Điều 4 Hiến Pháp ghi rõ đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình, vậy đảng có thể thông báo cho nhân dân biết khi nào thì Trung Quốc, vì các hoạt động đối ngoại mà đảng luôn hô hào là tốt và hiệu quả, sẽ bị áp lực mà rút quân và bàn giao lại Trường Sa và Hoàng Sa cho Việt Nam?
Hay là bây giờ đảng cứ đánh đu ở ngã ba đường và giao trách nhiệm này cho hậu thế ?
DỰ ĐOÁN NHÂN SỰ
Các chuyến đi của các lãnh đạo đảng vừa qua cũng cho thấy một góc khác của vấn đề nhân sự trong đại hội 12 năm 2016 sắp đến.
Vị trí tổng bí thư thì dư luận đánh giá là “ông Nguyễn Tấn Dũng mong muốn dù Trung Quốc cố ngăn cản” nên cũng có thể có phức tạp vào giờ chót.
Ông Phạm Quang Nghị thì đã ngã ngựa, vì đã đi Mỹ nên làm thiên triều Trung Quốc không tin tưởng. Còn thêm vụ chặt cây, có lẽ những nhát cưa 6700 cây cổ thụ cũng đã góp phần cưa đứt luôn con đường đi lên ghế Tổng bí Thư của ông bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Một ứng viên khác mà Trung Quốc đã từng kỳ vọng là ông Trần Đại Quang thì cũng đã thất thế vì đã đi Mỹ mới đây và được truyền thông của “nhóm Nguyễn Tấn Dũng” đánh bóng thổi phồng lên bằng những từ ngữ đao to búa lớn, được phe này bình luận và đánh giá là “góp phần quan trọng trong việc nâng tầm và củng cố sâu sắc, ảnh hưởng mạnh trong quan hệ Việt Mỹ”.
Có vẻ Trung Quốc không vui lắm về việc này, nên khi ông Quang về nước đã liên tục phát biểu “kiên trì bảo vệ đảng và thành quả cách mạng, XHCN”. Có khi nào những phát biểu này còn mang hàm ý “phân trần” chăng?
Một ứng viên khác lộ diện là ông Đinh Thế Huynh khi người ta thấy ông này chỉ ngồi sau ông Trọng tại Trung Quốc. Có vẻ các ứng viên mà phe bảo thủ đề cử cho ghế tổng bí thư đều đã làm Trung Quốc mất lòng tin vì đã đi Mỹ và “góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Việt-Mỹ” , không biết ông Huynh sẽ bị sự cố gì sắp tới không khi mà dư luận vẫn nói ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn là ứng viên Tổng Bí Thư.
Có vẻ bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăng vào chức danh chủ tịch Quốc Hội vì đang được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lựa chọn là người cộng sự, nên đã được cử đi Trung Quốc kỳ này để ra mắt và góp phần điều chỉnh chính sách?
Tuy nhiên vào ngày 11-4 tới đây, bà Ngân cũng có chuyến làm việc kéo dài 10 ngày tại Mỹ. Nội dung gồm các vấn đề xã hội dân sự, thực thi pháp luật… với các tổ chức xã hội và tổ chức thuộc chính phủ Mỹ.
Một ứng viên cho ghế thủ tướng cũng hé lộ là Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên nắm Tổng Bí Thư, ông sẽ khó đi đối ngoại (vì không chính danh), cũng như ông Dũng sẽ cần ngồi nhà nhiều hơn để ổn định nội bộ đảng và đất nước, thì ông Phạm Bình Minh lên thủ tướng sẽ là một lựa chọn hợp lý. Và nhất là ông Phạm Bình Minh có thể thay ông Nguyễn Tấn Dũng đi xin và mượn tiền (cần nhớ là Việt Nam hiện nay đã khủng hoảng tài chính nghiêm trọng)
Nếu dự đoán trên đây thành hiện thực, thì chức danh chủ tịch nước sau khi ông Sang hết nhiệm kỳ sẽ bỏ trống. Và do chính quyền Việt Nam dưới tay ông Dũng điều hành sẽ có xu hướng thân Mỹ, nên để cân bằng ảnh hưởng và tránh va chạm nhiều quá với Trung Quốc, thì ông Phùng Quang Thanh sẽ được cơ cấu là chủ tịch nước, như một miếng đệm có chức năng giảm xóc trong thời kỳ chuyển tiếp.
Sau cùng, dù ai lãnh đạo cầm quyền đi nữa, dân tộc Việt Nam vẫn cần sinh sống và phát triển trong một chính thể pháp trị dân chủ, minh bạch, công bằng và văn minh tiến bộ.
Và cũng cần một thái độ dứt khoát trong tìm kiếm bạn bè đồng minh để thoát khỏi số phận con chốt thí như nguy cơ đang đến gần.
NAD
Một ảnh của người dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét