Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Con lai Mỹ và 40 năm hành trình về quê cha

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2015-04-09
Một trẻ lai Mỹ ở Việt Nam năm 1989
Một trẻ lai Mỹ ở Việt Nam năm 1989  AFP
Your browser does not support the audio element.

Số liệu chính thức từ cuộc chiến Việt Nam 40 năm trước cho thấy hơn 58.000 quân nhân Hoa Kỳ từ trận, khoảng 2.000 được coi là mất tích trong lúc đang thi hành nhiệm vụ (POW/MIA). Thế nhưng ít có ai nhớ hay biết đích xác là đã có mấy chục ngàn đưa trẻ mang hai giòng máu Mỹ và Việt ra đời trong thời chiến.


Đó là những người con lai với thân phận và cuộc sống bị vùi đập, bị hắt hủi, thậm chí bị mẹ ruồng bỏ do áp lực và thành kiến cay nghiệt trong bối cảnh đổi đời sau 30 tháng Tư 1975. Đó là lý do nhiều con lai mang họ mẹ thay vì họ của người cha Mỹ như trong khai sinh trước đó.
Đức Nguyễn , em lai đen, cuộc sống con lai ở Việt Nam sau 30 tháng Tư rất khổ, bị kỳ thị, xua đuổi. Ba mươi tháng Tư vô thì em lúc đó vừa 7 tuổi. Mẹ thì mất liên lạc khi một tuổi, em sống lưu lạc với bà dì, bà dì mất thì em sống một mình, tự động phải đi tìm sự sống, xin vô bưng phở hoặc là dọn dẹp rửa chén cho người ta . Cộng sản kêu tụi em con lai là con đế quốc Mỹ, họ xô đẩy chửi bới mà mình không có quyền nói lại. Nếu mà nói lại cộng sản sẽ bắt vào tù.
Oanh Nguyễn ở Oklahoma City, Okahoma, em lai da màu, lai đen. Lúc mẹ sanh em có ba còn ở chung, em có khai sanh họ tên Mỹ. Nhưng lúc ba đi về nước năm 1972 thì sau có người nói với mẹ là nếu có liên can tới Mỹ hay có con Mỹ thì họ sẽ giết em và mẹ em. Mẹ sợ quá phải đốt hết giấy khai sanh rồi đổi thành họ Nguyễn. Sau 30 tháng Tư mẹ dọn về dưới quê thì cũng rất cực khổ. Đi học thì bị bạn bè trong lớp đánh rồi kêu những danh từ không được hay, trong lớp lúc nào cũng bị ngồi hàng chót. Có nhiều người còn chửi trong mặt mình là má mày lấy đế quốc Mỹ cho nên mới sanh ra mày.
Tôi là Hoàng Ngô, lai trắng, ở Việt Nam ở Vĩnh Long. May mắn là không bị hành hạ không bị kỳ thị bởi vì chỗ tôi ở ít có người Bắc nên tôi không bị kỳ thị nhiều.
Đạo luật Amerasian Home Coming Act
Đi học thì bị bạn bè trong lớp đánh rồi kêu những danh từ không được hay, trong lớp lúc nào cũng bị ngồi hàng chót. Có nhiều người còn chửi trong mặt mình là má mày lấy đế quốc Mỹ cho nên mới sanh ra mày
Oanh Nguyễn
Năm 1987, nhờ sự ra đời của đạo luật Amerasian Home Coming Act, tạm dịch là Đạo Luật Con Lai Trở Về Nhà, gần 30.000 con lai Mỹ trong đó có Đức Nguyễn, Oanh Nguyễn, Hoàng Ngô vân vân… củng gia đình thân nhân được phép sang Hoa Kỳ đinh cư.
Khi ra đi, gia đình những người con lai Mỹ được đưa tới một trạm trung chuyễn ở Philippines, lưu lại đó mấy tháng trước khi lên đường nhập cư vào Mỹ.
Đức Nguyễn: Em qua tháng Bảy năm 91, định cư ở Florida , cuộc sống bây giờ cũng ổn định lắm rồi.
Oanh Nguyễn: Lúc em biết má nộp hồ sơ là năm 1983, năm 90 thì được đi Mỹ. Bây giờ cuộc sống của em tạm ổn định.
Hoàng Ngô: Tôi qua năm 1989, tiểu bang đầu tiên là Utah không có người Việt. Vì bận bịu quá, lo phụ mẹ nuôi mấy đứa em bởi vậy không có thì giờ để đi tìm cha và luôn luôn lúc nào trong lòng cũng ao ước thấy mặt người cha như thế nào.
Tính đến lúc này, khoảng ba đến bốn trăm anh chị em hai giòng máy Mỹ Việt còn ở lại Việt Nam, phần lớn tại những vùng xa thành phố.
Ông Nam Lộc, giám đốc Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Chuyên Trách Di Dân tại California, giải thích đó là hậu quả khi đạo luật Amerasian Home Coming Act bị phía Mỹ ngưng lại:
Có nhiều lý do tế nhị, tuy nhiên một cách tổng quát thì các em đa số có mẹ làm việc cho công hay tư sở Mỹ hay có những người làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ nên có mối liên hệ với quân nhân Hoa Kỳ.
Phái đoàn vận động dự thảo luật cho con lai
Phái đoàn vận động dự thảo luật cho con lai được vào quốc tịch Mỹ có cuộc gặp gỡ với bà dân biểu Zoe Lofgren

Đa số những cuộc hôn nhân đó là không chính thức. Tôi nói như vậy để chứng tỏ các em không có cơ hội nào để được giáo dục, để được huấn luyện, để được nuôi dưỡng như những đứa trẻ bình thường. Đến khi thình lình Mỹ ban hành đạo luật Home Coming Act – Đón Trở Về Cố Hương thì đương nhiên các em giống như một món quà đắt tiền. Nhiều người muốn dính vào để dùng đó làm tấm thẻ thông hành để sang Hoa Kỳ, cho nên nhiều em đã chấp nhận và vô tình phạm luật là nói dối với chính phủ Hoa Kỳ đây là cha tôi, đây là mẹ tôi, anh chị em tôi vân vân…mà thực sự là có sự trao đổi tiền bạc trong đó. Khi chính phủ Hoa Kỳ khám phá có sự có sự gian lận, dối trá cho nên họ quyết định thêm tiêu chuẩn cứu xét khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao về sau này các em bị kẹt lại khá đông. Chính sách cứu xét chương trình con lai do đó đã thay đổi rất nhiều.
Điều chắc chắn đạo luật Amerasian Home Coming Act là cứu cánh cho rất nhiều con lai, trong đó có những trường hợp thê thảm như Nina Nga Thu Dương. Lúc còn ở Việt Nam, Nina từng bị bầm dập vì thân phận con lai của mình, từng bị xâm hại tình dục khi tuổi còn nhỏ. Sang Mỹ, cô bị chồng, cũng là con lai, bỏ rơi ngoài đường khi cô mang thai được 7 tháng. Phải đi lượm lon bán để sống qua ngày, trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó cô lại bị xâm hại một lần nữa. Qúa tuyệt vọng, Nina Nga Thu Dương tự tử rồi được cứu sống. Hiện giờ cô làm việc trong một trung tâm y tế của chính phủ, chuyên hỗ trợ người cao tuổi bị bệnh tâm thần. Cô từng được mời lên đài truyền hình ở Boston, Massachusetts, để nói về thân phận con lai của cô và những bạn đồng cảnh ngộ.
Đến khi thình lình Mỹ ban hành đạo luật Home Coming Act thì đương nhiên các em giống như một món quà đắt tiền. Nhiều người muốn dính vào để dùng đó làm tấm thẻ thông hành để sang Hoa Kỳ, cho nên nhiều em đã chấp nhận và vô tình phạm luật là nói dối với chính phủ Hoa Kỳ
Nam Lộc
Trong cuộc sống em chết đi sống lại nhưng em hãnh diện với bản thân là một mẹ mà nuôi 5 đứa con thành tài. Coi như đời mình bỏ đi, chỉ nghĩ tới con mình. Con trai với con gái của em nó nghe cuộc đời em đau khổ như vậy nó cố gắng nó học. Bây giờ con trai là hạ sĩ quan bậc 5 Thủy Quân Lục Chiến, con gái là Binh Nhất Bộ Binh trong quân đội Hoa Kỳ.
Đến Mỹ năm 1989, 1990, 1991 và lần lượt những năm sau đó, đa số những người con lai thấy mình bị chìm dần vào lãng quên tại quê hương của người cha chưa tìm thấy. Theo thời gian bắt buộc, một số đã vào quốc tích và dần hội nhập một cách riêng lẻ vào giòng chính .
Một số khác đến giờ này vẫn chưa có quốc tịch vì không biết đọc biết viết nên không thể thi lấy bằng. Nhìn chung, cuộc sống của anh chị em lai những năm đầu đến Mỹ xem ra có nhiều trở ngại hơn những người Việt đi diện ODP Đoàn Tụ Gia Đình hoặc diện HO Cựu Tù Chính Trị sau 1975.
Tổ chức Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc
Tháng Chín năm 2007, tại thành phồ Dallas Fort Worth, tiểu bang Texas, lần đầu tiên hơn hai trăm con lai trên đất Mỹ ngồi lại với nhau để thành lập tổ chức có tên Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc cho chính họ:
Từ nào giờ mình thấy anh chị em bạn lai rải tác mọi nơi nhưng mà chưa bao giờ thấy họp lại như vậy, giống như một gia đình.
Em thì đã nhập quốc tịch rồi nhưng còn ông anh với bà chị không có điều kiện để thi được, tiếng Anh họ không biết.
Em qua đây năm 92, em không có chữ nghĩa gì cho hung, cũng giống các anh chị em lai tụ tập lại đây, cũng không có học thức gì cho mấy, cho nên tụi em không có thể nào thi quốc tịch được.
Những anh chị em con lai lai thuộc Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc đã tụ về Washington DC để thắp nến tại Bức Tường Đen Vietnam War Memorial
Những anh chị em con lai thuộc Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc đã tụ về Washington DC để thắp nến tại Bức Tường Đen Vietnam War Memorial

Hầu như tụi con đa số là không biết chữ làm sao thi được. Qua đây coi như vác cái cuốc đi làm rồi đâu có thời giờ đi học.
Em ở San Diego, em nhập quốc tịch cũng rất lâu rồi. May mắn là em qua đây vừa đúng 17 tuổi thì em bắt đầu đi học trung học rời đại học.
Con lai mình nhiều anh chị em cũng không biết tiếng Việt, tiếng Anh cũng không có nên rất là khó khăn.
Tại buổi họp mặt này, các anh chị em lai đã khóc rất nhiều khi đến phần thắp nến cho những người cha Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Và cũng có nhiều người bày tỏ lòng khát khao thôi thúc muốn biết mặt mẹ ruột đã bỏ rơi mình. Có người mong gặp cha Mỹ của mình còn sống ở đâu đó trên đất Hoa Kỳ. Chị Thủy Lê:
Lúc nào mình cũng có ước vọng tìm được người mẹ để biết tâm tình người mẹ đối với người con như thế nào và muốn tìm hiểu vì sao bà cho mình đi.
Chị Mỹ Duyên: Cầu xin sao cho con em đi ra ngoài đừng bị bạc đãi như mẹ của nó, được người này người kia thương, giúp đỡ. Cuộc đời của em sao khổ quá, em không muốn con em bị như em nữa, cha thì không biết là ai, mẹ thì chết, em cũng không biết em là ai…
Một trong những người đứng ra kêu gọi anh chị em lai thành lập Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc lúc đó, anh Trần Ký:
Phần thứ nhất là đấu tranh cho anh chi em lai còn bị kẹt ở Việt Nam, phần thứ hai là nghi lễ cầu nguyện cho cha của tụi em tại Bức Tường Đen. Chương trình thứ ba là đấu tranh để được vào quốc tịch Mỹ.
Rất nhiều anh chị em lai chỉ mới học Lớp Một hoặc Lớp Hai mà thôi, vì lý do đó chúng em ao ước được được chính phủ Hoa Kỳ nhìn lại đạo luật đưa các con của quân đội Hoa Kỳ về lại quê cha. Tụi em mong muốn là khi được về quê cha thì một đặc ân nữa là được vào quốc tịch Mỹ để xác định tụi em là con của người Mỹ.
Năm 2009, gần 400 thành viên con lai thuộc Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc đã tụ về Washington DC để thắp nến tại Bức Tường Đen Vietnam War Memorial, nơi khắc tên 58.000 quân nhân Mỹ chết trong trận chiến Việt Nam mà con lai gọi là cha và chú của họ.
Tháng Chín năm 2007, tại thành phồ Dallas Fort Worth, tiểu bang Texas, lần đầu tiên hơn hai trăm con lai trên đất Mỹ ngồi lại với nhau để thành lập tổ chức có tên Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc cho chính họ
Con cái của quân lính Mỹ khi được đưa về quê cha thì đương nhiên phải là công dân Hoa Kỳ mà không cần qua cuộc thi nhập tịch bắt buộc như mọi người khác, là lập luận của bà dân biểu Zoe Lofgren qua dự luật Amerasian Paternity Recognition Act.
Tháng Tư năm 2012, một phái đoàn anh chị em lai từ Virginia, Maryland, Pensylvania, Colorado, trở lại Điện Capitol ở Washington DC để gặp bà dân biểu Zoe Lofgren, nhắc nhở bà đẩy manh dự luật Amerasian Paternity Recognition Act do bà soạn thảo. Đáng tiếc đến giờ dự luật chưa lần nào được hạ viện mang ra bàn thảo một cách chính thức.
Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày 30 tháng Tư 1975, quá nhiều thay đổi cho anh chị em con lai đến Hoa Kỳ. Nhiều người trở nên giàu có nhờ siêng năng làm lụng, nhiều người trở thành ông bà nội ngoại của những đứa cháu ra đời ở Mỹ:
Bây giờ con của em tiếng Mỹ nó biết mà mình thì không biết mới khổ. Khi mình rầy la nó không biết nó có chửi mình bằng tiếng Mỹ không nữa, khổ vụ đó thôi. Cũng cố gắng dạy nó tiếng Việt Nam mà làm như nó quen cái tiếng Mỹ rồi. Nhiều khó khăn về phần con rồi phần em không đi làm được. Không biết lái xe mới khổ, đi thi hoài mà không đậu.
Dưới mắt những người thực sự quan tâm đến con lai, đó là những cuộc sống bấp bênh trong tâm tưởng, chưa thể gọi là hoàn chỉnh trong cái nghĩa tương đối của nó dù như đã rất cố gắng. Nữ tu Trương Mỹ Hạnh. thường sinh hoạt và giúp đỡ anh chị em lai, nhận xét:
Không biết đọc biết viết thì đừng có nói gì vô quốc tịch để có phúc lợi sau này. Mình thấy họ sống trong một thế giới bị cắt đứt với cộng đồng Việt Nam và đồng thời cũng không có một cái gì liên hệ với cộng đồng người Mỹ ở đây hết.
Bà Khúc Minh Thơ, một thời sát cánh với Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc những năm đầu:
Về con lai thì họ đều nói là tụi nó mất dạy hoặc là tụi nó quậy. Tôi cứ nói đâu có ai dạy chúng nó đâu, thành ra mình hãy vì tình thương dìu dắt để chúng nó có một mái ấm gia đìmh của riêng chúng nó, để sau này con cái nó sẽ ngẩng mặt lên nhìn mọi người.
Điều đáng tiếc nữa, do thời giờ, sinh kế, rồi những ý kiến quan điểm bất đồng, dần dà Gia Đình Mỹ Việt Toàn Quốc không còn hoạt động mạnh như thưở đầu:
Tôi là Ngô Quyền, có dịp may được sinh hoạt với anh chị em lai đầu tiên hết..Cái ước vọng là làm sao các anh chị em lai thực sự kết hợp lại với nhau, đùm bọc thương yêu nhau. Rất tiếc có một vài bất bình cá nhân nho nhỏ gây ra sự tranh chấp và đổ vỡ. Mặc dù hiện giờ tôi biết có một vài đơn vị thuộc các thành phố các tiểu bang vẫn còn sinh hoạt với nhau, nhưng tôi nghĩ các anh chị em đó nên phát triển rộng rãi hơn và mở rộng vòng tay hơn đối với những người anh em của mình.
Đó là câu chuyện Bốn Mươi Năm Hành Trình Con Lai Đến Mỹ. Xin hẹn quí vị tuần tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét