Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

“Định cư” và “tị nạn”: trường hợp Kim Phúc

Nguyễn văn Tuấn

Cô Kim Phúc và Nick Út trong lần nói chuyện tại 1 nhà thờ ở quận Cam ngày 3/6/2012. Photo: Ngọc Thu
Cô Kim Phúc và Nick Út trong lần nói chuyện tại 1 nhà thờ ở quận Cam ngày 3/6/2012. Photo: Ngọc Thu
Sắp đến ngày 30/4 báo chí VN đang đi tìm những nhân vật lừng danh một thời. Báo Người đô thị có phóng sự ảnh về Phan Thị Kim Phúc, nhưng có một thông tin tôi thấy không đúng và có thể làm người đọc hiểu sai vấn đề. Trong ảnh, phóng viên chú thích rằng “Kim Phúc cùng con trai và chồng (phía sau). Năm 1992, trong chuyến nghỉ trăng mật ở Moscow, Nga sau khi kết hôn, vợ chồng Kim Phúc xin định cư tại Ajax, Ontario, Canada.” (1) Sự thật thì không phải như thế; sự thật là Kim Phúc và chồng xin tị nạn chính trị tại Canada.


Có lẽ tôi phải nói qua về cái “tị nạn” để các bạn hiểu chút. Thời thập niên 1980 trong các trại tị nạn ở Thái Lan, các nhân viên thiện nguyện và người đi trước lúc nào cũng dặn dò người đến sau là phải chứng minh tư cách tị nạn chính trị. Tiếng Anh là “political refugee“. Trong thực tế thì khi các viên chức phỏng vấn người xin đi tị nạn cũng xoáy vào những thông tin để đương sự khai cho hợp với tư cách đó. Đại đa số người Việt không có vấn đề gì, nhưng những người như người Việt gốc Tàu có khi có vấn đề. Vấn đề là khi họ đến trại tị nạn, họ vênh mặt lên và khai rằng họ là “Chinese” (người Hoa) chứ không phải người Việt. Có lẽ họ nghĩ người Hoa cao hơn người Việt? Mà, đối với các viên chức phương Tây thì nếu họ là người mang quốc tịch Tàu, họ không có tư cách tị nạn chính trị, và giao họ về cho … China! Nhiều người chết dở sống dở vì lời khai người Hoa đó, nhưng lời khai đó cũng nói lên phần nào bản chất của một số người Hoa là họ không trung thành gì với VN cả cho dù họ sinh ra và lớn lên và mang quốc tịch Việt Nam. Câu chuyện đó nói rằng rất quan trọng phải phân biệt “định cư” và “tị nạn”. Cho đến nay ở Úc sự phân biệt đó vẫn quan trọng, và theo đó nếu đương sự chứng minh được là tị nạn chính trị thì được phép cho vào Úc tị nạn, còn không thì bị gửi qua Kampuchea.
Quay lại câu chuyện của Kim Phúc, một thời nổi tiếng là “em bé Napalm” trong bức ảnh do phóng viên Nick Út chụp vào năm “mùa hè đỏ lửa” (1972). Bức ảnh nói lên sự dã man của chiến tranh và bom đạn, làm xúc động cả thế giới, và Mĩ bị phản đối dữ dội. Bức ảnh cũng đem đến cho Nick Út giải thưởng danh giá. Sau 1975, Kim Phúc được giới tuyên truyền VN sử dụng như là một vật thể cho tuyên truyền chống Mĩ. Chính Kim Phúc từng viết “The Communists had other plans, and used me as a propaganda tool” (người cộng sản có kế hoạch khác, và họ dùng tôi như là một công cụ tuyên truyền) (2).
Cô được Nhà nước ưu ái cho đi học ở Cuba vào năm 1986. Theo Kim Phúc kể lại (1), cô gặp người chồng tương lai ở Cuba, và sau khi thành hôn, họ được phép đi Moscow. Sau khi thành hôn họ được phép đi hưởng tuần trăng mật ở Moscow. Trên đường từ Moscow về lại Cuba, máy bay tạm đáp ở Newfoundland (Canada) để tiếp nhiên liệu, và nhân dịp này Kim Phúc và chồng xin tị nạn chính trị ở Canada. Trước đó, Kim Phúc đã có ý định xin tị nạn chính trị, nhưng cô chưa nói cho chồng biết. Hai vợ chồng được chấp nhận cho tị nạn và họ sống ở Ontario từ đó cho đến nay. Kim Phúc còn cho biết cô trở thành một tín đồ đạo Tin Lành từ đó.
Tôi nghĩ phóng viên báo Người đô thị thừa biết Kim Phúc xin tị nạn chính trị, chứ không đơn thuần “xin định cư”, nhưng phóng viên phải viết như thế để được đăng báo. Tôi có cảm giác cho đến nay, sau 40 năm ngày thống nhất đất nước, Nhà nước VN vẫn chưa chấp nhận hai chữ “tị nạn”, và do đó, họ không muốn nhắc đến hai chữ đó trên báo chí (?)
Nhưng “định cư” và “tị nạn” chính trị khác nhau xa. Sự kiện “thuyền nhân” tị nạn là một vết nhơ trong lịch sử VN (chưa bao giờ người Việt bỏ nước ra đi nhiều như thế), nó nói lên bản chất của chế độ thời đó, và do đó, nhiều người trong chính quyền cũng như nhiều người ngoài Bắc vẫn chưa thoải mái khi nói về người tị nạn. Cho đến ngày nay, không ít người miền Bắc vẫn cho làn sóng người Nam vượt biển đi tị nạn là những kẻ chạy theo bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Dĩ nhiên, người biết chuyện chỉ thấy tội nghiệp cho những kẻ có suy nghĩ như thế. Đối với họ thì không thể nào nói gì thêm được do tế bào trí tuệ đã bị đột biến hư hỏng rồi. Và, chính những kẻ có suy nghĩ như thế này là lực cản để người trong và ngoài nước hoà giải, hoà hợp — tôi nghĩ thế.
Lí do Kim Phúc xin tị nạn thì có thể đọc trong bài qua chính chữ của cô ấy (2), nhưng thiết nghĩ các bạn không đọc cũng thừa thông minh hiểu tại sao Kim Phúc quyết định như thế. Thời đó ở miền Nam có câu “cái cột điện mà biết đi, chúng cũng đi”. Tuy nhiên, sự việc nhỏ này có ý nghĩa lớn, bởi vì thế hệ sau vẫn cứ nghĩ là Kim Phúc xin định cư ở Canada, và đó là một sự nói dối làm cho sự thật lịch sử bị lệch lạc. Nhiều người đòi hỏi khi viết sử phải dựa vào thông tin chính thống và điều đó cũng chẳng có gì sai (có lẽ họ mới đọc một cuốn sách giáo khoa nào đó bên phương Tây dạy về sử học nên đòi hỏi như thế), nhưng ở VN cái gọi là “thông tin chính thống” thường bị xuyên tạc, làm cho lệch lạc, và đổi trắng thay đen. Câu chuyện của Kim Phúc trên báo chí VN chỉ là một nhắc nhở người đọc nên cảnh giác trước những thông tin gọi là “chính thống”.
====
(1) http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/noi-mang-toan-cau/4012/-em-be-napalm-ngay-ay-bay-gio.ndt
(2) http://arts.lgontario.ca/lestweforget/essays/kim-phuc-phan-thi/
**********************************
02/04/2015 – 13:16 PM
Vài thập kỷ sau chiến tranh, những vết sẹo vẫn hằn trên da thịt Kim Phúc, bé gái trong bức ảnh nổi tiếng “Em bé napalm” ở Việt Nam năm 1972.
Trong ảnh
“Em bé napalm” do Nick Ut, phóng viên hãng AP, chụp ngày 8.6.1972. Trong ảnh, Phan Thị Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa đi vừa khóc sau khi bom napalm dội xuống Trảng Bàng, Tây Ninh. Phúc lúc đó bị bỏng ở lưng. Bức hình giúp nhà báo của AP giành giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí, năm 1973. Ảnh: AP/Nick Ut
1
Kim Phúc và mẹ năm 1972, hai ngày sau khi bom napalm dội xuống Trảng Bàng. Hơn 40 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày chiến tranh vẫn chưa nguôi đối với nhân vật trong bức hình. Khi đó, cô cùng anh trai và những đứa trẻ khác chạy trốn bom napalm của Mỹ. Khói vàng bao phủ khắp nơi, lửa bén vào quần áo và khiến Phúc bỏng ở lưng. Cây cối xung quanh bỗng trở thành những ngọn đuốc hung dữ. Ảnh: AP
1
Nick Ut trở lại Trảng Bàng thăm Kim Phúc năm 1973. Sau khi chụp bức ảnh ngày 8/6/1972, phóng viên 21 tuổi đưa Kim Phúc tới bệnh viện. Tại đó, các bác sĩ cho hay, bé gái bị thương nặng và khó qua khỏi. “Nếu tôi không giúp và bé chết, tôi sẽ cảm thấy như giết chính mình”, phóng viên ảnh chia sẻ. Christopher Wain, phóng viên hãng ITN của Anh, đề nghị đưa Kim Phúc sang bệnh viện khác sau khi bác sĩ chẩn đoán bé nguy kịch. May mắn, cô đã qua khỏi. Ảnh: AP
1
Năm 1986, chính phủ Việt Nam cử Kim Phúc sang Cuba học ngành y. Phóng viên Nick Ut gặp lại cô gái trong bức ảnh lần đầu tiên vào năm 1989 tại Cuba. Ảnh: AP
1
Tại Cuba, Kim Phúc gặp Bùi Huy Toàn, một sinh viên Việt Nam. Phúc chưa bao giờ tin người đàn ông nào đó sẽ yêu cô bởi những vết sẹo chiến tranh khắp lưng và tay mình. Toàn chấp nhận tất cả và chọn cô làm vợ. Hai người kết hôn năm 1992. Ảnh: Daily Mail
1
Kim Phúc cùng con trai và chồng (phía sau). Năm 1992, trong chuyến nghỉ trăng mật ở Moscow, Nga sau khi kết hôn, vợ chồng Kim Phúc xin định cư tại Ajax, Ontario, Canada. Vài thập kỷ sau chiến tranh, những vết sẹo vẫn hằn trên da thịt Kim Phúc. Năm 1997, cô gái trong bức ảnh nổi tiếng thành lập Quỹ Kim Phúc tại Mỹ để hỗ trợ trẻ em trong chiến tranh. Ảnh: Daily Mail
1
Phan Thị Kim Phúc và phóng viên Nick Ut diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại London năm 2000. Ảnh: Daily Mail
1
Cuộc gặp gỡ của nhân vật chính và tác giả bức ảnh “Em bé napalm” năm 2012. Ảnh: AP
Đỗ Quyên (Nguồn: Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét