Quốc Phương BBC Việt ngữ
Ông Lý Quang Diệu trong thời
kỳ nắm quyền lãnh đạo ở Singapore trước đây đã từng theo đuổi một chính
sách được cho là ‘sắt đá’ có lúc, có phần gây bất lợi cho một số thuyền
nhân Việt Nam, những người đã từ bỏ đất nước trên những con thuyền trên
Biển Đông, theo lời nhân chứng nói với BBC.
Tuy nhiên, cũng cần ‘thông cảm’ và ‘công bằng’ đối với ông Lý Quang Diệu vì ông không phải là lãnh đạo duy nhất ở Đông Nam Á đã nói ‘không’ với nhiều trường hợp thuyền nhân cần tìm chỗ ‘đáp lên bờ’ và ‘tị nạn’ khẩn cấp vì các lý do thiết yếu, vẫn theo lời nhân chứng.
Trao đổi với BBC hôm 28/3/2015, một nhân chứng trong chương trình người Việt tự cứu thuyền nhân trên Biển Đông, được biết tới là chương trình ‘Máu chảy ruột mềm’ những năm nửa cuối thuộc thập niên 1970, sau diễn biến 30/4 ở Sài Gòn, trước hết nói với BBC về cảm nghĩ của mình trước tin vị quốc phụ của Singapore vừa tạ thế.
“Tôi nghĩ là ông Lý Quang Diệu vừa qua đời, thì thế hệ sau này chắc là ai cũng ca ngợi ông ấy hết,” Sư cô Chân Không, từ Đạo tràng Làng Mai, một cộng đồng Phật giáo Việt Nam, tại Tây Nam nước Pháp nói.
“Và tôi thấy gần như 99% ai cũng ca ngợi, dĩ nhiên trong những câu ca ngợi họ cũng nói là nhờ chính sách sắt đá, thì thôi, thì tôi muốn để cho qua, nhưng muốn hỏi một nhân chứng chân thực thì hồi năm 1976, 1977, lúc đó thuyền nhân (Việt Nam) đang bị cư xử rất tàn tệ ở Singapore.
“Lúc đó tôi đang ở Singapore để trong chương trình Đại hội Tôn giáo Thế giới vì Hòa Bình (World Conference on Religion and Peace) họ mời Sư ông (Thích Nhất Hạnh) làm giám đốc chương trình ‘Máu chảy, Ruột mềm’, và Sư ông mời tôi qua làm phụ tá, với 8 người đệ tử của Sư ông, cư sỹ nữa, thì đi qua hết để làm.
“Lúc đó, báo chí đăng tin có một tàu Nhật vớt 99 thuyền nhân ghé tạm Singapore để trao hàng và đi các nước khác để giao hàng nữa, thì ở đó (Singapore) họ không cho vô và họ bắt tàu Nhật đó phải đóng thuế 1 triệu USD thì họ mới cho tạm để ghé giao hàng rồi mới đi, thì khi mà tàu đi mà đem đủ 99 thuyền nhân đó rồi, thì họ mới cho đi.
“Tôi nhớ chung chung là một thuyền nhân được một người đánh cá ở Singapore mà vớt và cho vào bờ, thì sẽ bị phạt 5.000 đô-la Singapore, và một người đánh cá mà phạt năm ngàn thì sống làm sao nổi?”
‘Những người có lòng’
Nhân chứng này tường thuật tiếp về cách thức mà những người muốn cứu giúp các thuyền nhân Việt Nam tới Singapore đã phải sử dụng ra sao, kể cả liên kết với ‘giới ngoại giao’ của ‘một nước thứ ba’ để đối phó với luật pháp và chính sách nhập cư của đảo quốc Đông Nam Á dưới thời ông Lý Quang Diệu.“Nhưng mà trong khi đó, cũng có những người đánh cá có lòng, và có những người Phật tử Việt Nam có lòng, mấy vị đó là vợ của những người Hoa Kỳ, hay người của các nước khác, là vợ của những vị đó, những bà đó có một ít tiền vì chồng cũng khá giả, thành ra mới lại nói với mấy người đánh cá Singapore, nói là anh mà vớt được một thuyền nhân, thì tôi cho anh 100 đô-la, rồi anh báo tin âm thầm cho chúng tôi biết,” Sư cô Chân Không, người đã có hẳn một cuốn sách với tựa đề ‘Con đường mở rộng’ trong đó có một chương nói về thuyền nhân Việt Nam ở Singapore, nói tiếp với BBC.
“Rồi chúng tôi mới âm thầm lấy xe, vì họ khá giả, họ lấy xe nhà, mà chở tới tòa Đại sứ Pháp, thì ở trong Tòa đại sứ Pháp lúc bấy giờ cũng có một người thư ký rất ‘chịu chơi’, lén vô mở cửa cho thuyền nhân. Mỗi lần vớt được 3 thuyền nhân, 5 thuyền nhân, thì mấy bà ấy phải hùn tiền nhau, mỗi bà 100 đô-la, để cho 500 đô-la hay 300 đô-la, rồi chở vô tòa Đại sứ Pháp rồi khóa cửa lại như là mấy người này nhảy vào hay sao ‘không biết’.
“Sáng hôm sau, Tòa Đại sứ mở cửa nói ‘Có ba tên nhập cảnh bất hợp pháp, thì họ phải báo tin cho Singapore biết, ‘có ba người này (chúng) tôi không biết, toàn nói tiếng Việt không, (họ) nói chúng tôi thuyền nhân, ‘chúng tôi mò từ biển, tụi tôi đi bộ lên’.
“Ông Đại sứ Pháp là một người rất có lòng, lúc đó, ông tên là Jacques Gasseau, ông khai báo với cảnh sát Singapore là có 3 người nhập cư bất hợp pháp ở trong lãnh thổ Pháp, thì chúng tôi sẽ làm giấy tờ để cho mấy người bay được đi Pháp.”
Theo nhân chứng này, nhiều lần các nhà vận động Việt Nam đã tiến hành các cuộc họp báo ở quốc tế hay khu vực, vận động công khai tới chính quyền của ông Lý Quang Diệu, nhưng dường như nhà lãnh đạo này đã trong suốt thời gian dài không thay đổi chính sách với thuyền nhân Việt Nam, ngược lại được cho là còn ‘trục xuất’ nhiều nhà hoạt động trong các chương trình ‘Cứu giúp thuyền nhân’, trong đó có Thiền sư Nhất Hạnh và các trợ lý.
‘Đẩy ngược ra biển’
Vấn đề không chất vấn thảm cảnh thuyền nhân đối với một lãnh tụ của một quốc gia khác, tôi nghĩ rằng vấn đề đó cũng thường xảy ra, người ta cũng không muốn vì quyền lợi quốc gia, vì vấn đề bang giao, cho nên người ta cũng không muốn đưa một vấn đề khó xử hoặc là khó trả lời
Hôm thứ Bảy, ông Trần Đông, một người chuyên tìm hiểu về thuyền nhân trên Biển Đông từ tổ chức này, nói với BBC:
“Vấn đề đó cũng là phản ánh sự thật, nhưng không riêng gì ở Singapore có chính sách gọi là ‘push back policy’ đẩy ngược tàu thuyển ra biển, Malaysia cũng sử dụng như vậy, Thái Lan cũng sử dụng như vậy, chỉ có hai quốc gia không áp dụng, đó là Indonesia và Philippines. Cho nên đối với Indonesia và Philippines thì thuyền nhân tới là họ nhận hết.”
Theo ông Đông, Singapore cũng có một số nỗ lực nhất định, tuy nhiên cũng có những ‘giới hạn’ về chính sách.
Ông nói: “Singapore cũng đã có những nỗ lực tiếp nhận thuyền nhân, thế nhưng giới hạn của Singapore là trại tị nạn ở tại Singapore chỉ dành cho những thuyền nhân được các quốc gia khác nhận cho đi định cư.
“Thí dụ nếu một tàu quốc tế nào đó vớt thuyền nhân, quốc gia đó nhận cho những người ở trên tàu đi định cư, thì như vậy Singapore tiếp nhận cho họ ở tạm tại Singapore trong một khoảng thời gian ngắn vài ba tháng, để làm thủ tục đi định cư.”
Theo người đã nhiều năm sưu tầm tư liệu về thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông, việc Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam trong nhiều lần tiếp xúc với ông Lý Quang Diệu đã không bao giờ nhắc tới chính sách này của ông và Singapore dưới thời mà ông cầm quyền là một điều ‘dễ hiểu’ trong ngoại giao.
Ông Trần Đông nói: “Về vấn đề không chất vấn thảm cảnh thuyền nhân đối với một lãnh tụ của một quốc gia khác, tôi nghĩ rằng vấn đề đó cũng thường xảy ra, người ta cũng không muốn vì quyền lợi quốc gia, vì vấn đề bang giao, cho nên người ta cũng không muốn đưa một vấn đề khó xử hoặc là khó trả lời đối với lãnh tụ của một quốc gia là quốc khách của mình được mời đến.
“Cho nên tôi nghĩ là người ta không đặt ra các vấn đề đó, thì những vấn đề đó cũng là sự thường thôi.”
‘Như một bài toán’
Hôm thứ Bảy, nhân chứng từ cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Pháp, Làng Mai, giải thích với BBC vì sao chính quyền của ông Lý Quang Diệu đã không chiếu cố những trường hợp, dù được cho là ‘chỉ một, hay hai cá nhân’ đơn lẻ trong số các thuyền nhân là ‘trẻ em, con nít, phụ nữ, hay người già, người bị bệnh nặng’ để họ được lên bờ vào Singapore tiếp nhận ‘hỗ trợ khẩn cấp’, mà trái lại, lại bị ‘đẩy ngược ra biển’, mặc dù nhiều cuộc họp báo, vận động khi đó đã được cho là chuyển thông tin tới quốc tế và chính quyền của ông bằng nhiều cách thức.Sư cô Chân Không, trợ lý của Thiền sư Nhất Hạnh trong chương trình cứu giúp thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông, nói:
“Tôi nghĩ là ông Lý Quang Diệu chỉ nghĩ trong đầu như một bài toán thôi. Ông không có cơ hội để thấy được những đứa con nít mà thoi thóp ở trong tay mẹ mà không còn nước, không có nước, không thức ăn, đang đói, đang khát.
Tôi nghĩ là ông Lý Quang Diệu chỉ nghĩ trong đầu như một bài toán thôi. Ông không có cơ hội để thấy được những đứa con nít mà thoi thóp ở trong tay mẹ mà không còn nước, không có nước, không thức ăn, đang đói, đang khát
“Thành ra ông ấy không có thì giờ tiếp xúc với sự thật… Ông Lý Quang Diệu, ông ấy tiếp xúc với những bài toán kinh tế của nước ông, một đất nước không có tài nguyên gì hết, thì ông ấy phải làm việc trên cái lý thuyết đó thôi.”
Nhân chứng từ Pháp còn cho hay trong các thời kỳ cao điểm của ‘thuyền nhân Việt Nam’ trên Biển Đông và Đông Nam Á, Singapore vừa áp dụng chính sách đẩy thuyền nhân ‘ngược trở ra biển’, vừa được cho là ‘mở cửa, trải thảm’ đỏ tiếp các công dân quốc tế, khu vực vào Singapore sống để có ‘thẻ xanh’, ‘vô dân’, ‘nhập quốc tịch’, nếu có tài lực từ ‘300 nghìn tới 500 nghìn Mỹ Kim trở lên’.
Bình luận về điều được cho là ‘chính sách hai mặt’ về nhập cư này của chính quyền của ông Lý Quang Diệu thời gian đó, ông Trần Đông từ Australia nói:
“Khi người ta quyết định một chính sách, thì người ta đặt quyền lợi quốc gia của người ta ở trên hết.
“Và khi một điều xảy ra mà trở thành một gánh nặng cho quốc gia của người ta và người ta khó có thể kham nổi, thì người ta có quyền từ chối,” nhà quan sát từ Tổ chức Văn khố Thuyền nhân Việt Nam nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét