Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Ý KIẾN CHÂN THÀNH CỦA MỘT LƯƠNG DÂN

Trần kỳ Trung


Bao giờ nông thôn Việt Nam hết cảnh này?
Những vị lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam luôn nói, phải lắng nghe ý kiến của người dân, tôn trọng dân, ra nghị quyết, tổ chức thực hiện trước hết phải vì dân. Nếu đúng như thế, dân mừng lắm và dân cho ý kiến.
Dưới đây là ý kiến của một người dân về đảng.
——————————-
BỐN LÝ DO SUY GIẢM NIỀM TIN

Bùi Công Dụng
Trước sự suy giảm niềm tin vào đảng, giải pháp đầu tiên trong 4 nhóm giải pháp  xây dựng đảng của Nghị quyết Trung ương 4 là phải kiểm điểm phê bình và tự phê  bình trong từng đảng viên (tính từ cấp cao nhất). Điều đó cho thấy nguyên nhân  (lý do) sâu xa suy giảm niềm tin là từ nhận thức chính trị- xã hội của một số  cán bộ đảng viên ở cấp lãnh đạo trung ương còn ở mức độ thấp, điều này được đảng  nhấn mạnh và đặt lên hàng đầu cần phải đấu tranh làm rõ với nhau. Bài viết dưới  đây xuất phát từ tinh thần ấy:
Niềm tin vào đảng của đảng viên suy giảm nhiều so trước đây, có  4 lý do:

  1. Đảng chưa coi trọng  luật pháp, chưa coi trọng kỷ cương phép nước
Không đặt luật pháp là tối thượng nên đã để dẫn đến tham nhũng,  lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ- đảng viên ngày càng nhiều, càng  phức tạp và diễn ra trên diện rộng. Không coi luật pháp là tối thượng nên đường  hướng giải quyết cũng không quyết liệt. Vị lãnh đạo đảng nào cũng nói nhiều,  cũng tỏ vẻ xót xa nhưng khi bập vào thực tế thì lại cả nể, vuốt ve. Ông Trương  Tấn Sang nói: chống tham nhũng là phải  kiên trì, không lùi bước, không thể không làm, nhưng không thể chỉ một lần, một  sớm một chiều mà giải quyết ngay được… Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng nói: “Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý,  “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật  đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí ?” …Cách nói như vậy người dân cho là  rất yếu, rất mông lung mơ hồ, không rõ ràng, không xứng với tầm lãnh đạo của  những người được gọi là miệng người sang có gang có thép.
Dân không chấp nhận kiểu nói này, một kiểu nói không đặt luật  pháp lên trên mà hoàn toàn từ sự tùy tiện, cảm tính. Đáng lẽ các lãnh đạo đảng  phải nói là: kẻ tham nhũng phải bị trừng trị đúng người đúng tội theo luật pháp!  Theo tinh thần đó thì chống tham nhũng là phải làm liền từ lâu lắm rồi, ít nhất là từ sau  vụ Bác Hồ xử Trần Dụ Châu năm 1950 kia, chứ không phải cho đến tận bây giờ hơn  60 năm rồi mà vẫn còn nói là kiên  trì. Đã nói nó là quốc nạn, là đe dọa sự tồn vong của chế độ mà còn vuốt ve  như vậy thì làm sao dân tin vào đảng.
Không nên kiên trì  gì gì nữa cả. Bất kỳ diễn đàn nào cũng phải nói quyết liệt và làm mạnh mẽ không  khoan nhượng, như thế thì dân may ra mới tin vào đảng. Còn không thì hiện nay đa  số dư luận cho là đảng ta đang hết sức bảo thủ và trì trệ, không chịu học tập và  làm theo gương Bác về nghiêm minh luật pháp.
  1. Đảng không làm rõ cơ  sở lý luận của mình để dẫn dắt dân tộc
Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH)  còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam   hay chưa
Trong khi người dân lại muốn đảng phải tiếp thu cái hay cái đẹp  cái tiến bộ, cái ưu việt của các nước trên thế giới, kể cả các nước tư bản, để  làm sao đưa đất nước tiến lên thật nhanh, người dân mau chóng được giàu có, được  ấm no hạnh phúc. Còn cái xã hội tiến bộ văn minh đó nó là xã hội xã hội chủ  nghĩa hay là cái xã hội gì thì họ không quan tâm. Thậm chí nếu có quan tâm thì  họ cũng rất ngờ vực: chủ nghĩa xã hội là cái gì mà bắt cả dân tộc Việt Nam này  muốn sung sướng hạnh phúc thì phải đi tìm nó, tìm hàng trăm năm, mà lại chưa  chắc tìm đã có?
Với câu nói đó của tổng bí thư, người dân có cảm giác thất vọng  rất nhiều, đảng viên có trí thức mất niềm tin vào đảng rất nhiều. Họ mong có một  cơ quan phản biện xã hội để chính thức được nghe tiếng nói của đảng tranh luận  để hiểu thêm về lý luận của đảng về những chuyện như thế này, song có một cơ  quan như thế (Viện Nghiên cứu phát triển IDS) đã bị giải thể từ năm 2009. Ai nói  ý kiến khác mình là tổng bí thư liền quy kết, đưa họ vào diện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức,  lối sống. Đó là điều hết sức vô  lý. Người dân hiểu  đơn giản phản biện cũng như công cụ đấu tranh phê và tự phê bình của đảng cộng  sản, cái đó còn được gọi là vũ khí sắc bén của đảng, mà mục đích của nó là đào  thải những khuyết điểm và giữ lại những ưu điểm, đơn giản vậy thôi, thế mà cũng  lập tức bị giải thể, quy kết.
Đảng viên, tầng lớp trí thức của đất nước và người dân đều có  suy nghĩ rằng đảng ta đang bị  khủng hoảng rất lớn và bế tắc về lý luận chính  trị, về tự do ngôn luận, về xã hội dân sự-là một xã hội có sự đề cao tối đa tính  độc lập, dân chủ của người dân- …vv.
  1. Đảng mất phương hướng  trong công tác tuyên truyền bảo vệ đất nước:
Đảng viên mất niềm tin vào đảng vì những lời nói và thái độ thần  phục Trung Quốc, trong khi đó lòng dân thì ngùn ngụt căm hờn trước dã tâm bành  trướng của chúng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ nói được một câu quá nhàm  chán “chúng tôi cực lực phản đối”  mà từ lâu người dân không còn muốn nghe, vì ngoài cái lời nói kia chẳng thấy có  hành động nào để thể hiện sự cực lực đó cả. Một việc khác nữa là trong khi người  dân nhìn nhận khẩu hiệu “16 chữ vàng”, tinh thần “4 tốt” rất rõ ràng, rằng đó  chỉ là trò lừa ru ngủ để làm cho nước ta suy yếu toàn diện, phụ thuộc hoàn toàn  vào bọn đại hán bá quyền …thì các lãnh đạo đảng và nhà nước có cái nhìn rất  ngây ngô, lú lẫn, thậm chí chiều lòng quan thầy đến mức cổ súy cho người dân  phải tuân thủ tinh thần ấy, cố làm cho dân sao nhãng sự thật, lãng quên sự  thật.
Những gì là sự thật thì đảng phải cho dân biết. Nguyên bộ trưởng  ngoại giao Nguyễn Di Niên cũng đã nói: “…sự thật lịch sử như thế nào thì phải nói  đúng như thế. Chuyện ngày 17.2.1979 Trung Quốc nổ súng xâm lược trên toàn tuyến  biên giới với Việt Nam là sự thật. Năm 1988 Trung Quốc chiếm đóng một loạt đá  ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc họ đã nổ súng sát  hại 64 thủy thủ, bắn cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam là sự thật. Trước đó vào  năm 1956 và 1.1974, lợi dụng hoàn cảnh bị chia cắt của Việt Nam, Trung Quốc đã  lần lượt chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa cũng là sự thật…” Chừng nào Đảng không có chính kiến rõ ràng,  không có tiếng nói công khai mạnh mẽ về sự thật lịch sử này thì chừng đó đảng  còn bị mất niềm tin vào dân chúng, càng làm nguội lạnh khái niệm chủ quyền cho  các thế hệ kế tiếp. Một khi đã nguội lạnh thì điều đó hết sức nguy hiểm, nó đồng  nghĩa với sự biến mất chủ quyền, đất đai của tổ tiên sẽ lần lượt rơi vào tay bọn  bành trướng bá quyền Trung Quốc.
Đành rằng chúng ta đã có những bước đi như trang bị vũ khí biển  hiện đại, tối tân…, nhưng đó cũng chỉ mới là bước đi, chưa nói lên điều gì nếu  chính kiến của đảng còn trong vòng luẩn quẩn. Người dân muốn trong những lời  nói, lời phát ngôn về đối ngoại của đảng phải mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí hãy học  tập Phillipin, phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Phải chuẩn bị sẵn những  giải pháp tích cực giành lại chủ quyền biển đảo. Về đối nội phải có động thái  tôn vinh những anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh bảo vệ biển đảo Hoàng Sa-  Trường Sa…cho dù họ là những người lính của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa  trước đây…. Có làm được những điều này thì mới mong lấy lại niềm tin trong  nhân dân.
  1. Đảng viên bỏ đảng là  biểu hiện của mất niềm tin
Các ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên,  Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Chí Đức là những đảng viên, có người là cán bộ lãnh đạo,  đã lớn tuổi, nhiều người 70 tuổi… mà vẫn bỏ đảng. Đảng viên trẻ Nguyễn Chí Đức  xin ra khỏi đảng đã nhận xét về đảng cộng sản: Bản thân những người mới vào  đảng ai cũng đầy nhiệt huyết, thông minh, có chí khí; nhưng vào tổ chức này nó  làm cho người ta phải nói dối, rồi phải luồn cúi; nhất là trong xã hội bây giờ  muốn lên chức trưởng, phó phòng phải biết nịnh bợ rồi phải biết ‘thượng đội, hạ  đạp’, phải biết dùng tiền để lên chức cao hơn. Đó là cấp thấp nhất, cấp càng cao  thì tha hóa càng cao.
Chưa biết nhận xét đó đúng sai thế nào, nhưng cũng cần phải đặt  câu hỏi: uy tín của đảng là thế nào mà để khi rời bỏ hàng ngũ đảng họ lại có  nhận xét về đảng như thế?
Việc rời bỏ tổ chức đảng cộng sản là động thái thể hiện mất lòng  tin cao nhất, tác động mạnh mẽ nhất vào niềm tin người dân vào đảng cộng sản.  Nhiều đảng viên khác khi về hưu thì giấu biệt thẻ đảng để không phải tham gia  sinh hoạt đảng hoặc  không muốn đảm đương  bất cứ một việc gì ở tổ chức cơ sở đảng địa phương. Đảng viên còn ở lại thì  không tham gia sinh hoạt chi bộ, hoặc 6,7 tháng mới họp một lần. Họ rất thờ ơ.  Thái độ đó cộng với những thông tin mạng nhiều chiều về cán bộ đảng thoái hóa  biến chât, cộng với những phát ngôn thiếu cẩn trọng của lãnh đạo đảng…, những  điều đó làm cho tuổi trẻ không có hứng thú gì, không có động cơ, không tha thiết  gì về việc gia nhập đảng cộng sản.
Đảng chưa có đủ dũng khí để làm một cuộc tổng kết về việc đảng  viên bỏ đảng, giấu thẻ đảng, không tham gia sinh hoạt đảng, kể cả về số  lượng…để đảng thấy rõ hơn thực chất nguyên nhân sự mất niềm tin, thì đó cũng  là một thiếu sót. Nếu đảng càng “cho qua” việc này, không có ý kiến, không có  giải pháp gì hay nói đúng hơn là không làm rõ được mục tiêu lý tưởng phấn đấu  của dân tộc (đã nêu ở lý do 2), cũng như những lý do mất niềm tin đã nêu trên  đây thì số lượng đảng viên bỏ đảng sẽ càng nhiều, thanh niên trưởng thành không  muốn vào đảng sẽ càng nhiều.
Trong nhóm giải pháp 1 của Nghị quyết, ít nhất các vị cũng phải  lưu ý đề cập đến những vấn đề này ./.
————————–
nguon:  fecebook –  buicongdung
***********************
PTS : Bài viết ở TẠI ĐÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét