Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Trung Quốc : hổ cũng rơi như ruồi

media Biếm họa Trung Quốc chống tham nhũng : ÔNG Tạp Cận Bình đánh hổ. Ảnh tháng 2/2015.DR
 
Ngày 15/03/2015, thêm hai nhà lãnh đạo cao cấp khác của Trung Quốc bị « ngã ngựa », cụm từ mà truyền thông Trung Quốc thường dùng. Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chính sách làm sạch nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là thông tin được báo Libération đăng trong số ra ngày hôm nay dưới tựa đề : « Trung Quốc : hổ cũng rơi như ruồi ».



Chỉ ngay sau khi kì họp Quốc hội thường niên kết thúc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt giữ Cừu Hòa (Qiu He), nhân vật số 2 của Đảng tại tỉnh Vân Nam và Từ Kiến Nhất (Xu Jianyi), chủ tịch công ty quốc doanh sản xuất xe hơi FAW.
Tin này được công bố gần như ngay khi tin tướng Từ Tài Hậu, bị kết tội « buôn danh bán chức » trong quân đội, qua đời ngay sau khi hội nghị thường niên kết thúc. Dù mắc bệnh ung thư nặng, nhưng sự ngẫu nhiên trên khiến mọi người thắc mắc. Năm 2014, 12 xe tải quân sự đã được điều động tới chuyển khối tài sản khổng lồ được giấu trong hầm nhà sĩ quan cao cấp này, gồm hơn một tấn tiền đô la, euro và đồng nhân dân tệ, cùng với nhiều món đồ cổ và đá quý. Ngoài ra còn phải kể tới rất nhiều sĩ quan cao cấp khác trong quân đội bị bắt giữ và truy tố.
Báo Libération nhận xét rằng cuộc săn hổ, diệt ruồi của chủ tịch Trung Quốc không hề suy giảm. Từ « Hổ » chỉ những quan chức cao cấp, còn từ « Ruồi » nhằm chỉ khoảng 71 748 cán bộ đã bị trừng phạt vào năm 2014. Con số này được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng tự hào công bố vào tháng 1/2015.
Rất khó để dự đoán đường đi nước bước sắp tới của chủ tịch Tập Cận Bình trong trận chiến này. Nhưng có thể nhận thấy ông chủ yếu nhắm tới hai nhóm : quân đội và các doanh nghiệp nhà nước liên quan tới ngành dầu khí hay than đá. Điều này càng củng cố thêm nhận định ông Tập Cận Bình đang tìm cách loại trừ những đối thủ chính trị. Đây cũng là ý kiến của một giám đốc nghiên cứu Pháp. Ông đánh giá chiến dịch này có ba mục đích chính : làm trong sạch Đảng ; lập lại tính chính đáng của Đảng trong dân đang bị mai một vì các vụ tham nhũng ; và cuối cùng, để trấn áp các đối thủ chính trị.
Tuy nhiên, khó có thể chứng minh được mục đích thứ ba, do các biện pháp chống tham nhũng luôn được áp dụng trong trường hợp này. Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đứng trên cả các cơ quan tư pháp, nên chiến dịch chống tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng tiến hành.
Theo một chuyên gia, mỗi lần « hạ gục » một con hổ, ông Tập củng cố thêm vị trí của mình, làm đối thủ suy yếu và đảm bảo sự ủng hộ trong dân. Tuy nhiên, chính sách chống tham nhũng cũng gây nên một số hạn chế. Như trong lĩnh vực kinh tế, một số quyết định quan trọng bị lùi lại do các nhà quản lý e ngại. Ngoài ra, còn phải kể tới nhiều cải cách đang giậm chân tại chỗ. Vì thế, nếu chống tham nhũng mà làm ảnh hưởng tới tăng trưởng, thì ông Tập sẽ phải đối mặt với một khó khăn khác.
Bài báo kết luận về vấn đề tham nhũng tại Trung Quốc qua suy nghĩ của Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản (bị thanh trừng sau vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn), và được đăng lại trên các mạng xã hội Trung Quốc nhân kỉ niệm ngày ông mất : « Ngày trước, tôi thường nghĩ rằng tham nhũng bắt nguồn từ việc thiếu đạo đức, từ một hệ thống tuyển chọn cán bộ, từ những khó khăn cần phải thay đổi trong phong tục xã hội. Nhưng hoàn toàn không phải vậy, tham nhũng là sản phẩm của hệ thống. Do sở hữu chung, quyền sở hữu không có chút hạn chế nào. Do chế độ cực quyền, nên cơ quan quyền lực không có giới hạn. Và do thiếu sự theo dõi công, nên tham nhũng gắn liền với hệ thống. Các nhà lãnh đạo làm « gương », ở mỗi cấp độ có « điển hình » riêng, và cứ thế mọi người tham gia và mỗi người đều có tư lợi ».
Một chi nhánh của Ngân hàng Thế giới bị cáo buộc
Trên lĩnh vực kinh tế, tờ Le Monde quan tâm tới việc tới « Một chi nhánh của Ngân hàng Thế giới bị cáo buộc » đầu tư vào các dự án có rủi ro cao, trong đó có nêu trường hợp tại Việt Nam.
Ngày 02/04/2015, Oxfam, một tổ chức phi chính phủ, đã công bố bản báo cáo có tên gọi « Đau khổ của những người khác ». Tổ chức này lên án Công ty tài chính quốc tế (IFC), một trong những định chế tài chính quan trọng trên thế giới hỗ trợ cho phát triển, đã cho các ngân hàng thương mại, các cơ quan môi giới tài chính của các nước đang phát triển vay nhiều khoản tiền để đầu tư vào các dự án của họ.
Thế nhưng, rất nhiều dự án trong số này lại vi phạm nhân quyền : tịch thu đất thổ cư, cưỡng bức giải tỏa, thậm chí gây chết người tại một số nước như ở Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Honduras, Guatemala hay Ấn Độ. Tổ chức tài chính trên cũng bị chỉ trích về cách cho vay vốn phát triển. Họ không biết phần lớn số tiền cho vay có đưa lại kết quả gì không, có lợi hay hại cho người dân.
Từ năm 2002, công ty IFC đã cho Dragon Capital Group Limited của Việt Nam và một trong các quỹ của tập đoàn này là VEIL vay 26,9 triệu đô la (khoảng 24,8 triệu euro). Quỹ VEIL cũng là cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn sở hữu 50 000 héc-ta đất để khai thác cao su, mía đường và dầu cọ tại Lào và Cam Bốt. Tại tỉnh Ratanakiri của Cam Bốt, việc phát triển trồng trọt của HAGL đã gây ra nhiều hậu quả cho ít nhất là 18 ngôi làng, nơi ở của 15 000 dân. Theo một cuộc điều tra tại 13 ngôi làng, ít nhất 164 gia đình bị mất một phần đất thổ cư hay đất canh tác. Ngoài ra, rất nhiều địa phương cũng bị mất đất hợp tác hay đất rừng.
Trước kế hoạch nâng thêm 50% vốn vay cho các quốc gia khó khăn hay đang bị xung đột, Oxfam kiến nghị ngân hàng thế giới nên cho vay ít dự án hơn nhưng phải đảm bảo được chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Tổ chức tài chính này cũng không nên đầu tư vào các dự án có rủi ro cao khi chưa có cách giải quyết.
Lufthansa, niềm tự hào Đức bị tổn thương
Hãng hàng không Đức Lufthansa tuyên bố hủy lễ kỉ niệm 60 năm thành lập hãng, dự định diễn ra ngày 15/04 tới, thay vào đó là buổi tưởng niệm các nạn nhân trọng vụ rơi máy bay Germanwings tại dãy Alps (Pháp). Dưới tựa đề : « Lufthansa, niềm tự hào Đức bị tổn thương », báo Le Monde phân tích những khó khăn mà hãng này sẽ phải đối mặt trong tương lai, trong đó có việc gây dựng lại danh tiếng của hãng.
Chưa kịp vui mừng vì vừa qua được hàng loạt khủng hoảng, như nhân viên đình công hay kết quả kinh doanh xấu, Lufthansa nay phải đương đầu với điểm nhạy cảm nhất của hãng : Germanwings. Sau nhiều năm kinh doanh không có lãi, Lufthansa hy vọng khôi phục được một phần nhờ Germanwings, chi nhánh khai thác hàng không giá rẻmvà vẫn duy trì các tiêu chí Đức, như an toàn, đúng giờ và tin cậy.
Thế nhưng, thảm họa với chiếc A320 vừa qua của Germanwings, chiến lược hàng không giá rẻ của hãng này đang bị đe dọa. Hơn nữa, mọi tiêu chí truyền thống của Lufthansa, một trong những hãng hàng không nổi tiếng an toàn nhất thế giới, cũng bị đưa ra xem xét.
Trong những năm gần đây, Lufthansa phải đối mặt với sự cạnh tranh của các hãng hàng không vùng Vịnh có chất lượng phục vụ tốt, đội hình máy bay hiện đại và những đường bay mở rộng khắp thế giới. Trong khi đó, hàng loạt cuộc đình công của nhân viên Lufthansa, đặc biệt là phi công, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của hãng. Năm 2014, hãng này phải chịu 15 ngày đình công và 8600 chuyến bay bị hủy và mất khoảng 222 triệu euro doanh thu.
Le Monde đặt câu hỏi liệu có « phi công » nào có thể cứu Lufthansa khỏi cuộc khủng hoảng này ? Từ khi thảm kịch xảy ra trên dãy Alps, người ta đánh giá cáo cách hành xử của Tổng giám đốc của hãng, đặc biệt khi ông phát biểu : « Khi một người mang thêm 149 sinh mạng theo mình, « tự tử » không phải là từ phù hợp cho hành động đó ».
Một số thông tin khác
Khối 5+1 và Iran đạt được thỏa thuận kéo dài đàm phán nguyên tử tại Iran tới ngày 30/06 là chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp. Ngoài ra, báo Le Monde đưa tin một thiếu niên 14 tuổi, người Áo gốc Ả Rập, có thể phải lĩnh án tù vì âm mưu khủng bố một nhà ga tại Vienna. Về tình hình thời sự châu Á, việc chính quyền quân sự Thái Lan bỏ lệnh thiết quân luật nhưng lại thay bằng một điều luật khác « nguy hiểm » hơn được Le Monde phân tích.
Thời sự Pháp nổi bật với thông tin số lượng người nhập cư gia tăng. Hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ đã đưa ra một thông tư yêu cầu các tỉnh trưởng chặt tay hơn với nạn nhập cư bất hợp pháp. Le Figaro cho rằng vấn đề này khiến nội bộ đảng Xã hội càng thêm chia rẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét