Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Tinh giản biên chế, nhìn từ thực tế

TBKTSG

Diệp văn Sơn


(TBKTSG) – Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết 39-NQ/TW về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau năm năm thực hiện Nghị định 132 về chính sách tinh giản biên chế, tính đến hết năm 2012, tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện là 388.480 người (tăng hơn 42.000 biên chế); cán bộ, công chức cấp xã là 257.675 người (tăng hơn 14.000 biên chế).


Trong năm năm thực hiện Nghị định 132, trong số 67.389 người nghỉ thuộc diện “tinh giản biên chế” trên cả nước, có tới 61.018 người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm hơn 90,5%).
Ðiều đó cho thấy, chính sách tinh giản biên chế chưa thật sự giảm được những người cần giảm – những người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vẫn còn tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong một cơ quan, tổ chức.
Ðến năm 2013, sau mười năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm, mà còn tăng thêm 20%, làm cho bộ máy ngày càng phình to.
Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế mới (có hiệu lực từ ngày 10-1-2015) dự kiến trong sáu năm, từ 2014-2020, sẽ tinh giản khoảng 100.000 người (80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, 20% giải quyết thôi việc) với kinh phí dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng “càng giảm, càng tăng” đã rõ.
Đó là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực như “chạy chọt” để không phải vào diện tinh giản biên chế, hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc này để trù dập, loại ra những người không ăn cánh.
Để khắc phục, cần xác định chính xác số lượng cán bộ, công chức, viên chức cần thiết cho mỗi đơn vị. Trên cơ sở đó, tinh giản những cán bộ, công chức không đáp ứng tiêu chuẩn của vị trí đang đảm nhiệm và cũng không bố trí được việc làm khác. Cái khó hiện nay là nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế.
Cần đặt guồng máy vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, nếu bộ phận, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, làm không đúng các quy trình sẽ bị loại lập tức.
Một nhiệm vụ rất quan trọng khác là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tinh giản biên chế; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Muốn tinh giản biên chế đạt hiệu quả, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống phương pháp đánh giá mới về công chức. Nên chăng áp dụng các phương pháp khoa học như đánh giá theo hệ thống quản lý kết quả đầu ra (Performance Management System – PMS). Hoặc cũng có thể bổ sung chế định “sát hạch công chức định kỳ” – một chế định khác xa với việc kiểm điểm hàng năm hiện nay. Bên cạnh đó, cần thí điểm thay thế chế độ biên chế bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét