Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

'Bỏ qua đau thương xây dựng đất nước'

 BBC

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã Tiến sỹ sử học


Xe tăng miền Bắc tiến vào miền Nam trong ngày 30/4 năm 1975
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch Việt Nam cũng như của lịch sử thế giới.
Sau gần 40 năm, mọi phía sẽ nhìn lại ngày ấy một cách khách quan hơn, nhất là trong giới sử học.
Bên Thắng Cuộc, lúc đầu khi giương ngọn cờ Dân tộc và Cách mạng xã hội chủ nghĩa cho là đó Ngày Giải phóng Sài Gòn, Ngày Giải phóng miền Nam, Ngày hòa bình lập lại và Thống nhất đất nước và cả nước bước sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bên Thua Cuộc cho là Ngày 'mất nước', ngày 'quốc hận', ngày 'mất tự do'. Có những người như Lý Quí Chung viết trong hồi Ký cho là từ đó những nhà lãnh đạo Cách mạng ở Miền Nam đã 'giải phóng Miền Bắc'.

'Nhiều nguy cơ'

Thực tế sau khi thống nhất đất nước, hòa bình được lập lại Việt Nam đã gặp bao nhiêu khó khăn, phải đương đầu cả cuộc chiến 1979 ở biên giới Phía Bắc cũng như chiến trường biên giới Tây Nam, buộc phải đổi mới sang kinh tế thị trường theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa. Song hàng triệu người đã bỏ nước ra đi và không biết bao người đã chìm xuống Biển Đông. Đến năm 1990 Liên Xô và Khối Đông Âu sụp đổ, Việt Nam phải ký kết với Trung Quốc ở Hội nghị Thành Đô và bắt đầu đẩy mạnh phát triển kinh tê thị trường thì đất nước có nhiều đổi mới.
"Người Việt ta ở trong cũng như ngoài nước còn rất mất đoàn kết, tự do bôi nhọ, phá nhau đến cùng cực khiến chẳng tha ai, nhất là chỉ khác nhau về chính kiến."
Tiến sỹ Nguyễn Nhã
Chính vì phương hướng gặp nhiều biến đổi, nhiều thách thức, nhiều nguy cơ, nhất là về phìa Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông nên đòi hỏi cần có nhiều sự khôn khéo của các lãnh đạo đất nước khiến phải tới nửa thế kỷ nữa mới thấy hết kết quả cũng như những hệ lụy.
Cũng có người nói rằng hiện nay Trung Quốc có rất nhiều chiêu rất độc. Ngoài chiêu mua chuộc bằng nhiều hình thức khác nhau còn có việc xúi bậy người Việt làm bậy ở rất nhiều cấp kể cả người dân.
Trước những nguy cơ 'mất nước' kiểu như thế , một hình thức thuộc quốc mà Trung Quốc không còn giấu diếm như học giả trẻ tuổi Trung Quốc Vương Hàn Lĩnh từng tuyên bố trên Tuần Việt Nam khi đến Việt Nam tham dự hội thảo về Biển Đông năm 2011, rằng trước năm 1885 Việt Nam là 'thuộc quốc của Trung Quốc', dù mọi người biết rất rõ từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, thời vua Bảo Đại, các vua Việt Nam luôn tự xưng là Hoàng đế hay Đại Hoàng Đế và lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt hay Đại Việt, Đại Nam.
Với sự nghiên cứu lịch sử của bản thân, tôi thấy rằng trong lịch sử, người Việt Nam qua các thời đại luôn tự hào về sự kiên cường bất khuất, sẵn sàng chiến đấu tới cùng đối với bất cứ kẻ xâm lược nào từ thế kỷ X đến hiện nay, dù cũng có thời , có người như Lê Chiêu Thống vì lợi ích của mình, phe nhóm của mình nhắm mắt 'cõng rắn cắn gà nhà'.

Ngày 30/4 được chính quyền trong nước tưởng niệm như 'ngày chiến thắng'
Hiện nay, nhiều chuyện đáng buồn như một du học sinh người Nhật đã nói những nhận xét về Việt Nam hiện nay của mình hay như ông Onuki Hiroo, một đầu bếp người Nhật khi đến giao lưu ẩm thực Việt-Nhật ở nhà tôi, nói rằng ông rất ngưỡng mộ Việt Nam và đã nhiều lần đến thăm Việt Nam. Mỗi lần ông đến ông đều rất thất vọng khi thấy thanh niên Việt Nam hiện nay cứ chăm chăm đi kiếm tiền mà không biết những giá trị lịch sử văn hóa quí giá của mình lại sinh ra nhiều tiền. Nếu như thanh niên Việt biết tự hào về đất nước mình, lo xây dựng đất nước hùng cường như nước Nhật thì thiếu gì người có tiền chứ không như hiện nay đất nước tụt hậu, chỉ một nhóm lợi ích có tiền mà thôi!

'Người Việt phải bừng tỉnh'

Một điều đáng buồn nữa không những đạo đức xuống dốc thảm hại, nhất là những gì xấu xí của người Việt mà người Việt ta ở trong cũng như ngoài nước còn rất mất đoàn kết, tự do bôi nhọ, phá nhau đến cùng cực khiến chẳng tha ai, nhất là chỉ khác nhau về chính kiến.
Ngoài mười đặc điểm của người Việt như thiếu liên kết, thiếu đoàn kết, không quan tâm đến những gì hoàn hảo, thích hưởng thụ quá sớm… được thi hóa và đã được nghệ sỹ Hồng Vân hát thơ với các làn điệu dân ca ba miền để giởi trẻ cảm thụ dân ca, giữ hồn dân tộc mà còn thấm thía mà khắc phục những xấu xí của người Việt mình, nhất là biết xấu hổ, biết trọng danh dự và kỷ luật.

Chính quyền trong nước có thực tâm hòa giải với người Việt ở phía bên kia?
Như tôi đã nói ở thư viện San Jose, California, năm 2012, rằng người Việt Nam phải bừng tỉnh. Thế kỷ XXI, Việt Nam là nạn nhân của thời cuộc quốc tế trong đó có vấn đề mất quần đảo Hoàng Sa.
Lịch sử đã sang trang, như sự thay đổi các triều đại trong quá khứ không nên sợ gì cả, phải bỏ qua những thương đau trong chiến tranh mà cùng nhau tìm giải pháp tốt nhất cho đất nước hùng cường.
Vấn đề trọng yếu là phải giáo dục các thế trẻ làm sao có kỹ năng sống yêu nước như thanh niên Nhật Bản. Những gì làm hại cho đất nước nhất định không làm và phải có kỹ năng tư duy sáng tạo như thanh niên Do Thái để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường, lấy mối nhục tụt hậu và nhục bị xử ép ở Biển Đông làm động cơ hành động như cha ông chúng ta lấy nhục vong quốc trước đây mà dốc lòng hy sinh cứu quốc.
Chúng ta cũng cố minh bạch, trung thực, không còn gian dối và đối xử tử tế với nhau giữa người Việt với nhau trong tinh thần đồng bào, đồng 'bọc trăm trứng' kể cả bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc.

'Tưởng nhớ bình tĩnh'


Người Việt hải ngoại nhớ đến ngày 30/4 với nhiều nỗi đau thương
Những người có tâm có tầm, nhất là các trí thức trẻ phải đi tiên phong phát triển một nền kinh tế trí thức và cố giữ hồn dân tộc, giữ bản sắc riêng đáng tự hào của dân tộc như ẩm thực Việt, thơ ca Việt, triết lý sống 'quốc đạo', con đường Việt Nam như triết lý 'vuông tròn', bánh chưng bánh dày, triết lý 'bầu bí' thương nhau tuy rằng khác giống, khác chính kiến nhưng chung một giàn hay thương người như thể thương thân trong xu hướng toàn cầu hóa để tồn tại và phát triển.
Nhớ Ngày 30 tháng 4 trong tinh thần bình tĩnh, không quá vui mà cũng không còn quá buồn như Ông Võ Văn Kiệt nói rằng đã có một triệu người vui đồng thời có một triệu người buồn trong đó có cả những người thân của chúng ta, ngay trong gia đình, họ hàng của chúng ta, để chúng ta tôn trọng nhau hơn, thương nhau hơn, bỏ qua cho nhau hơn.
"Hai phần ba (dân số Việt Nam) là giới trẻ không từng sống trong thời chiến tranh rất đỗi đau thương. Số lượng giới trẻ này phải làm gì cho đất nước và hàn gắn những đau thương như thế nào, ̣đó là vấn đề của giáo dục cho hôm nay và những ngày mai."
Tiến sỹ Nguyễn Nhã
Một đất nước đại hòa tuy còn nhiều trở ngại song nếu cùng nhau thì đất nước sẽ hùng cường với sự góp sức của hàng triệu con em đang du học ở nước ngoài để lấy những tinh hoa về xây dựng đất nước phát triển như nước Nhật đã từng làm, đổi mới như thời Minh Trị cho đến ngày nay.
Nhớ ngày 30/4 không phải chỉ để hồi tưởng rồi với chính kiên của mình bên thắng cuộc hay thua cuộc mà nói cho sướng miệng, thóa mạ nhau, mà phải bình tâm tìm hiểu tận gốc rễ vì đấu nên nỗi và cùng nhau tìm giải pháp. Chắc không ai muốn đất nước này tiếp tục thù hận cùng những hệ lụy, song rất ít ai chịu bình tâm cho mình có trách nhiệm - lỗi tại tôi nên thế! Người ta có thể quên hồi 1975 chỉ có hơn 30 triệu người Việt; bây giờ ở hải ngoại có hơn 4 triệu; trong nước hơn 90 triệu. Hai phần ba là giới trẻ không từng sống trong thời chiến tranh rất đỗi đau thương. Số lượng giới trẻ này phải làm gì cho đất nước và hàn gắn những đau thương như thế nào, đó là vấn đề của giáo dục cho hôm nay và những ngày mai.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một tiến sỹ Sử học và một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét