Thongluan
"...Chúng
ta đang sống trong một cuộc chuyển hóa lớn mà cuối cuộc chuyển hóa này,
sẽ chỉ còn lại những quốc gia được hiểu như một không gian liên đới và
một dự án tương lai chung. Nếu không, một quốc gia bị cai trị bởi một
lực lượng chiếm đóng như tình trạng hiện nay [tại Việt Nam] thì quốc gia
đó không có lí do để tồn tại..."
Việt Long phỏng vấn ông Nguyễn Gia Kiểng
Việt Long: Tôi là Việt Long của đài Á châu Tự do. Xin kính chào quý vị !
Kính
thưa quý vị, bên cạnh tôi hôm nay là ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu phụ tá
Tổng trưởng kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, và là người sáng lập Tập hợp
Dân chủ Đa nguyên (THDCĐN) với Nguyệt san Thông luận từ hơn 25 năm nay.
Đầu
tiên, xin hỏi ông Nguyễn Gia Kiểng là hoạt động của THDCĐN cùng với
Nguyệt san Thông luận hiện đã có ảnh hưởng như thế nào đối với những
người ở trong nước, nhất là đối với những thành phần trẻ có học thức và
những người yêu chuộng dân chủ và nhân quyền.
Nguyễn Gia Kiểng:
Trung bình, ngày hơn bù ngày kém, thì trang web Thông luận của chúng
tôi được 4.500 người vào tham gia, và khoảng 13.000 lượt người đọc. Tôi
nghĩ, những người quan tâm đến dân chủ, một số đông đảo, có theo dõi
những gì chúng tôi phát biểu. Những gì chúng tôi muốn gửi gắm đã đến với
một sô khá đông đảo những anh em dân chủ và đồng bào trong nước.
Việt Long: Đó là về Nguyệt san Thông luận. Còn về THDCĐN, thì số người quan tâm đến THDCĐN thì như thế nào?
Nguyễn Gia Kiểng:
Càng ngày thì những cảm tình dành cho THDCĐN càng tăng lên. Có lẽ đó là
một thành quả của những cố gắng liên tục của một tổ chức mà sau hơn 30
năm hoạt động, không hề bị mang tiếng là đã sai phạm về mặt đạo đức,
cũng không hề bị chê trách là thiếu lý luận, thiếu đường lối.
Việt Long: Thế còn về mặt lập trường chính trị, lập trường dân chủ thì THDCĐN được trong nước nhận xét như thế nào?
Nguyễn Gia Kiểng:
Càng ngày càng có sự khai thông, anh em ở trong nước cũng như ngay cả
đồng bào ở hải ngoại càng hiểu và hưởng ứng lập trường của chúng tôi.
Trước đây có một số dư luận ở hải ngoại, vô tình hay cố ý đánh giá chúng
tôi là muốn "bắt tay", muốn "đi đêm" với cộng sản, muốn "thỏa hiệp" với
cộng sản. Ngày hôm nay, khuynh hướng dư luận đó hoàn toàn chấm dứt. Tại
vì họ đã hiểu chúng tôi là những người dân chủ ôn hòa, chúng tôi là
những người chủ trương đấu tranh Bất bạo động trong tinh thần Hòa giải
và Hòa hợp dân tộc, nhưng chúng tôi là những người dân chủ rất kiên trì
và quả quyết. Thái độ của chúng tôi đối với chính quyền này là một sự
đối đầu thẳng thắn, ôn hòa nhưng thẳng thắn và dứt khoát.
Việt Long: Mục đích là gì?
Nguyễn Gia Kiểng:
Mục đích của chúng tôi, mà chúng tôi không hề giấu diếm từ 30 năm qua,
là chấm dứt chế độ độc tài đảng trị này, thay thế nó bằng một thể chế
Dân chủ Đa nguyên trong tinh thần Hòa giải và Hoà hợp dân tộc và bằng
những phương pháp Bất bạo động. Việc thay thế chính quyền này bằng một
chính quyền dân chủ là một điều cần thiết cho sự sống còn của chính đất
nước Việt Nam. Bởi vì, một trong những khái niệm đang bị xét lại một
cách gay gắt, lại chính là khái niệm "quốc gia". Chúng ta đang sống
trong một cuộc chuyển hóa lớn mà cuối cuộc chuyển hóa này, sẽ chỉ còn
lại những quốc gia được hiểu như một không gian liên đới và một dự án
tương lai chung. Nếu không, một quốc gia bị cai trị bởi một lực lượng
chiếm đóng như tình trạng hiện nay [tại Việt Nam] thì quốc gia đó không
có lí do để tồn tại. Ngày hôm nay, tình hình Việt Nam, phải nói là tình
thế của đất nước Việt Nam đang rất lâm nguy. Chúng ta là một dân tộc
đứng hàng thứ 13 trên thế giới [về dân số] nhưng chúng ta vắng mặt trong
hầu như tất cả mọi địa hạt. Chúng ta không có một công ty nào đáng tự
hào. Chúng ta là một nước nghèo, GGP của chúng ta chỉ bằng 15% GDP bình
quân của thế giới. Chúng ta chậm tiến 100 năm so với thế giới. Chúng ta
không có một tác phẩm văn học, nghệ thuật nào đáng được thế giới biết
đến. Chúng ta không có những xí nghiệp lành mạnh. Chúng ta không có
thành tích nào về khoa học, kĩ thuật và công nghiệp. Chúng ta cũng không
có cả những thành tích về thể thao. Chúng ta là một dân tộc không đáng
kể trên thế giới. Cho nên đất nước Việt Nam không đem lại niềm tự hào
cho người dân. Vì thế đất nước Việt Nam chúng ta cần phải vươn lên nhanh
chóng.
Việt Long: Thế
thì sau hơn 25 năm hoạt động với ngày hơn ngày kém như ông vừa nói đó,
thì ông có nhận xét về tình thế dân chủ ở trong nước hiện nay ra sao?
Nguyễn Gia Kiểng:
Đang có một sự thay đổi lớn. Cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn chờ đợi
nhiều ở cộng đồng người Việt hải ngoại như là một tổ chức đấu tranh.
Chúng tôi hiểu là cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang chịu một hiệu
ứng, cái mà tôi có thể gọi là "hiệu ứng của thế hệ thứ hai". Lớn lên và
trưởng thành tại hải ngoại, thế hệ đó đã hội nhập nhiều vào xã hội định
cư và tình cảm với quê hương đã hao mòn đi nhiều trong khi thế hệ đầu
tiên đang qua đi. Chúng ta có thể nói rằng, không nên chờ đợi quá nhiều
vào cộng đồng người Việt hải ngoại như trước nữa. Chúng ta chỉ nên chờ
đợi một cách vừa phải. Ngược lại, ở trong nước cũng có một sự thay đổi
lớn, một sự chuyển giao thế hệ. Từ trước đến nay chúng ta chờ đợi nhiều ở
những người mà chúng ta gọi là "lão thành cách mạng", những người có
vai vế ở trong đảng cộng sản. Chúng ta chờ đợi và sự thức tỉnh của họ.
Nhưng mà hiện nay, sự đóng góp của họ cũng vẫn được hoan nghênh nhưng
cũng sẽ ít ỏi đi. Trái lại, chúng ta đang chứng kiến sự nhập cuộc của
một tầng lớp trí thức trẻ, một tầng lớp trí thức chính trị mới. Họ là
sản phẩm của những phương tiện truyền thông mới, họ gặp nhau trên mạng
Internet qua Facebook và Twitter. Và tôi nghĩ họ đang đi tới một đồng
thuận, họ đang kết hợp với nhau ở trong không gian ảo đó. Và càng ngày
họ càng lớn mạnh trên không gian ảo. Tôi nghĩ là cũng sắp sửa đến cái
lúc họ dắt tay nhau từ không gian ảo tiên ra chinh phục không gian thật.
Việt Long: Vâng. Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng về cái nhìn lạc quan của ông.
Quý
vị vừa nghe cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Gia Kiểng, là người sáng lập
và chủ trương Tập hợp Dân chủ Đa nguyên và Nguyệt san Thông luân từ hơn
25 năm nay.
Xin cảm ơn quý vị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét