Nguyễn văn Tuấn FB
Báo Nhân Dân mới đi một bài (1) phê bình Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Bài báo này có lí giải khá hơn bài trước. Nhưng tôi thấy lấn cấn đôi ba điều trong bài này vì tác giả hình như có sự ngộ nhận về phương pháp nghiên cứu.Tác giả bài báo đi thẳng vào vấn đề và cho rằng Đỗ Thị Thoan đã sai lầm vì chọn nhóm Mở Miệng làm đối tượng nghiên cứu. Tác giả cho biết bởi vì “Sản phẩm của ‘Mở miệng’ gồm các văn bản xuyên tạc từ ca dao đến danh ngôn, sáng tác của các danh nhân được dân tộc Việt Nam tôn kính, và những văn bản với ngôn từ thô tục, nhơ bẩn, dơ dáy, có tính chất ‘bôi đen’ xã hội.” Từ đó, tác giả cho rằng tác phẩm của họ không có giá trị nghệ thuật, và không đáng để nghiên cứu. Có lẽ đây chính là lí do chính tại sao Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội tước văn bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên mà Trường đã trao cho chị ấy 4 năm trước với số điểm tuyệt đối (10/10).
Những phê phán này có “hơi hám” thời Nhân văn Giai phẩm.
Chẳng hạn như Đỗ Nhuận có lần viết: “Trần Dần đọc nhiều sách Tây trụy lạc, và đã nhiễm phải những tư tưởng phản động của sách báo tư sản phản động Pháp từ hồi đó. Năm 1946 sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Dần cùng bạn bè lập ra nhóm ‘thi sĩ tượng trưng’ và tờ báo Dạ đài. Nhóm này chuyên hút thuốc phiện, chơi gái và làm thơ trụy lạc, bế tắc điên cuồng, giữa không khí cách mạng sôi nổi, lại có một tờ báo lạc điệu như vậy, có người đã phải gọi tờ báo này là tờ Dạ đái, ra được một số rồi chết.” Thật khó ngờ những câu chữ của hơn nửa thế kỉ trước lặp lại ở đây!
Tôi nghĩ đối tượng nghiên cứu không phải là tiêu chí để đánh giá tác giả đúng hay sai trong nghiên cứu. Khi làm nghiên cứu, nhà khoa học phải bắt đầu bằng một giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu; tất cả phần phương pháp và đối tượng nghiên cứu chỉ nhằm giải quyết câu hỏi nghiên cứu và kiểm định giả thuyết. Nhà khoa học có nhiều phương pháp và nhiều đối tượng, chứ không phải chỉ một đối tượng duy nhất hay một phương pháp duy nhất. Tôi có thể tìm hiểu ảnh hưởng của chế độ ăn chay đến xương bằng cách chọn các thầy trong Phật giáo ở Việt Nam, nhưng tôi cũng có thể chọn những người trong cộng đồng Amish bên Mĩ. Tương tự, để chứng minh tính cách tân trong thơ ca, tôi có thể chọn thơ Hồ Xuân Hương dù thơ của bà có không ít người xem là tục tĩu. Người ta có thể chọn Võ Phiến và Dương Nghiễm Mậu làm đối tượng nghiên cứu cho dù các nhà văn này bị mang tiếng là “chống Cộng”. Người ta có thể chọn Vũ Trọng Phụng làm đề tài phân tích cho dù tác phẩm của ông từng bị cấm công bố trước 1975 ở miền Bắc. Hay như luận án tiến sĩ của một Việt kiều (Kimberly Hoang) viết về mại dâm ở Việt Nam, một đề tài khá taboo, và chị ấy phải xâm nhập các nhà thổ, mà luận án được giải thưởng. Do đó, tôi nghĩ đối tượng nghiên cứu, tự nó, không phải là tiêu chí để đánh giá luận án của tác giả sai lầm hay đúng. Nhà nghiên cứu có thể chọn bất cứ đối tượng nghiên cứu nào hay phương pháp nào, miễn là đối tượng đó và phương pháp đó giúp cho nhà nghiên cứu có dữ liệu để “yểm trợ” cho kết luận.
Bài báo trên Nhân Dân còn có một nhận xét mà tôi nghĩ là sai. Tác giả viết:
“Ở quốc gia nào cũng vậy, khi phát hiện một Hội đồng chấm luận văn có sai lầm nghiêm trọng thì đều phải thẩm tra lại. Ở CHLB Ðức, trường hợp tước học vị của ông Karl-Theodor zu Guttenberg, là một thí dụ. Năm 2007, luận văn phó tiến sĩ luật của ông được đánh giá rất cao, nhưng sau bốn năm lại phát hiện có sai lầm, Viện kiểm sát phải vào cuộc. Rồi năm 2013, bà Annette Schavan bị tước học vị phó tiến sĩ vì trong luận văn triết học bảo vệ năm 1980, bà đã vi phạm các quy định.”
Tác giả không nói “vi phạm qui định” gì. Xin thưa, hai luận án đó bị rút lại là vì phạm tội đạo văn, chứ chẳng có sai nào cả. Tôi có bình luận trên Tia Sáng từ năm 2011 về vụ zu Guttenberg (2). Ở bất cứ đại học nào (tôi chỉ nói đại học ở các nước tiên tiến), luận án mà đạo văn thì văn bằng sẽ bị rút lại.
Luận án của Nhã Thuyên không có đạo văn. Thật ra, Nhã Thuyên không phạm bất cứ điều gì trong Qui chế cấp bằng của Bộ GDĐT (3). Ấy thế mà Trường ĐHSPHN tước văn bằng thạc sĩ của chị ấy, và đó là một điều bất bình thường. Tôi nghĩ việc thu hồi bằng của Nhã Thuyên chỉ vì chị ấy chọn nhóm Mở Miệng làm chủ đề nghiên cứu là một vi phạm nguyên lí tự do học thuật.
Tinh thần tự do học thuật áp dụng cho giảng viên và sinh viên. Đối với giảng viên, tự do học thuật có nghĩa là giảng viên có quyền nghiên cứu bất cứ chủ đề nào mà họ quan tâm, có quyền trình bày những kết quả đó cho sinh viên và đồng nghiệp mà không chịu sự đàn áp hay kiểm duyệt của bất kỳ thế lực nào. Như một tác giả từng viết trên Vietnamnet rằng “Tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng hiến pháp, mà còn là đòn bẩy quan trọng của cải cách giáo dục.” (4)
Xem ra tình hình tự do học thuật ở nước ta chẳng khá hơn gì so với Kampuchea (KPC). Nhà văn Kho Tararith, một fellow của chương trình Harvard Scholars at Risk, cho biết ở KPC nhà văn vẫn bị kiểm duyệt gắt gao. Ông cho biết Hoàng gia Đại học Luật và Kinh tế, các học giả không được viết luận án về những đề tài như tranh chấp đất đai, hay Hội Chữ Thập Đỏ do phu nhân của thủ tướng điều hành. Tuy nhiên, ở Harvard, ông có thể viết bất cứ chủ đề nào. Đó chính là tinh thần của tự do học thuật. Chẳng lẽ tự do học thuật ở Việt Nam mà như Kampuchea sao?
Nguồn thông tin:
(1) Họ đâu cần quan tâm tới khoa học... (http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/22905702-ho-dau-can-quan-tam-toi-khoa-hoc.html)
(2) Ứng xử với đạo văn trong học thuật: vấn đề văn hóa khoa học (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=3867&CategoryID=36)
(3) Khoản 1 Điều 22 Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo QĐ số: 33/2007/QĐ-BGDĐT, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 26 tháng Sáu năm.2007 đã quy định cụ thể năm trường hợp bị thu hồi hay huỷ bỏ văn bằng: a) Có hành vi gian lận trong học tập, trong thi cử, tuyển sinh hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ cấp văn bằng, chứng chỉ ; b) Cấp cho người không đủ điều kiện ; c) Do người không có thẩm quyền cấp ; d) Bị tẩy xóa, sửa chữa ; đ) Để cho người khác sử dụng.
(4) Đòn bẩy tự do học thuật (http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/145901/don-bay-tu-do-hoc-thuat.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét