Posted by adminbasam on 20/05/2014
Nguyễn Trọng Bình19-05-2014
1. “Trồng tre nẩy măng” là gì?
“Trồng tre nẩy măng” là lợi dụng sơ hở của hàng xóm, láng giềng để từng bước chiếm đoạt đất đai của họ. Trước hết, kẻ tham lam trồng một bụi tre ở phần đất mình đợi đến ngày nó nẩy măng qua phần đất hàng xóm. Khi những cây măng đã thành tre thì lu loa lên rằng phần đất mà những cây tre đang sống là đất của mình và ép hàng xóm phân chia lại ranh giới.
Có thể nói, từ xưa đến nay giới cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ thôi sử dụng chiêu bài“trồng tre nẩy măng” trong quan hệ với Việt Nam. Tính riêng trong thế kỷ XX, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng chiến lược “trồng tre nẩy măng” để từng bước xấm chiếm bờ cõi của Việt Nam cả trên biển lẫn đất liền. Cụ thể, để tranh chấp chủ quyền trên biển thì vào năm 1947 Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ và công bố “đường lưỡi bò” ôm trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; năm 1974 lợi dụng cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc, Trung Quốc xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc ấy do chính quyền miền Nam kiểm soát; năm 1988 một lần nữa họ xua quân đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Còn trên đất liền, chiến lược “trồng tre nẩy măng” được Trung Quốc sử dụng thông qua chiêu bài viện trợ, “giúp đỡ” miền Bắc Việt Nam xây dựng một số con đường trong cuộc chiến tranh giữa miền để rồi khi đàm phán cấm mốc phân chia ranh giới họ lại tráo trở bảo rằng đường ấy do họ làm (dù là trên đất của ta) nên chủ quyền cũng thuộc về họ.
Từ những vấn đề trên có thể nói, việc cái giàn khoan HD 981 vừa cắm thẳng xuống thềm lục địa Việt Nam ngày 2/5 vừa qua chính là cái “măng tre” theo thời gian đã nẩy lên từ những “bụi tre” mà các thế hệ cầm quyền Trung Quốc “trồng” vào những năm 1947, 1974 và 1988 mà thôi.
2. Vì sao Trung Quốc luôn sử dụng chiến lược “trồng tre nẩy măng” trong quan hệ với Việt Nam?
Để một bụi tre bên ranh giới nhà mình phát triển tươi tốt và nẩy măng bên nhà hàng xóm điều quan trọng nhất là yếu tố thời gian. Thời gian càng rộng bao nhiêu thì măng tre sẽ mọc lên càng nhiều. Để thực hiện ý đồ này, tính riêng từ thế kỷ XX đến nay, giới cầm quyền Trung Quốc đã rất nham hiểm giở mọi thủ đoạn cũng như tạo ra vô số những cái bẫy lớn, nhỏ để từng bước bẫy Việt Nam vào tròng.
Trước hết phải kể đến cái bẫy mang tên“ý thức hệ”.Đây có thể xem là cái bẫy quan trọng nhất mà Trung Quốc đã giăng ra để bẫy Việt Nam. Sự nham hiểm và thâm độc của cái bẫy “ý thức hệ” là chiêu bài “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà giới lãnh đạo Trung Quốc (qua các thời kỳ) tùy vào tình hình cụ thể ở Việt Nam mà vận dụng.
Có thể nói, đến nay vì cái bẫy “ý thức hệ” này mà Việt Nam gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trên tất cả mọi phương diện: thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã tự cô lập mình; nhà cầm quyền Trung Quốc vì thế rất yên tâm khi biết rằng Việt Nam hiện nay không “kết thân” với bất cứ quốc gia nào đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây – những nước vốn không cùng “ý thức hệ” để xây dựng và phát triển đất nước.
Tiếp theo cái bẫy “ý thức hệ”, giới cầm quyền Trung Quốc còn bày ra là hàng loạt những cái “bẫy con” khác nhằm kéo dài thời gian cho chiến lược “trồng tre nẩy măng” của họ. Trong đó phải kể đến cái bẫy “đàm phán song phương” về vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Mục đích chủ yếu của cái bẫy này là làm cho Việt Nam hoang mang, chần chừ hoặc không bao giờ kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế. Có thể nói, với cái bẫy “đàm phán song phương”, một lần nữa giới cầm quyền Trung Quốc đã kiểm soát, không để Việt Nam liên minh với bất kỳ quốc gia nào để chống lại họ nhất là với các quốc gia trong khối ASEAN như Philippines, Malaixia… vốn cũng đang tranh chấp với Trung Quốc.
Đi liền với bẫy “đàm phán song phương” là cái “bẫy truyền thông”.Đây là cái bẫygiúp nhà cầm quyền Trung Quốc hiểu rõ hơn những vấn đề nội bộ của Việt Nam thông qua các cơ quan truyền thống chính thống. Đến nay, có thể nói nhà cầm quyền Trung Quốc rất vui vẻ khi biết được phản ứng của chính quyền Việt Nam trong việc xử lý và “định hướng” dân chúng đặc biệt là “khoanh vùng”, cô lập tầng lớp nhân sĩ trí thức có cái nhìn tiến bộ dám cả gan can đặt vấn đề “thoát Trung luận”.
Để thành công với hai cái “bẫy con” này, nhà cầm quyền Trung Quốc đã rất tinh vi sử dụng chiến thuật“vừa đấm vừa xoa”,“mềm nắn, rắn buông” kết hợp với quay sang đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã lũng đoạn nhằm chia rẽ “tình hữu nghị của hai nước chúng ta” trong khi ai cũng biết họ là kẻ đã dàn dựng mọi chuyện.
3. Làm sao để đối phó?
Việc gì đến sẽ đến, cho dù có gian xảo đến mấy thì đến lúc nào đó bộ mặt của kẻ chuyên đi ăn cướp cũng sẽ bại lộ. Việc nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa cho thấy “cái gen xâm lược” ngàn đời không đổi của họ là có thật.
Trong hoàn cảnh hiện nay, để tránh cho dân tộc một cuộc can qua vì vậy, việc phải hết sức kiềm chế (trong mọi tình huống có thể) nhằm không rơi vào bẫy khiêu khích của Trung Quốc nên được xem là giải pháp phải ưu tiên hàng đầu.
Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Về lâu dài, để có thể đối phó với chiến lược “trồng tre nẩy măng” của nhà cầm quyền Trung Quốc nhất định Việt Nam phải thoát ra khỏi cái bẫy “ý thức hệ”. Đây là lựa chọn sáng suốt nhất để chính quyền Việt Nam củng cố và xây dựng lại“niềm tin chiến lược” không chỉ với đại bộ phận nhân dân trong nước mà còn với bè bạn quốc tế – vốn đang rất bất bình về sự ngang ngược và hiếu chiến của Trung Quốc. Quan trọng hơn, thoát ra khỏi bẫy “ý thức hệ” với Trung Quốc đó là cách tốt nhất để Việt Nam phát huy, tận dụng mọi tiềm năng, tiềm lực của dân tộc nhằm xây dựng và phát triển đất nước thật giàu mạnh trong tương lai. Một khi đã giàu mạnh rồi thì dù có là một nước nhỏ đi nữa cũng không ai (nhất là Trung Quốc) dám ức hiếp và xem thường Việt Nam.
Nói cách khác, để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam phải rạch ròi, dứt khoát với họ để đi theo con đường của riêng mình. Tuy vậy, vì lẽ, tạo hóa đã định Việt Nam phải mãi là hàng xóm với Trung Quốc nên dù muốn dù không chúng ta cũng phải xây dựng mối quan hệ hòa hảo với họ nhưng hòa hảo không có nghĩa là nhu nhược hay lệ thuộc nhất là lệ thuộc về “ý thức hệ”. Đây là thời điểm chín muồi nhất để Việt Nam kết thúc đồng thời cũng là mở ra một chương mới trong lịch sử ngoại giao với Trung Quốc và bạn bè thế giới. Một đất nước, một dân tộc chỉ biết ngồi “ăn mày dĩ vãng” rồi tự tâng bốc mình, ảo tưởng mình đang ở “thiên đường” đó là con đường nhanh nhất làm cho dân tộc ấy suy vi, yếu đuối, sớm muộn cũng bị kẻ khác ức hiếp, xâm lấn…
Một vấn đề nữa, trong bối cảnh hiện nay, muốn đối phó với sự ngang ngược và hung hăng của nhà cầm quyền Trung Quốc nhất định Việt Nam cần tỏ rõ lập trường trong việc có liên minh với những quốc gia khác hay không?
Đành rằng quan điểm nhất quán của Việt Nam là “không liên minh với ai để chống lại nước thứ ba” nhưng nếu liên minh để tự vệ trước sự xâm lược của Trung Quốc thì sao? Sắp tới đây, nếu Trung Quốc không rút giàn khoan hay thậm chí thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên toàn bộ thềm lục địa của ta thì sao? Nếu nói không liên minh thì liệu có mâu thuẫn với việc chúng ta đang kêu gọi và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và bạn bè quốc tế thời gian qua không?
Nhân nói về vấn đề “dư luận quốc tế”, những ngày qua khi nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa Việt Nam thì nhìn chung “dư luận quốc tế” đang đứng về phía Việt Nam và lên án Trung Quốc. Tuy vậy cũng nên tỉnh táo để hiểu rằng “dư luận quốc tế” là ai, chủ thể và tư cách phát ngôn như thế nào? Thật ra, đa phần là của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu độc lập thuộc các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức xã hội dân sự hoặc phi chính phủ… chứ tuyệt nhiên chưa thấy quan điểm của một nguyên thủ quốc gia nào chính thức công khai ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, trong hai quốc gia có tiếng nói đối trọng mạnh mẽ nhất với Trung Quốc hiện nay là Nga và Hoa Kỳ thì chỉ có Hoa Kỳ là phản ứng với quan điểm rất rõ ràng “không đứng về phía nào”( Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc khiêu khích và hiếu chiến) còn Nga thì nhìn chung rất lơ là, chỉ kêu gọi hai bên kiềm chế một cách rất chiếu lệ. Phải chăng đó cũng là lý do vì sao những ngày qua, tuy bị “dư luận quốc tế” lên án nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn không nao núng. Thậm chí, ngày qua ngày họ còn bộc lộ thái độ hung hăng hơn trước khi liên tiếp điều thêm nhiều máy bay, tàu chiến ra để bảo vệ giàn khoan của họ như thể thách thức Việt Nam và cả thế giới?
Từ đây, nghiêm túc mà nói, nếu Việt Nam đã quyết không liên minh với ai thì cũng không nên tự ru ngủ mình về cái gọi là“chính nghĩa và công lý đang thuộc về chúng ta nên không có gì phải sợ Trung Quốc”. Về lý thuyết, theo luật pháp quốc tế, tuy công lý và “chính nghĩa” đang có vẻ nghiêng về phía Việt Nam nhưng đáng tiếc là đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế như cách mà Philippines đã làm. Và cho dù Việt Nam có khởi kiện đi nữa thì với sự quỷ quyệt của giới lãnh đạo Trung Quốc thì chưa có gì đảm bảo chắc chắn điều ấy sẽ thành hiện thực. Hơn nữa đâu phải nộp hồ sơ khởi kiện là người ta sẽ phân xử ngay, phải mất thêm một khoảng thời gian khá lâu nữa để tòa án quốc tế đọc hồ sơ, thụ lý vụ việc… Với khoảng thời gian ấy thì khi đó chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
4. Vĩ thanh
Những ngày qua, dù rằng có một bộ phận người dân có những hành động quá khích trong khi biểu tình chống Trung Quốc. Đó là điều đáng tiếc, đa phần người Việt yêu chuộng hòa bình đều không muốn như vậy. Tuy vậy, nói cho cùng sự quá khích ấy cũng không nguy hiểm bằng sự hung hăng và ngang ngược của quân xâm lược Trung Quốc ngoài biển Đông khi mỗi ngày đều xịt vòi rồng hay đâm thẳng vào tàu hải cảnh của ta; uy hiếp bắt bớ, đánh đập, tịch thu tài sản của ngư dân ta. Tuy việc làm của một bộ phận người dân là không phải, không đúng, là vi phạm pháp luật cần phải răn đe nhưng biết đâu một ngày nào đó họ chính là những cảm tử quân trong cuộc đối đầu với kẻ thù hung ác!? Vì vậy, trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay, thiết nghĩ cũng không nên quá mạnh tay với họ, bởi dù sao đó cũng chỉ sự bộc phát nhất thời, dù sao cũng là máu mủ Việt Nam.
Ngoài ra, Tổ Quốc đang đối mặt với họa xâm lăng nhưng nếu lòng yêu nước của Nhân Dân lại bị kiểm soát và áp đặt theo quan điểm và cách thức yêu nước của một vài người nào đó thì cũng không có gì lố bịch và nguy hiểm hơn.
Lãnh thổ biên cương đang bị xâm lấn ngày một nhiều hơn nhưng “tinh thần yêu nước” và “sức mạnh của dân tộc” lại phụ thuộc vào quan điểm của một nhóm người nào đó thì quả không có gì bất hạnh hơn cho dân tộc này.
Nhân những chuyện này, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại lời của chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam – tháng 2 năm 1951, rằng:
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…”
Đoạn văn trên là bằng chứng cho thấy không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì (cho dù đó là Đảng, là “ý thức hệ”…) để “dẫn dắt”, “định hướng” hay áp đặt lòng yêu nước của nhân dân kiểu như“mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ai được phép đặt Đảng ngang hàng với Tổ Quốc, không thể và không bao giờ có chuyện“yêu Đảng là yêu nước” hay ngược lại. Những luận điệu như thế này nếu không phải là sự xúc phạm “hồn thiêng sông núi” cha ông 4000 năm thì cũng là một sự ngụy biện trắng trợn về lòng yêu nước của“bè lũ bán nước”. Không có gì Thiêng Liêng hơn Tổ Quốc, không có gì cao hơn Đất Nước. Không có gì sánh bằng lòng yêu nước và tình yêu Tổ Quốc của Nhân Dân. Đó mãi mãi là chân lý.
Cần Thơ, 17/5/2014
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 18-5-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét