Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Tình hình Biển Đông: Kiên quyết đuổi giàn khoan, tàu Trung Quốc


http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tinh-hinh-bien-dong-kien-quyet-duoi-gian-khoan-tau-trung-quoc-3038834/
(Tin tức thời sự) – Ngày 20/5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, Trung Quốc tiếp tục dùng nhiều tàu vây áp, ngăn cản tấn công các tàu chấp pháp của ta.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam nói về giàn khoan Trung Quốc
Tàu VN tiếp cận giàn khoan,kiểm ngư TQ tấn công ngư dân
Kiên quyết đuổi giàn khoan, tàu Trung Quốc
Ngày thứ 18 giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, theo thống kê sơ bộ của lực lượng cảnh sát biển, số lượng tàu bảo vệ giàn khoan có ít nhất là trên 90 tàu.

Ỷ vào thế đông, Trung Quốc liên tục điều nhiều tàu lao ra ngăn cản, tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Cụ thể, lúc 7h10 sáng ngày 20/5, tàu cảnh sát biển 4032 cơ động tiếp cận cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng cách 6,4 hải lý liền bị 6 tàu Trung Quốc mang các số hiệu 3401, 102, 21101, 32101, 46001, 37011 tăng tốc ngăn cản, tấn công tàu cảnh sát biển 4032.
Đến 8h5, 3 tàu Trung Quốc mang các số hiệu 3411, 33006, 242 đã lao ra ngăn cản phía trước mũi tàu cảnh sát biển 8003 của ta đang tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981. Lâm vào thế nguy hiểm, tàu cảnh sát biển 8003 đã phải dừng máy, thả trôi và gọi loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Lực lượng cảnh sát biển cho hay, các tàu bảo vệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục được bố trí dày đặc, từ nhiều hướng để ngăn cản các tàu của ta tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981.
100% cán bộ, chiến sỹ luôn xác định tốt nhiệm vụ được giao
100% cán bộ, chiến sỹ luôn xác định tốt nhiệm vụ được giao
Các tàu này luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu của ta.
Bên cạnh đó, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã cơ động gần nhóm tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ta. Ngoài ra, một số tàu cá vỏ sắt có trọng tải trên 300 tấn hoạt động cùng các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc cũng tham gia ngăn cản hoạt động các tàu của ta.
Trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng, chiều ngày 20/5, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, dù thời gian hoạt động trên biển dài ngày song 100% cán bộ, chiến sỹ luôn xác định tốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết xua đuổi giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Việt Nam có thể khiếu nại, khởi kiện hành vi của TQ
Liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương 981, ngày 20/5, trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế.”
Tọa đàm là cơ hội để các học giả, giảng viên, chuyên gia nghiên cứu chia sẻ thông tin, phân tích, làm rõ những vấn đề pháp lý quốc tế và xem xét, đánh giá sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam; các giải pháp cho Việt Nam để bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển Việt Nam.
Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam
Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam
Tại buổi tọa đàm, các học giả, chuyên gia nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo khẳng định, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC).
Các chuyên gia cho rằng, đối với vấn đề này, Việt Nam cần có chiến lược và nhiều giải pháp khác nhau để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó cần huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp các hình thức đàm phán hòa bình. Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể thông qua các diễn đàn, các tổ chức quốc tế để khiếu nại và khởi kiện hành vi của Trung Quốc, nhằm bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
 Để đấu tranh với sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, các chuyên gia cùng nhấn mạnh rằng, phải sử dụng công lý, luật pháp như một chiếc “nỏ thần” để nhận được sự ủng hộ của quốc tế và hòa bình cho đất nước.
“Là người Hoa nhưng tôi thấy TQ hành động không đúng”
Không chỉ người Việt, những ngày qua, hàng trăm người Hoa đang sinh sống tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng đã kịch liệt phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và các loại tàu thuyền vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sáng 20/5, ông Xú A Xáng (55 tuổi, ngụ phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) đã gửi thư tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ sự lo lắng và bất bình trước những hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh trên Biển Đông.
Nội dung bức thư có đoạn: “Kính gửi Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội – Việt Nam. Chúng tôi là những người dân Trung Hoa đã và đang cư trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk – Việt Nam từ lâu nay.
Hiện nay, chúng tôi đang rất lo ngại tình hình tại Biển Đông, nhất là sau khi Chính phủ Trung Hoa cho lắp đặt giàn khoan Hải Dương 981 thuộc vùng biển của Việt Nam, tạo nên sự phản ứng gay gắt trong ở trong nước Việt Nam và dư luận quốc tế.
Ông Xú A Xáng viết thư gửi Đại sứ quán Trung Quốc
Ông Xú A Xáng viết thư gửi Đại sứ quán Trung Quốc
Chúng tôi đề nghị Chính phủ Trung Hoa kiềm chế mọi hành động và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cũng như các loại tàu thuyền hộ tống để khỏi ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Hoa và giữ gìn mối quan hệ hữu hảo giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc có từ trước tới nay…”
Cũng như ông Xáng, ông Lai Nhục Phí (57 tuổi), 1 người Hoa đang sinh sống ở phường Tự An, đã phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. Theo ông, đó là hành động không thể chấp nhận.
Ông Phí cho biết: “Tôi cũng như hàng trăm người Hoa đang đang sinh sống ở đây thấy rằng việc Chính phủ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam là hành động không đúng, không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà còn đe dọa hòa bình và an ninh của 2 nước.
Tôi cho rằng Trung Quốc nên sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam để bà con chúng tôi yên tâm sinh sống, sản xuất trong hòa bình”.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 19/5 trong khi có mặt ở Thượng Hải để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác và niềm tin ở châu Á lần thứ tư (CICA-4) đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị về các vấn đề nóng hiện nay trên thế giới. Trong đó có vấn đề căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Trong bài phát biểu trước các đại biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS), ông Ban Ki-moon nói: “Đây là một thời điểm với những thách thức to lớn… Chúng ta không bao giờ được quên rằng, những căng thẳng cần phải được giải quyết thông qua đối thoại và phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
 Mai Thùy (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét