BBC
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói
trong hồi ký mới xuất bản, ‘Lựa chọn Khó khăn’ rằng Trung Quốc đã ‘đi
quá đà’ ở châu Á.
Hồi ký nói các vụ chạm trán giữa tàu Trung Quốc và tàu của
Philippines, Việt Nam và Nhật Bản thực tế đã diễn ra sau vụ đối đầu giữa
tàu hải quân Hoa Kỳ Impeccable với năm tàu của Trung Quốc hồi năm 2009.Trong sự cố xảy ra cách đảo Hải Nam chừng 120km, các thủy thủ Trung Quốc đã ném những tấm gỗ xuống nước để chặn tàu Impeccable và tàu này đáp lại bằng phun vòi cứu hỏa vào thủy thủ Trung Quốc khiến có thủy thủ bị nước xối bay hết quần áo chỉ còn xà lỏn.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói Trung Quốc đã ngày càng hung hăng (aggressive) với các nước láng giềng thay vì cải thiện quan hệ với họ giữa lúc Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ đang vắng bóng ở châu Á và còn đang bị chi phối bởi hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Bà nói sự hung hăng của Trung Quốc sẽ có thể đẩy các nước, nhất là các nước Đông Á nhỏ vào những liên minh quân sự đắt đỏ trong vùng mà cho tới nay Hoa Kỳ chỉ có hiệp ước bảo vệ Nhật Bản và Philippines khi hai nước này bị tấn công.
“Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài.“
Bà Clinton nói về ông Dương Khiết Trì tại cuộc họp ở Hà Nội hồi năm 2010
Nhưng Việt Nam chính là nơi hồi năm 2010 bà đã có phát biểu mạnh mẽ nhấn mạnh chuyện tự do hàng hải là “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ để đối trọng với “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc gắn cho Biển Đông, bà Clinton viết trong sách.
Bà nói thêm phát biểu của bà tại cuộc họp của khối ASEAN ở Hà Nội đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó Dương Khiết Trì “giận tái người” và đề nghị giải lao một giờ trước khi trở lại với bài phát biểu hùng hồn của ông.
“Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài,” bà viết.
Bà Clinton cũng nói ông Dương nhắc cử tọa rằng “Trung Quốc là nước lớn. Lớn hơn bất cứ nước nào ở đây.”
‘Cơ hội độc đáo’
Liên quan tới Việt Nam, vị ngoại trưởng nhớ lại chuyến tháp tùng chồng, Tổng thống Bill Clinton, tới Việt Nam hồi năm 2000 và nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn để đương đầu với sự căm phẫn hay thậm chí thù nghịch nhưng đông đảo người dân Việt Nam đã xếp hàng chào đón.Mười năm sau bà trở lại trong cương vị ngoại trưởng để chứng kiến thương mại song phương đạt gần 20 tỷ đôla, tăng đáng kể từ mức 250 triệu đôla trước khi quan hệ được bình thường hóa năm 1995.
Bà nhận xét: “Việt Nam là cơ hội độc đáo chiến lược cho dù đầy thách thức.
“Một mặt đây vẫn là quốc gia độc đoán với tình trạng nhân quyền kém, nhất là tự do báo chí.
“Mặt khác họ đang dần dần mở cửa kinh tế và cố gắng có vai trò lớn hơn trong khu vực.”
Bà Clinton nói hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là một trong những công cụ quan trọng để kết nối với Việt Nam.
Hiệp ước, hiện vẫn đang được đàm phán, có mục tiêu hạn chế các rào cản thương mại trong khi nâng cao tiêu chuẩn lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ.
Bà Clinton cũng nói trong tư cách ngoại trưởng bà đã nêu những lo ngại cụ thể của Hoa Kỳ về chuyện Việt Nam áp đặt hạn chế tùy tiện đối với các quyền tự do căn bản trong đó có các vụ bắt bớ và mức án nặng dành cho giới luật sư, blogger, những người bất đồng chính trị, các nhà hoạt động Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét