Đào Hiếu
CHÂN DUNG LÃNH TỤ NGUYỄN THÁI HỌC
Nguyễn Thái Học (chữ Hán: 阮太學; 1 tháng 12, 1902 – 17 tháng 6, 1930) là sinh viên và nhà cách mạng Việt Nam chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp để thành lập một nước độc lập Việt Nam Dân Quốc. Ông sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) năm 1927 và lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp áp giải từ ngục thất Hỏa Lò ở Hà Nội lên Yên Bái chặt đầu cùng với 12 đảng viên VNQDĐ sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1930.
THÂN THẾ
Nguyễn Thái Học sinh ngày 1 tháng 12 năm Nhâm Dần (1902) tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Ông là con cả của cụ Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh. Gia đình
ông là một gia đình trung nông sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải, buôn
vải. Từ 4 tuổi ông đã được cha mẹ cho đi học chữ Hán, và năm 11 tuổi ông bắt đầu theo học chương trình tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Vĩnh Yên.
Năm 19 tuổi ông thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp.
Do tính tình cương trực và không thích khuất phục lối giáo dục của
người Pháp, ông bỏ học vào năm thứ ba, và sau đó ghi danh học trường Cao
đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương (1925-1927). Trong thời gian
này, ông tham gia thành lập Nam Đồng Thư Xã, và tiếp xúc với một số sinh viên đồng chí hướng, trong số đó có Phó Đức Chính, sinh viên trường Cao đẳng Công chánh và Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, hai nhà cách mạng tương lai sẽ gắn liền với cuộc đời cách mạng của ông sau này.
Cũng trong thời gian là sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn Thái Học đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne một
số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành một loạt cải
cách tiến bộở Việt Nam. Sở dĩ Nguyễn Thái Học gửi những đề xuất cải cách
của mình cho Varenne vì ông ta vốn là một đảng viên của Đảng Xã hội Pháp, người vừa mới tới nhậm chức toàn quyền đã quyết định ân xá Phan Bội Châu và hứa hẹn nhiều cải cách rộng lớn ở xứ thuộc địa Đông Dương.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa suông, và ông ta không bao giờ quan
tâm trả lời những bức thưđầy tâm huyết của Nguyễn Thái Học.
Hoàn
toàn thất vọng về con đường cải cách của chính quyền thuộc địa, Nguyễn
Thái Học và các đồng chí của ông đi đến quyết định là: con đường duy
nhất để mở ra cơ hội phát triển cho dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con
đường dùng vũ trang lật đổ chế độ thực dân Pháp và chế độ phong kiến,
thành lập một nước Việt Nam Cộng Hòa và thiết lập một nền dân chủ trên
toàn cõi Đông Dương
ĐỀN NỢ NƯỚC
Pháp
thành lập một Hội đồng Đề hình để xử các nghĩa quân VNQDĐ. Rất nhiều
đảng viên VNQDĐ bị chung thân khổ sai, một số tự sát và bị hành hình
như:
-Ngày 11 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu đập đầu tự sát trong ngục thất ở Hưng Hóa.
-Ngày 8 tháng 3 năm 1930, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng bị xử chém tại Yên Bái.
-Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.
-Ngày 18 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thị Giang dùng súng tự sát ở gốc cây đề làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên nay là tỉnh Vĩnh Phúc.
-Ngày 7 tháng 9 năm 1930, Đỗ Thị Tâm nuốt giải yếm tự sát trong ngục thất ở Hà Nội. Khi ấy cô được 18 tuổi.
-Ngày 22 tháng 11 năm 1930, Nguyễn Văn Toại và 4 đồng chí bị xử chém tại Phú Thọ.
-Tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, hay Đặng Trần Nghiệp, tức Ký Con, và 6 đồng chí bị xử chém tại trước cổng nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội.
-Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và một số đồng chí bị xử chém tại Hải Dương.
-Ngày 23 tháng 6 năm 1931, Lê Hữu Cảnh bị hành hình trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội.
-Không
rõ tháng năm, Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều,
Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị hành hình trước
ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.
Sau
khi hành quyết một số lãnh tụ và nghĩa quân của VNQDĐ tại Yên Bái, Pháp
cho chôn chung một mộ tại thị xã Yên Bái, cách ga xe lửa độ một cây số,
và cho lính canh giữ đến cuối năm 1930. Năm 1945, quân đội VNQDĐ chiếm đóng Yên Bái, cho trùng tu mộ phần của 17 vị anh hùng và lập đền thờ kỷ niệm.[4][7] Khu mộ này sau được nhà nước Việt Nam trùng
tu và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Tên ông cùng nhiều lãnh tụ
VNQDĐ vẫn được dùng đạt tên đường và trường học tại VIệt Nam cho đến
ngày nay.
Trong cuộc hội thảo ngày 24 tháng 12 năm 2003 tổ chức tại quê hương ông các nhà khoa học đã tôn vinh Nguyễn Thái Học là Anh hùng Dân tộc.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (trích)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét