Datviet
(Tin tức thời sự) – “Có thể khi triển khai tuyển dụng người của nước họ đề ra những tiêu chuẩn, phía công nhân VN không đáp ứng được”.
Trước thông tin Công ty China Chengda Engineering vừa
tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc làm việc tại nhà máy nhiệt
điện Duyên Hải 3, tỉnh Trà Vinh. Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long,
Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình.
Việc tuyển dụng đang quá phụ thuộc vào chủ đầu tư
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 8/7, ông Long cho hay:
“Chuyện tuyển dụng hơn 2000 lao động là người TQ, tôi chắc chắn liên
quan đến người đứng ra tuyển dụng đằng sau và chủ đầu tư – đơn vị đầu tư
nhiều về nguồn vốn, công ty cung cấp thiết bị, chắc hẳn sẽ là người
TQ”.
Ông Long cũng nói cụ thể, có thể khi triển khai tuyển
dụng người của nước họ đề ra những tiêu chuẩn, phía công nhân VN không
đáp ứng được, còn khi đến thi tay nghề, làm không đạt họ sẽ lấy lý do đó
để ưu tiên cho lao động là người trong nước trước.
“Cũng như nếu là Nhật Bản, Nga mà làm chủ đầu tư thì số lao động TQ
chắc chắn sẽ không nhiều như vậy. Cho nên, tôi khẳng định hiện nay chúng
ta phụ thuộc quá nhiều vào chủ đầu tư, nhiều khi họ viện cớ xây lắp
thiết bị đặc thù mà tiến hành tuyển dụng”, ông Long chỉ rõ.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 do EVN làm Chủ
đầu tư, Ban QLDA Nhiệt điện 3 thuộc EVN chịu trách nhiệm quản lý dự án,
là một trong 3 nhà máy của Trung tâm Điện lực Duyên Hải, có tổng công
suất khoảng 4.400MW, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai
đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.
Tổng mức đầu tư dự án là gần 30 nghìn tỷ đồng, trong
đó giá trị gói thầu EPC là hơn 22 nghìn tỷ đồng gồm 85% vốn vay của Tổ
hợp các ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) – Ngân hàng Công
thương Trung Quốc (ICBC) – Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), 15%
giá trị còn lại là vốn đối ứng của EVN.
Bên cạnh đó, Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 do Liên danh
Nhà thầu CHENGDA – DEC – SWEPDI – ZEPC làm tổng thầu EPC, Công ty CP Tư
vấn Xây dựng Điện 3 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi
công (bao gồm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công).
|
Tuyển hơn 2000 lao động TQ vào nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3
|
Như vậy, có nghĩa là số vốn thực hiện dự án đều là
nguồn tiền vay ở các Ngân hàng Trung Quốc và trong các nhà thầu thực
hiện xây dựng có nhà thầu Trung Quốc.
Cũng đồng tình quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ
trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Ở đây là do người đầu tư không muốn sử
dụng lao động VN, vì phải thuê phục vụ VN. Tôi nói cụ thể như việc lắp
máy đáng lẽ phải thuê Tổng công ty lắp máy VN, còn họ chỉ làm việc
chính”.
Theo quan điểm của ông Liêm thì ngành xây dựng phải
đảm bảo cho xây dựng VN chứ không riêng các nhà máy điện. Những kết cấu
kim loại dành cho nhà máy nhiệt điện như lò, khung, VN đều gia công được
hết. Nhưng nếu gia công hết ở TQ thì cơ khí VN lại phải treo niêu,
trong khi toàn xây dựng những công trình to, bỏ nhiều vốn.
Lao động VN hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu
Trước thông tin tuyển dụng này, ông Dương Quang Ngọc
(Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng phía Công ty
China Chengda Engineering có chuyển thông tin tuyển dụng lao động đến
sở và các phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện, thành phố
cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm. Toàn bộ vị trí tuyển dụng
không phải lao động phổ thông mà là lao động kỹ thuật cao và chuyên gia.
Theo ông Ngọc, sau khoảng hai tháng đăng tuyển, số
lượng lao động trong nước có rất ít người nộp hồ sơ xét tuyển hoặc gửi
hồ sơ nhưng không đến phỏng vấn xin việc làm. Do đó phía công ty xin các
cấp lãnh đạo liên quan tuyển lao động người nước ngoài (quốc tịch Trung
Quốc) để đảm bảo tiến độ thi công.
Theo bà Sơn Thị Ánh Hồng-Phó chủ tịch tỉnh Trà Vinh và
ông Dương Quang Ngọc- Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh thì: Nhà
máy nhiệt điện tuyển lao động kỹ thuật cao và chuyên gia nên số lượng
thí sinh VN dự tuyển không có, nên mới phải tuyển lao động là người TQ.
Nói rõ hơn, ông Long cho biết: “Lao động phổ thông
trong nhà máy nhiệt điện được hiểu chỉ là những lao động như đào móng,
vận chuyển nguyên vật liệu, cơ bản là lao động không có kiến thức về
nhiệt điện vẫn làm được. Còn lao động có kỹ thuật cao thì sẽ tham gia
vào các việc lắp ráp máy móc hoặc là xây dựng những hạng mục khó hơn,
đòi hỏi nghiệp vụ cao hơn, kể cả nghiệp vụ xây dựng như thợ hàn, thợ làm
các khuôn cốt pha, bê tông, đòi hỏi trình độ cao”.
Thế nhưng, nếu nói công nhân, lao động trong nước không đáp ứng được
là không đúng, bởi theo ông Long, thông thường, số lao động trong nước
có nhiều công trình khó vẫn đáp ứng được, chủ yếu là ai đứng ra tuyển,
tiêu chí ra sao?
Ông Long chỉ rõ: “Đối với những công trình nhiệt điện,
VN cũng đã từng xây dựng rất nhiều, lực lượng lao động không phải là
tay nghề yếu, cho nên cái lý do họ nêu ra ta phải xem xét, can thiệp vào
quá trình tuyển dụng. Không nên phủ nhận việc, nhiều nhà máy nhiệt điện
khác trước đây được xây dựng, không phải TQ đầu tư và chúng ta đâu có
sử dụng nhiều công nhân lao động TQ như vậy”.
Theo quan điểm của ông Long, chúng ta đã từng xây dựng
mấy chục nhà máy nhiệt điện, từ trước đến nay nhỏ có, lớn có, thậm chí
có công trình nhà máy điện tuabin khí có lẽ rất thích hợp, có nghĩa công
nhân lao động VN hoàn toàn đáp ứng được kể cả lao động phổ thông lẫn
lao động trình độ cao.
Chính vì vậy, ông Long cho rằng: “Việc tuyển dụng
người nước ngoài vào làm việc tại VN, theo tôi những việc nào người VN
làm được thì nên ưu tiên người VN bởi như vậy nước mình sẽ giải quyết
được tình trạng thất nghiệp. Trừ vài trường hợp đặc biệt, cần công nghệ
cao, chúng ta không thể đáp ứng thì mời chuyên gia nước ngoài”.
Bên cạnh đó, TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ
Xây dựng cũng đưa ra quan điểm: “Công nhân lao động VN chắc chắn có thể
đảm nhận các công việc trong nhà máy nhiệt điện, chúng ta đã xây biết
bao nhà máy về điện, to có, lớn có, nếu xây muốn xây thì lúc nào cũng
có, không cần đến lao động khác”.
Thanh Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét