(Tài chính)
– Việc đùn đẩy cái khó cho các doanh nghiệp khác chính là cách giết
chết doanh nghiệp khác nhanh hơn. Nói cách khác là kéo nhau cùng chết
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm.
CPH không triệt để, tái cơ cấu sẽ thất bạiPV: - Công cuộc tái cấu trúc như các chuyên gia đã nói “tái mãi mà không chín” và cứ Xuân – Thu nhị kỳ các Diễn đàn kinh tế lại đều đặn nhắc về sự chậm trễ tái cấu trúc, nhất là đối với khối doanh nghiệp nhà nước. Nhưng theo ông, tái cơ cấu bằng cách chuyển những doanh nghiệp khó khăn cho các tập đoàn khác, thay tên đổi họ, khoanh nợ giãn nợ… thì có tiến hành tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước theo cách này được không và vì sao?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: – Tái cấu
trúc kinh tế là phân bổ lại nguồn lực, theo hướng những ngành, những
vùng có lợi thế phát triển, những chủ thể sử dụng vốn tốt sẽ được dòng
vốn “ưu ái” chảy đến nhiều hơn, qua đó, kéo nền kinh tế phát triển hiệu
quả hơn.
Tái cấu trúc có hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là cơ cấu
lại chức năng của các khu vực DN (hay các thành phần kinh tế), chủ yếu
là khu vực DNNN, cho đúng nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường. Ở
nước ta hiện nay, điều đó có nghĩa là nguồn lực quốc gia trong nhiều năm
được phân bổ quá mức cho các DNNN phải được phân bổ lại, chuyển giao
cho khu vực khác, tạo sự bình đẳng về vị thế để các khu vực, thành phần
có thể cạnh tranh công bằng theo nguyên tắc thị trường.
Cấp độ thứ hai là thay đổi hệ thống quản trị doanh
nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Đối với các DNNN, nếu
muốn nâng cao quản trị trong nền kinh tế chuyển đổi thì trước hết phải
thay đổi cấu trúc sở hữu. Tức là nhà nước phải giảm dần tỉ lệ nắm giữ cổ
phần chi phối trong doanh nghiệp, tiến dần đến thoái vốn nhà nước hoàn
toàn khỏi các doanh nghiệp mà về mặt chức năng, nhà nước không nhất
thiết phải nắm giữ.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam |
Xóa bỏ tình trạng độc tôn sở hữu trong doanh nghiệp,
tạo cơ hội rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia, lúc đó
mới thay đổi được cấu trúc quản trị. Khi đó, tiếng nói của cổ đông mới
có giá trị.
Nghĩa là bất kể DNNN nào, hoạt động tốt hay xấu, nếu
hoạt động không đúng chức năng mà nền kinh tế thị trường quy định thì
đều phải chuyển đổi hệ thống sở hữu. Tuy nhiên, “bán”DNNN phải dựa vào
nguyên tắc cơ bản là phải thay đổi được cấu trúc sở hữu trong nền kinh
tế, bảo đảm phân bố lại nguồn lực giữa các khu vực, các thành phần kinh
tế; trên cơ sở đó, thay đổi chức năng của sở hữu (cụ thể ở đây là chức
năng của DNNN, thay đổi hệ thống quản trị điều hành doanh nghiệp). Như
vậy, khi đã bán (CPH) thì về nguyên tắc, nhà nước không nên cố nắm giữ
quyền điều hành, chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện vẫn còn dùng dằng câu chuyện nhà nước sở hữu 51%,
còn 49% là cổ đông khác. Như vậy thì khó thực hiện được mục tiêu CPH mà
quá trình chuyển sang kinh tế thị trường quy định. Nếu CPH không được
thực hiện một cách triệt để thì tái cơ cấu cũng chỉ là cách chuyển những
doanh nghiệp khó khăn của DNNN này cho các tập đoàn khác, thay tên đổi
họ, khoanh nợ giãn nợ… như đã từng được làm với Vinashin, Vinalines.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc đùn đẩy cái khó
cho các doanh nghiệp khác chính là cách giết chết doanh nghiệp khác
nhanh hơn. Nói cách khác là kéo nhau cùng chết. Sẽ không ai cho phép làm
như vậy nữa.
PV: - Vậy theo ông, nếu như vậy,
phải yêu cầu cho việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế ra sao? Và muốn
làm được thì phải có quyết tâm như thế nào?
PGS. TS Trần Đình Thiên: - Tôi cho rằng, CPH
Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA) chính là một ví dụ mới
nhất để đặt lại vấn đề về cách tiếp cận nên CPH thế nào và coi CPH VNA,
như một “mẫu” tái cơ cấu DNNN cần được mổ xẻ và rút kinh nghiệm.
Tôi đã nhiều lần đề nghị, đề án tái cơ cấu nên để cho
một nhóm chuyên gia độc lập (với doanh nghiệp) thực hiện. Hoặc thuê tư
vấn nước ngoài làm. Đề án đó phải tách bạch hoàn toàn và không phụ thuộc
vào lợi ích của những người đang có quyền lợi tại DN, tập đoàn nhà nước
vì họ chính là những “đương kim” lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn
đó.
Nói như vậy không có nghĩa là các tập đoàn này yếu kém
về năng lực quản trị. Nhưng trong bối cảnh các DNNN chưa thoát khỏi
được tư duy được bao bọc, ỉ lại, dựa dẫm thì sẽ có một đề án tái cấu
trúc được thiết kế dựa trên nền tảng đảm bảo cho họ những quyền lợi như
vậy.
Trởi lại trường hợp VNA. Chủ trương CPH của VNA là
đúng xu thế, đáng khích lệ. Tuy nhiên, phương án CPH VNA có lẽ vẫn chưa
hoàn toàn thoát khỏi tư duy cũ, cơ chế cũ và do chính những người đang
điều hành thiết kế; do đó mới sinh ra xin này, xin nọ. Điều đó là hoàn
toàn dễ hiểu, bất cứ ai được đặt vào vị trí đó cũng sẽ làm như vậy.
Cũng có lần tôi đề xuất, tái cơ cấu cần phải có đề án
mẫu, trong quá trình thực hiện sẽ thay đổi cho phù hợp với từng doanh
nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nhưng điều này không có nghĩa là
CPH ồ ạt, bán bừa bãi, định giá tài sản thế nào cũng được.
Không nên ôm khư khư đống nợ!
PV:- Thưa ông, cổ phần hóa chỉ là
một công cụ của tái cấu trúc nhưng tại sao tới nay, việc tái cấu trúc
nền kinh tế mới chỉ nhắm tới mục tiêu cổ phần hóa. Điều này phải được
hiểu như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Trần Đình Thiên: – Vì sao
chúng ta đang tập trung vào CPH? Vì CPH chính là trục chính trong tái
cấu trúc kinh tế. Tuy nhiên vấn đề đáng bàn là tại sao CPH chậm và cách
thức thực hiện CPH có đúng không.
Trước tiên, phải khẳng định, CPH là cần thiết, nhưng
không phải CPH theo hình thức đếm số doanh nghiệp, CPH cho đủ mà quan
trọng phải chuẩn bị những điều kiện cho CPH thật tốt.
Tại sao tôi nói vậy, vì hiện nay có tư tưởng chạy theo
mục tiêu, hoàn thành cho đủ số lượng DN phải CPH hay CPH ồ ạt, dẫn tới
tình trạng bán rẻ cổ phiếu. Mục tiêu của CPH không chỉ đơn giản là bán
được cổ phiếu mà phải bán được giá cao khi đó nhà nước mới có lợi.
Để làm được điều này, thì thay vì chúng ta cố gắng bán
bằng được thì nên quay lại cải thiện tình trạng sản xuất cho doanh
nghiệp, làm nó phát triển tốt hơn, rồi mới bán chứ không nhất thiết chỉ
chăm chăm bán, bán quá rẻ, bán như cho không cũng không có người mua.
Quan trọng hơn cả, sau khi CPH phải cải thiện được tình hình phát triển của doanh nghiệp.
Việc Thủ tướng đặt ra mục tiêu tới năm 2015 phải CPH
xong 432 doanh nghiệp thể hiện sự quyết tâm, tính cấp bách của CPH.
Song, cũng không nên CPH vì số lượng mà chia đều số doanh nghiệp theo
tiêu chuẩn.
PV: - Nhưng nếu cứ duy trì tình
trạng như trên thì hậu quả sẽ thế nào đặc biệt khi doanh nghiệp đã được
cho phép thoái vốn dưới giá, thưa ông?
PGS. TS Trần Đình Thiên: - Tôi thấy rằng, có hai lựa chọn đối nghịch.
Tôi lấy ví dụ thế này, một DNNN hoạt động kém hiệu
quả, khi bán đi tức là chuyển tài sản của quốc gia cho một lực lượng chủ
thể khác vẫn của quốc gia đó nhưng họ biết quản trị tốt hơn, biết cách
làm khối tài sản kém hiệu quả sinh lời nhiều hơn. Vậy thì ta có nên cấm?
Vì lý do gì?
Như vậy, việc chuyển tài sản này sang cho khu vực khác
quản trị tốt hơn theo hai nghĩa. Một là chuyển nhanh được tài sản quốc
gia đó để nó phát huy tốt hơn. Thứ hai, nhà nước đỡ gánh nặng phải ôm
những của nợ.
Nhưng lại có một lợi ích khác. DNNN là tài sản nhà
nước. Khi giá trị tài sản chưa bằng 0, thì người quản lý sẽ dễ sinh tâm
lý tiếc tài sản và chần chừ không muốn bán hoặc chờ được giá mới bán để
kiếm lời.
Đứng trên lập trường của người quản lý thì tâm lý đó
là đúng. Nhưng nó không đúng khi dựa trên lợi ích tổng thể. Nếu cứ giữ
khư khư một đống nợ, thì không những NSNN không thu được lợi ích gì mà
còn chịu thiệt hại lớn hơn, thậm chí nhà nước còn phải bù tiền ngân sách
để trả nợ thay hoặc “nuôi không” những DNNN như vậy.
Do đó, ở đây phải hiểu rõ thế này, tài sản nhà nước là
tài sản của dân. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vẫn là cách tư duy của
nông dân, nếu tư duy theo thị trường thì phải hiểu đó là tài sản thị
trường, được định nghĩa bằng sự sinh lời chứ không phải chỉ là sự tồn
tại về vật chất “bất động” về mặt giá trị.
Đó là lý do vì sao phải đẩy mạnh tái cấu trúc, phải
giải tỏa nhanh khu vực DNNN, thay đổi cấu trúc quản trị, làm tài sản
phát huy hiệu quả do khối doanh nghiệp nhà nước, mang lại lợi ích cho
nền kinh tế, cho đất nước. Lúc đó, có bán “rẻ” tài sản DNNN một chút
cũng có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cũng không phải vì không phải có thể bán rẻ
mà bán tống bán tháo một cách tùy tiện, đáng 10 đồng chỉ bán 3 đồng.
Phải xác định nguyên tắc: bán đúng giá thị trường. Coi thị trường là
công cụ đứng bên cạnh, và thị trường chính là công cụ kiểm soát quá
trình này hiệu quả nhất.
Không để lợi ích nhóm làm hỏng CPH
PV:- Các chuyên gia cũng cho
rằng, các DNNN vẫn chưa áp đặt được đầy đủ nguyên tắc thị trường. Chỉ
bán để cắt lỗ chứ không phải để tái cơ cấu kinh tế.
Nhìn từ bài toán tái cơ cấu Vinashin, đổi tên
thành Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), khoanh nợ, xóa nợ chỉ là
chuyện “bình mới rượu cũ”. Hay như phương án CPH của VNA, CPH nhưng nhà
nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, vẫn giữ nguyên “hệ điều hành cũ’ thì
ông thấy sao?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: - Tái cơ cấu không có nghĩa nhà nước buông tay ngay được, vẫn có một số lĩnh vực, ngành nghề nhà nước phải tham gia quản lý.
Câu chuyện CPH của VNA có thể được coi là mô hình thử
nghiệm. Nhưng mọi việc phải minh bạch, không được phá vỡ nguyên tắc CPH.
CPH là phải thu hồi lại vốn nhà nước, thay đổi cấu trúc sở hữu và
nguyên lý quản trị. Tuy nhiên, VNA lại xin giữ lại số thặng dư sau phát
hành cổ phiếu, xin nhà nước bảo lãnh vốn vay 100% là hoàn toàn không phù
hợp, không thể coi là CPH đúng nguyên tắc được.
Có hai lý do, thứ nhất: Nếu VNA muốn vay vốn, sau khi
đã CPH thì VNA phải dùng tư cách là một doanh nghiệp độc lập tự đi vay
vốn. Khi đó, VNA không còn là “con cưng” của nhà nước nữa, mà là một DN
đã trưởng thành, không thể có sự dắt mối, bảo trợ của nhà nước nữa. VNA
không nên lẫn lộn tư cách trước và sau CPH của mình.
Thứ hai, sau CPH, để xin nhà nước bảo lãnh vốn vay,
VNA phải được sự đồng ý của các cổ đông khác. Nhưng các cổ đông khác có
muốn như vậy không? Điều kiện để nhà nước đứng ra để bảo lãnh là gì?
Việc xin ưu đãi, mong muốn để an toàn hơn cho bản thân
doanh nghiệp chỉ có thể thông cảm được về mặt tâm lý, tình cảm, không
thể thông cảm về nguyên tắc.
PV: - Có người ví von, CPH hiện
nay cũng giống như câu chuyện của cụ Nguyễn Tuân tưởng mình thoát nạn ô
nhiễm tiếng ồn khi được hai anh thợ rèn và thợ gò hàng xóm báo tin sẽ
chuyển chỗ ở. Nào dè hai anh này chỉ có chuyển chỗ ở… cho nhau mà thôi!
Ông có bình luận gì trước so sánh này, theo ông
CPH DNNN đang nằm ở vị trí nào trong tiến trình tái cơ cấu hiện nay? Và
phải hiểu mục đích CPH như thế nào, nó sẽ đóng góp gì trong thành công
của quá trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: – Hình ảnh
thợ rèn, thợ gò chỉ là cách nói trong văn chương, không phù hợp với hoàn
cảnh này. Tái cấu trúc là thay đổi cấu trúc, thay đổi chức năng và vị
thế chứ không đơn giản là đổi chỗ người này cho người khác.
Nhưng cũng phải thừa nhận, trong thời gian qua, chúng
ta đưa ra quá nhiều chương trình, mục tiêu trong khi quá trình thực thi
lại chậm, dẫn tới mất uy tín trong cách tiếp cận cải cách. Tôi cho rằng,
chỉ nên lựa chọn và làm đột phá, dồn lực làm thật mạnh, chứ không nên
ôm đồm.
Do đó, tôi mới nói rằng, giai đoạn đầu chỉ nên lựa
chọn một số DNNN và tái cơ cấu thật triệt để, theo đúng chủ trương, mục
đích CPH. Nghĩa là sau đó, doanh nghiệp phải sống được theo nguyên tắc
thị trường, phải phát huy được năng lực, hiệu quả sau CPH.
Nếu CPH không thành công thì tái cơ cấu cũng sẽ thất
bại, do đó tái cơ cấu trước tiên chỉ nên làm mẫu với một vài doanh
nghiệp. Khi được xác nhận chắc chắn là có hiệu quả thì việc tái cơ cấu
các doanh nghiệp khác sẽ dễ dàng hơn, chi phí vay vốn cho tái cơ cấu
cũng “mềm” hơn. Nghĩa là thử nghiệm để chờ cơ hội làm thật.
PV: - Trước áp lực mới của tình
hình kinh tế: việc chuẩn bị hội nhập đầy đủ, những rắc rối trong giao
thương với Trung Quốc, với tốc độ và cách thức tái cơ cấu như hiện nay,
tương lai có thể nhìn thấy trước của nền kinh tế Việt Nam là gì? Liệu sự
đi xuống đó đã có thể nhìn thấy trong vòng 2 năm tới? Người hưởng lợi
và thiệt hại nếu tái cơ cấu không thành công sẽ là những ai?
PGS.TS Trần Đình Thiên: – CPH là trục
chính của tái cơ cấu, khi CPH không được thực hiện tới nơi tới chốn sẽ
không thay đổi được cấu trúc quản trị cũng đồng nghĩa với hiệu quả hoạt
động của doanh nghiệp không được cải thiện, như vậy mục tiêu của CPH hay
tái cơ cấu đều không đạt được.
Khi xảy ra căng thẳng với Trung Quốc thì CPH càng phải
làm tốt hơn, làm thật chứ không phải làm lấy được. Đó là thông điệp rõ
ràng nhất.
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Lợi ích nhóm là đương
nhiên. Dù không thừa nhận nó vẫn tồn tại, nhất là trong cơ chế xin cho
với các nguồn lực khan hiếm. Không nên né tránh nó.
Tôi cho rằng phải thiết kế chương trình CPH thế nào để
lợi ích nhóm không làm hỏng quá trình CPH. Nghĩa là nó phải được thực
thi theo một định hướng rất độc lập, độc lập với ý chí của DN, ý chí của
đương kim lãnh đạo doanh nghiệp.
Nếu chương trình CPH không độc lập thì bằng cách này
cách khác, nhóm lợi ích sẽ có cách hướng quá trình này làm lợi cho nó,
bằng cách hoặc làm CPH chậm lại, hoặc tìm khe hở để lợi dụng, kiếm chác.
Tất nhiên, trong điều kiện hệ thống quản trị vĩ mô
đang nhiều yếu kém, khó có thể kiểm soát hoàn toàn những méo mó đó,
nhưng hiểu được nó thì có thể hạn chế sự “hoành hành” của chúng.
PV: - Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này!
- Vũ Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét