Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Liệu còn ai dám “Yêu nước”

Quechoa

Nàng Hương/ Bà Rịa Vũng Tàu
“Yêu nước” luôn luôn là một truyền thống quý báu và là một đặc tính nổi bật của con người Việt Nam trong suốt bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Có thể nói rằng, cảm hứng “yêu nước” luôn luôn ẩn sâu trong dòng máu mỗi con người Việt, từ thuở bào thai cho đến khi “đã nằm xuống”. Và đã có hàng tỷ cách mà nhân dân thể hiện lòng yêu nước.
  Dạo gần đây, Nhân dân Việt Nam chúng ta đang phải tiếp nhận thêm một số khái niệm “yêu nước” mới. Đặc biệt, những khái niệm “yêu nước” mới này lại đến từ cửa miệng của quan chức cao cấp đầu ngành. Thường những lời nói đi ra từ cửa miệng của các quan chức đều mang tính “bị ngờ vực” cao, và được nhân dân soi rất kỹ. Và ngôn lời của các vị bộ trưởng đương nhiệm cũng không là một ngoại lệ.

Trong báo cáo trình bày về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 3 năm 2011 – 2013, kế hoạch 2014 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm như GDP, bội chi ngân sách, tỷ trọng đầu tư trên GDP… có thể không đạt kế hoạch. Bộ trưởng Vinh cũng điểm một số yếu kém của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa thật bền vững, tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP, xử lý nợ xấu còn chậm, dư nợ tín dụng tăng thấp…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đang giải trình trong phiên họp thứ 3, kỳ họp Quốc hội khóa VIII.
Bộ trưởng Vinh đánh giá: “Một trong những nguyên nhân của hạn chế yếu kém là một số vấn đề có liên quan đến chủ trương, quan điểm phát triển còn khác nhau, chưa thông suốt, đồng thuận cao dẫn đến đổi mới thể chế còn ngập ngừng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, chưa tạo được đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.”
Tuy nhiên, những cảnh báo của vị bộ trưởng này lại không gây được sự chú ý quan tâm trong dư luận bằng những “tuyên bố” bên lề.
Bộ trưởng nêu ý kiến: “Đường xá phải thu phí cao lên. Ta chỉ thu dăm mười nghìn thì không thể đáp ứng được. Trung Quốc thu một trăm hai trăm nghìn thì mới làm được. Rồi dịch vụ công trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục lúc thế này lúc thế kia thì rất là khó khăn. Đề án đổi mới giáo dục vừa được Trung ương thông qua rất hay, nhưng giải pháp về nguồn lực để thực hiện là không có, mà chỉ đưa ra yêu cầu”.

Bộ trưởng Vinh “bỗng dưng nổi tiếng” với câu nói “Hạnh phúc và tự hào chịu tăng giá mới là yêu nước!”
Và ông nhấn mạnh: “Vấn đề chính là xã hội hóa cần được tính toán chỗ nào nên, chỗ nào không. Nhưng cứ xã hội hóa là dân ta không đồng ý. Ví dụ, giáo dục mầm non trước đây tư thục rất nhiều. Đùng cái lại quay lại bao cấp gần như toàn bộ. Cái đó chưa phải là đúng. Cho nên đây là cái ngập ngừng. Chúng ta bao cấp còn nặng nề. Cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”.
Và với những ngôn lời này, báo chí trong nước không ngần ngại giật tít đúc kết lại lời của bộ trưởng Vinh: Hạnh phúc và tự hào chịu tăng giá mới là yêu nước!
Trên thực tế, trước đây người dân Việt Nam cũng đã có cơ hội tiếp xúc với tư duy này đó là khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng  “Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào”. Và báo chí lúc đó cũng đúc kết và gán lên miệng ông Thăng câu nói bất hủ: “Đóng thuế là yêu nước!” Tuy nhiên, liền ngay sau đó, nhiều đại biểu quốc hội đã lên ý kiến phản bác rằng bộ trưởng Thăng nhầm lẫn, rằng “Không thể nói nộp phí là yêu nước.”, và sự kiện này đã dấy lên những bức xúc của người dân trức thực trạng “phí chồng phí” và là gánh nặng đè đầu nhân dân lao động.

Trước đó, bộ trưởng Thăng cũng “bỗng dưng nổi tiếng” với câu nói “Nộp phí là yêu nước!”
Lần này, không biết các vị đại biểu quốc hội có lại lên tiếng phản bác bộ trưởng Vinh hay không.
Về phía dư luận trong nhân dân cho rằng bộ trưởng Vinh đã hơi có phần quá khích khi phát ngôn “Hạnh phúc và tự hào chịu tăng giá mới là yêu nước!”. Đó là câu nói ngớ ngẩn, chất chứa đầy mâu thuẫn.
“Thứ nhất, về ngôn ngữ, sắc thái của từ “chịu” hoàn toàn trái ngược với “hạnh phúc và tự hào”. Chúng rất vênh nhau, gần như không thể đứng cạnh nhau để bổ trợ cho nhau.”, nhà thơ Hoa Níp nhận định.
Nhà thơ Hoa Níp tiếp tục phân tích, “Thứ hai, nói “Hạnh phúc và tự hào chịu tăng giá mới là yêu nước!” thì chẳng khác nào phủ nhận toàn bộ những cách biểu hiện yêu nước khác. Từ ngàn xưa đến nay, có hàng tỷ cách thể hiện yêu nước.”
“Thứ ba, câu nói của bộ trưởng Vinh rất thiếu tính logic hành vi, trái với quy luận hành vi tự nhiên của con người. Mà hễ điều gì trái với quy luận tự nhiên, thì đều không vững được.”, nhà thơ Hoa Níp chốt lại.
Và nhân dân, hẳn sẽ hạnh phúc và tự hào mà “yêu nước”, nếu thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chống tham nhũng, thay vì ca cẩm “Cán bộ tham nhũng hàng triệu USD mua nhà cho bạn gái là điều đau xót.”

Bộ trưởng Vinh sát cánh cùng thủ tướng Dũng.
Dân chắc hẳn sẽ không muốn và không dám hưởng niềm “hạnh phúc và tự hào” của việc “chịu tăng giá”, mà Quan thì vẫn không ngừng tham nhũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét