CAND
Nhà báo Hoàng Tùng (1920-2010) là một nhân vật nổi tiếng vào loại hàng đầu trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, một người không chỉ được đánh giá là cây bút lý luận xuất sắc mà còn là nhà quản lý báo chí cự phách. Tôi đã có may mắn được hầu chuyện ông khi ông đã ở tuổi ngoại “bát thập”. Và ngay cả khi đó, nhà báo Hoàng Tùng vẫn giữ được phong độ tư duy minh mẫn và sắc sảo.
Trong không khí hướng tới kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2014), xin được trích giới thiệu cùng bạn đọc một phần nội dung cuộc trò chuyện đó. Còn không ít những chi tiết thú vị trong cuộc trò chuyện này xin sẽ được giới thiệu ở những thời điểm thích hợp khác.
- Hồng Thanh Quang: Ngày xưa và cả bây giờ cũng vậy, người ta vẫn hay nghĩ rằng, cái tên do cha mẹ đặt cho mình có ảnh hưởng không nhỏ đến đường đời của mỗi con người. Như thể định mệnh vậy! Trong trường hợp của ông, hình như đại đa số người Việt đều biết tới ông với cái tên Hoàng Tùng, một nhà báo lão thành! Nhưng theo tôi biết, ông họ Trần và Hoàng Tùng không phải là tên thật của ông. Theo cảm nhận của ông, liệu có phải vì đổi tên gọi nên cuộc đời của ông mới diễn ra như đã diễn ra không?
- Nhà báo Hoàng Tùng: Khi tôi sinh ra, bố tôi xem tướng con thấy cái tai có thành có quách và ông đồ ở nhà bên cạnh sang xem cho rằng tôi sống lâu, nên bố tôi đặt cho tôi cái tên là Trần Khánh Thọ. Năm 1945, khi tôi chỉ huy Đội công tác của Trung ương Đảng ở An toàn khu ngoại thành Hà Nội bên sông Hồng, tức là bản doanh của Trung ương Đảng ta lúc đó, tôi dùng bí danh là Khánh, tức là chữ đệm trong tên họ mà cha mẹ đã đặt cho. Với những người dân ở khu vực đó lúc ấy thì Khánh là một cái tên cán bộ khá nổi tiếng. Nhưng rồi từ tháng 10-1945, khi tôi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, bọn phản động săn lùng tôi rất dữ dội nên Trung ương thấy muốn giữ được cán bộ thì phải đổi tôi đi nơi khác. Thế là tôi đi làm Bí thư Hải Phòng tháng 5-1946. Đưa tôi xuống Hải Phòng có một chú bé liên lạc đưa đi. Tên chú bé ấy là Tùng. Trước khi đi Trung ương nói tôi phải đổi tên đi vì cái tên Khánh đã lộ mất rồi. Vì đi cùng với cậu Tùng nên tôi cũng đặt cho mình cái tên mới là Tùng. Tôi làm Bí thư Hải Phòng được mấy tháng rồi lại được cử lên làm xứ ủy Bắc Kỳ, rồi làm Phó Bí thư Khu ủy Chiến khu 3, phụ trách 5 tỉnh, sau này gọi là khu Tả ngạn sông Hồng. Lúc ấy cần phải tìm họ để ghép vào tên bí danh. Và tôi đã chọn họ Hoàng. Thế là thành Hoàng Tùng, một tên họ ngẫu nhiên nhưng hóa ra lại là duyên nợ cả đời…
- Đôi khi có những sự ngẫu nhiên quyết định vận mệnh cả một đời người. Tuy nhiên, cái gọi là ngẫu nhiên thực ra cũng là kết quả của những quá trình đầy biện chứng và lôgíc.
- Đời tôi cũng nhiều sự ngẫu nhiên. Khi bước vào làm báo, tôi thoạt tiên được phân công phụ trách tạp chí Sinh hoạt nội bộ của Đảng một thời gian rồi từ tháng 1-1950, được phân công làm Chủ nhiệm báo Sự thật của Đảng… Rồi sau này, từ năm 1987 tới năm 1989, chỗ làm việc cuối cùng của tôi trước khi nghỉ hưu là ở Nhà xuất bản Sự thật. Thế nên tôi mới nói đùa rằng, cả đời tôi bắt đầu là Sự thật và cuối cùng kết thúc cũng là Sự thật, bắt đầu từ báo Sự thật và kết thúc là nhà xuất bản Sự thật (cười). Tôi cho rằng hai từ đó nó giúp để tránh khỏi mọi rắc rối… Tôi dù mang tên họ gì cũng luôn nhắc nhủ mình trung thành với sự thật…
- Có nhiều người tên là Hoàng Tùng nhưng nhà báo Hoàng Tùng chỉ có một…
- (Cười): Bây giờ có cả một cậu hát cải lương cũng tên là Hoàng Tùng… Mình chọn tên họ cũng ngẫu nhiên thôi… Ngày trước Cụ Hồ có cái tên Hồ Chí Minh cũng là do ngẫu nhiên. Năm 1942, Cụ sang Trung Quốc gặp Chu Ân Lai để biết tình hình chiến tranh thế giới leo thang như thế nào. Cụ thuê thợ làm danh thiếp đề là “Hồ Chí Minh Việt Nam Hoa Kiều ký giả”, tức là Hồ Chí Minh, nhà báo Hoa Kiều ở Việt Nam. Sang đến biên giới thì có một kẻ phản động quê ở Nghệ An theo dõi nên khi ông cụ sang đến đúng biên giới thì tụi nó bắt. Thế là Cụ phải vào tù với cái tên Hồ Chí Minh…
- Ông bắt đầu như là một cán bộ hành động của Việt minh nhưng về sau công việc của ông đều gắn liền với chữ nghĩa của Đảng. Bây giờ, sau khi đã qua cả một hành trình dài dằng dặc đến như vậy, sau tất cả những vinh quang và khúc mắc của đời người cầm bút, liệu ông có điều gì đúc kết lại cho thế hệ sau không? Tôi muốn hỏi là, nếu chúng ta muốn làm những người chiến sĩ thực sự của Đảng trên mặt trận chữ nghĩa, thì nói chung, chúng ta phải quán triệt phương châm gì căn bản nhất? Làm thế nào để vượt qua mọi lên xuống, trắc trở, mọi sự phức tạp, mọi biến thiên của thời cuộc một cách an toàn mà vẫn tràn đầy một tinh thần chiến đấu?
- Tôi sinh ra ở huyện Lý Nhân, Nam Định. Khi tôi bắt đầu tham gia phong trào cách mạng năm 1937 ở thành phố Nam Định, thì cũng là từ việc cùng với Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở tỉnh Nam Định… Công việc là viết truyền đơn. Như vậy là tôi đã có nguyện vọng làm nghề viết từ khi 17-18 tuổi. Năm 1940, tôi bị bắt vào nhà tù Sơn La; ở đấy lại có nhiều nhà báo nổi tiếng như Trần Huy Liệu, Văn Tân, Trần Đình Long, rồi Khuất Duy Tiến, cũng là người viết báo nổi tiếng…
- Vâng ông Khuất Duy Tiến là nhà cách mạng tiền bối, từng làm Bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương của tỉnh Nam Định rồi Thái Bình. Từng làm báo Le Travail, tức báo Lao Động, trong những năm 1936-1939… Tôi phải kể tỉ mỉ như thế vì sau này chúng ta cũng có một vị tên là Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên, thủ trưởng của tôi khi tôi còn là trung úy Quân đội Nhân dân Việt Nam…
- Đúng rồi, đó là hai người trùng tên họ nhưng thuộc hai thế hệ khác nhau… Trở về câu chuyện của tôi thì ở nhà tù Sơn La, chúng tôi cùng phải đi làm lao động khổ sai với nhau. Ông Trần Huy Liệu lúc đó nhiều tuổi, sức khỏe không tốt, nên khi đi xe củi chúng tôi khoán cho ông ngồi trên khúc gỗ cho khỏi chòng chành, chúng tôi 4 người thay nhau 2 cặp cứ cắt gỗ rồi kéo, với điều kiện ông phải nói chuyện về cách làm báo. Rồi ông Liệu tổ chức nói chuyện trong nhà tù về cách làm báo. Trong nhà tù lúc đó có tờ báo Suối Reo. Tôi cũng bắt đầu viết từ năm 1944 một số bài về sinh hoạt nhà tù khổ sở và đăng ở báo Suối Reo. Trong đó có người Trung Quốc là Đảng viên Cộng sản, tôi hỏi ông ấy rằng, tôi làm báo nên tôi muốn có một bút danh, ông thử đặt hộ tôi xem sao. Ông ấy bảo, nếu anh muốn Văn thì đặt tên là Văn Bình, muốn Võ thì đặt tên Kiếm Bỉnh. Tôi chọn từ Kiếm Bỉnh nhưng sau này, tôi đã cải biến thành Kim Bằng. Sau này, khi làm báo ở chiến khu, tôi lại ký là Chiến Hữu. Năm 1947-1948 ở chiến khu 3, người ta đã biết đến cái tên Hoàng Tùng. Ông Trường Chinh bảo tôi nên giữ lấy cái tên Hoàng Tùng này. Và khi làm báo Sự thật với chức danh chủ nhiệm, tôi đã ký Hoàng Tùng….
- Tính đến nay, ông đã làm báo tới trên 60 năm…
- Tôi từng viết báo bí mật, viết báo công khai, viết báo địa phương, viết báo Trung ương, viết tạp chí lý luận… Thời gian như thế là khoảng 63 năm. Nếu tính cả thời gian viết truyền đơn và diễn thuyết về cách mạng thì có lẽ đã hơn 70 năm rồi tôi làm người chiến sĩ trên mặt trận chữ nghĩa của Đảng… Tôi không chỉ viết nhiều mà còn chữa nhiều, biên tập lại rất nhiều bài của những người khác… Khi còn ở báo Nhân Dân, tối nào tôi cũng xem lại những bài bình luận. Không những thế, tôi còn viết, nhưng chủ yếu ký bằng hai chữ “Nhân Dân” chứ ít khi ký tên Hoàng Tùng (cười)…
- Nhìn lại đời mình, tôi từng khái quát bằng những câu thơ: “Sinh ra phụng thời, một đời đắc chí”. Đó là vì sao? Vì tôi có nguyện vọng từ đầu là làm báo và làm người viết. Viết để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Và tôi đã được đặt đúng vị trí đấy cho nên tôi phát huy được sở trường của mình. Ông Nguyễn Khuyến từng nói: “Cúi không hổ đất, ngẩng trông thẹn trời”. Còn tôi cũng mượn lời ông Nguyễn Khuyến mà rằng: “Chết không hổ đất, sống không thẹn trời”…
- Tôi có nhớ một câu chuyện thế này: Ngày 31-5-1946, Bác Hồ rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với chính phủ Pháp. Ở sân bay Gia Lâm, trước khi lên máy bay, Bác Hồ đã nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng, ra đó để tiễn đoàn đi, và nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”…. Bây giờ, nhà báo lão thành Hoàng Tùng gặp những lớp nhà báo hậu sinh thì có thể dặn một câu gì?
- Phải vững vàng trước mọi sóng gió. Người làm báo cách mạng, người viết, người làm văn học, người làm thơ, trước cái biến động của cách mạng, thì phải “bền gan, vững chí, không thay đổi chí hướng”, thế tức là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” đó. Mình phải vững vàng khi mọi sự biến đổi phức tạp. Càng giữa sóng gió thì càng cần vững vàng. Cái bất biến là cái vững vàng. Anh đã theo đuổi một con đường, đã có chí hướng thì dù có gặp sóng gió cũng phải vững vàng… Bây giờ cách mạng Việt Nam đang ở thời kỳ phức tạp, nước Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ phức tạp. Câu hỏi lớn là đang thịnh hay thời suy? Theo tôi thì bao giờ cũng thế, có thịnh phải có suy.
- Trong thịnh có suy, trong suy có nhân tố thịnh.
- Cho nên người có tấm lòng trong, thì tinh thần tư tưởng phải luôn vững vàng, khắc phục cái suy mà bồi dưỡng cái thịnh.
- Tôi là lớp hậu sinh, trẻ người non dạ nên hay suy nghĩ thế này: Phương châm duy nhất của một người làm báo cách mạng là luôn cố gắng theo kịp thời đại, nhưng không bao giờ được xu thời và phải luôn luôn trung thực, trung thành với lý tưởng mình đã chọn.
- Nếu mà mình không vững vàng, thì dễ trở nên cơ hội hay phản bội lại lý tưởng của mình… Đất nước ta hiện nay có bề thế hơn, nhưng bên trong không phải là không có bệnh này bệnh nọ…
- Và càng vì thế ta càng phải thấy rõ, thuận lợi vẫn là cơ bản, dẫu thách thức thì bao giờ cũng là to lớn. Tôi cứ nghĩ rằng, làm cách mạng thì lúc nào mà chẳng có sóng gió. Ngay cả trong người khỏe lắm khi cũng có bệnh, con đường cách mạng của chúng ta chưa bao giờ dễ dàng cả.
- Nếu mà mình không vững vàng thì sẽ nảy sinh nhiều chuyện lắm. Đây tôi nói một thí dụ, đó là về Bùi Tín. Anh ta vào quân đội, vào Đảng là tự nguyện, anh ta đã phấn đấu gần suốt đời, cho sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Anh ta đã viết, anh ta đã ca tụng sự nghiệp của Đảng, của dân tộc ta, thì bây giờ bỗng dưng anh ta quay ngoắt lại chửi bới những gì mà anh ta đã từng ca ngợi… Như thế anh ta tự phản bội anh ta… Ai cũng biết rằng, chính tôi đã đưa anh ta về báo Nhân dân, tôi đề nghị cho anh ta làm Phó Tổng Biên tập đấy…
- Một số người cứ tưởng rằng bây giờ mới có sóng gió, bây giờ mới có bệnh, nhưng thực ra, lúc nào mà chúng ta chẳng gặp nhiều sóng gió, nhưng chúng ta vẫn vượt qua được sóng gió. Bất kỳ một giai đoạn nào cũng có bệnh, nhưng chúng ta vẫn khắc phục được…
- Bây giờ là lúc giao thời trên phạm vi toàn thế giới, tức là bước chuyển tiếp từ nền văn minh công nghiệp chuyển sang nền văn minh hậu công nghiệp, từ nền văn minh công nghiệp sang nền kinh tế trí thức. Có những thách thức mới, thách thức sản xuất này là gốc thay đổi lớn. Chính sách về kinh tế hoàn toàn thay đổi. Thời đại này, công cuộc hội nhập quốc tế là do chủ nghĩa tư bản định ra, đề xướng và chi phối. Nhưng nó không đảo lộn được cục diện, không đảo lộn được cuộc chiến, mà trào lưu tiến hóa này sẽ dẫn đến phủ định chủ nghĩa tư bản. Cuối cùng sẽ phủ định, nhưng từ đây đến đó, chủ nghĩa tư bản sẽ kháng cự, tức là một đằng đẩy tới, một đằng đẩy lui, như là quy luật của vật lý, một đằng đẩy lên, một đằng kéo lại. Đấy là sự vận động của tự nhiên, của xã hội. Loài người cũng vậy. Nếu mà chúng ta bỏ cuộc chạy theo thời thì chúng ta sẽ lỗi lầm vì thời này gió theo chiều này, thời khác nó lại trở lại chiều khác. Người Trung Quốc có từ “phong thái”, tức là phải theo chiều gió. Tuy nhiên, người chạy theo chiều gió không bao giờ yên tâm, anh chạy theo thì gió lại chuyển. Thế cho nên anh phải có hướng rõ ràng, anh đi về phương Nam hay anh đi về phương Bắc thì anh phải quyết định dứt khoát…
- Ngay tất cả các quá trình hiện nay đang diễn ra trong xã hội Mỹ cũng nằm trong một phần của sự phát triển văn minh nhân loại, tức là những cái gì tiến bộ, cái gì hay ho xảy ra ở phương Tây, ở Mỹ, thì sẽ góp phần phát triển nền văn minh nhân loại tiến lên. Còn cái gì không tốt, cái xấu xa thì sẽ triệt tiêu hình thức quản lý xấu xa trong lòng xã hội Mỹ và cái gì tốt trong xã hội chúng ta cũng góp phần vào nền văn minh nhân loại, điều đó không có nghĩa ông vừa nói sự chuyển đổi từ nền văn minh công nghiệp chuyển đổi sang nền văn minh hậu công nghiệp nó không phải là thành tựu của chủ nghĩa tư bản mà là sự tiến hóa tất yếu của xã hội loài người.
- Nhưng chủ nghĩa tư bản trực tiếp tác động đến những thành tựu đó…
- Vâng, chính trong lòng chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện những quá trình như thế và tạo nên những thành tựu như thế. Nhưng đó không phải là “công lao” của riêng các quốc gia tư bản chủ nghĩa.
- Chủ nghĩa tư bản là một hiện thực lịch sử, là một quá trình phát triển của xã hội loài người trong thực tế mà có muốn bỏ qua cũng không được. Trong thế kỷ XX có hai cuộc đụng đầu lớn, hai cuộc đụng đầu giữa chế độ công hữu và chế độ tư hữu. Cuối cùng chế độ tư hữu thắng vì là chế độ tư hữu vẫn còn độc lập. Còn chế độ công hữu chưa đủ điều kiện tức là cách mạng cộng sản chưa đến, chưa chín muồi cho nên tất yếu phải tạm lùi bước…
- Tôi lại hiểu vấn đề như thế này: Trong thế kỷ XX, trong tất cả những sự kiện đã diễn ra đã có những sự va đập ấy giữa chế độ công hữu và chế độ tư hữu. Và kết cục không phải là chế độ tư hữu thắng mà là ở chỗ: Chế độ công hữu chưa thể ngay lập tức tiêu diệt chế độ tư hữu. Nhưng sau các va đập ấy, chế độ tư hữu phải hướng về chế độ công hữu nhiều hơn. Và kết cục chúng ta đã có hình thức phát triển mới của chế độ tư hữu.
- Tới bây giờ chế độ tư hữu vẫn còn động lực. Nó vẫn còn vai trò lịch sử.
- Nhưng nó phải thấm nhuần thêm yếu tố nhân văn…
- Chính cuộc cách mạng không hẹn này và cuộc giao lưu hội nhập này buộc chủ nghĩa tư bản phải dân chủ hóa, và dân chủ hóa theo trào lưu quốc tế.
- Và nó có công góp phần vào trào lưu dân chủ hóa của thế kỷ XX.
- Có những quy luật khách quan mà dù ta có muốn cũng không cưỡng lại được. Bây giờ chúng ta phải hoạt động làm sao cho chín muồi những điều kiện để cho chế độ công hữu cuối cùng phải thắng.
- Xu hướng cuối cùng là thắng, nhưng không được đốt cháy giai đoạn, phải củng cố tiềm lực…
- Đúng thế…
- Khi ông chuyển về Nhà xuất bản Sự thật, ngay từ đầu ông đã quyết định được hướng đi trong công việc mới của mình?
- Tôi chuyển về Nhà xuất bản Sự thật từ cuối năm 1986. Trước đó, từ năm 1980, tôi giữ cương vị Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Về Nhà xuất bản Sự thật, tôi ở đó ba năm, sang năm 1990 thì tôi nghỉ hưu….
- Tức là ông chuyển về Nhà xuất bản Sự thật trong khoảng thời gian hết sức nhạy cảm, khi mà công cuộc đổi mới ở Liên Xô bắt đầu diễn ra và ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam nói riêng và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới nói chung…
- Lúc đấy là khó khăn lắm, vì sách không bán được. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cũng đã tìm được hướng đi mới và điều kiện sống của anh chị em trong Nhà xuất bản bắt đầu được cải thiện.
- Giai đoạn đó ngay trong phong trào cộng sản quốc tế cũng đang diễn ra những thay đổi hết sức phức tạp về lý luận, tư tưởng… Hiển nhiên là điều đó tác động rất lớn đến mảng sách lý luận chính trị. Trong bối cảnh như thế, phương châm lãnh đạo của ông ở Nhà xuất bản như thế nào? Làm cách gì để vẫn giữ được “hạt giống đỏ” của mình mà vẫn tiếp cận được với cơ chế thị trường, lúc đó hãy còn rất mới mẻ?
- Tôi đã đưa ra nhiều đề nghị để thay đổi cách làm việc. Thứ nhất, quản lý bằng cách khoán việc, chứ không theo phương thức hành chính khô cứng. Anh chị em ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ thì phải đến cơ quan, thời gian còn lại ngồi ở đâu cũng được, miễn là đến đúng thời hạn đã định thì phải hoàn thành phần công việc đã được giao. Như vậy thì người ta có thể di chuyển chỗ này chỗ nọ cũng được, miễn là tâm trí vẫn hướng tới công việc cơ quan. Biện pháp thứ hai là tìm những phương thức mới để bán sách, tìm các công việc phụ có thể mang lại thêm thu nhập cho cơ quan… Thành ra những năm tôi ở Nhà xuất bản, đời sống mọi người cũng được nâng lên, thoải mái hơn trước.
- Các ấn phẩm của Nhà xuất bản Sự thật thường là tập trung những tinh hoa tư tưởng, chính trị của dân tộc, của thế giới. Chúng ta đều biết rằng, thông thường những người tinh hoa lại hay có lối tư duy và diễn giải tư duy độc đáo, không ai giống ai. Ông cũng là một người luôn có tư duy độc đáo. Ngay cả trong đội ngũ những nhà lý luận lão thành về chủ nghĩa Mác- Lênin hiện nay, thì tiếng nói của Hoàng Tùng không hẳn giống tất cả những người còn lại…
- Tôi không nói theo như người ta vẫn nói.
- Vâng, đúng thế, ông luôn có góc nhìn riêng trung thực với nhận thức của chính bản thân mình…
- (Cười):…
- Tôi muốn hỏi là, trong thời ông làm giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, xuất bản tác phẩm của rất nhiều bộ óc lỗi lạc cổ kim, làm cách nào để chúng ta giữ gìn được sự độc đáo, hết sức riêng ấy của từng người nhưng vẫn không để xuất hiện những mâu thuẫn, những đối chọi, những trào lưu tư tưởng khác nhau? Theo ông, bí quyết để đạt mục tiêu này nằm ở đâu?
- Tôi nhớ tới Bác Hồ và chính sách đoàn kết dân tộc của Người. Bác Hồ đối với trí thức cũng thế, chính Bác đã đoàn kết được những người trí thức ở những nơi khác nhau về, rất cao tay và rất tình cảm. Làm cách mạng mà không biết cách dùng người, mà không có con mắt nhân đạo, thì dễ bỏ sót nhân tài, vùi dập nhân tài. Với Bác, đức tài là một. Có phẩm chất nhưng không có tài năng thì cũng hỏng, có tài năng mà không có phẩm chất thì càng nguy hiểm… Hồ Chí Minh là một mẫu người vừa có phẩm chất vừa có tài năng.
- Thế cho nên người ta mới có ý kiến nói rằng, Bác Hồ là một người rất giỏi trong công tác cán bộ. Không chỉ Bác biết sử dụng người tài mà ngay cả người không tài mà Bác vẫn sử dụng được vào những công việc thích hợp…
- Nếu không phải là Hồ Chí Minh thì sau cách mạng Tháng Tám, ai dám dùng Bảo Đại. Cụ Hồ dùng Bảo Đại dù biết thừa Bảo Đại không có tài năng gì, cũng không có uy tín gì, chính là cách “điệu hổ ly sơn”: Nếu để đấy Tây nó bê đi, nó dựng lên một ngọn cờ khác, nó lại đẩy đi Tây lần nữa thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thêm khó khăn… Hay câu chuyện đối với Bùi Bằng Đoàn, đó là một ông quan to nhất, được tiếng là thanh liêm, dù thực tế cũng không hẳn như vậy. Thế nhưng, Cụ Hồ vẫn cứ dùng. Dù là tạm thời… Sau này, khi Bảo Đại đã chuồn rồi, thì có người hỏi Cụ Hồ rằng: “Thưa Bác, bây giờ ông ta đi rồi, Bác thấy ta dùng như thế đúng hay là sai?” Và Cụ Hồ đáp: “Ông bà chúng ta đã nói, đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Ta sẵn sàng bắt tay với những ai có thể bắt tay được… Mình biết rõ tâm địa Bảo Đại, biết rằng tất yếu ông ta sẽ bỏ ra đi, nhưng mình nghĩ, nếu giữ ông ta lại được một ngày thì cũng là tránh được tai vạ cho cách mạng một ngày…”. Cả những tri thức từng làm việc cho chính quyền cũ, Cụ Hồ cũng đều dùng hết, như Tôn Thất Tùng, như Nguyễn Văn Huyên, như Hồ Đắc Di…
Cụ Hồ là người đọc ghê gớm lắm, báo nào Cụ cũng đọc, không chỉ báo trong nước mà cả các tờ báo của nước ngoài, của Trung Quốc, của Liên Xô, của Pháp… Nhiều tờ Cụ đọc xong rồi gửi lại cho tôi, có đánh dấu những bài nào cần chú ý… Phong cách làm việc đó của Hồ Chí Minh đã được thể hiện một phần ở Nhà xuất bản Sự thật, ở báo Nhân Dân… Đã viết thì lý lẽ phải chặt chẽ, ngắn ngọn và mục đích đối tượng rõ ràng…
- Thường thường trong thời có nhiều vấn đề xã hội lại nảy sinh một xu hướng tiêu cực thế này: Một số người chỉ thích nhìn thấy những điểm yếu của những người rất danh giá. Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, bất cứ một người nào thành đạt, đã vươn lên được một vị trí nào đấy thì họ đều có những điểm trội và những điểm mạnh của họ là chủ yếu chứ không phải là 2-3 điểm yếu. Có hai cách nói về mặt trời, thứ nhất là mặt trời vẫn có vết đen, còn cách nói đúng tuy có những vết đen nhưng vẫn là mặt trời. Đội ngũ các đồng chí lãnh đạo của chúng ta đều là như thế, họ có thể có 1,2,3,4 điểm yếu nào đó nhưng nếu nhìn gần thì họ vẫn là người lãnh đạo cao quý, tốt đẹp, anh minh… Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Tôi may mắn là ở ba nhà tù Nam Định, Hà Nội, Sơn La với các nhà cách mạng lớp đầu tiên như Nguyễn Lương Bằng…
- Ở tù thì không phải là việc may mắn, nhưng may mắn là ở tù cùng những người đồng chí như thế…
- (Cười): Ở tù với những đồng chí như thế thì mình cũng trưởng thành lên nhiều. Tôi cũng từng ở tù cùng với anh Trần Quốc Hoàn, từ năm 1941… Sau này không làm việc cùng với nhau nhưng vẫn rất gần gụi… Tôi còn có may mắn làm việc trên dưới 40 năm, ở gần các đồng chí Trường Chinh và Lê Duẩn… Lúc tôi ở tù ra thì tôi làm việc với anh Trường Chinh, rồi từ năm 1956 thì tôi lại làm việc với anh Lê Duẩn, nhưng vẫn làm việc với anh Trường Chinh. Tức là đồng thời làm việc với anh Lê Duẩn cho tới khi anh Lê Duẩn qua đời thì tôi lại làm việc với anh Trường Chinh. Nghĩa là làm việc cùng hai người này chứ, không phải làm với anh này thì lại bỏ anh kia…
- Ông nhớ gì về các đồng chí lãnh đạo ấy?
- Cá nhân tôi nghĩ, sau Bác Hồ đồng chí Trường Chinh là tiêu biểu nhất… Còn đồng chí Lê Duẩn là người năng nổ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và dám xông pha những nơi lửa đạn, trong Nam và ngoài Bắc ở đâu cũng đi, nghĩa là rất thông hiểu, đi sâu vào quần chúng. Nói về hiểu cuộc sống, hiểu quần chúng các miền thì đồng chí Lê Duẩn hơn những người khác….
- Theo ông trong giai đoạn hiện nay, ngoài phương châm là tuân thủ sự thật rồi, nên nêu phương châm nào để công việc của chúng ta trở nên khoa học và hữu ích nhất đối với xã hội?
- Tôi nghĩ rằng, bây giờ chúng ta đổi mới được một bước quan trọng, mở mang được nhiều về kinh tế hay văn hóa. Nói chung, xã hội đã có nhiều cái mới. Tuy nhiên, còn cần phải đổi mới hơn nữa về sinh hoạt nội bộ cũng như trong nhiều vấn đề xã hội khác nữa. Muốn làm được như vậy, hoạt động của xã hội ta nói chung cũng phải dựa trên một nguyên tắc chủ đạo: Dân chủ hoá. Cần phải thấy rằng, dân chủ hóa đang là trào lưu chủ đạo trên thế giới. Không thể làm khác được!
- Nhưng dân chủ hóa ở Việt Nam phải có những đặc thù Việt Nam, phải góp phần làm cho xã hội ổn định, “an cư” để “lạc nghiệp” chứ không phải để làm rối tung mọi sự, vạch áo cho người châm vào lưng. Đấy là thiển ý của tôi, không rõ có đúng với ý của ông không?
- Đúng. Dân chủ hóa là một trào lưu lịch sử… Dân chủ của ta là dân chủ nhân dân. Nhân dân là chủ. Tất cả do dân và vì dân. Giải phóng trí tuệ là nội dung cơ bản dân chủ hóa của ta…
- Xin cảm ơn nhà báo Hoàng Tùng
H.T.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét