Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Án tù nhà báo: Từ Myanmar đến Việt Nam

VNTB

Trường Sơn
Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đang chịu án tù 12 năm vì đã thành lập CLB nhà báo tự do
(VNTB) Lại thêm một mặt gương của người Myanmar mà giới tòa án Việt Nam có thể soi vào đó. Báo chí quốc tế đưa tin một phiên tòa tại Myanmar đã giảm nhẹ mức án đối với 5 phóng viên trong vụ xử gần đây nhất nhắm vào những người làm báo ở nước này.
Thắng lợi của xã hội dân sự


Luật sư biện hộ Robert San Aung cho biết tòa án đã thay đổi các cáo buộc hôm thứ Hai sau một khuyến cáo từ văn phòng Chưởng lý. “Các tội danh trước kia có mức phạt tối đa lên tới 14 năm tù. Và bây giờ họ giảm các cáo buộc có mức phạt tối đa là 2 năm tù. Đây là một dấu hiệu tốt” – luật sư này lạc quan.
Năm nhà báo trên đã bị bắt giữ tháng trước sau khi tạp chí Bi Mon Te Nay cho đăng một bài báo về việc chính phủ lâm thời có thể được lãnh đạo bởi đảng đối lập – Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ – do bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel, đứng đầu. Ngay lập tức, vụ án này một lần nữa gợi lên các quan ngại về tự do báo chí tại Myanmar.
Sau thời điểm báo chí tư nhân được chính thức hoạt động ở Myanmar vào tháng 4/2013, tình hình tự do ngôn luận và tự do báo chí đã khởi phát vượt bậc. Các nhà báo có “đất” để diễn đạt nhiều hơn hẳn thời quá khứ bóp nghẹt những năm về trước.
Tuy nhiên, dân chủ không phải là một nhành hoa luôn tươi nếu không được vun tưới thường xuyên. Thói quen độc tài và độc đoán ở một số địa phương vẫn còn khá nặng nề. Vào tháng 7/2014, một phiên tòa Myanmar đã xử phạt 4 phóng viên và một nhà xuất bản tạp chí đến 10 năm tù vì vi phạm Luật Bí mật Quốc gia. Vụ xử và mức án quá nặng nề như thế đã gây sốc đối với dư luận tiến bộ trên thế giới và các quốc gia quan tâm đầy đủ đến chủ đề tự do báo chí và nhân quyền ở Myanmar.
Trước lần xử 5 nhà báo gần đây nhất, ông Ye Min Ô, thành viên của hội đồng báo chí lâm thời của Myanmar, cho biết tổ chức của ông đã thảo luận về vấn đề này trong suốt buổi họp với tổng thống Thein Sein. “Chúng tôi kêu gọi Tổng thống hãy làm bất cứ điều gì có thể trong thủ tục pháp lý. Vì Tổng thống nói rằng ông sẽ tìm các phương án trong khuôn khổ pháp lý, tôi nghĩ rằng quyết định của tòa án dường như có liên quan” – ông bày tỏ.
Có thể khẳng định rằng Xã hội dân sự Myanmar tiếp tục thắng. Việc tòa án địa phương bắt buộc phải giảm án đáng kể cho 5 nhà báo bị bắt giữ đã phát ra tín hiệu không thể chối từ là sức ép chính đáng của báo giới và dư luận đã có hiệu quả đối với chính quyền Thein Sein.
Cách đây không lâu, 17 tổ chức xã hội dân sự đã đồng loạt tạo nên một chiến dịch đòi chính quyền trung ương phải hủy bỏ một dự án đường sắt với số vốn lên đến 20 tỷ USD mà doanh nghiệp Trung Quốc chiếm phần lớn trong đó. Cáo buộc của các tổ chức dân sự cho biết dự án này sẽ gây ra ô nhiễm nặng nề và ảnh hưởng trầm trọng đến môi sinh của người dân tại các khu vực mà đường sắt đi qua. Cuối cùng, Thein Sein đã phải hủy bỏ dự án này, bất chấp sự tức giận của chính quyền Trung Quốc.

Số phận nhà báo ở Việt Nam?
Khá tương đồng với Myanmar, nếu vào cuối năm 2012 những nhà báo tự do như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần còn phải nhận mức án kinh hoàng từ 10-12 năm tù giam cho hành động bị coi là “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đến năm 2013 và 2014, mức án “dành cho” các blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy đã rút xuống còn khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, thống kê của Tổ chức Phóng viên không biên giới và Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết vẫn còn ít nhất 35 blogger bị giam cầm ở Việt Nam, và họ đòi hỏi những người này phải được trả tự do vô điều kiện.
Vào tháng 7/2014, ngay cả một tờ báo của nhà nước là Pháp luật và Xã hội cũng bị Bộ Công an ra lệnh khởi tố vì một bài viết trên báo này đề cập đến những khuất tất tài chính của một số doanh nghiệp thuộc Bộ Công an.
Thân phận ngoài đời và số phận trong tù của nhiều nhà báo tự do ở Việt Nam vẫn còn chông chênh ít nhất trong tương lai gần, khi xã hội dân sự và quyền được tự do báo chí của báo giới vẫn còn mong manh. Song, buộc phải “hội nhập quốc tế” là một xu thế không thể cưỡng lại được đối với Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh được xem là quá “nhạy cảm” hiện thời. Theo đó, các quyền con người ở đất nước này cũng phải dần được tôn trọng một cách thực chất chứ không thể tái hiện bầu không khí mị dân và giả tạo nhiều năm trước.
Trường Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét