Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Sự thất bại của giáo dục đại học Việt Nam

GS .Nguyen Tuan FB
06-08-2014
H1Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, có lẽ là đề tài bàn luận muôn thuở. Ở Việt Nam, người ta bàn về vấn đề giáo dục đại học từ rất lâu, từ mô hình tổ chức đến phương pháp giảng dạy, và giảng viên & giáo sư. Không phải như thời trước 1975 ở miền Nam, đại học là những trung tâm dành cho giới tinh hoa của đất nước, thường chỉ tồn tại ở thành phố lớn. Thời tôi còn đi học, chỉ có một tỉ lệ nhỏ tốt nghiệp trung học, và chỉ 10% (?) trong số tốt nghiệp trung học vào được đại học. Nói cách khác, đại học ngày đó thu hút học sinh tinh hoa của tinh hoa. Còn ngày nay đại học mọc lên từ làng xã ra thành phố. Ai cũng tốt nghiệp trung học, thì phải tìm nơi cho họ học đại học. Có thể nói Việt Nam đang trải qua một phong trào “phổ thông hoá” đại học. Hiện nay, Việt Nam có 207 trường đại học được công nhận, và con số này vẫn còn tăng. Công chúng phải phải đặt câu hỏi về vai trò của đại học vì công chúng là người gián tiếp nuôi đại học qua tiền thuế.


Có lẽ câu hỏi cơ bản đặt ra là: giáo dục đại học tồn tại để làm gì? Câu hỏi này cũng là một cách định hình và phân biệt giữa đại học và cao đẳng dạy nghề. Trong một bài viết cách đây 4-5 năm gì đó, tôi có phát biểu rằng trong một xã hội hiện đại, giáo dục bậc đại học có bốn chức năng chính:
(a) đáp ứng nhu cầu tri thức của công chúng và giúp công chúng tự khai thác tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội;
(b) sáng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu khoa học, và chuyển giao những tri thức này đến xã hội;
(c) cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự phát triển của một nền kinh tế hiện đại; và
(d) vận hành như là một trung tâm văn hoá, với chức năng khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, cố vấn về đường lối và chính sách cho nhà nước.
Nếu nhìn chức năng của đại học theo cái nhìn đó và đối chiếu với thực tế, tôi nghĩ đại học Việt Nam thất bại gần hết. Tôi sẽ giải thích tại sao, còn nguyên nhân thì sẽ bàn trong một dịp khác.
Đại học Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại như là một ốc đảo, thiếu sự tương tác với công chúng, xã hội, và kĩ nghệ. Ai đã từng ghé thăm và làm việc các đại học Việt Nam, dù là đại học “hoành tráng” nhất, sẽ thấy rất rõ đó là những công sở, với cổng kính tường cao, và giờ mở cửa y như một cơ quan hành chính của Nhà nước. Thư viện thì hầu như chẳng có sách để đọc và tham khảo, mà hình như nhà trường cũng chẳng quan tâm đến thư viện (do thiếu ngân sách). Người dân rất khó tiếp cận đại học, và không có hi vọng gì để được vào đọc sách trong thư viện. Ngược lại, các đại học phương Tây là những thiết chế của cộng đồng, của người dân, ai cũng có thể ghé qua và có thể tham gia những hội thảo dành cho công chúng. Người dân cảm thấy tự hào đó là một cơ sở khoa học và văn hoá của cộng đồng mà họ đóng góp tạo dựng nên.
Khả năng sáng tạo ra tri thức mới của đại học Việt Nam cũng không đáng kể. Một thước đo về đóng góp vào tri thức khoa học là số công trình nghiên cứu trên các tập san quốc tế. Trong tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế (hiện nay ~2300 bài), các đại học đóng góp chưa đến 50%. Thật ra, trong số hơn 200 đại học, chỉ có khoảng 20 đại học là có đóng góp vào công bố quốc tế, và cũng chỉ tập trung các trường lớn. Những trường nhỏ và mới như Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế, ĐH Nha Trang, ĐH Đồng Tháp, v.v. cũng có đóng góp khiêm tốn (mỗi trường đóng góp từ 5-20 bài mỗi năm). Tổng số bài báo khoa học từ tất cả các đại học Việt Nam còn thấp hơn 1 đại học của Thái Lan (như Chiang Mai hay Chulalongkorn). Tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam chưa bằng phân nửa số bài báo của một đại học bên Singapore! Về sáng tạo, các đại học Việt Nam cũng chẳng có đăng kí bằng sáng chế quốc tế. Con số là 0. Nói chung, nghiên cứu khoa học và khả năng sáng tạo của các đại học Việt Nam chưa đáng kể. Ở đây, chúng ta chưa bàn nguyên nhân, chỉ nêu sự thật.
Những sinh viên mà đại học Việt Nam đào tạo khó tìm được việc vì không đáp ứng nhu cầu của giới kĩ nghệ. Ngay cả những người tìm được việc vẫn phải cần đào tạo lại. Một viên chức người Việt thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nhận xét: “Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít.” Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở trong nước, hàng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Trong số này, chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp; và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Ngay cả những sinh viên đã tìm được việc làm, họ đều phải được huấn luyện lại, nhất là ở các công ti ngoại quốc. Trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, như Intel chẳng hạn, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp. Do đó, đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam.
Nhưng điều này có lẽ không ngạc nhiên, vì đầu vào còn khá thấp. Theo một nghiên cứu về kĩ năng tiếng Việt trong các sinh viên khoa ngữ văn năm 1997-1998 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 752 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư (những cử nhân văn chương tương lai), chỉ có 45% đạt yêu cầu về chính tả và 26% đạt yêu cầu về cú pháp. Do đó, không ngạc nhiên khi đầu ra cũng thấp. Trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Toán, lí, hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trước đây vài năm, một đại biểu của Hội Toán học Việt Nam đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp trong nước như sau: “Có thể nói không quá đáng rằng, trình độ đại học hiện nay chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài), cao học bằng đại học, và phó tiến sĩ chỉ bằng cao học”.
Đại học Việt Nam khó trở thành một trung tâm văn hoá. Chương trình giảng dạy (nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn) đều chịu dưới sự kiểm soát của một cơ chế vô hình nào đó. Một báo cáo của chuyên gia nước ngoài nhận xét rằng “các trường đại học Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị bóp nghẹt về tri thức, trong khi công chúng đang phản ứng ngày càng lớn.” Vụ Nhã Thuyên vừa qua là một ví dụ tiêu biểu về bóp chết tự do học thuật. Thiếu tự do học thuật làm cho các đại học Việt Nam không thể nào hoàn thành sứ mệnh khai hóa xã hội.
Nói tóm lại các đại học Việt Nam đã thất bại trong việc thực hiện những chức năng của một đại học hiện đại. Nếu một đại học mà chỉ đào tạo và không quan tâm hay không có những hoạt động liên quan đến sáng tạo tri thức mới và đóng vai trò trung tâm văn hoá, thì có lẽ nên xem đó là trường cao đẳng. Mà, quả vậy, có thể nói không ngoa rằng, chiếu theo những tiêu chuẩn học thuật nghiêm túc, phần lớn các đại học Việt Nam chỉ là các trường cao đẳng chứ không phải đại học đúng nghĩa.
Sự thất bại này là tiền đề để suy nghĩ về việc sắp xếp lại hệ thống đại học – cao đẳng. Theo tôi, trước hết phải phân tầng các đại học thành 3 nhóm: nhóm elite, nhóm đào tạo, và nhóm địa phương. Nhóm elite gồm những đại học có thể tự chứng minh đạt được 4 chức năng tôi đề cập trên đây, đặc biệt là nghiên cứu koa học. Nhóm đào tạo không cần ưu tiên làm nghiên cứu khoa học mà chỉ tập trung đào tạo chuyên gia có phẩm chất chuyên môn tốt. Tôi nghĩ đến nhóm này như là những “college of advanced education” (CAE) của Úc thời thập niên 1980-1990. Còn nhóm “địa phương” là những đại học do địa phương quản lí, họ cũng đào tạo và ở mức độ khiêm tốn làm nghiên cứu khoa học, nhưng chức năng của họ là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội – văn hoá của địa phương là chính. Dĩ nhiên, không ai ngăn cản một CAE hay đại học địa phương không vươn tầm trở thành một đại học elite, nhưng tạm thời phải có phân tầng chứ không thể theo chủ nghĩa bình quân được.
Tôi nghĩ sự thất bại của đại học Việt Nam có nguồn từ sự lẫn lộn giữa đại học và cao đẳng dạy nghề. Đại học là một thiết chế dành cho những “learned people” (tạm xem là học giả), nó không chỉ đơn thuần là nơi đào tạo chuyên gia kĩ thuật, càng không đơn giản là nơi dạy nghề. Nếu chỉ đào tạo chuyên gia thì nên xem đó là viện công nghệ. Đại học theo cái nhìn của tôi không thể có những môn học vốn thuộc sở trường của các cơ sở dạy nghề như “hospitality”, du lịch, nhà bếp, tiếp tân. Một đại học đúng nghĩa theo tôi phải có những môn học mà phương Tây gọi chung là liberal studies như nghệ thuật, ngôn ngữ cổ và kim, văn hoá, văn học, v.v. hay những tri thức phổ quát. Sinh viên y không chỉ học y học mà còn phải học các môn học liberal studies. Nhưng ở Việt Nam, người ta lẫn lộn giữa giáo dục đại học, đào tạo chuyên môn, và cao đẳng. Điều này dẫn đến những tranh cãi có khi vô bổ về vai trò của “đại học”, và làm cho nền giáo dục đại học thật sự bị thất bại trong vai trò đáp ứng nhu cầu tri thức và văn hoá của người dân, thất bại trong sáng tạo ra tri thức mới, và thất bại trong việc đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét