Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Những trái bom nổ chậm

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA


Bài báo của phóng viên Elizabeth Rosen trên tờ The Diplomat hôm 19/8 về các khoản nợ xấu của Việt Nam mà bà gọi là “trái bom nổ chậm”.  -Screen capture
Hôm 19 Tháng Tám, nhà báo Elizabeth Rosen tại Hà Nội có một bài dài hơn hai nghìn chữ trên tờ The Diplomat về các khoản nợ xấu của Việt Nam mà bà gọi là “trái bom nổ chậm”. Tháng Bảy trước đó, Ngân hàng Thế giới có báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam với lời cảnh báo về dị biệt lợi tức đang đào sâu trong thực tế lẫn trong nhận thức của người dân. Diễn đàn Kinh tế tổng hợp các vấn đề này qua phần phân ích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Nhiều rủi ro kinh tế xã hội



Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tuần qua dư luận quốc tế có chú ý đến lời báo động của một nhà báo ngoại quốc tại Hà Nội về một quả bom nổ chậm là các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Theo bài báo của bà Elizabeth Rosen được đăng trên tờ The Diplomat về quan hệ quốc tế tại Á châu Thái bình dương, thì khoản nợ xấu sẽ mất có thể hơn gấp đôi con số chính thức và nhà cầm quyền Hà Nội vẫn trì hoãn giải quyết vì phải cải sửa toàn bộ cơ cấu kinh tế. Theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam, ông có nhận xét gì về lời cảnh báo này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là Việt Nam không chỉ có một trái bom nổ chậm là các khoản nợ không sinh lời và sẽ mất, mà còn gặp nhiều rủi ro kinh tế xã hội khác nữa. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về chuyện này, trước tiên về sự kiện vì sao Việt Nam lại chất lên một núi nợ sẽ sụp, và khi đó ta liên hệ đến trường hợp tương tự mà diễn đàn này cứ nhắc tới là kinh tế Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Thưa ông, nếu vậy ta sẽ khởi đi từ đó, từ những nguyên nhân chung có thể dẫn tới hậu quả là sự sụp đổ tài chính. Xin ông bắt đầu trình bày cho bối cảnh.
Tôi cho là Việt Nam không chỉ có một trái bom nổ chậm là các khoản nợ không sinh lời và sẽ mất, mà còn gặp nhiều rủi ro kinh tế xã hội khác nữa.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nhớ Tháng Chín này cũng đánh dấu một vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Hoa Kỳ khiến kinh tế thế giới bị nạn Tổng suy trầm khiến các Chính quyền Trung Quốc và Việt Nam ào ạt bơm tiền để kích thích sản xuất và từ đó chất lên một núi nợ.
Tại Hoa Kỳ, thị trường gia cư có năm năm tăng vọt và tạo ra sự lạc quan hồ hởi và bong bóng đầu cơ rồi dẫn đến khủng hoảng khi bóng bể vào năm 2007. Lúc ban đầu, người ta cho là các khoản nợ sẽ mất có thể lên tới 500 tỷ đô la. So với một nền kinh tế có sản lượng hơn 15 nghìn tỷ thì khoản tiền bị mất chỉ lên tới 3% và nước Mỹ thừa sức vượt qua sóng gió như đã từng gặp sau vụ khủng hoảng các quỹ tiết kiệm và tín dụng vào quãng 1990. Thực tế lại không lạc quan như vậy vì tác dụng dây chuyền của cả một chuỗi đổ vỡ lây lan ra các lĩnh vực khác. Ta nên nhớ lại chuyện ấy để thấy rằng khi sóng gió nổi lên thì hậu quả sẽ tai hại gấp bội.
Vũ Hoàng: Thưa ông, từ một nền kinh tế cứ tưởng như giàu mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ mà nhìn qua Trung Quốc và Việt Nam thì ta có thể rút tỉa được bài học gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi trở lại hình ảnh của nền kinh tế uống sâm mà đạp xe cho mạnh để cỗ xe khỏi đổ. Khi kinh tế thế giới bị Tổng suy trầm vào các năm 2008 và 2009, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có biện pháp kích thích như cho uống sâm. Nhưng vì cơ chế kinh tế chính trị của hai xứ này, luồng tín dụng được ào ạt bơm ra lại trước tiên trút vào khu vực doanh nghiệp nhà nước và tay chân của đảng viên cán bộ. Nền kinh tế gọi là “tư bản nhà nước”, do nhà nước điều tiết và kiểm soát, mới dẫn tới hiện tượng ta gọi là “tư bản thân tộc” hay crony capitalism, là thân tộc của đảng viên cán bộ dễ vay tiền với điều kiện ưu đãi do chính sách tín dụng nhà nước.
Nhờ ưu thế đó, họ có tiền nhiều và rẻ hơn so với điều kiện chung của thị trường và đưa luồng tài nguyên ấy từ nghiệp vụ đầu tư qua đầu cơ để kiếm lời thật nhiều và thật nhanh rồi thổi lên bong bóng. Đấy là cái nạn “ỷ thế làm liều” mà bất kể tới rủi ro. Các khoản tín dụng vay mượn này bao gồm nhiều nghiệp vụ có giá trị kinh tế rất thấp mà vẫn cứ được bút ghi là nâng cao sản lượng và thực tế trở thành những trái bom nổ chậm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp loại vừa và nhỏ của tư nhân lại khó vay được tiền nếu không có quan hệ với các đại gia hay thân tộc và phải trả tiền lãi rất cao trên thị trường chui nên cũng gặp nguy cơ vỡ nợ.
no-cong-400.jpg
Ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Vũ Hoàng: Như vậy, thưa ông phải chăng Việt Nam trì hoãn giải quyết bài toán nợ nần này vì các doanh nghiệp mắc nợ nhiều nhất và bị rủi ro nhất lại liên hệ tới hệ thống kinh tế nhà nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là trong hiện tượng này, chúng ta có hai loại vấn đề.
Thứ nhất là quyết định tài trợ thuộc diện chính sách như nước cứ chảy vào chỗ trũng và gây úng thủy, tức là tài nguyên phân phối không đúng chỗ, thí dụ như các tập đoàn kinh tế nhà nước được tự tiện lập ra công ty vệ tinh và thực hiện các dự án có tính chất đầu cơ không thuộc về mục tiêu nguyên thủy, thí dụ diển hình là đầu cơ về gia cư địa ốc, tức là bất động sản. Muốn hạn chế và kiểm soát các khoản tín dụng đầy rủi ro này thì Việt Nam phải tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, và triệt hạ các thế lực kinh tế ăn bám vào bộ máy nhà nước, Đây là điều rất khó, nên người ta mới trì hoãn việc cải danh và bố trí lại các khoản nợ của ngân hàng.
Vấn đề thứ hai xuất phát từ hệ thống quản lý ấy là nạn thông tin thiếu minh bạch và trong sáng. Một phần là vì trình độ nghiệp vụ thấp của ngân hàng nên khó thẩm lượng được rủi ro tín dụng, nhưng phần chính là ý đồ ngụy trang số sách để có bảng kết toán không xác thực. Các ngân hàng có thể định giá lại tài sản thế chấp hoặc đảo các khoản nợ đáo hạn mà chưa trả được thành khoản nợ mới và nhờ vậy mà hạ thấp mức nợ xấu khó đòi và sẽ mất. Trình độ nghiệp vụ thấp và ý đồ ngụy trang cao đã mặc nhiên tạo ra nạn tham nhũng có lợi cho tay chân nhà nước.

Chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ

Vũ Hoàng: Ngoài hai loại vấn đề kết tụ vào nạn tham nhũng và tư bản thân tộc, ông còn thấy những nguyên do gì khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Doanh giới nói chung, cả công lẫn tư, vẫn chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ và dễ có phan ứng đầu cơ, tức là lấy rủi ro lớn mà không lường được hậu quả. Tinh thần chủ quan của hệ thống quản lý nhà nước lại nuôi dưỡng tinh thần đầu cơ ngắn hạn đó nên càng tích lũy thêm rủi ro mà lại tính không ra nên sẽ bị hậu quả bất lường.
Nguyên do thứ hai là, như Trung Quốc, thị trường tài chính tại Việt Nam còn quá thô thiển, thiếu các phương tiện huy động vốn tinh vi hơn, cho nên mọi người đều phải lao vào thị trường tín dụng của ngân hàng và chất lên một núi nợ sẽ ụp mà Công ty Quản lý Tài sản của càc Tổ chức Tín dụng VAMC không thể đỡ nổi.
Vũ Hoàng: Có lẽ thính giả của chúng ta hiểu vì sao mà ông nhắc tới khoản nợ xấu của Mỹ được ước lượng là lên tới 500 tỷ đô la mà sau cùng lại cao gấp bội khiến một tập đoàn đầu tư như Lehman Brothers có tài sản hơn 600 tỷ mà cũng vỡ nợ và kéo theo nhiều công ty khác của Hoa Kỳ vào năm 2008. Bây giờ ta bước qua những rủi ro kinh tế xã hội khác mà ông đã nói hồi nãy. Thưa ông, đấy là gì?
Doanh giới nói chung, cả công lẫn tư, vẫn chưa phân biệt được đầu tư với đầu cơ và dễ có phan ứng đầu cơ, tức là lấy rủi ro lớn mà không lường được hậu quả.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước tiên, ta cần nhớ tới bối cảnh quốc tế còn quá nhiều rủi ro từ kinh tế đến an ninh khiến đà tăng trưởng toàn cầu có thể giảm trong năm nay và qua năm tới. Hậu quả sẽ là làn gió ngược làm giảm mức đầu tư và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, riêng tại khu vực Đông Á là nơi có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tình hình cũng kém khả quan khi kinh tế Trung Quốc sẽ trì trệ và nếu Hoa Kỳ giảm dần mức độ bơm tiền kích thích kinh tế. Hậu quả có thể là những biến động tài chính khá đột ngột và sự giảm sút của lượng nhập khẩu khiến Việt Nam gặp thêm khó khăn khi cần bán hàng ra ngoài.
Chuyện thứ hai, ở bên trong Việt Nam, ta nên để ý tới mặt trái của một tin vui là đà lạm phát có thể hạ. Mặt trái đó là số cầu nội địa đã giảm và còn có thể giảm nữa. Điều ấy có nghĩa là mức sống của người dân bị nghèo đi và rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể tăng, với hậu quả còn dội ngược vào núi nợ xấu của các ngân hàng.
Cũng bên trong Việt Nam, tình hình công chi thu của khu vực công quyền, nôm na là ngân sách nhà nước, có thể bị thiếu hụt nặng hơn 5%, cao hơn chỉ tiêu của nhà nước. Lý do chính là nguồn thu về thuế khoá có giảm khi các doanh nghiệp bị lỗ lã. Trong vài tháng tới, ta sẽ xem giới lãnh đạo kinh tế của Việt Nam xử trí thế nào khi Quốc hội thảo luận về Dự luật Ngân sách.
Vũ Hoàng: Sau cùng, thưa ông, trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam vừa được công bố tháng trước, Ngân hàng Thế giới dành nhiều trang cho một vấn đề là nạn dị biệt về lợi tức. Ông nghĩ sao về chuyện này, liệu đấy có là một quả bom nổ chậm khác như ông nói hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta thường có một ẩn dụ là khi thủy triều dâng thì cũng nâng mọi con thuyền lớn nhỏ, nghĩa là khi kinh tế có tăng trưởng thì giàu nghèo gì cũng đều được hưởng. Sự thật lại chẳng như vậy, riêng với Việt Nam thì lại tệ hơn vậy nên phúc trình của Ngân hàng Thế giới mới có lời cảnh báo.
Nếu so với thời trước thì quả thật là mức sống dân cư của Việt Nam nói chung đã có cải tiến từ hai chục năm nay khi Việt Nam du nhập quy luật tự do của thị trường và từ bỏ con đường tập trung quản lý bằng kế hoạch nhà nước. Nhưng, nhận thức hay ấn tượng của người dân nay cũng đổi khác. Đa số đến 80% cư dân ở thành phố đang cho là khoảng dị biệt giàu nghèo đã đào sâu và đây là một nghịch lý của một chế độ tự xưng là theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chúng ta có thể giải thích điều này ở lý do kinh tế vừa nói hồi nãy là người ta ít phân biệt đầu tư với đầu cơ. Nhưng lý do chính là tại thành phố, người ta chứng kiến trước mắt một lối sống xa hoa tới lố bịch của một thiểu số làm giàu rất nhanh nhờ quan hệ với hệ thống nhà nước. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa do nhà nước đề ra chỉ dẫn tới sự xuất hiện của các đại gia, và đây là một quả bom nổ chậm về xã hội vì dẫn tới sự bất mãn của đám đông.
Ra khỏi thành phố thì tình hình nông thôn lại còn bi đát hơn. Đa số dân cư ở nông thôn chưa có điều kiện sinh hoạt tối thiểu, với những yêu cầu căn bản về gia cư, y tế và giáo dục. Ở nhiều tỉnh miền Bắc hay miền Trung, cuộc sống của người dân thật ra chưa có cải thiện và dị biệt về lợi tức lẫn nhận thức đang trở thành một vấn đề chính trị, chẳng khác gì Trung Quốc là nơi có hơn trăm triệu người chưa kiếm nổi vài đô la một ngày.
Vấn đề nhận thức này dẫn tới một nghịch lý là người dân mong nhà nước sẽ là giải pháp cứu vãn với biện pháp tái phân phối lợi tức cho dân nghèo, nhưng lại thấy nhà nước chỉ giúp cho một thiểu số làm giào rất nhanh. Vì vậy, nhà nước không là giải pháp mà là thủ phạm và nguyên do căn bản nhất vẫn là sự chuyên quyền của nhà nước thiếu dân chủ, nó trở thành công cụ bóc lột của thiểu số.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét