VNTB
Viết Lê Quân* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Người nào?
Lại vừa thêm một cựu quan chức – Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) bị công an bắt giam để điều tra.
Ông Đỗ Tất Ngọc bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm nay 65 tuổi, ông Ngọc làm Chủ tịch HĐQT Agribank từ 2004 trước khi nghỉ hưu năm 2009.
Được coi là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản hơn 700.000 tỷ đồng, Agribank đang phải đối diện với cơn đại hồng thủy trong không chỉ lịch sử ngân hàng này mà có thể với cả toàn bộ hệ thống ngân hàng quốc doanh Việt Nam.
Việc khởi tố và bắt giam liên tiếp một số cựu lãnh đạo Agribank trong những năm gần đây cũng làm dấy lên dư luận về khả năng có một cuộc “thanh trừng” nào đó đang dần lớn mạnh giữa các nhóm lợi ích trong nội bộ.
Một nguồn dư luận khác lại cho rằng đây là cuộc chiến thanh loại quyền lực giữa các phe phái, có thể liên quan đến “người của đảng” và “người chính phủ” trước đại hội 12 vào năm 2016.
Ai mất ngủ?
Ngay sau khi nửa đầu năm 2014 vừa trôi qua, thị trường tín dụng Việt Nam đã lộ diện một ứng cử viên rất dồi dào cho triển vọng phá sản: Agribank.
Tỷ lệ nợ xấu “siêu khủng” vượt cả vốn điều lệ, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm đến 89% vốn điều lệ, quá nhiều lỗ hỗng trong quản trị ngân hàng mà đã dẫn đến hàng loạt sai phạm lớn tại một số chi nhánh…, là những huyệt đạo ung thư còn trên cả ác tính ở Agribank.
Chỉ tính đến thời điểm cuối năm 2013, nợ có khả năng mất vốn tại Agribank lên tới 23.652 tỷ đồng, chiếm đến 59,23% tổng dư nợ xấu và bằng đến 89% vốn điều lệ. So với vốn điều lệ là 29.605 tỷ đồng, tổng nợ xấu của Agribank lên tới xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, tức cao hơn vốn điều lệ của ngân hàng này đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Kết quả của cơ quan kiểm toán nhà nước cũng lần đầu tiên “tiết lộ” tỷ lệ nợ xấu của Agribank vào cuối năm 2013 là 8,16%, tăng đến 34,43% so với cùng kỳ năm 2011. Có thể xem đây là tỷ lệ quán quân nếu so với tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 7,8%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng được cơ quan kiểm toán công bố mới chỉ dựa chủ yếu vào số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó và với tất cả những gì mà giới ngân hàng đã mặc nhiên thao túng dữ dội từ nhiều năm qua, ngay cả một số chuyên gia nhà nước cũng phải thốt lên “Không thể tin được!” khi chứng kiến số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại.
Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu chính Agribank – nằm trong nhóm ngân hàng lớn nhất và được coi là nhóm lợi ích có mối liên can sâu đậm nhất với một số chính khách nào đó – trở nên vô phương cứu chữa. Khi đó, không chỉ các ngân hàng lớn buộc phải “cứu” Agribank, mà chắc chắn Ngân hàng nhà nước và có thể cả Bộ Chính trị sẽ phải mất ngủ với ca bệnh quá nan giải này.
Tử huyệt
Vào tháng Giêng năm 2013, ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng Giám đốc Agribank, đã bị bắt với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại 3.900 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Đúng một năm sau, cơ quan công an lại bắt giam Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Agribank, với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền lên tới 3.900 tỷ đồng.
Cũng còn những vụ đại án liên quan đến Agribank đưa ra xét xử là sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II, khi có đến 11 bị cáo trong vụ án này bị truy tố. Hoặc vụ án với 11 bị can bị đề nghị truy tố liên quan đến vụ thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh 6 TP. HCM…
Chẳng hiểu có phải do tình cờ, đúng vào thời điểm ngày 30/7/2014 khi lệnh bắt giữ 3 quan chức Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam được công bố, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã đến thăm cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an. Trong dịp này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã dẫn chứng với Chủ tịch Trương Tấn Sang là rất nhiều vụ án có dấu hiệu “nhóm lợi ích” mà gần đây nhất là vụ Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam và Tập đoàn Thiên Thanh.
Ai cũng biết, ngân hàng là tử huyệt của “Phe lợi ích”. Bất cứ một chiến dịch “diệt ruồi” nào muốn thành công đều cần được khơi gợi cảm hứng từ chính tử huyệt này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét