Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 -(2) & (3)

Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 (1)

Procontra

Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 (2)

Phạm Thị Hoài biên soạn
Vụ án con giết bố
Án mạng
Ông Tuân treo cổ xà nhà bếp. Ngang tai có vết chém. Chân lại chạm đất.
Có trưởng ban công an Tuế, có phó chủ tịch Hoành làm biên bản. Có anh Thụ, vợ và mẹ (tức là vợ ông Tuân). Có cả cán bộ đội cải cách vừa mới về xã.
Tuế cứ hỏi: „Mày giết cha phải không?“


Thụ tái xanh tái xám vâng vâng dạ dạ.
„Mẹ mày với mày bàn nhau giết tên Tuân để tránh vạ phải đấu phải không? Bố mày là cường hào ác bá sắp phải đấu, chúng mày giết đi để mà trốn thoát đấu tranh của nhân dân phải không?… Chúng mày sợ bị tịch thu trâu bò ruộng đất, sợ bị tù tội liên quan?“
Anh Thụ với người mẹ nhận hết.
„Nếu mà nhận thì ký vào đây.“
Anh Thụ ký. Người mẹ điểm chỉ.
Nghi vấn
Ít hôm sau cán bộ cũng coi nhẹ chuyện đó. Cho là gia đình ông Tuân sợ bị quy là cường hào, nên thủ tiêu ông Tuân đi cho xong.
Nhưng án mạng có nhiều cái vô lý:
Vết chém ở tai đúng là do anh Thụ. Nhưng nguyên vết chém ấy không chết được. Vậy nên mới đem treo cổ, nhưng treo cổ chân chạm đất thì cũng không chết được. Vậy thì tính ra chết vì cái gì?
Bức thư trong túi ông Tuân: „Tôi chết đi để cho nhân dân đừng có nghe bọn thằng Tố, thằng Hồ, thằng Sang chúng nó vu sằng vu bậy.“
Vậy là ông Tuân tự vẫn.
Nhưng nếu vậy sao lại có vết chém của anh Thụ? Hay không phải anh Thụ chém? Hay bức thư là viết trá?
Nếu bảo ông Tuân tự tử vì lý do sợ bị quy là cường hào thì cũng còn hơi có lý. Nhưng nếu thế sao lại có vết chém? Không phải anh Thụ chém thì ai? Mà tại sao anh Thụ lại nhận tội giết cha?
Nếu bảo anh Thụ giết cha thì chém cũng chưa đủ chết, treo cổ chân chạm đất thì cũng không đủ chết. Mà vì sao lại giết cha? Anh ta khai là vì „căm thù“, nghe nó vô lý lắm. Hay là sợ bị đấu thì bố chết đi cho rảnh để khỏi bị đấu? Hay là vì gia tài? Nhiều giả thuyết. Nhiều uẩn khúc.
Kết luận
Đây là một án mạng mờ ám. Anh Thụ cũng có dính tay vào, nhưng còn nhiều đứa khác nữa. Chưa biết đứa nào là thủ phạm, là tòng phạm v.v… Nhất định có vấn đề chính trị ở trong.
Dư luận nhân dân
- Nó là cường hào nên nó chết thôi.
- Bố nó hung tinh chiếu mệnh.
- Nó sợ bị đấu nên nó chết.
- Vợ con nó sợ liên quan nên giết nó đi để tránh vạ…
Phát động anh Mang
Trước có đi ngụy. Có khổ có thù.
Cán bộ tới hôm đầu, anh ta đang ngồi trong nhà. Cán bộ hỏi, anh ta chỉ đáp gióng từng câu một. Cán bộ nói đả thông về „liên quan“, „ngụy binh“ v.v… Anh kêu: „Ruộng cạn rồi em phải đi tát nước.“… Đi.
Hôm sau anh ta đang nấu cơm, con đang băm bèo cho lợn. Đổ bèo nấu bị vương ra ngoài, anh ta mắng. Cán bộ giúp đứa bé.
„Sớm anh đi đâu?“
„Em đi tát nước về. Bây giờ thủi cơm ăn…“
Câu chuyện một lúc về địch trước kia giết hại dân làng, anh bắt chuyện. Nó đánh người này, giết người kia. Bỗng có nói tới ông Tuân. Cán bộ bắt lấy: „Ông Tuân làm gì mà Tây nó cũng bắt?“
„Ông ấy trước có giấu cán bộ đấy.“
„Giấu thế nào?“
„Nhà ông ấy có cái hầm cho cán bộ ở.“
„Ông ấy có đi báo Tây bắt cán bộ bao giờ không?“
„Không. Ông ấy giấu cán bộ tốt lắm, Tây bắt cán bộ được ở đâu thì bắt, chứ chưa bao giờ bắt được ở nhà ông ta. Ông ấy nhường hầm cho cán bộ rồi bố con lại lủi đi kiếm hầm khác.“
„Trước ông Tuân có bao nhiêu ruộng?“
„Trước chả có gì, sau hai vợ chồng với đứa con đi mãi đâu làm trại gì, về mới được 7 sào. Bây giờ thêm ruộng làng cho với người chị nào, nên tất cả có hơn 2 mẫu.“
Cán bộ đặt vấn đề: 2 mẫu! Vậy có thể ông Tuân không phải là địa chủ.
Mãi một hôm cán bộ đi về, anh Mang chạy theo chân ra. Tới chỗ giàn bí rất dày, anh Mang kéo cán bộ lại. Cán bộ theo anh ta vào một quãng kín ở giàn bầu.
„Bây giờ em mới dám nói, em nghi ông Hoành lắm. Vì em đang ở ngoài đồng thì ông ta bảo em là du kích mà chẳng biết gì. Em bảo biết gì cơ? Ông ấy bảo sao làm du kích mà không ngăn thằng Tuân nó chết rồi. Em sửng sốt nó chết làm sao? Em làm du kích làm sao biết được mà ngăn nó? Ông Hoành nói nó là cường hào, nó chết là nó trốn khỏi sự đấu tranh của nhân dân rồi. Du kích thế là khuyết điểm. Em nghi ông Hoành lắm. Việc gì là ông ấy cũng biết cả.“
Cán bộ hỏi: „Tuân hắn chết ai mà chả biết?“
Anh Mang nói: „Nhưng em vẫn nghi ông Hoành lắm, vì ông Tuân chết lúc 1 giờ chiều. Mà khi đó đang trưa, trời chưa đứng bóng, chưa đến 12 giờ. Vậy mà sao ông ta lại biết trước?“
Cán bộ thấy có lý. Hỏi thêm anh Mang về Hoành. Anh Mang không nói được gì, cán bộ lại biết là anh ta lo liên quan. Sau cán bộ hẹn đến mai và bảo anh Mang nghĩ xem có những ai biết rõ về ông Hoành thì giới thiệu ra. Anh Mang nói một số người, bà Bít, anh Diễm v.v… Bảo: bà Bít ở cạnh nhà đấy, biết rõ chuyện tên Hoành, nhưng bà ấy có dây dưa liên quan gì ấy. Cán bộ biết anh Mang vẫn bị ám ảnh điểm liên quan…
Phát động bà Bít
Bà Bít ở gần nhà Hoành. Cán bộ đến một lát thấy bà biến mất. Lại đến…
„Chúng em sắp sửa dâng sao!“
„Vì sao phải dâng sao hử bà?“
„Thày Ngô bảo thế. Làng độ này động đất vì đội cải cách về, đất đá cứ tung lên bôm bốp cả ngày cả đêm, không cúng rồi thì sụp đất chết cả.“
„Thế trước kia có dâng sao không?“
„Trước kia thằng Tây còn đóng thì chỉ lo chạy là hết năm hết tháng, còn thì giờ đâu mà cúng lễ.“
„Thế trước có động đất không?“
„Không có bao giờ.“
Thế là phát hiện vấn đề thày Ngô. Biết thêm Hoành trước kia hay đi Hà Nội, ông Thiệu gì đó, ông Hoành thì bạn bè nhiều lắm, ông quan hai nọ, ông đồn trưởng kia… Ăn uống, vặn kèn hát.
Nòng cốt
Tiến tới một loạt rễ, chuỗi. Quần chúng nói nhiều về Hoành, Tuế. Hoành nó hung hăng, Tuế nó thâm hiểm hơn.
Xác định được: ông Tuân là trung nông.
Phát động anh Thụ
Anh Thụ bị giam ở công an Bắc Ninh, chân bị cùm. Cán bộ tới giải thích mãi. Anh cứ bảo vì em căm thù nên em giết bố. Bố là cường hào gian ác. Cán bộ giải thích: Nhất định nhà anh là thành phần trung nông, nhân dân xác định rõ ràng rồi. Nhất định cái việc giết ông cụ đây không phải là do anh, mà là anh mắc mưu bọn địa chủ. Chúng nó lừa gạt, bắt ép anh, đó là tội của chúng nó. Anh căm thù thì nói hết ra, đấy là căm thù, trả thù cho bố, vạch bọn phản động ra, sẽ trừng trị chúng nó. Còn anh thì kiên quyết tha bổng, chỉ vì anh mắc mưu chúng nó thôi. Không sợ nó trả thù, vì mình trừng trị nó rồi thì còn sợ gì! Anh có nói ra thì mới trả thù được cho cha, lại gỡ được tiếng giết bố…
Thụ gục đầu lên bàn khóc. Ối trời ơi. Không nói gì cả.
Bỏ cùm xích cho Thụ.
Hôm sau lại khêu gợi tình cha con, tình vợ chồng (trừng trị được bọn phản động anh lại về được với vợ, cùng sum họp, anh Thụ rất yêu vợ, vợ chồng trẻ). Lại nhấn mạnh: khoan hồng, không sợ trả thù…
Mãi sau Thụ nói: „Chính thằng Hoành nó xui tôi giết bố tôi.“
Thụ đang ngoài đồng, Hoành gặp, nói chuyện: „Cậu đã biết gia đình cậu thế nào chưa?“
„Chưa, thế nào?“
„Hôm qua họp cán bộ đã xác định bố cậu là cường hào gian ác, nay mai sẽ đem ra đấu. Tớ thương cậu lắm. Cậu đã ở vùng tự do cậu biết chứ gì. Địa chủ thì gặp từ đứa bé con cũng phải gọi là ông. Vợ cậu nó sẽ bỏ cậu nó đi. Trâu bò ruộng đất tịch thu hết. Cậu sẽ khổ lắm.“
„Trời, thế làm thế nào?“
„Bây giờ chỉ có một cách là làm thế nào bố cậu chết đi, thế thì chẳng còn đấu chẳng còn truy gì nữa. Chết rồi thì còn đấu ai?… Nhưng mà cậu vẫn còn bị liên quan… Nếu mà cậu tự tay giết bố đi thì mới tỏ ra căm thù địa chủ, dứt khoát đấu tranh, đứng về với nhân dân. Tớ thương cậu lắm tớ mới bầy cách cho…“
Cách mấy hôm, Thụ gặp Hoành đầu nhà.
„Hôm nay chuyển kho thóc đây. Chuyển xong, mai là đấu. Cậu về phải làm ngay đi, không có thì chậm hỏng cả. Nếu tự cậu làm không xong đã có chúng tớ giúp.“
Thụ cầm con dao 10 lần buông ra, nước mắt ròng ròng. Bố đau bụng nằm trong nhà quay mặt vào. Thụ chém một nhát, buông dao chạy đi.
(Chưa rõ: sao lại treo cổ?)
Lần khác, Thụ lại nói thêm: Không rõ ai treo cổ. Thụ chạy lên nhà trên ôm mẹ khóc. Còn nghe tiếng bố: „Không phải giết tao nữa, tao sẽ chết thôi. Không phải mày giết tao đâu, con đừng sợ.“ Không biết ai treo cổ. Chỉ thấy vụt một cái quần đen ra cửa sau chuồng trâu.
Tất cả 4 lần mới khai được thế. (Chưa rõ: lý do nào giết bố…)
Cán bộ
Được đến thế cán bộ đội đã thú vị, thoả mãn. Đề nghị trên cho bắt Hoành, tấp tểnh đem đấu. Đoàn ủy đồng ý cho bắt, nhưng còn tiếp tục chuẩn bị. Nòng cốt chưa vững, chưa xâu chuỗi ra quần chúng rộng rãi. Vụ án chưa điều tra minh bạch. Đội phải tiếp tục điều tra thêm, và phát động quần chúng rộng nữa.
Nhiều cán bộ lảu bảu, còn minh bạch thế nào nữa?
Phát động vợ Thụ
Vợ Thụ lại về với chồng. Cán bộ giải thích, định dùng vợ Thụ để phát động chồng.
Hôm hai vợ chồng gặp nhau (đội đã xin công an cho Thụ về xã), cứ vợ ra chồng lại vào, vợ vào chồng lại ra. Cứ tránh mặt vòng quanh như đèn cù. Cán bộ thân mật: „Vợ chồng bây giờ chị ấy về rồi thì phải hỏi han chuyện trò chứ lại cứ thế thì còn ra làm sao nữa?“ (Nói thân mật như anh em vậy.)
Sau hai vợ chồng ngồi trong nhà, vợ thủ thỉ: „Em xin lỗi vì em ngỡ bố là cường hào nên em bỏ em về, bây giờ mới vỡ lẽ là không phải, thì ra là âm mưu địa chủ nó chia rẽ gia đình ta, em lại về với anh. Thì anh có những điều gì bí ẩn nên nói ra cả đi, cho vợ chồng lại sum họp một gia đình, trung nông thôi chứ có phải cường hào ác bá gì mà cứ im đi là mất lập trường, bênh cho chúng nó chẳng có lợi gì mà chỉ hại cho mình, thù cha không trả được, vợ chồng không được sum họp làm ăn. Cái tiếng giết cha bao giờ rửa được, vợ chồng xa cách em khổ tâm lắm.“
„Nhà mày biết gì, thôi đi, có gì tao nói với cán bộ cả rồi. Mi cứ kệ tao…“
Về sau Thụ cũng nói được thêm: Trước kia, bố Thụ bắt Thụ đi học ở trường huyện. Thụ không thích học, cứ bét lớp, khổ lắm, học dốt, xa vợ. Sau Thụ xếp quần áo lên Hà Nội tìm đến tên Thiệu là chú xa xin việc. Thiệu làm ở Phòng Nhì. Thiệu bảo cứ ở xã, có gì thì báo: du kích, Việt Minh, là có ăn. Thụ bảo mỗi lần biết lại lên Hà Nội báo thì xa quá. Hắn bảo, ở xã cũng có, cứ báo cho Tuế, Hoành, cũng là người của ta cả đấy. Thụ về làng, nhảy xuống ruộng lấm bết, nói dối bố là bị Tây càn nên chạy về. Hôm sau ra đồng thì gặp Hoành toe toét: „Hôm qua cu cậu xin việc ông Thiệu được chưa?“
„Sao ông biết?
„Việc gì tao chả biết, bây giờ mày có tên đây cả rồi nhé. Phải bí mật không có mất mạng toi.“
Về sau Thụ cũng không có hoạt động gì.
Cán bộ hỏi: „Vậy khi nó xui cậu giết ông cụ thì nó có đem chuyện ấy ra doạ ép không?“
„Có, nó bảo mày không giết bố mày không thoát được. Bố mày là cường hào, người ta đấu sẽ lòi cả mày ra có ghi tên ở Phòng Nhì thì mày chết…“
Như thế là về Thụ đã khá minh bạch. Bản thân Thụ có yếu điểm ấy nên mới bị chúng nắm lấy doạ nạt, cưỡng ép làm điều bất nhẫn.
Phát động bà Tuân
Cúng 3 ngày ông Tuân. Cán bộ đến đang cúng Ớ nhà trên. Bà Tuân với họ hàng vội kéo nhau xuống bếp ngồi lo xo với nhau. Cán bộ giải thích cứ cúng chứ không sợ gì. Chuyện này xảy ra thực là khổ, không những là một cái tang của gia đình mà cả làng cả đội ai cũng thương xót.
Bà Tuân cho biết: „Trước khi đội về mấy ngày, tên Hoành có đến với nhà tôi. Ở nhà trên nói chuyện những gì tôi cũng ở đó. Tên Hoành bảo là kiểm thảo thành khẩn đi. Còn những đoạn bóc lột, tội ác sao không ghi vào. Ông nhà tôi cứ vùng vằng, bảo rằng thế này thì ức nhau nhiều quá. Xong Hoành bảo đi nhà khác cho dễ, chỗ này đàn bà… Đêm về cứ thấy ông nhà tôi thở dài… Nước mắt ràn rụa. Ức quá ức quá… Loáy hoáy viết. Khéo tao chết mất thôi mẹ mày ạ…“
Mở rộng ra trung nông
Họp nòng cốt mở rộng trung nông. Công việc CCRĐ cứ tiến hành, không phải vì vụ án mà ngừng lại. Mà cũng không quên vụ án, cứ phát động quần chúng lên, làm cả hai việc điều tra vụ án và CCRĐ.
Hoành bị bắt, phong trào đã lên một ít. Nòng cán vững, tích cực nhiều, trung nông nhiều. Trong cuộc họp một ông cụ cho biết: người con đánh giậm có vớt đưọc 2 bộ quần áo dính máu đem chôn rồi.
Trong cuộc họp tên Vịnh, mù mắt ngồi dưới ngọn đèn bão sáng, nghển cổ vểnh tai về từng phía từng người phát biểu. Cuối cùng lão đứng lên: „Phen này bà con ta cương quyết đoàn kết đánh đổ hết bọn địa chủ đi, giành lại ruộng đất về ta bà con ta.“
Chỉ thấy lẹt đẹt mấy bàn tay vỗ, còn cả hội nghị không ai hưởng ứng.
Anh Mang: „Ông nói thế thì hỏi ông ai là người đi lĩnh canh 36 mẫu, cho quá điền 20 mẫu, còn 16 mẫu tự làm. Vậy là đánh đổ ai?“
Anh Diển: „Chính ông là Vịnh lĩnh canh 36 mẫu còn ai? Vậy mà còn hô hào được ai nữa?“
Phát hiện ra tên Vịnh địa chủ quá điền. Quyết nghị: Khai trừ Vịnh, không cho đi họp với bà con. Về sau lại phát hiện ra địa chủ Dương, thày cúng Ngô. Nhân dân đề nghị khai trừ cả hai khỏi cuộc họp. Cán bộ nghiên cứu đồng ý khai trừ Dương. Còn thày Ngô thì đem ra nhận xét.
Bà con tố: Hắn đi lại làm tay sai cho bọn Hoành, Tuế. Hắn bày những trò dâng sao, động đất. Hắn lấy một người mẹ xong lại ngủ với cả con, lấy cả hai mẹ con. Về sau, theo đề nghị của cán bộ thì vẫn cho tên Ngô họp với bà con, vì hắn chỉ là tay sai, để mở đường cho hắn ăn năn hối lỗi, nếu hắn đấu tranh tích cực vạch tội bọn kia thì nhân dân sẽ tha thứ, bằng không sẽ xử trí sau. [...]
Phân hóa tên Ngô
Cán bộ biết hôm sau thế nào Ngô cũng đến. Quả nhiên. Mời ngồi ghế, uống nước tử tế. Giải thích chính sách khoan hồng. Vạch đường cho hắn, không sợ trả thù, biết điều gì thì tố ra. Đảm bảo cho hắn là sẽ không phải tội gì.
Mất một buổi sớm. Sau hắn nói: „Tôi nói liệu có phải tội không?“
„Nói thực thì tha cho.“
Hắn khai: Tuế, Hoành, Dương, Ích v.v… là cả một bọn Quốc dân Đảng. Trước khi đội về, chúng họp, có gọi Ngô đến. Ngô đến chúng đã họp rồi.
Đến mục Ích nói: „Tôi sợ phen này tôi thế nào cũng bị địa chủ rồi. Ruộng sờ sờ chứ không như các bác. Tôi sẽ bị đấu thôi.“
Tuế bảo: „Không lo. Hãy về xem còn mấy thằng thiếu thóc tô thì thí cho chúng nó. Xem ra cũng chả có mấy thằng. Một mặt ta lên Đồng Nang tháo nước cho ruộng cạn, chúng phải đi tát không còn thì giờ họp hành. Chú Hồ thì cố lấy cắp thóc gạo, cho chúng hết gạo, lo mất gạo ăn thì cũng lơ là họp hành, hoặc chúng đi họp ít đi, nhà có hai đứa phải một đứa gác nhà, một đứa đi thôi. Rồi ném đất ném đá, tung tin động đất, chú Ngô bày việc cúng tế. Một mặt giết tên Tuân, nó già rồi chết cũng đáng, để nó sợ nó tố, em nó đi cải cách về anh em thì thụt thì nó nói lộ hết. Xong ta quy nó là cường hào. Như vậy cũng chả lo gì. Cái bọn cán bộ, như cái thằng gì bụ sữa hôm qua họp sản xuất với nhân dân chẳng nói ra lời, ngữ chúng chẳng lo gì. Cứ vậy mà làm…“
Một lần khác, sau khi giết ông Tuân được 2 ngày, chúng lại họp một lần nữa. Bàn thêm: Giết Thụ, giết Diệm, Mang. Mày không dám giết Thụ thì tự tao giết cho.
Phân hoá thêm mãi Ngô lại khai: Hôm đó Ngô đến Tuế than phiền ông Sang bảo đem tiền vàng hương mãi chưa thấy. Nói chuyện loanh quanh, Ngô bảo, quái, sao Thụ nó chém có một nhát vậy mà ông Tuân chết? Tuế cuời: „Thụ chém nó có chết đâu. Mình phải ra tay đấy…“
Đào đất tìm 2 bộ quần áo đẫm máu. Phân hoá nữa, tên Hoành thú nhận. Bắt Tuế.
Diễn lại vụ án
Thụ chém xong, Hoành, Sang nhảy vào đè ông Tuân xuống, thọc con dao nhọn vào vết chém đâm sâu vào thái dương, ông Tuân ọc ọc rồi chết. Hoành, Sang khiêng xuống bếp, treo cổ. Hoành chạy đi. Sang chạy ra cản nhân dân, xem giấy không cho vào.
(còn tiếp)
© 2014 pro&contra
**********************************************************

Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 (3)

5 sào là bần. 1 mẫu là trung. Tới mẫu rưỡi là phú. Mẫu rưỡi trở lên là địa.
Ai có tội thì ta cứ nói ra. Nếu là địa chủ thì ta đánh, nếu là phú nông thì ta liên hiệp, nếu là trung nông thì ta đoàn kết. [...] Vào nhà trung nông chỉ ngấp ngỏm chân trước chân sau, chén nước cũng không uống cho hết, câu chuyện chẳng buồn nói cho xong. Hỏi rằng cái thằng quan hai là một chức to rồi mà anh ta còn giết được thì có gì mà liên quan. [...] Cả thôn sống bằng lương ngụy binh. [...] Nghe nói đội cải cách về các em rất mong chờ, các em rất là xu hướng. Chị này nói lên là: Em mà không bị chỉ điểm bắt một tháng thì em còn trong sạch nhất làng cơ. Cãi lại xã đội vô kỷ luật. Vợ: Nhà em thì nó đần độn lắm biết gì mà hỏi, có thì hỏi mẹ em với em ấy. Em xin thú thực với anh là em cũng có liên quan. Em là cháu thằng địa chủ Phái, nên hồi giảm tô em không được vào Nông hội.
Liên quan hai ba bề chứ không phải một bề. Tôi có lên tôi xé xác cái thằng địa chủ ấy ra chứ bà con lại bảo tôi liên quan. Bây giờ đội về con lại cắn nhá mẹ: đấy, con bảo mà, giữ của địa chủ bây giờ liên quan. [...] Liên quan em địa chủ thì cắt sinh hoạt. Vợ con khóc vì sợ liên quan, gặp đội cứ lủi, đầu cúi đi cum cúp, không tránh được thì chắp tay lạy.
*
Con địa chủ lấy ai?
Cả làng chả ai thèm mó tới. Có nhà 5 chị nhoai nhoai ra cả rồi, chị lớn 24, cô bé 17. Của ấy rồi mõm cả ra thôi. Chúng lại phải mõm nhau. Địa chủ lấy địa chủ. Hễ cứ bị quy là địa chủ là con gái dâu nó bỏ về, hoặc con trai rể nó bỏ đi. Nhiều vụ lấy cớ là địa chủ mà bỏ nhau.
*
Không lấy địa chủ
Một đám cưới đang cưới. Nhà gái lo sao cứ nhũng nhẵng, không chịu cử người nào ra làm lễ tuyên bố. Mà cứ thấy túm tụm, xì xào, bàn bạc, lằng nhằng. Mãi sau một bà mới dài mồm ra: „Nghĩa là thưa bà con, chẳng phải là chúng tôi phản hôn. Dưng mà cái thời thế này cần phải cẩn thận, thân con gái chỉ có một lần…“
Đám cưới biết có chuyện khó khăn. Bà ấy vào câu chuyện: „Số là họ nhà gái chúng tôi hôm qua mới nhận được một cái thư có nói về thành phần của chú rể. Thì chúng tôi rất là hoang mang nghi ngờ. Cho nên chúng tôi rất là khổ tâm khó bề cư xử. Nhỡ ra rồi lại thông gia liên quan thì khổ cho con gái chúng tôi.“
Họ nhà giai, bạn bè nhà giai là các nhà giáo (vì chú rể chính là một nhà giáo) mới giải thích mãi. Các nhà giáo nói thì dài lắm, lằng nhằng, lý sự, ai không nghe cũng phải cố mà nghe (dù rằng nhiều khi nghe không ra).
Họ nhà gái căn vặn mãi đến điều: Thế ông nhà ta làm gì? Thế nhỡ ông nhà ta là địa chủ thì có liên quan không? Chù rể đã đi làm với chính phủ rồi thì liệu có sao không? Tại sao không lấy vợ ở quê (Phú Thọ) mà lại lấy vợ ở mãi Thái Nguyên này? (Nhà gái nghe thư bảo là anh ta vì thành phần nên ế vợ, ở quê nhà không gái nào thèm lấy, mới phải đi mò ở xa!) Vân vân.
Các nhà giáo uốn lưỡi khoa môi. Và dĩ nhiên lưỡi một nhà giáo bằng 2, 3 lưỡi đàn bà, thì ở đây số nhà giáo còn đông hơn nhà gái, cuối cùng các nhà giáo giúp được chú rể khắc phục mọi khó khăn hoàn thành đám cưới.
*
Một cán bộ tuyên truyền và con gái địa chủ
Thái Nguyên. Cán bộ tuyên truyền cứ khăng khăng đòi cơ quan cho lấy cô ta vì: Tôi cũng là con địa chủ nên không hỏi vợ được, không cô nào thèm lấy, tôi chỉ còn món ấy thôi.
*
Chê vợ là con địa chủ
Đã hỏi rổi, sau điều tra lại, phát hiện ra vấn đề bất thường, chú rể mới ngãng ra, chê cô vợ chưa cưới là con địa chủ. Xong phá đám cưới.
Ít lâu sau phát động quần chúng thì chính anh chê vợ kia cũng lại là con địa chủ. Thế mời rầy ra.
*
Một chị nữ bí thư Đảng
Nữ bí thư Đảng. Sau CCRĐ, cấp trên mới mối lái gán chị cho anh cán bộ đội trưởng, phó gì đấy. Không biết cái cấp trên nào đã chống địa chủ mà lại có lối ép duyên ấy, nhưng tiếc rằng sự thực trong cuộc đời lại đầy rẫy những kiểu cấp trên như vậy.
Chị cũng không bằng lòng. Mà lại yêu một thanh niên khác ở xã không lấy gì làm loại A, không phải cốt cán, không phải cán bộ, không phải Đảng viên, nhưng cũng không phải là lạc hậu phản động hay liên quan gì cả. Tóm lại là một thanh niên trung bình. Hai bên bí mật thề non hẹn biển. Sự ân ái không biết đã cụ thể chưa, nhưng rõ rệt là tinh thần yêu đương đã sâu sắc và chân thực lắm.
Cấp trên cứ ép mãi. Nào lý luận đả thông riêng. Nào anh thanh niên kia chỉ là cục đất, anh đội trưởng kia mới là cục vàng, xứng đôi phải lứa (môn đăng hộ đối mới). Nào Đảng viên thì phải gắn bó với Đảng viên (công thức nữa, không biết do cái quan điểm hôn nhân nào đặt ra).
Không những chỉ lý sự mà cấp trên song song tiến hành giải quyết về tổ chức: nào tung dư luận, nào bố trí người đả thông, nào bạn bè đồng và dưới cấp, nào ngăn trở theo dõi, nào quyết nghị nữa. Quyết nghị rất khôn ngoan: Không phải là cấm đoán, nhưng chuyện giữa chị và anh thanh niên kia chưa chính thức, Đảng còn xét thì phải đình chỉ lại đã… Dĩ nhiên trong khi đình chỉ mặt ấy lại thì cấp trên lại cố xúc tiến cái mặt kia. Thò thụt mà lại.
Cuối cùng ra sao?
Chị nữ bí thư làm lá đơn xin cho tôi ra khỏi Đảng. Vì như vậy các đồng chí chèn ép tôi nhiều quá.
Thế mới rối chuyện. Nó mới xé ra, xé toang ra cái màn hắc ám. Lôi thôi quá. Kết cục câu chuyện tôi không được biết nó xoay ra thế nào.
*
Chia quả thực
Căm thù địa chủ thì có, nhưng thương yêu giai cấp thì chưa có (người ta bảo vì chưa được học). Nên khi chia quả thực thì bà con tranh giành nhau í ỏm. Cán bộ lúng túng mới nghĩ ra những cái mưu thật là lúng túng.
Chia nồi: Cán bộ bịt mắt bắt dê, nhân dân gọi tên bà Noã chẳng hạn thì cán bộ chỉ vào đống nồi, phải cái nào thì bà Noã phải nhận cái đấy.
Chia cuốc: Cán bộ lấy vải trùm lên đống cuốc chỉ còn thòi cái cán ra, ai cũng chỉ trông thấy có cán, lấy cái nào ra thì là lấy cái ấy, không được chê cùn chê mẻ gì nữa.
Kết quả: Người nghèo được cái nồi thủng, cái cuốc mẻ. Người khá hơn được cái nồi tốt, cái cuốc sắc. Cuộc đời trớ trêu hay là cái mưu của cán bộ kia trớ trêu?
*
Vì lập trường quá nên mất ba lô
Anh ta là đội phó CCRĐ. Một kiểu đội phó hay nói những lập trường tư tưởng nọ kia, anh ta có tài là nhiều chuyện bằng móng tay anh có thể phân tích phê phán thành bằng con bò, kết luận thành quả núi.
Đến khi đi bắt rễ thấy anh cứ long đong ba lô trên lưng vào nhà này lại ra, sang nhà kia lại bỏ. Anh ta báo cáo, toàn thấy những anh này ngụy binh tổ chức cũ kiên quyết không dựa, những chị kia là cháu địa chủ có liên quan, vậy không thể là rễ tốt v.v… Cứ vậy hết ngày nọ ngày kia.
Một hôm anh ta vào nhà anh Lã là người đại lao đại khổ. Tuổi trên dưới 30. Người như cục đất. Anh đội phó đã mừng. Nhưng cũng còn cảnh giác, nhìn xa thấy rộng con đường phát triển sau này, nên anh ta thử hỏi: „Một tháng bao nhiêu ngày?“
Anh Lã đáp: „30 ngày.“
„Thế một năm bao nhiêu tháng?“
Anh Lã đáp: „30 tháng.“ Không biết anh Lã nói đùa hay nói thực. Hay là do trình độ anh như vậy.
Nhưng trình độ anh đội phó thì anh bèn phân tích: „Con người như thế này có bồi dưỡng lắm thì về sau cũng chẳng có triển vọng gì cả. Lớn bằng ấy tuổi đầu mà ngu như vậy.“
Anh đội phó lại xách ba lô đi. Vì cảnh giác nên ba lô cứ phải trên lưng, chưa có sở vững, tin cẩn mà gửi ba lô được. Hôm đó là ngày thứ 13 rồi. Trong khi đó các anh em khác đều đã có rễ cả: nơi ăn chốn ở, ba lô không phải vác vai, công tác phấn khởi.
Anh đội phó sốt ruột, tìm một bụi cây giấu ba lô, để đi tìm rễ, tìm „con người đại lao đại khổ, có triển vọng“, vừa là để nhỡ có gặp anh em nào, họ thấy ba lô đeo vai thì họ cười chết.
Sẩm tối về bụi tìm thì thấy mất ba lô.
Về sau anh Lã do một cán bộ khác dìu dắt trở nên cốt cán, rồi vào Đảng.
*
Kéo xe xách cặp cho địa chủ gọi là hầu chân trong liên quan. Có anh đi ngụy (đã chết), khi ốm anh cho mấy chén thuốc cũng cho là liên quan. Hai vợ cho là hủ hóa không trong sạch. Cho thúng khoai mới, khen địa chủ, thế là bị gọi là liên quan.
*
Đánh vợ bị bắt giam
Một anh cãi nhau với vợ, đánh vợ. Vợ mếu, bù lu bù loa: „Tao ra tao trình với đội cho mày.“ Chồng chửi: „Mày ra mày trình với bố mày thì cứ ra mà trình!“
Thế là đội bắt anh ấy lên, cho là tay chân địa chủ, phá hoại nói láo.
*
Truy bức
Mày có lựu đạn phải không?
Vâng.
Bao nhiêu quả?
27.
Ở đâu?
Em chôn ngoài đồng.
Còn mới không?
Nó rung rúc thôi.
Đào mãi chả thấy. Truy bức mãi không thể thấy lựu đạn gì cả, chỉ thấy: „Vì em bị đánh đau quá em khai bừa như vậy.“
*
Một hầm vũ khí
„Chúng em có một hầm vũ khí, 50 bộc phá, 100 lựu đạn, súng ống mấy chục khẩu.“
30 du kích đào suốt một buổi không thấy gì. Đào mãi không thấy vũ khí nhưng lại thấy sự thực là: „Vì em đau quá nên em khai bừa như vậy.“
*
Tên Lê Tâm xã Bình Dương
Nhà nghèo vợ đần. Hắn dan díu với Thị Út, là một thị lắm của, lắm trâu bò ruộng nương. Thị này lại có chồng rồi.
Lê Tâm mưu mô: giết vợ. Bỏ thuốc độc, vờ là thuốc đau bụng cho chồng Thị Út. Bên giết vợ, bên giết chồng, 3 ngày sau chúng lấy nhau.
Đồi với nhân dân không có điều tiếng gì. Văn tự chữ nghĩa khá, hắn dạy trẻ, giúp mọi người làm đơn từ, viết thư. Phân tán của cải về các con từ 1953. Mưu cho vợ nay đi ở nhà này một bữa, khi phát động giảm tô tố khổ còn được chia quả thực. Hay đâu hắn ở Quốc dân Đảng từ 1925. Hiện nay là Trung ương ủy viên. Kỳ CCRĐ một tay hắn mưu ra 9 vụ án mạng.
Lê Tâm bức tử một trung nông, một địa chủ. Giết xong vứt dao dọa: Bây giờ là phải kín như bưng. Mày mà nói là tao giết chết. Nói ban sáng thì ban trưa tao giết. Nói ban chiều thì tối tao giết. Lại dọa vợ khổ chủ: Mày mà nói thì tao giết cả nhà. Nhưng mà nếu nó truy quá thì cứ khai ra thằng Ninh ấy (Ninh là một bần nông tích cực).
*
Vụ ông Khương xã Bình Dương
Kỳ phát động giảm tô lên phú nông, do Chắc Chỉ tố. Kỳ CCRĐ lên địa chủ cũng do Chắc Chỉ tố. Trước có thù với Chắc Chỉ: Khi Chỉ đi vắng, Khương có đoạt một bụi tre, sau về kiện cáo nhau mà Khương vẫn được kiện.
Từ khi Khương lên địa chủ đâm ra rầu rĩ. Có người thấy bảo: chỉ một vài ngày là xong.
Một đêm địa chủ Khương chết ở dưới ao nhà hắn ta, mặc quần áo nâu mới. Đội CCRĐ cho là hắn hoang mang chán đời, sợ đấu nên tự vẫn. Đoàn cũng đặt nghi vấn, vì ở xã có xảy nhiều vụ đột xuất lắm rồi.
Điều tra Trác là trung nông, nhà bên cạnh. Trác bảo đêm có nghe tiếng trẻ khóc và người con lớn của Dung bảo: „Khóc gì! Tao đâm chết cả bây giờ“.
Đội nghi, cho là gia đình Khương giết ông ta đi chăng?
Phát động gia đình: vợ Khương, Dung. 5 ngày liền không được câu nào. Dung bảo không nói câu ấy mà chỉ nói rằng: Nín đi em, đừng làm ồn ban đêm lên đi em. Đội cho là nói dối.
Phát động Chắc Chỉ. Cũng không nói được câu gì. Vụ án kín như bưng. Sau đội đặt vấn đề đi ngược lại điều tra: Ai tố Khương lên phú nông và lên địa chủ? Chính gia đình Khương là thành phần gì?
Sau xét ra: Chính là Chắc Chỉ đã tố Khương lên phú nông, và rồi lại lên địa chủ. Chứ chính thực Khương là trung nông. Vụ án đã hơi có manh mối. Bà vợ Khương mới nhớ ra đêm trước đêm chồng bị giết thì gần sáng chồng đi đái vào, bà tỉnh giấc. Ông có bảo: „Quái sao nhà ta có người?“. „Làm gì có?“. „Có chứ, tôi nhìn như bố con Chắc Chỉ, nó lủi ra vườn mất.“
Xét lý lịch Chắc Chỉ, bà con cho biết anh ta cùng khổ thực (đi ở, gồng thuê gánh mướn). Nhưng năm Pháp chiếm không biết sao anh ta lên ở bốt Gia Thọ với tên Hồng là trùm Quốc dân Đảng. Những tề, lý trưởng v.v. về sau có muốn gặp Hồng đều phải qua tay Chắc Chỉ, phải lễ lạp. Con gái Chắc Chỉ cũng có vấn đề với nhân dân. Một lần bà con tập hợp, sắp đi ra vùng tự do đi dân công, tên con gái này biến đi một lúc về phía bốt Gia Thọ, lúc sau Tây ập về bắt đồng bào. Tóm lại Chắc Chỉ lai lịch không tốt, nhân dân coi là chó săn của Pháp trước kia.
Đội đi sát Chắc Chỉ, chất vấn, giải thích chính sách khoan hồng, căn vặn. Mãi Chắc Chỉ mới khai là do tên Trác. Cán bộ bảo: Nếu đem Trác đối chiếu với anh mà hắn bảo có cả anh nữa thì sao? Chắc Chỉ im không nói gì.
Lại giải thích. Tận sau hắn mới chịu thú cả. Là do phú nông Tậu bày mưu. Phú nông Tậu tới nhà bảo lâu nay không thấy đến chơi. Chắc Chỉ: „Vì ông là phú nông, muốn đến lắm lại sợ nhân dân. Nhà cửa túng thiếu lắm mà cũng không dám đến vay như khi xưa.“ „Tối anh đến cũng được, lấy một ít thóc. Còn số nợ cũ thì bây giờ tôi lên phú nông mà đòi nông dân thì không có được, vậy coi như là tuyên bố bỏ đi, anh không phải nghĩ tới nữa.“
Khi hắn bước ra, hắn quay lại: „Nhưng mà anh đến lấy thóc thì cồng kềnh, nhân dân nó lại dòm ngó, thì lấy tiền vậy.“ Hắn giúi cho 3 vạn. Về sau hắn bàn là cả cánh ta khéo nguy mất. Trác liệu rồi lên địa chủ, tôi cũng lên địa chủ mất. Còn anh thì cũng chẳng thoát. Ở đồn bốt như thế, con gái anh lại là gián điệp như thế, nhân dân với người ta theo dõi ghi chép từng ngày. Họ sẽ moi ra, phen này chết cả lũ. Trác, Chắc Chỉ đều lo. Bây giờ có cách nào? Chỉ có cách giết tên Khương đi. Nó cùng bọn mình nhưng nó ngả nghiêng lắm. Ta quy cho nó lên địa chủ xong giết đi là hết manh mối. – Nhỡ lộ thì sao? – Nó đã là địa chủ mà chết đi thì ai người ta còn để ý, đội nó cũng sẽ bỏ qua đi chứ.
Thế là giết. Nhỡ ra có lộ thì phải ai tai ấy, đừng có khai mà chết. Bây giờ nó chỉ phát động thôi chứ không nhục hình tra khảo gì đâu mà sợ.
(Còn tiếp)
© 2014 pro&contra
Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 (1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét