Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Mừng cho Hong Kong, buồn cho Việt Nam

Viết Từ Sài Gòn -RFA

2014-10-01
000_Hkg9800008.jpg
Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 5 năm 2014 AFP photo
Câu chuyện biểu tình kêu gọi dân chủ, ly khai nhà cầm quyền độc tài Trung Cộng và đòi các nhà lãnh đạo đương quyền đặc khu kinh tế Hồng Kông phải từ chức có lẽ chưa đến hồi kết thúc, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước. Duy, chỉ có một điều, nếu so sánh về mặt dân số cũng như căn tính chịu đựng, có lẽ ít ai dám tin rằng người Hồng Kông tốt hơn người Việt Nam. Thế nhưng mọi chuyện đã khác, hoàn toàn khác!


Việt Nam cũng từng chống Trung Cộng, không phải chỉ chống họ thao túng chính trị mà còn chống sự bành trướng của họ. Thế nhưng có bao giờ Việt Nam có được một tập thể người biểu tình lên đến hàng triệu người? Thật là buồn khi phải nói rằng chưa, chưa bao giờ có số người đông như vậy, mặc dù Việt Nam sống trong độc tài, chuyên chế và nhân dân đã chịu đựng cái ách này nặng gấp ngàn lần nhân dân Hồng Kông nhưng chưa bao giờ người Việt dám đứng lên mạnh mẽ, đồng loạt như người Hồng Kông.
Hơn nữa, biểu tình chống ngoại bang xâm lăng, dù sao, xét về bản chất, lẽ ra sẽ được nhà cầm quyền ủng hộ, được cảnh sát ủng hộ, bảo bọc. Thế nhưng những người biểu tình Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập dã man bởi chính những công an mang danh nghĩa công an nhân dân.
Và, trên hết, có bao giờ Việt Nam có những tập thể đồng nhất như Hồng Kông hiện tại? Xin thưa là đã có, đó là những lần đội tuyển bóng đá Việt Nam vào vòng chung kết, những trận chung kết bóng đá giữa tuyển Việt Nam và tuyển nước ngoài, hàng ngàn đám đông khắp đất nước đã kéo nhau ra đường hò hét dậy trời, đập vỡ nón bảo hiểm trên đường và có thể tổ chức đua xe để ăn mừng hoặc chia buồn với đội tuyển Việt Nam, nói chung là vui cũng ra đường mà buồn cũng ra đường. Lúc này công an, dân phòng, cảnh sát giao thông sẽ kéo nhau ra dọn đường, tiếp dẫn cho các đám đông này. Cái hay của Việt Nam là chỗ đó. Vì sao lại có “cái hay” quái dị như vậy?
Cũng nên xét lại về lịch sử đôi chút. Nói về lịch sử Việt Nam, người ta nhắc đến ngay một nền văn minh lúa nước với hàng loạt các chứng cứ hùng hồn. Nói về lịch sử Hồng Kông, không hề có nền văn minh lúa nước “rực rỡ” nào ở đây, người Hồng Kông, ngay từ đầu đã thiên về thương mại, buôn bán và công nghiệp điện ảnh thương mại. Đây là những ngành nghề đã giúp họ tồn tại, phát triển và trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, phồn thịnh giữa Á Châu. Và, có thể nói rằng người Việt Nam nặng về tâm thức nông nghiệp, người Hồng Kông nặng về tư duy thương mại và đương nhiên tâm thức của họ luôn thay đổi, luôn tự làm mới để đuổi kịp nhịp điệu phát triển của thế giới.
Chỉ hai yếu tố khác biệt này đã dẫn đến hai tiến trình lịch sử cũng như hai tính cách dân tộc hoàn toàn khác nhau, xin mở ngoặc là tính cách khác biệt này được hiểu theo nghĩa đại bộ phận dân chúng chứ không khuôn giới hoặc xâm phạm đến phạm vi hay địa hạt của những tập thể đấu tranh dân chủ bởi những nhà dân chủ thuộc về nhóm tiến bộ và ít nhiều cũng đã bứt thoát khỏi tâm thức nông nghiệp.
Cũng xin nhắc thêm là Cải cách ruộng đất miền Bắc năm 1946 – 1957 có rất nhiều đám đông đã nổi dậy mặc dù họ bị lừa, vì sao họ nổi dậy? Vì Cộng sản lúc đó đã đánh trúng ngay vào vết thương tổ truyền có tên “tâm thức nông nghiệp”, cụ thể là sự thao thức về mảnh ruộng, cái cày của họ. Chính vì vậy mà cuộc cải cách đầy máu và man rợ này lại được hưởng ứng một cách vô tội vạ! Ngược lại, những nhân tố cũng như công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền và chủ quyền cho Việt Nam hiện tại, cho dù có kêu gọi thấu trời xanh vẫn không có được đại bộ phận dân chúng hưởng ứng và lên đường. Vì sao?
Vì tâm thức cũng như tư duy những người bạn Hồng Kông hoàn toàn không giống với tư duy và tâm thức của người Việt Nam. Đặc biệt, ngay cả trong quản lý hành chính nhà nước, tư duy của Hồng Kông cũng hoàn toàn mới mẽ, hiện đại so với bộ máy nhà nước cồng kềnh, luộm thộm và nặng về hình thức nhưng kém về chất lượng, lối hành xử đầy chất nông nghiệp cũng như dự án, quyết sách không những thiếu sáng tạo, tiến bộ mà còn thiếu cả tư duy của thời đại như nhà nước Cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác, tư duy của nhà nước Cộng sản Việt Nam là một thứ tư duy thụ động cùng với thói quen vay mượn, xin xỏ. Bất kì dự án cấp quốc gia nào của Việt Nam hiện tại dù nói cách gì cũng dính dấp đến chuyện vay vốn nước ngoài, xin tài trợ nước ngoài, xin trong, xin ngoài, xin trên, xin dưới… Nói chung xin và xin. Nhà nước xin, nhân dân nghèo khổ quá rồi cũng xin… Mọi thứ quan hệ xin – cho và bợ đỡ vốn dĩ là thứ cây cỏ rất hợp với mảnh đất tâm thức (vốn tăm tối và sình lầy) nông nghiệp thâm căn cố đế thời Cộng sản.
Thử nghĩ, với một hệ thống tâm thức như vậy, liệu Việt Nam có làm được một cuộc cách mạng như Hồng Kông? Trong khi một thanh niên trẻ tuổi như Joshua Wong của Hồng Kông cũng có thể trở thành lãnh đạo một cuộc biểu tình lớn để chống độc tài, chống những gì phản tiến bộ loài người. Không phải vì người Hồng Kông thiếu lãnh đạo lớn tuổi cho những cuộc biểu tình như vậy nhưng vì họ đã đạt được sự tiến bộ chung, họ biết lắng nghe lý lẽ và tôn trọng lý lẽ, tôn trọng sự tiến bộ.
Và họ cũng thừa biết rằng lý lẽ và sự tiến bộ không bao giờ phụ thuộc vào kinh nghiệm tuổi tác mà nó phải đến từ những tư duy tiến bộ đích thực. Hay nói cách khác, họ đã không bảo thủ, sẵn sàng lắng nghe tuổi trẻ. Đó chính là điều mà từ nhà nước cho đến đại bộ phận người dân Việt Nam khó bề có được (ngoại trừ một số nhỏ tiến bộ), vì đâu? Vì đó là hệ quả của thứ tư duy lạc hậu, thủ cựu và cố chấp vốn dĩ có gốc gác từ tư duy nông nghiệp manh mún, không thoát khỏi lũy tre làng!
Thử nghĩ, với một hệ thống cầm quyền khép kín, bảo thủ, lạc hậu, thậm chí man trá như Việt Nam hiện tại, cộng với đại bộ phận dân chúng vốn dĩ mang tâm thức nông nghiệp nặng nề lại phải ngủ quá lâu trong mùi xú khí của chế độ chính trị cầm quyền, hầu như đã đánh mất khả năng đề kháng… Thì liệu có thể hy vọng Viêt Nam sẽ có những cuộc xuống đường rầm rộ kêu gọi dân chủ giống như Hồng Kông đang có?
Có lẽ còn rất lâu Việt Nam mới có được điều này. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã hết cơ hội và càng không có nghĩa là nhân dân khó thay đổi. Bởi lẽ, chính sự man trá của nhà cầm quyền đến một lúc nào đó (như hiện tại chẳng hạn!) đã mở mắt cho nhân dân thấy để họ biết mình cần làm gì. Vấn đề nhân dân sẽ “làm gì” chỉ còn là thời gian đủ để thấm nhuần những gì mà thế giới tiến bộ đang hằng ngày chảy vào Việt Nam.
Viết Từ Sài Gòn, 01/10/2014
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét