Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956 (6)

Procontra

Phạm Thị Hoài biên soạn
Xem kì 1, kì 2, kì 3, kì 4, kì 5
Văn nghệ đi tham quan
A: Văn nghệ đi tham quan thì cũng phải 3 cùng, họp, bắt rễ… Các việc đều làm thì mới kết quả. Viết mới hay được.
Phóng viên B: Không nhất thiết.


A: Nhất định chứ. Phải làm, phải 3 cùng như đội viên mới kết quả. Phải khẳng định với nhau như thế.
B hỏi kháy: Thế Đảng có 3 cùng không? Sao vẫn kết quả?
A hơi bối rối, song quật lại: Đảng khác. Nhiệm vụ Đảng là lãnh đạo, cậu có phải Đảng đâu? Lập trường so sánh thế nào được?
B: Mỗi người mỗi việc. Trong cải cách, đội viên có nhiệm vụ riêng, Đảng có nhiệm vụ riêng, người viết văn có nhiệm vụ riêng. Do nhiệm vụ, khó khăn của từng nhiệm vụ khác nhau nên nhất định cách làm việc có chỗ khác nhau.
A: Văn nghệ còn phải đi xâu hơn người đội viên chứ! Càng phải 3 cùng gấp bội chứ!
B: Đi xâu hơn không phải có nghĩa là phải 3 cùng hơn.
A chu chéo: Không 3 cùng thì đi xâu làm sao được?
B hỏi quặt lại: Cậu có hiểu một người viết văn cần phải làm việc thế nào không?
A: Lạ gì! Phải đi xâu đi sát quần chúng, tức là còn phải 3 cùng hơn đội viên chứ.
B lại hỏi: Thế Trung ương có 3 cùng không? Thế TƯ có xâu sát không? TƯ có nhiệm vụ của TƯ, cách đi xâu đi sát của TƯ khác chứ. Không có nghĩa là 3 cùng.
A: Anh không phải là TƯ…
B: Không phải là TƯ, nhưng cũng không phải là đội viên. Là văn nghệ. Khẳng định là cách đi xâu đi sát riêng của nhà văn.
A: Anh quan niệm văn nghệ tách rời chính trị.
B: Tôi tách rời văn nghệ khỏi chính trị máy móc.
A: Anh văn nghệ nào cũng thế. Tự do, lại lắm lý lẽ bào chữa.
Cuộc cãi vã đâm ra biến thành cuộc ẩu đả, cầm xoong chảo to tướng úp lên đầu nhau. Ai khoẻ thì được. Dĩ nhiên A là cán bộ chính trị, lãnh đạo nên khỏe hơn. Anh có thể cầm những cái nồi 30, cái chảo 40-50 úp lên đầu anh viết văn.
*
Xuyến
Phú nông. Vào Đảng 1949. Học vụ viên, sang Trung Quốc 52, về Bộ Tài chính rồi đi phát động quần chúng. Huy hiệu Hồ Chủ tịch. Bằng khen Hồ Chủ tịch. Công tác đều tốt.
Đợt 8, làm đội trưởng giảm tô Đình Bảng. Bắt đầu xuống công tác đã chủ quan tự đắc. Bước 1 bước 2 không thấy địch phá, trong khi các xã xung quanh đã xảy ra 4, 5 vụ. Nhận định: Có thể là địch đang chuẩn bị, nhưng nhận định mạnh về mặt ta có ưu điểm: tuyên truyền vào địch mạnh, du kích khá, cơ sở cách mạng từ trước, nên địch bị trấn áp, không hoạt động được.
Đùng cái xảy ra mấy vụ. 5 vụ án mạng liền. Đâm ra bối rối. Truy bắt lung tung tới 30 nông dân. Bị oan hàng 10 người. Rồi nhục hình, trói đến bị gangrène[1]. Rồi truy ép. „Truy thế nào cũng kết quả.“
Phân định thành phần bừa bãi. Một buổi trưa vạch ra hàng 10 địa chủ. Không thấy đặc điểm của Đình Bảng: nhiều công thương kiêm địa chủ, nhiều công thương có ít ruộng đất cho phát canh (200 nhà). Gây hoang mang trong nông thôn. Hà Nội bị ảnh hưởng. Phong trào khiếu nại thành phần. Phải quy lại, chúng càng đắc thế Hơn 56 địa chủ tụt xuống có 46. Một bức thư cho Trung ương: Chúng tôi chỉ là một người dân Đình Bảng ở Hà Nội lâu ngày thắc mắc 5 điểm v.v… Trung ương phải cử hai người xuống. Đảng cũng phải cử cán bộ tới, sửa chữa lại những sự sai lầm của Xuyến.
Bị địch phá, tư tưởng Xuyến chuyển từ chủ quan sang bi quan. Tới sợ sệt. Địch khai ra là sẽ giết Xuyến. Không biết có phải địch hay là họ bị truy ép phái khai bừa. Xuyến lo sợ, đêm ngủ lấy ghế chặn cửa, súng lục lên đạn để đầu giường.
Nhân dân hoảng hốt. Đội bắt người bừa bãi như vậy. Chỉ lo địch nó khai vấy ra thì chết cả. Bị bắt lên, không khai cũng chết. Mà khai bừa ra thì cũng chết. Có người ra Cầu Đuống ngồi chờ, nếu người nhà tới báo cho rằng ở xã đã quy là địa chủ thì đâm đầu xuống sông mà chết.
*
Thời gian cán bộ ở nhà, anh ta đã phải bán mất một con lợn để mua cá thịt thờ phụng cán bộ.
Tham ô quả thực: Không trả cơm 18 ngày ăn ở nhà cốt cán.
Không nhận ra địch: 100%
Mắc vòng vây địch bị mua chuộc: 143/700
Hoang mang sợ địch: 153/700
Đả kích nhân dân: 777/1000
Bắt người: 306/700
Bắt trá hình: 334/1000
Nhục hình: 559/1000
Vạch thành phần sai: 346/700
Chia sai: 277/700
Không 3 cùng, kém chịu khổ : 169/1000
Bao biện: 824/1000
Tham ô: 35/700
Không muốn đi cải cách: 103/4000
Một anh lấy ruộng của đồng bào đi Nam chia cho nhân dân. Bị phê phán: Thế là đồng chí muốn cho đồng bào hiện ở Nam phải chết đói, oán thán chính phủ. Thế là đồng chí không muốn thống nhất đất nước.
Địa chủ ngủ chuồng lợn: „Con nghĩ rằng ngủ thì cũng ngủ cho nó tử tế.“
[...] Bẩn cố nông gì mà lại rán cá!
Thằng Doãn nó nghe thấy đội về nó tự tử nó chết. Nó uống thuốc chết. Nó đẹp lắm, da nó như trứng gà bóc.
*
Kiện đội, đòi bỏ chồng
Một chị bần nông lấy anh ta cũng bần nông. Lấy năm ngoái (54), hai bên cùng 17 tuổi. Nhưng mà đâu như không yêu nhau lắm. Chị ấy chê chồng là bé quá. Con gái người nó phổng, chị lớn gấp rưỡi chồng.
Đội về, chị đến đòi li dị chồng. Đội không giải quyết, hẹn để sau CCRĐ. Sau CCRĐ chị lại đến. Lần này đội giải quyết bằng tình thương yêu giai cấp.
Chị không thông. Hiện nay chị vẫn chê chồng. Cặp ấy sống với nhau không như là vợ chồng, mà lại như mặt trăng mặt trời.
*
Đán ở nhà cặp vợ chồng trẻ
Đán vô tình, đem cứ ngủ với chồng. Người vợ kê chõng xuống nhà dưới. Mục đích Đán là 3 cùng, trước khi ngủ còn phát động, còn bồi dưỡng dăm ba câu chuyện.
Ít lâu sau, thấy chị vợ lảu nhảu với anh chồng. Đán không nghe rõ. Thoáng nghe anh chồng nói: „Chả lẽ làm thế nào?“. Chị vợ nói: „Mặc kệ anh làm thế nào thì làm“. Thấy Đán, anh chị tịt. Chị vở nguây nguẩy đi. Đán cho là câu chuyện vặt vãnh trong gia đình. Biết đâu?
Một hôm Đán đi vắng không ngủ đêm ở nhà. Sớm sau tinh sương đã về. Thấy anh chị cùng nằm một giường nhà trên, ôm nhau. Đán bật cười! Thế ra họ cẳn nhẳn nhau vì chuyện này. Thật nỡm. Biết đâu? Vợ chồng ăn đời ở kiếp chứ một thời gian cải cách xa nhau có làm sao. Đán lủi đi. Lát sau mới về.
Lừa lúc vắng, Đán gợi chuyện: „Từ giờ ban đêm anh cứ để tôi nằm một mình. Cái giường này tôi nhường cho anh chị.“
Anh chàng chối đay đảy: „Chết, sao anh lại nghĩ vậy? Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau chứ kể gì một thời gian CCRĐ? Anh làm thế để mà vợ chồng em phải ngượng à?“
Đán khó nói. Chuyện ấy cũng bỏ qua. Đán tự nghĩ: giải quyết bằng cách thỉnh thoảng mình đi vắng một đêm vậy. Cho anh chị ta tự do với nhau. Một buổi chiều Đán bảo: „Đêm nay tôi không ngủ ở nhà nhé.“
Xong Đán đi. Nhưng độ 10 giờ lại quay về. Không có chỗ ngủ khác, đành về nhà ngủ. Chân Đán bước thình thịch. Vào sân Đán bấm đèn pin loáng vào nhà. Vút cái thấy một chị chạy vụt ra, thoáng trông đoán là chị vợ, loáng cái thấy biến mất.
Đán bước vào nhà, thấy anh chồng ngồi ở bếp sưởi tay, quần áo còn xộc xệch, vẻ mặt ngượng ngùng: „Em đợi anh mãi chả thấy anh về.“ Anh ta nói vậy, có vẻ lúng túng, giọng nói vẻ mặt không bình tĩnh, tay cứ xoa xoa. Thì ra anh chị vừa tranh thủ với nhau, khi nghe tiếng chân ánh đèn anh cán bộ về thì vội vàng chị chạy đi, anh ra bếp lửa vờ sưởi.
Đán bấm bụng. Mình sơ ý quá.
*
Chống phá: Lã Côi
Phạm Văn Dư, 30 tuổi, trung nông, chính trị cũ
Nguyễn Văn Tiến, 43 tuổi, phú nông, quản chế 3 năm
Trần Văn Sửu, 30 tuổi, trung nông, gác
Trần Văn Hiền, 28 tuổi, trung nông, giết
Lê Văn Bảo, 28 tuổi, trung nông, gác
Lê Văn Dựa, 33 tuổi, trung nông, ném đá
Nguyễn Văn Đường, 33 tuổi, phú nông, gác
Trần Văn Rách, 30 tuổi, trung nông, gác
Trần Văn Trụ, 20 tuổi, trung nông, gác
Phạm Xuân Tình, 41 tuổi, địa chủ, thủ mưu
Trần Văn Nghĩa, 30 tuổi, bần nông, cán bộ cải cách Phú Thọ, thủ mưu
Phạm Văn Côn, 30 tuổi, trung nông, tay sai
(Vụ giết Thị Bờm)
*
Khó phân biệt
Cán bộ đội hỏi nhà trưởng xóm. Một ông trạc 50 chỉ đường. Rồi dẫn đến tận nơi. Rồi vào tận nhà. Theo chân đội. Rót nước. Hút thuốc lào. Thiếu nhi theo cán bộ hàng dăm bảy em. Đang ngồi nói chuyện ở đâu các em cũng sà vào. Lũ trẻ lên 2 lên 3. Mắt toét nhoèn. Ruồi đậu đầy cả vành mắt. Bụng ỏng, mỗi cái áo hoa mậu dịch đen bửn, chân đầy mụn nhọt, phẩm xanh bôi đầy cả.
Cán bộ nhớ báo cáo ở hội trường: Lo bị bao vây!
Bà con đến chơi. Xem mặt anh đội. Bế con bồng cháu vào nhà, đứng ở sân nhòm. Đó là lòng tốt của nhân dân? Đó là sự bao vây của địch?
Nhà cửa tàn phá chiến tranh mới làm lại. Lộn ẩu cả. Có bần cố nông lại vớ được cái sân gạch to tướng, cái nền gạch thực đẹp. Có địa chủ lại chỉ tùm hum một cái túp tranh.
Nào công trường, nào nhà ga, nào nhà máy diêm, nào thồ nước đái, nào đẩy xe bò, lắm việc pha tạp.
Nhà tranh vách gạch. Bần nông tường hoa. Mâm thau nồi đồng, A-rô-doa tưới cây. Áo len ngụy binh. Mũ sắt. Răng vàng. Khuyên tai. Phóng-xét.
*
Con cháu nhà tôi
Đang ăn cơm bà cụ Cẩn đến ngồi xệp bên mâm cơm. „Anh ăn xong rồi chứ?“
„Xong rồi.“
„Thế anh đội cho em trình bày. Từ hôm đội về nhân dân ai cũng phấn khởi, mà em chảy nước mắt.“
„Làm sao hử cụ?“
„Em ốm mãi, nghĩ mà đâm phiền hai ngày chẳng ăn cơm, việc làm không thiết, chẳng họp hành gì nữa. Anh y tá cứ bảo sao không đi họp. Em xấu hổ quá còn vác mặt đi đâu được nữa. Xin trình bày với đội. Con cái cháu nó đi chơi bời với bạn thế nào, em thì đã đành là con dại cái mang, khổ quá.  Đầu đuôi câu chuyện nhà em bị bão mà 4 anh cán bộ ở. Em cũng phải thu xếp cái cột đánh danh lợp mái, xếp gạch thánh tường, từng li từng thí chứ không bảo là có điều tiếng gì. Con cháu nó đi chơi với các bạn. Mà em đánh như két cũng không xong. Thì có 4 anh. Anh Ân anh Thúy… Giá mà anh Thúy thì em không thắc mắc, nhưng mà lại đúng vào anh Ân mới khổ cho em chứ. Thật là nói ra xấu hổ, em xin trình bày với ông đội. Con cháu nó hư nết quá. Nào có phải em nuông chiều đâu? Em cũng đã nói nhờ nhân dân các ngành các giới cha mẹ sinh con trời sinh tính…“
(Chắc cái anh Ân kia với cô bé lại có chuyện gì đây. Khổ chưa cán bộ ơi!)
„Thế ông đội ạ. Thực là em chưa có câu nhời nào để mà mừng rỡ đội cả từ hôm đội về.“
„Thế nào cụ cứ nói.“
„Em xin trình bày với đội. Con cháu nó không chịu làm ăn gì. Nó lại đàng đúm với hai con nữa. Khổ quá. Đánh như két mà nó không chừa. Có phải là em dung túng đâu.“
„Cụ cứ nói đi.“
„Em một đời làm ăn, chồng không có, con đẻ 12 đứa còn một mụn thế thôi. Mà 4 anh cán bộ ở sinh ra chuyện này…“
Chùi nước mắt. Nóng ruột. Chuyện gì mà khó nói vậy?
„Cụ cứ nói đi. Cán bộ làm sao?“
„Em xin trình bày đầu đuôi với ông đội. Nó đàng đúm với ba con bạn nữa. Đi xin nhà địa chủ ba luống. Hai cô kia trồng khoai, nó giồng củ hào. Em đã cho nó 500 mua hạt đấy. Khổ quá. Thế mà nó lại còn đi lấy hai củ hào của bà Lộc ở luống ngoài…“
Chùi nước mắt. Nóng ruột. Mất đến ½ tiếng rời chứ chả ít. Chuyện này là mất hàng tiếng không chơi. Cán bộ ơi, ông làm thế nào con nhà người ta thế này?“
„Thế cán bộ ở nhà ra làm sao?“
„Em xin trình bày có đội trên xét cho. Nghĩa là nhân dân các ngành các giới cùng với em căn vặn con cháu mãi mà nó không chịu nói ra. Em cứ dỗ dành nó mãi nó cứ cúi gằm mặt xuống. Đánh nó nó cũng mặc vậy. Ngọt cũng không xong, xẵng cũng không xong. Đầu tiên câu chuyện… Em xấu hổ quá.“
„Cụ cứ nói đi.“ (Khổ quá, sắp đến giờ họp rồi.)
„Giá là anh Thúy thì em không thắc mắc. Lại vào chính anh Ân em mới khổ chứ.“
„Làm sao hử cụ?“
„Anh ấy đánh mất cái đồng hồ. Anh ấy không nói gì cả với em mà lại đi nói với ông trưởng xóm chả biết thế nào, bảo là con cháu nó lấy. Em đánh nó 2 ngày rồi nó chả xưng ra. Thưa là con dại cái mang. [...] Em doạ nó là mày không nói, đội về sẽ bắt mày trói điếm, nó cũng không chịu xưng. [...] Em đã dùng mọi phương pháp tiến hành mà nó cứ cúi gằm mặt xuống rồi lại thõng một câu em không lấy.“
„Thế bây giờ cụ đề nghị với đội ra sao?“
„Em chẳng biết thế nào nữa. Khổ quá. Còn có một mụn con. Các anh thường hay bảo là hiện còn lắm địch. Em cứ nghĩ là em chẳng có liên quan gì với địch nào, mà lại hoá ra chính em đẻ ra địch. Em thực là nghèo khó mà em đẻ ra địch. Trước nó ngoan ngoãn chứ có thế này đâu. Mới hai năm nay thôi nó đây ra cái tật như thế. Thực là hồi giảm tô em đi họp tích cực, một mẹ một con dắt nhau đi, mà bây giờ em xấu hổ chẳng dám vác mặt trông thấy bà con làng nước nữa. Các ngành các giới cũng chịu nó cả. Ai lại chẳng chịu làm ăn gì cả.“
„Thế em nó mấy tuổi“
„Nó 16 rồi. Nó khai tăng lên là 17. Nó bôi gio trát trấu vào mặt em. Thực là em đã đẻ ra địch. Đi gặp địa chủ nó hỏi, em bảo phải đến khi học tập em cũng còn liên hệ cả ra nữa là. Nhà có dưa cho em xin vài cái.“
*
Một cái nhà bần cố nông
Một cái vườn chuối. Nhà nhỏ ba gian tí xíu. Cột gỗ, mái tranh. Gạch xếp chồng lên nhau, không có vôi vữa gì cả, thay vách. Không xếp được tới mái, chỉ xếp ngang ngang chỗ ½ nhà, chỗ một phần, ngó được ra ngoài, gió thổi chạy quanh trong nhà. Gạch xếp không bằng, lổn nhổn, lắm kẽ, kênh. Hai cái chõng, hoen hoẻn lối đi. Dây quần áo, các thứ quần đen, lành, rách, mụn vá. Rổ rá khắp các xó xỉnh. Niêu đất. Rế. Chổi cùn. Thúng thóc. Đi ba bước thì hết nhà. Đi phải len, đi nhanh là vấp phải chõng, đá phải đồ đạc.
Cả nhà như thế, lại có một cái gối vuông, vải trắng, rua đăng ten, thêu những núi non phong cảnh, gối trắng nhưng cáu ghét xin xỉn. Nổi bật lên trong cả nhà. Cái gối làm cho người ta nghĩ tới cô chủ nhà này có tính trai lơ hay sao? Hay là gối ai gửi? Người có cái gối như thế này mà gửi hẳn cũng là một người lẳng, hay một người giầu có mới dùng tới cái kiểu gối ấy.
Sau mới biết là cái gối quả thực. Cán bộ chia cho bằng cái lối rút thăm. Hoá nên nhà bần nông thiếu vô số thứ cần dùng khác lại vớ phải cái gối này. Số mệnh trớ trêu, cuộc đời không có lãnh đạo sáng suốt hay đâm ra lối nghịch tính như vậy.
*
17 tuổi
Hai bên cùng là bần nông. Kỳ cải cách học tập hiểu nhau. Cán bộ bắt rễ vào anh ta. Anh ta đi xâu chị. Rồi công tác gần gũi nhau. Hai bên cùng 17 tuổi. Rồi cùng là cốt cán. Rồi cùng vào thanh niên xóm, anh là tổ trưởng, chị tổ phó. Rồi sau chị vào Ban chấp hành thanh niên xóm. Anh làm phân đoàn trưởng, chị ấy lại tiến vọt lên trên anh. Nhưng hai bên vẫn yêu nhau đằm thắm.
Tới bước 3 thì cưới nhau. Do đội đứng lên. Đám cưới đời sống mới, chỉ có nước chè không. Thuốc lá, tí kẹo vừng cũng không có. Cưới nhau là dắt nhau về, vào cuộc đời mới.
Thế là đúng lập trường, không sợ trên phê bình.
*
Anh Lược
30 tuổi. Theo nhân dân thì anh ta là người có tính hấp. Độ giảm tô tố khổ lại cứ nói là đi ở nó cho ăn no, không phải đói, cũng không khổ bằng khi về nhà đói quá. Hoặc là bị nó đánh thì anh cũng nghĩ là hôm ấy mình cũng có sơ ý để cho trâu đói thì nó đánh cho, mình cũng vậy nữa là.
Vợ Trúc bảo: Anh ta lành như đất. Chẳng ngơi lúc nào. Một người bằng ba bốn người. Đi ở ai cũng muốn mướn. Vác tà vẹt, khiêng đường ray ở nhà ga chẳng tỵ anh này anh kia lười, mặc, cứ hùng hục, sau được bầu là điển hình Hôm ấy anh đem chiếc khăn mặt bánh xà phòng về nhà khoe với bà bác mù: „Con được điểng ình“. Bà bác bỏi: „Điểng ình là thế nào?“ Anh đưa cho bà sờ khăn mặt và bánh xà phòng: „Điểng ình là được bình những thứ này.“ [...]
Mãi đêm qua, TD[2] đến mới gặp đích anh ta. Mọi khi đến tất cả 4 lần đều không gặp được, vì gặp lúc anh ta đi làm vắng. Tối. Một ngọn đèn, một cái điếu, hai ba cái bát lỏng chỏng trên cái chõng, bát để uống nước. Gian nhà hẹp, tối. Ánh đèn đánh nhau với bóng đêm. Anh ta ngồi ở đầu chõng. Áo đen, áo len dệt cụt tay mầu xám, cũ kỹ. Quần nâu bạc, sờn, vá. Chân đi đôi dép cao su đen. Đầu buộc chiếc khăn mặt trắng cháo lòng. Người tầm thước, hơi lùn, vạm vỡ, bụng ăn no căng tướng, phình cái áo len ra. Hai tay thu bọc, anh ngồi nghiễm nhiên nhòm ra cửa. TD trông cái mặt bụ bẫm đầy đặn kia, đôi môi hơi chảy nễ hiền lành, trông không thể biết là người hấp, mà chỉ thấy là một người chất phác, thực thà bậc nhất.
TD hỏi anh Lược phải không? Anh quay lại, lúng túng: „Vâng, em à Lược ây…“
À, anh chàng ngọng, có lẽ vì cái lưỡi anh cứng nên cái lưỡi mềm của bà con mới uốn là anh cám hấp chăng? Biết là hôm qua anh lại được bầu, TD hỏi: „Anh có được điển hình nữa không?“ Anh cười thẹn thò: „Ó, em ại được điểng ìng.“ Anh chỉ vào tập sách thưởng trên thúng thóc: „Ấy, em ả đọc được… Điểng ìng khăng mặt ơn à điểng ìng sách.“
(Còn tiếp)
© 2014 pro&contra

[1] Hoại tử
[2] Trần Dần
Xem kì 1, kì 2, kì 3, kì 4, kì 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét