Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông : Các kịch bản

media
Reuters
Cuộc đấu tranh đòi tự do chính trị tại Hồng Kông mà Bắc Kinh kiên quyết từ chối, đã đẩy lãnh thổ này rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997, thời điểm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Tình hình dường như bế tắc.

 

Một bên, liên minh các nhóm đấu tranh cho dân chủ tiến hành biểu tình, làm tê liệt hoạt động tại Hồng Kông. Yêu sách của liên minh là Hồng Kông phải được quyền bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu thật sự, tức là cử tri được quyền tự do lựa chọn ứng viên. Đồng thời, những người biểu tình cũng đòi lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-Ying) phải từ chức, bị cáo buộc là con rối của Bắc Kinh.
Đối mặt với phong trào này là chính quyền Hồng Kông, tuy được Bắc Kinh ủng hộ, nhưng từ chối hành động. Đối với lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, việc có được bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu với những ràng buộc của Bắc Kinh, vẫn còn hơn là không có gì. Vậy tình hình sắp tới ra sao ? AFP đưa ra một số kịch bản.
Phong trào đấu tranh cho dân chủ lan rộng trên quy mô lớn
Từ bốn ngày qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình, chiếm lĩnh các trục giao thông chính, làm tê liệt nhiều khu vực tại Hồng Kông. Hôm nay và ngày mai, (01 và 02/10) là ngày nghỉ lễ ở Hồng Kông. Do vậy, ban tổ chức hy vọng có đông đảo người xuống đường, nhất là nếu cảnh sát tiếp tục có thái độ chừng mực, kể từ rạng sáng thứ Hai, 29/09 đến nay, không thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình. Xin nhắc lại là vào tối Chủ nhật, 28/09, cảnh sát chống bạo động Hồng Kông đã dùng lựu đạn cay và bột tiêu để giải tán người biểu tình, nhưng sau đó, chính quyền đã ra lệnh rút cảnh sát.
Chính quyền Hồng Kông hiện đang chịu sức ép nặng nề : Các hoạt động trên lãnh thổ Hồng Kông, vốn được coi là một trong những trung tâm của tư bản tài chính, đã bị xáo trộn nghiêm trọng. Tình hình này, nếu kéo dài, sẽ buộc chính quyền Hồng Kông, hoặc phải nhượng bộ, chấp nhận một số yêu sách của phong trào biểu tình, hoặc trấn áp. Theo giới phân tích, việc ông Lương Chấn Anh từ chức có thể làm dịu tình hình, nhưng khả năng này ít xẩy ra.
Phong trào hụt hơi
Tuy có hàng chục ngàn người biểu tình liên tiếp trong những ngày qua, nhưng mối quan tâm hàng đầu của ban tổ chức là duy trì được nhịp độ huy động người dân xuống đường, bởi vì nếu có ít người tham gia, chính quyền có thể điều động cảnh sát giải tán cuộc biểu tình.
Những địa điểm có ít người tham gia so với khu trung tâm như Causeway Bay, khu thương mại và Mongkok, nơi có mật độ dân cư rất cao ở Ma Cao, đối diện với đảo Hồng Kông, được đánh giá là những nơi dễ bị trấn áp.
Những người biểu tình cũng phải chú ý tới công luận của lãnh thổ có hơn 7 triệu dân này, nơi được coi là rất thuận tiện cho kinh doanh và các hoạt động dịch vụ tài chính.
Tuy có xẩy ra vài hiện tượng tranh cãi giữa người biểu tình và người sử dụng giao thông công cộng, những người bán hàng, nhưng cho đến nay, chưa thấy xuất hiện sự bất bình, phản đối của người dân đối với phong trào đấu tranh. Tình hình này có thể thay đổi nếu những xáo trộn trong sinh hoạt, giao thông kéo dài trong những ngày tới, hoặc những tuần tới.
Chính quyền trấn áp
Chính quyền Hồng Kông có thể lại huy động cảnh sát chống bạo động để giải tán cuộc biểu tình. Cảnh sát không loại bỏ khả năng sử dụng lựu đạn cay, thậm chí bắn đạn cao su để trấn áp những người biểu tình.
Thế nhưng, giống như Chủ Nhật, 28/09, mọi đối đầu, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình sẽ càng làm cho người dân xuống đường đông đảo hơn, trong lúc giới phân tích cho rằng, dường như cuộc đấu tranh đã hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các lãnh đạo phong trào. Theo nhận định của công ty tư vấn Steve Vickers Associates, cho dù các lãnh đạo này bị bắt, phong trào có thể vẫn tiếp tục.
Bắc Kinh can thiệp trực tiếp
Quân đội Trung Quốc có một doanh trại ở Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh có thể quyết định rằng tình hình trên lãnh thổ này đã kéo dài quá mức và huy động quân đội giải quyết vấn đề. Trong những ngày qua, có tin đồn là quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp, nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ giả thuyết này sẽ xẩy ra.
Ông Lương Chấn Anh và chính quyền Bắc Kinh nói rằng Hồng Kông có đủ khả năng tự giải quyết cuộc khủng hoảng. Theo một nhà phân tích phương Tây, kịch bản quân đội Trung Quốc can thiệp trực tiếp, tuy là ít xẩy ra nhất, sẽ bị toàn thế giới lên án. Có nhiều khả năng là cảnh sát Trung Quốc trá hình, mặc quân phục như cảnh sát Hồng Kông, được điều động tới hỗ trợ cảnh sát Hồng Kông. Với cách này, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh sẽ tuyên bố là họ tự giải quyết tình hình nội bộ trên lãnh thổ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét