Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Nina Phạm là ai?


1410_nina_sp.jpg
Cô y tá Nina Phạm -Courtesy of handout TCU360.com
http://www.rfa.org/vietnamese/manuallyupload/audio-player/player.swf

Nina Phạm, cô y tá trẻ tuổi, được bạn bè và gia đình mô tả là người có tấm lòng quên mình vì người khác, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên bị lây nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ, được Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh hoa kỳ CDC công bố danh tánh hôm 13 tháng 10, năm 2014 sau khi cô đã tiếp xúc với bệnh nhân Thomas Eric Duncan, người mắc bệnh ebola từ Liberia qua đời tuần qua.



Được biết cô Nina Phạm là 1 trong 48 người được cơ quan CDC theo dõi. Hiện giờ, sức khoẻ của cô đang trong tình trạng ổn định. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tom Hà, phó chủ tịch cộng đồng người Việt quốc gia tại quận Tarrant, và cũng là thầy giáo dạy tiếng Việt trong giáo xứ Đức Mẹ Fatima, nơi cha mẹ cô Nina đã có nhiều hoạt động, cho chúng tôi biết thêm những thông tin mà ông có được:
Cho đến hôm nay chúng tôi chưa liên lạc được với Mẹ của Nina nhưng cha chánh xứ của Giáo Xứ Fatima đã liên lạc được và có nói chuyện với gia đình. Theo cha chánh xứ thì cho đến ngày hôm nay người ta đang cố gắng truyền serum, cái huyết thanh của bác sĩ ngày xưa bị bệnh, hy vọng những kháng thể ở trong đó sẽ giúp cô ta được bình phục.
Vẫn theo ông Tom Hà thì đó là những gì ông được cha chánh xứ cho biết, còn về tình trạng sức khoẻ thật sự của Nina thì chưa ai được trực tiếp chứng kiến, nhưng theo ông được biết thì Mẹ của Nina đã có cuộc trực tiếp nói chuyện với cô con gái của mình qua Skype và cho biết là cô trong trạng thái tinh thần tốt.
Tốt nghiệp đại học ở Texas năm 2012, Nina Phạm được bạn bè và gia đình mô tả là một người rất có tâm, quên mình vì người khác trong nghề nghiệp y tá. Ngay chính giám đốc cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, ông Tom Frieden, khi loan báo tin với báo giới cũng cho biết “Nina là một người y tá rất dũng cảm, không màng nguy hiểm đã dấn thân làm điều gì đó tốt cho xã hội”.
Có vẻ tinh thần quên mình vì người khác của nàng y tá người Mỹ gốc Việt này cũng là do tấm gương của cha mẹ cô để lại, vẫn theo ông Tom Hà thì:
000_457171766-400.jpg
Nhân viên phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) bên ngoài căn hộ của Nina Phạm hôm 13/10/2014. AFP photo
“Một điều tôi muốn nói là gia đình của cô Nina là gia đình rất là ngoan đạo, họ có tinh thần phục vụ rất là cao và chính vì vậy như ông thấy cô Nina đã đi làm Nurse (y tá) bởi vì cả gia đình đều muốn làm thế nào để đem những gì mình có để phục vụ cho xã hội, và đặc biệt nhất là trong xã hội của Hoa Kỳ, nơi mà rất nhiều người Việt Nam chúng ta có cơ hội được sống làm người, được sống có sự tự do về dân chủ, và chính vì vậy đó là một trong những ước vọng của gia đình, của mẹ của Nina.
Với việc một người Mỹ gốc Việt bị lây nhiễm Ebola không những cả nước Mỹ hoang mang, mà ngay chính cộng đồng người Việt tại vùng Dallas Fort Worth cùng các vụng phụ cận cũng lo sợ, ưu phiền. Theo ông thì hiện tại cộng đồng đang cố gắng đưa những thông tin về căn bệnh này đến với cộng đồng người Việt sinh sống tại các thành phố lân cận để giúp cộng đồng phần nào hiểu được dịch bệnh.
Mọi người cũng đang trong tình trạng hoang mang, không biết rằng bệnh này thật sự nó truyền như thế nào làm thế nào để ngăn chặn, vì ngay cả một nhà thương rất lớn giống như là Presbyterian ở tại Dallas, và với một người chuyên nghiệp giống như cô nurse (y tá) này mà vẫn bị thì người bình thường thế nào cũng gặp nhiều khó khăn.  Chính vì vậy cộng đồng đang cố gắng họp lại với nhau để làm thế nào đưa những tin tức về bệnh này đến mọi đồng bào, cũng như một số bà con không nắm vững vấn đề tiếng Anh về vấn đề bệnh, chính vì vậy cộng đồng đang cố gắng thông dịch những tin tức về bệnh này.”
Vẫn theo ông Tom Hà thì tuần qua một số thân hữu của gia đình thường làm việc chung với nhau trong giáo xứ đã có một buổi cầu nguyện nhỏ trong giáo xứ cho Nina Phạm.  Được biết cộng đồng cũng đang lên kế hoạch sẽ có một cuộc thăm viếng gia đình của cô Nina Phạm, nhưng rất tiếc gia đình cũng không muốn làm to chuyện này, nên cũng vì tôn trọng quyền riêng tư của gia đình nên cộng đồng vẫn chưa có thể có cơ hội để bày tỏ những sự thương mến lo lắng của cộng đồng người Việt đối với gia đình cô Nina.
Được biết cho đến nay đã có hơn 4 ngàn người thiệt mạng từ đại dịch Ebola, và là căn bệnh tồi tệ nhất thế giới. Dịch Ebola được tập trung chủ yếu ở Tây Phi, nơi có hơn 8 ngàn người đã bị nhiễm bệnh.  Những con số này bao gồm 401 nhân viên y tế, những người đã bị nhiễm bệnh và đã có 232 người qua đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét