Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Tập Cận Bình, nhân vật số một đang viết lại luật chơi quyền lực của Trung Quốc

 Boxitvn

Robert Marquand
Trần Ngọc Cư dịch

Kể từ thời Mao Trạch Đông cho đến nay chưa có một cá nhân lãnh đạo nào tại Trung Quốc nổi bật trước công chúng hoặc thâu tóm nhiều quyền lực như Tập Cận Bình. Ông đang thay đổi Trung Quốc bằng cách xóa bỏ “đường lối cai trị bằng sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo” và nhắm mũi dùi vào xã hội dân sự.
________
clip_image002

Bắc Kinh – Với một tốc độ và sự cứng rắn không ai nghĩ đến vào thời điểm trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình không những đã củng cố quyền lực của mình mà còn đang chỉ đạo một cuộc thanh trừng rộng lớn khiến một số người thắc mắc liệu ông có thu tóm quá nhiều quyền lực hay không.

Kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay chưa có một cá nhân nào tại Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo xuất hiện thường xuyên trước công chúng hoặc thu tóm nhiều quyền lực đối với một quốc gia đang trỗi dậy với dân số 1,3 tỉ như ông Tập Cận Bình – người có cha là một đồng chí nổi bật của Chủ tịch Mao.
Từ thời Mao đến nay chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào đẩy mạnh một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của Đảng Cộng sản như Tập Cận Bình đang làm. Từ biến cố Thiên An Môn năm 1989 đến nay chưa một lãnh đạo Trung Quốc nào triệt để chặn đứng thậm chí cả những bước chập chững hướng đến các cởi mở chính trị như Tập Cận Bình đang làm. Dưới bàn tay kìm kẹp của Tập trong những tháng gần đây, thậm chí những những nhà tranh đấu ôn hòa cho một xã hội dân sự cũng bị nghiêm trị khiến phải im tiếng – trong một chiến dịch có vẻ là một chương trình thanh lọc nghiêm khắc áp dụng cho toàn Đảng và toàn xã hội.
Tập đang được gọi bằng mọi thứ tên, từ một “nhà độc tài mới của Đảng” đến một hoàng đế của thời hiện đại. Có người cho rằng ông tự coi mình là một nhân vật do định mệnh lịch sử đặt để đang giám sát sự thức dậy của nước Trung Hoa.
Một cách lặng lẽ, Tập đã xuất hiện trên sân khấu chính trị thế giới như một nhà lãnh đạo có đường lối độc tài không thua gì Vladimir Putin tại Nga. Chắc chắn là, Tập đã đập tan mọi hi vọng về việc khai sinh một xã hội dân sự đa nguyên tại Trung Quốc trong tương lai trước mắt.
Trong 18 tháng qua, Tập đã tóm cổ các đối thủ chính trị của mình trong một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn từ tầng thấp đến tầng cao, lắm lúc nom như một cuộc thanh trừng không đổ máu. Hơn 2000 cán bộ đảng viên các cấp đã bị thay thế. Những cán bộ đảng viên đang vươn lên như Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương đã hết sức ngỡ ngàng vì thấy mình mới được tôn vinh hôm trước lại bị rút thẻ Đảng hôm sau.
Các chiến thuật của Tập đã gieo sợ hãi và bất ổn tâm lý trong các cấp đảng viên từ thấp đến cao, theo một số nguồn tin mà chúng tôi có dịp phỏng vấn tại Trung Quốc, tại Châu Á, và tại Mỹ trong tháng Tám và tháng Chín vừa qua về các động thái của Tập Cận Bình.
Người Châu Á có câu “giết gà nhát khỉ” và coi đó là một hình thức cai trị. Nhưng Tập còn thịt luôn cả khỉ. Một tướng có thế lực, Từ Tài Hậu, không bao lâu nữa cũng sẽ bị lôi ra toà án quân sự. Một lãnh đạo Đảng thậm chí có nhiều quyền lực hơn những nhân vật kể trên, đó là Chu Vĩnh Khang – người nắm trong tay một mạng lưới cảnh sát và công an thường hành xử như một chính phủ trong một chính phủ hay như một tập đoàn mafia – cũng bị hạ bệ vào tháng Bảy vừa qua.
“Thông điệp rõ ràng là, ‘Nếu Tập có thể triệt luôn cả Chu, thì ai là người mà Tập không thể triệt hạ?” David Kelly thuộc nhóm nghiên cứu Chính sách Trung Quốc tại Bắc Kinh đã nói như vậy.
‘Một quan niệm mới về Trung Quốc’
“Quan niệm mới của Tập Cận Bình về Trung Quốc,” như hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã tường thuật vào tháng Tám, “có ý nghĩa sâu rộng hơn thế giới bên ngoài có thể tưởng tượng”. Tập gọi đó là một “nỗ lực trẻ trung hóa” vĩ đại.
Tập không ngớt lời cổ vũ cho một hình ảnh về cái gọi là một “Giấc mơ Trung Hoa” tràn trề của cải, địa vị quốc tế, và niềm tự hào dân tộc, một hình ảnh làm nức lòng giai cấp trung lưu thành thị, nơi ông được rất nhiều người mến mộ. Nó gảy lên cung đàn dân tộc chủ nghĩa trong một đất nước đã lâu ngày cảm thấy bị thế giới coi thường. Nhưng mặt khác, Tập cũng đang thi hành những điều cấm kỵ nghiêm khắc đưa ra trong Văn kiện 9 tháng Tám 2013 luân lưu trong nội bộ Đảng, còn được gọi là văn kiện “Bảy Không”.
Bản tuyên ngôn kêu gọi các đảng viên trung kiên phải xoá bỏ tự do phát biểu ý kiến, các ảnh hưởng từ nước ngoài, hay bất cứ một điều gì phảng phất mùi dân chủ, tính minh bạch, hay quan điểm độc lập.
Trong vấn đề chủ quyền Trung Quốc, Tập đã tỏ ra cứng rắn hơn cả những thành phần cứng rắn nhất trong Đảng: Ông thẳng tay đàn áp những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ cứng đầu ở miền viễn tây Tỉnh Tân Cương. Thông điệp ông gửi cho Đài Loan về việc thống nhất với Trung Quốc còn cứng rắn hơn nữa. Ông chôn vùi mọi hi vọng của Hồng Kông về các cuộc tuyển cử tự do và công bằng vào năm 2017 – một ý đồ đã quay đầu lại cắn ông ngay trên đường phố của một thuộc địa Anh trước đây và hiện nay là một trung tâm tài chính Châu Á.
Lần đầu tiên, Trung Quốc, dưới triều đại Tập Cận Bình, đang theo đuổi những lập trường hiếu chiến trong các vùng nước Thái Bình Dương, đối đầu với các cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Việt Nam, Phi Luật Tân và Mỹ. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên những vùng biển và vùng trời rộng lớn.
Ngay sau khi Tổng thống Obama đến thăm Châu Á vào mùa Xuân năm nay để trấn an những đồng minh đang bị nao núng, Trung Quốc đưa một giàn khoan vào ngay trong vùng nước tranh chấp gần bờ biển Việt Nam. Vào ngày 22 tháng Chín sau khi đi thăm Ấn Độ về, Tập được Tân Hoa Xã trích dẫn là đã chỉ thị các đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân phải sẵn sàng ở trong thế chiến đấu nếu muốn thắng “một chiến tranh khu vực.”
“Chúng tôi đã không tiên liệu việc này sẽ xảy ra,” một nhân viên an ninh quốc gia tại Nhà Trắng nói với các nhà báo sau khi Trung Quốc bác bỏ một báo cáo của Lầu Năm Góc về cuộc đối đầu trên không [mid-air encounter] giữa một máy bay phản lực của Quân đội Trung Quốc và một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ gần bờ đảo Hải Nam vào tháng trước.
Orville Schell thuộc Chương trình Mỹ-Trung của Asia Society đưa ra câu hỏi: “Liệu Trung Quốc thực sự có bạn bè nào không?” Các học giả Mỹ cho rằng Tập Cận Bình và Barack Obama sẽ có nhiều đề tài để thảo luận tại Hội nghị APEC vào tháng Mười Một tại Thượng Hải.
Mô hình lãnh đạo tập thể mất hết công dụng
Sở dĩ sự trỗi dậy của Tập Cận Bình được coi là một bước ngoặt vì ông và một nhóm lãnh đạo cao cấp yêu nước trên cơ bản đã xóa bỏ mô hình “lãnh đạo tập thể” vào năm 2012. Qua nhiều thập niên, quyền lực tối hậu tại Trung Quốc được chia sẻ theo đường lối phân tán. Các quyết sách được thông qua do sự đồng thuận của chín ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Chính sách chia sẻ quyền lực này được thiết kế bởi Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách đã mở cửa Trung Quốc, một phần để tránh giẫm lại “tệ sùng bái cá nhân” theo kiểu Mao – hay một cuộc Cách mạng Văn hóa khác. Do đó, mô hình tập thể đã mang một đặc tính trấn an nội bộ. Sẽ không có một cá nhân lãnh đạo nào trở nên quá mạnh. Vì đã có những cái thắng xe.
Nhưng Tập tỏ ra cứng rắn hơn Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào rất nhiều. Các nhiệm kỳ của hai ông này vẽ ra một nước Trung Hoa “thân thiện” muốn học hỏi từ thế giới bên ngoài và trỗi dậy “một cách hài hòa” tại Châu Á. Nhưng ở Trung Quốc bây giờ, Giang và Hồ chỉ được gọi là những người trông coi lâm thời [caretakers] hay là những nhà quản lý đất nước [stewards]. Điều mà Trung Quốc đang chờ đợi, theo đường lối mới của Đảng, là một thủ lĩnh độc tài như Tập – có thể khống chế các thái ấp đang xung đột nhau [các nhóm lợi ích] và nạn tham nhũng đang đe dọa quyền lãnh đạo của Đảng và tiến bộ kinh tế, hai lợi ích bất khả xâm phạm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tập thuộc “Thế hệ hồng thứ hai” của Trung Quốc – con cái của những khai quốc công thần. Cha ông, Tập Trọng Huân [Xi Zhongxun], là một trong “Tám công thần bất tử” đã giúp mở đường cho cuộc cách mạng của Mao. “Những thành viên của thế hệ hồng thứ hai” coi Đảng và quốc gia là một. Họ căm phẫn những thành phần cơ hội chủ nghĩa đã trở nên giàu có và tham ô trên sự hi sinh của cha ông họ. Họ muốn chặn đứng những người sống xa hoa mà không đếm xỉa đến đất nước Trung Hoa. những người “chỉ biết nhận mà không biết cho”, như một học giả Trung Quốc mô tả.
“Ông ấy có một ‘trái tim hồng’, như chúng tôi thường nói”, Lí Đại Đồng [Li Datong], một cựu tổng biên tập nhật báo có trí thức và tiếng tăm, bình luận như thế. “Thế hệ ông cảm nhận một ý thức trách nhiệm rất sâu sắc. Trước hết, họ cảm thấy rằng, khi đối diện một cuộc khủng hoảng, họ phải làm một cái gì”.
Mặc dù cha của Tập bị Mao cho vào ngục, nhưng người con đang hướng đến Mao để tìm nguồn khích lệ. Trong một tập tiểu luận xuất bản ngày 25 tháng Chín, Tập đòi hỏi các đảng viên không được từ bỏ “tinh thần Mao Trạch Đông” hoặc tư tưởng Mao Trạch Đông về một cuộc cách mạng thường trực. Tập là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc kể từ thời Mao đã xưng “tôi” trong ngôi thứ nhất, nhà Trung Quốc học [Sinologist] Pháp Francois Godement nhận xét. Tập tin tưởng vào lý thuyết “thủ lĩnh độc tài” về lịch sử, và cũng là nhân vật đầu tiên từ thời Mao đã công khai đăng đàn diễn thuyết về vai trò lãnh đạo. Ông nói rằng “vai trò của Thủ lĩnh số một là then chốt.”
Trung Quốc cần một bàn tay mạnh
Các động lực thúc đẩy Tập trỗi dậy chiếm địa vị số một bắt nguồn từ những năm đầu của thập niên 2000, khi các nhà tư bản Trung Quốc được mời gia nhập Đảng. Lời mời gọi đó ngày nay bị coi là rất phức tạp, phúc họa lẫn lộn. Đấy là một nỗ lực vận dụng tính năng động kinh tế của Trung Quốc vào cơ cấu chính trị của thế kỷ 19 được thai nghén bởi cái đầu của Vladimir Lenin.
Các thái ấp kiểu mới, các đại gia, và nhóm được gọi là thái tử Đảng, gồm con trai cũng như con gái của các gia đình thuộc giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, tất cả đều tranh nhau các móc nối trong Đảng. Lời mời gọi trở thành trái bom tạo mặt bằng cho các “guanxi” hay quan hệ mà giới tư bản cần đến để tiếp cận các nguồn tiền và tín dụng của nhà nước. Các suối tiền khổng lồ đã ào ạt chảy ra từ các khu vực [do nhà nước quản lý] như viễn thông, khoáng sản, sắt thép, và xây dựng. Khoảng năm 2010 tình trạng bát nháo – những tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, những bữa tiệc xúp vi cá mập, việc mua dâm và nhậu nhẹt, những lấn lướt và ám hại lẫn nhau – đã tạo ra nguy cơ làm cho Trung Quốc trở thành “đại loạn,” theo nhận định của một nguồn tin.
Hồ Cẩm Đào tỏ ra bất lực, không kềm hãm nổi cao trào các đảng viên lũ lượt chạy theo tiền tài và danh vọng trước khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào năm 2012.
Đã có nhiều chẩn đoán khác nhau về cuộc khủng hoảng của Trung Quốc. Một số cho rằng Đảng Cộng sản sắp đi đến chỗ diệt vong. Một số khác cho rằng nền kinh tế hoàn toàn thất bại. Một số bảo rằng cả hai đều gặp bế tắc. Một vài chỉ số cơ bản của nền kinh tế là rất đáng lo ngại: Các chính quyền địa phương đã vay mượn ngoài sức chi trả của mình để xây các chung cư, các nhà chọc trời, các trung tâm mua sắm, và các cầu vượt trên các trục xa lộ.
Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để Trung Quốc có thể biến một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu thành một nền kinh tế tiên tiến công nghệ cao. Liệu Đảng có khả năng tự cải tạo để chấp nhận một đường lối có nhiều sáng kiến hơn – hay Đảng cần tập trung hoá các quyết sách của mình theo đường lối độc tài?
Khi nỗi lo sợ [sụp đổ] trong Đảng trở nên sâu sắc, các lãnh đạo chóp bu đi tìm sự hỗ trợ của Thế hệ đỏ thứ hai. Và họ đã chọn đường lối cứng rắn, hoàn toàn không còn bàn đến một thái độ cởi mở thông thoáng nào nữa.
Thoạt đầu Tập xuất hiện gần như một người xuề xoà trong quần chúng, ăn bánh bao, ở khách sạn rẻ tiền, và có giọng nói ôn tồn trấn an người khác.
Nhưng khi sáu cơ quan cao nhất trong Bộ Chính trị được tái cơ cấu năm 2012, kể cả an ninh quốc gia, tài chính, quân sự, và cải tổ – Tập cầm đầu cả sáu cơ quan. Nhờ đó, ông nhanh chóng có cơ hội đưa kẻ cựu thù không đội trời chung đang bị thất sủng, là Bạc Hi Lai, ra xét xử trong một vụ án công khai cao độ năm 2013.
Khác với Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, Tập được coi là một người không chỉ nói mà còn hành động nữa. Ông đã quảng diễn Văn kiện số 9 để truy kích cả những nhà cải tổ ôn hòa, đây là điều tương đối mới. Tập đã lo lắng đến mức “ám ảnh” về việc Liên Xô sụp đổ dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev và không muốn chính cái tự do phát biểu có sức xói mòn chế độ hay “glasnost” ấy lật đổ Nhà nước Trung Quốc, học giả thâm niên về Trung Quốc tại Đại học Harvard, ông Roderick MacFarquhar, đã lý luận như thế trong một buổi nói chuyện gần đây về Tập Cận Bình.
Nhắm mũi dùi vào xã hội dân sự
Công an đang gia tăng đàn áp văn nghệ sĩ, các nhà truyền giáo, các luật sư, các blogger, các nhân vật trên diễn đàn xã hội, và các giáo sư tỏ ra chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng xã hội dân sự hoặc bác bỏ quan niệm của Đảng về sự thống nhất Trung Quốc và vai trò tối cao của Đảng.
“Khoảng 300 luật sư nhân quyền đang bị giam giữ, trước đây chưa bao giờ có một con số cao như vậy,” Đằng Bưu [Teng Biao], một luật sư nhân quyền hiện làm nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard trong một năm, đã nói như vậy. “Những luật sư này có chủ trương ôn hòa. Họ tránh đả động đến những vấn đề nhạy cảm, hay đứng ra biện hộ cho Lưu Hiểu Ba [người được giải thưởng Nobel Hoà bình đang bị giam giữ], mà chỉ nhúng tay vào các việc như chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của người tiêu thụ”.
Mục tiêu đánh phá chính của Văn kiện Số 9 là “chủ nghĩa hiến định” [constitutionalism]. Đấy là một nỗ lực thúc đẩy Đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm hơn nữa trước người dân – Đảng phải nằm dưới, chứ không được đứng trên chế độ pháp trị – và phải để cho người dân được tự do bày tỏ hơn nữa. (Hiến chương 08 của Lưu Hiểu Ba, chẳng hạn, kêu gọi việc thử nghiệm các hệ thống quyền lực cạnh tranh nhau và “chấm dứt thủ tục xếp ngôn từ vào tội hình sự.”)
Dưới chế độ Tập Cận Bình, các từ không được ưa chuộng trong từ vựng Leninist – như đối thoại, đàm phán, chia sẻ quyền lực, chế độ pháp trị, NGO [các tổ chức phi chính phủ], nhân quyền, và sự hiểu biết lẫn nhau [mutual understanding] – càng ngày càng bị ngờ vực.
Trong những tháng gần đây, mỗi ngày đều có những tin tức làm cho người dân nghe như đang ở trên con đường trở về ký ức của một nước Trung Hoa Đỏ: Các toán công an và bọn đầu gấu liên tục đóng cửa các thư viện vùng quê chỉ vì một vài cuốn sách trong đó cổ vũ xã hội dân sự và vì các thư viện này cho phép người đọc qui tụ và thảo luận. Các show truyền hình Mỹ không còn được phát sóng. Đảng đã công bố là sẽ cho ra phiên bản thần học Thiên chúa giáo của Đảng. Một đại hội điện ảnh tại Bắc Kinh vốn đã diễn ra trong suốt 10 năm qua không được phép mở ra vào năm thứ 11.
Trong tháng Chín, vào thời điểm có cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Ilhem Tohti, một học giả Duy Ngô Nhĩ ôn hòa tại Bắc Kinh từng kêu gọi đối thoại và chống cả bạo động lẫn chủ nghĩa li khai, bị kết án tù chung thân.
“Một thư viện ở vùng quê không dính líu đến chính trị,” ông Đằng nói. “Nó hoàn toàn biệt lập. Nhưng Tập Cận Bình đang truy kích xã hội dân sự. Ông đang thực thi Văn kiện 9.”
Putin đến trước, Cận Bình theo sau?
Khác với Mao, người chỉ ra khỏi biên giới Trung Quốc một lần – để viếng thăm Joseph Stalin tại Moskva – Tập được nhìn nhận có một số trải nghiệm quốc tế. Ông đã sống một thời gian ngắn tại Mỹ, từng phục vụ tại tỉnh duyên hải Chiết Giang và tại thành phố Thượng Hải, và từng trông coi việc chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Ông có một người con gái đang học ở Harvard và vợ ông là một ca sĩ nổi tiếng. Nhưng hiển nhiên là, Tập chống lại việc tổ chức chính phủ theo đường lối phương Tây – như ông Putin.
Putin có thể là một mẫu hình lãnh đạo độc tài mới. Ông chiếm Crimea, o bế giới tư bản thân hữu, và bàn chuyện thành lập một liên bang Slavic đặt cơ sở trên điều mà ông gọi là “các giá trị Á Âu”. Tập Cận Bình được coi là đang chia sẻ nhiều quan niệm của Putin, tin rằng Mỹ và Châu Âu là những nền văn minh sa đọa và đang ở trong vòng xoáy đi xuống – và rằng một trục độc tài mới xuyên qua Châu Á là diễn biến tiếp theo.
Nhưng thế giới không coi Tập là một tên bắt nạt theo kiểu Putin. Tập chỉ lấy “một số trang từ cuốn sách của Putin”, ông Kelly của Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc phát biểu. “Ngoại trừ một điều là Tập có mọi nguồn lực và khí tài mà Putin chỉ có thể nằm mơ mà thôi”.
Câu hỏi cần được đặt ra là, liệu Tập có tạo nhiều xáo trộn và nhiều kẻ thù đến nỗi phải trở thành một nhà độc tài ngày một nghiêm khắc hơn để duy trì quyền lực hay không. (Giới trí thức Bắc Kinh nghiêm chỉnh tranh luận, không biết Tập là một lãnh đạo độc tài theo đường lối cứng rắn [hardline authoritarian] hay là một loại độc tài toàn trị mới [a new kind of totalitarian], với những hệ lụy thật sự chưa ai biết được).
Báo chí Trung Quốc nói rằng Tập tự coi mình như một con người do định mệnh lịch sử đặt để. Và điều này có thể đúng. Ông đã từng nếm trải cuộc Cách mạng Văn hóa bạo động hướng nội và bây giờ đang chứng kiến Trung Quốc vươn ra thế giới để sánh vai cùng Nhật Bản, Mỹ, và Châu Âu.
Trong khi Trung Quốc còn đang phục hồi từ những đổ vỡ do Mao gây ra, Đặng Tiểu Bình có lời khuyên cho cả nước là Trung Quốc phải “che giấu ánh sáng của mình và đợi thời cơ.” Nhưng có lẽ Tập tin rằng những năm tháng ẩn mình đã qua rồi. Ông còn mười năm tại chức để chứng minh điều đó.
“Tập tin rằng mình có thể là một lãnh tụ vĩ đại, đưa ra một viễn kiến vĩ đại”, một chuyên gia am tường thời sự tại Bắc Kinh và là người có những đường dây quen biết trong Đảng đã nói như thế. “Tập nghĩ rằng nhân dân sẽ là ngọn cỏ và ông sẽ là cơn gió lùa. Tập sẽ thổi và nhân dân sẽ uốn theo chiều gió”.
“Vấn đề là, những phẩm chất cá nhân đã giúp Tập cầm quyền hữu hiệu hiện nay là không phù hợp với một giai đoạn kế tiếp hướng đến một nền kinh tế và một xã hội cởi mở hơn và có nhiều sáng kiến hơn. Biết đến khi nào tiêu chí ấy mới trở thành hiện thực?”
T.N.C dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét