Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Phong trào dân chủ Việt Nam cần nhiều điểm tựa


Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trả lời báo giới tại phi trường Los Angeles tối ngày 21/10/2014. (Ảnh: Dan Lam Bao)
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trả lời báo giới tại phi trường Los Angeles tối ngày 21/10/2014. (Ảnh: Dan Lam Bao)

Huỳnh Nguyễn  – VOA

Ngay sau khi blogger Điếu Cày được Hoa Kỳ tiếp nhận sau thời gian ngồi tù vì đấu tranh chống Trung cộng xâm lược và dân chủ cho Việt Nam, bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày, trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt rằng động thái này không có lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước. Theo nhận định cá nhân tôi điều này không chính xác.


Nếu trở lại thời điểm trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, nhiều nhà đấu tranh dân chủ bị bắt giam hay chết mất xác trong tù không ai biết tin tức. Thời điểm đó, không một tổ chức hay một cộng đồng nào có thể can thiệp giúp đỡ cho họ. Hậu quả là từng cá nhân trong những người dũng cảm như những chiếc đũa riêng lẻ bị bẽ gãy không thể liên kết thành một phong trào. Trước biện pháp trấn áp bằng bàn tay sắt này, nhiều người ý thức được giá trị dân chủ, công bằng xã hội, uất ức trước sự bất công của nhà cầm quyền đành im hơi lặng tiếng vì sợ hãi. Vì thế làn sóng đấu tranh dân chủ diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ và yếu ớt như một dòng chảy ngầm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản.
Thế nhưng sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, rồi gia nhập WTO, làn sóng dân chủ có sự đổi khác theo hướng lạc quan hơn. Lúc này, Việt Nam không còn đóng cửa tự quyết định như trước, họ đã chấp nhận tuân thủ luật chơi chung của thế giới. Một trong số đó buộc phải thừa nhận khái niệm quyền con người hay nói cách khác là từng bước thay đổi cách ứng xử với phong trào đấu tranh dân chủ. Dĩ nhiên, những gì diễn ra tại lãnh thổ Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, người đấu tranh dân chủ vẫn bị bắt bớ và giam cầm như trước.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là các lãnh sự quán, trong đó có lãnh sự Hoa Kỳ, đã bắt đầu lên tiếng can thiệp về hành vi vi phạm quyền dân chủ. Với động thái này, ít nhiều gì đó thế giới biết được những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Nhờ vậy, nhà cầm quyền cân nhắc hơn trong việc hành xử với tù nhân chính trị, họ không dám tự tung tự tác như trước kia. Bằng cách này, những nhà đấu tranh nhận thấy tiếng nói của họ có giá trị và mạnh mẽ hơn vì nhận được sự hưởng ứng của quốc tế. Một trong nhiều cách hỗ trợ cho tù nhân lương tâm Việt Nam mà chính phủ Hoa Kỳ áp dụng là cứu họ ra khỏi nhà tù và cho định cư tại Hoa Kỳ. Trường hợp gần nhất là tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và blogger Điếu Cày.
Hành động này không đồng nghĩa Hoa Kỳ muốn can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Họ là một đất nước tiên phong về dân chủ nên họ cổ xúy cho phong trào dân chủ toàn thế giới chứ không dành sự ưu ái cho bất kỳ một quốc gia nào. Bản thân họ không cho phép mình làm ngơ trước bất cứ một sự xúc phạm hay chà đạp nhân quyền nào trên phạm vi toàn cầu, vì vậy, bằng cách này hay cách khác họ nổ lực giúp đỡ nhằm giảm thiểu sự tổn thương với những cá nhân hay tổ chức bị vi phạm nhân quyền.
Theo nhiều người am hiểu tình hình chính trị Việt Nam, mỗi một tù nhân lương tâm mà phía Hoa Kỳ cứu vớt đều được đánh đổi bằng một thứ gì đó rất tương xứng cho phía Cộng sản Việt Nam. Cụ thể những lợi lộc mà phía Việt Nam nhận được là gì thì ít người biết rõ. Tuy nhiên, đều mà mọi người dễ dàng nhận biết đó là những nhà đấu tranh bị kêu án đã được cứu thoát khỏi ngục tù. Như một lẽ tự nhiên, với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ có sẵn trong huyết quảng, sau khi được phóng thích dù ở đâu họ vẫn tiếp tục lý tưởng của mình. Đó là lên tiếng kêu gọi sự thay đổi để mang lại công bằng bác ái cho dân tộc Việt Nam. Ngược lại, nếu vẫn còn giam hãm trong bốn bức tường tù ngục, tiếng nói của họ không còn được công chúng nghe đến nữa.
Nhiều người hiểu rõ biện pháp mà nhà cầm quyền Cộng sản làm giảm sức liên kết từng cá nhân trong phong trào đấu tranh là trục xuất những con người ưu tú ra nước ngoài. Thế nhưng phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam hiện nay không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc nội mà còn là của cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới, nơi có người Việt sinh sống. Thực tế là không phải người Việt nào ở hải ngoại cũng có ý thức và muốn đấu tranh vì nền dân chủ thực sự cho Việt Nam. Thậm chí có nhiều người Việt hải ngoại nhận tiền của nhà cầm quyền Cộng sản đang hoạt động chống phá phong trào đấu tranh dân chủ cả ở hải ngoại lẫn trong nước. Việc Phobolsa TV thường xuyên đưa tin tốt đẹp về Việt Nam trong khi đó sự kiện tham nhũng hay những tệ nạn xã hội đang bao phủ xã hội Việt Nam không hề được nhắc đến là một ví dụ điển hình nhất.
Chắc chắn phong trào đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam của đồng bào ở hải ngoại có sự tác động nhất định đến ý thức dân chủ của người Việt trong nước. Sự có mặt của blogger Điếu Cày tại Mỹ, nơi vốn có phong trào đấu tranh dân chủ mạnh mẽ, sẽ càng mạnh mẽ hơn. Nói cách nào đấy, phong trào đấu tranh ở hải ngoại chính là hậu phương vững chắc cho những nhà đấu tranh trực tiếp trong nước, những chiến sỹ đang ở tiền đồn đầy hiểm nguy và bất trắc. Với góc nhìn đó, tôi cho rằng việc Điếu Cày đến Mỹ không hề làm suy yếu cho phong trào đấu tranh trong nước mà nó có một tác động dài lâu và bền bĩ hơn.
Nhìn lại lịch sử thế giới từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, bất cứ một phong trào đấu tranh chống lại sự áp bức của chế độ cầm quyền nào cũng cần đến sự ủng hộ của quốc tế. Trong thực trạng toàn trị của Việt Nam hiện nay điều này càng trở nên cần thiết. Nếu không có tiếng nói quốc tế thì liệu số phận của những nhà đấu tranh sẽ đi về đâu khi mà sức mạnh giữa hai bên quá chênh lệch? Thế nên những nhà đấu tranh dân chủ trong nước cần nhiều điểm tựa, cần thêm nhiều sự ủng hộ để duy trì phong trào. Một trong số đó chính là sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét