Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt
Hồi năm 2006 tôi trở lại Việt Nam nhân 20 năm thực hiện chính sách Đổi Mới từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi đó tôi gặp một trí thức Việt kiều có tiếng đang có công việc kinh doanh ở Việt Nam.Ông nói với tôi đại ý chúng ta nên nhìn Việt Nam như một cuốn phim chứ đừng nhìn như những bức ảnh.
Mỗi bức ảnh sẽ đều có thể có những vấn đề trong đó nhưng nhìn theo chiều dài thì sẽ thấy những thay đổi mà theo ý ông là sự tiến bộ.
Từ đó tới nay cuốn phim đã dài thêm tám năm và tôi muốn nhìn lại một nửa chặng đường này trong lĩnh vực quyền tự do biểu đạt qua những phát biểu của một người có tiếng và có nhiều lúc lên tiếng công khai khác, Giáo sư Ngô Bảo Châu, người được giải Fields, vốn được coi là Nobel toán học hồi năm 2010.
‘Việc của con cừu’
Trong blog viết sau khi được giải Fields cách đây hơn bốn năm và nay không còn truy cập được, ông Châu viết:”Không phải ai cũng có khả năng để đạt giải Nobel hay Fields, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa.”
Sau đó ông bình về chuyện người được bàn tán nhiều về lề trái, lề phải lúc bấy giờ:
“Có một vài bác không quen, bình thường cũng tỏ ra rất hiểu biết, lần này cứ thắc mắc về chuyện NBC [Ngô Bảo Châu] là lề trái hay lề phải.
”Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.”
Năm đó báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nói Việt Nam bắt ít nhất 25 người bất đồng chính kiến và kết án 14 người bị bắt trong các năm trước đó.
‘Đối mặt số phận’
Nửa năm sau khi bày tỏ quan điểm về sự khác biệt giữa cừu và con người tự do, Giáo sư Châu lại có blog ‘Về sự sợ hãi’ viết về bản án bảy năm tù dành cho Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ vì tội tuyên truyền chống nhà nước.Ông Châu viết: “…[V]ới những gì xảy ra gần đây, ông [Cù Huy Hà Vũ] thể hiện mình như một con người không tầm thường.
“Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình.
“Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.”
Giáo sư Châu, người cũng được đào tạo bài bản tại Pháp như ông Hà Vũ, khi đó viết tiếp:
“Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.
“Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ.
“Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.”
Những rùm beng sau đó về blog này đã khiến vị giáo sư quyết định chuyển blog sang chế độ riêng tư và người ta đã không còn đọc được những gì ông viết.
Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch nói trong năm 2011, Việt Nam bắt giữ 27 nhà hoạt động nhân quyền trong khi truy tố 33 người khác với mức án gộp lên tới 185 năm tù.
‘Hình ảnh xấu về Việt Nam’
Trong hai năm sau đó, người ta không thấy Giáo sư Châu lên tiếng công khai về những vụ bắt bớ hay xét xử liên quan tới những tội danh mà một số chính phủ và tổ chức chỉ trích là được dùng để bóp nghẹt tự do ngôn luận.Tới cuối năm 2014, ông Châu tham gia thư ngỏ đòi cho nhà văn Nguyễn Quang Lập, người bị bắt hồi đầu tháng 12, được tại ngoại trong quá trình điều tra.
Thư ngỏ có đoạn: “Qua các tác phẩm và bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Lập mà chúng tôi đã đọc, chúng tôi cảm thấy rằng ông là một người có tâm với đất nước.
“Ông Nguyễn Quang Lập sức khoẻ yếu, bị liệt nửa người từ hơn 10 năm nay. Chúng tôi thấy việc tạm giam ông Lập không phản ánh đúng tính nhân đạo của hệ thống pháp luật và xã hội Việt Nam.
“Chúng tôi e rằng việc tạm giam ông Lập trong tình trạng sức khoẻ như vậy tạo ra một hình ảnh xấu về Việt Nam trên trường quốc tế.”
Thay đổi tư tưởng
Sau thư ngỏ đề nghị cho nhà văn Nguyễn Quang Lập được tại ngoại, Giám đốc Á châu của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch nói ông Lập chỉ là một trong số 29 người bày tỏ quan điểm ôn hòa bị bắt trong năm 2014, năm cũng chứng kiến hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải được trả tự do và sang Hoa Kỳ.Mặc dù số người bị bắt trong những năm Giáo sư Châu lên tiếng chưa hẳn là bắt người hàng loạt nhưng con số cũng không hề giảm.
Theo Human Rights Watch, điều đáng lo ngại là xu hướng công khai dùng bạo lực để trấn áp những người dám lên tiếng hay dám bảo vệ những người dám lên tiếng đòi quyền của họ.
Điều trớ trêu là chính sự thay đổi về tư tưởng trong lĩnh vực kinh tế đã mang lại sự giàu có tương đối cho một bộ phận đáng kể người Việt và cũng chỉ có sự thay đổi về tư tưởng trong các lĩnh vực khác mới giữ được sự giàu có tương đối đó trong tương lai.
Về mặt kinh tế, Việt Nam đã đi một chặng đường dài và có những lúc được coi là tấm gương.
Nhưng về mặt quyền con người dường như Hà Nội chưa bao giờ có thành tích tương tự.
Lý do phần nào có lẽ vì những người “xé rào” về kinh tế đã được chính quyền và công chúng tán thưởng nhưng những ai “xé rào” về tư tưởng lại gặp nhiều trở ngại.
Điều trớ trêu là chính sự thay đổi về tư tưởng trong lĩnh vực kinh tế đã mang lại sự giàu có tương đối cho một bộ phận đáng kể người Việt và cũng chỉ có sự thay đổi về tư tưởng trong các lĩnh vực khác mới giữ được sự giàu có tương đối đó trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét