Boxitvn
Nguyễn Đình Cống
Xã hội VN hiện nay có quá nhiều tệ nạn trầm trọng.
Để phát triển đất nước thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là tìm
cho đúng nguyên nhan gốc của tệ nạn để khắc phục.
Trước tiên xin nêu vài hiểu biết về phạm trù nguyên
nhân – kết quả : Trong một quá trình (QT), nguyên nhân( NN ) có trước và
tạo ra kết quả (KQ). Xét các QT liên tiếp nhau, KQ của QT trước là NN
của QT sau. Có KQ A0 là do NN A1, có A1 là do A2, có A2 là do A3… Cứ
truy như vậy trở về trước sẽ tìm ra một dãy các A kế tiếp và nếu cứ
truy mãi thì đến lúc bí và phải công nhận là “tại trời sinh ra thế” (Ngẫm hay muôn sự tại trời-
Truyện Kiều). Chỉ có thể truy đến một NN Ar nào đó thấy là vừa đủ để
xem xét thì tạm dừng lại. Như vậy A1 là NN trực tiếp còn Ar được xem là
NN gốc. Một NN có thể gây ra nhiều KQ khác nhau và một KQ cũng có thể do
nhiều NN đồng thời gây nên.
Tìm NN là để biết, quan trọng hơn là để xử lý. Với
KQ tốt thì tìm cách tăng cường , với KQ xấu thì tìm cách hạn chế hoặc
xóa bỏ. NN trực tiếp, cụ thể thì dễ tìm, còn NN gốc thì khó tìm hơn vì
nó thường ở dạng ẩn giấu.
Về các tệ nạn của xã hội VN hiện nay đã có một số
người nghiên cứu tìm NN và đưa ra kết luận là: “có không ít cán bộ, đảng
viên các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất”. Tôi nghĩ, đó chỉ mới là
NN trực tiếp chứ chưa phải là NN gốc. Biết NN trực tiếp là cần nhưng
chưa đủ, vì biết là để sửa chữa, nhưng khi mới biết NN trực tiếp thì chỉ
mới chữa ở ngọn chứ không chữa được từ gốc. Mà như vậy thì chữa được
chỗ này nó sẽ phát ra ở chỗ khác, mạnh hơn, rộng hơn. Phải tìm ra NN
gốc thì mới hy vọng chữa được cơ bản.
Phan Chu Trinh cho rằng sự hưng hay suy của xã hội vấn đề cơ bản là ở dân trí, dân khí, vì thế ông đã hết lòng cho công cuộc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Gần đây trang Bauxite nêu lại phương châm ấy, đó là việc làm rất có ích. Trong tác phẩm Tổ quốc ăn năn
Nguyễn Gia Kiểng tập trung phân tích vào “ cơ sở văn hóa” của dân tộc,
cho rằng sự thịnh hay suy của đất nước gắn liền với nó. Tôi hoàn toàn
tán thành các quan điểm trên đây , chỉ xin bổ sung và giải trình thêm
vài ý kiến.
Theo Duy thức luận của Phật giáo thì một NN chưa thể tạo ra kết quả mà còn phải kết hợp với “duyên”. Thí dụ: 1 – Để có bông lúa thì nhân là gieo hạt thóc giống ( gieo cây nào gặt cây ấy) còn duyên là điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển, trổ bông, kết hạt. 2 – Để xẩy ra đám cháy thì ngoài nhân là nguồn làm phát sinh ra lửa, còn phải có vật liệu bắt lửa để cháy, là duyên. 3 – Để xẩy ra một vụ trộm thì nhân là kẻ trộm , còn duyên
là sự sơ suất của người có tài sản. Theo một cách giải thích khác thì
không phải chỉ có một mà ít nhất có hai yếu tố, kết hợp với nhau, một
trong số đó là nhân còn cái kia là duyên. Nhân và duyên có thể đổi chỗ cho nhau. Trong thí dụ trên có thể xem nhân là vật cháy được còn duyên là ngọn lửa, nhân là sự sơ suất và duyên là tên trộm. Nhân và duyên đều có trực tiếp và gốc rễ.
Về các tệ nạn của xã hội VN, tôi đồng ý với nhiều
nhà nghiên cứu và phân tich, NN gốc là từ nền văn hóa còn mang nặng tàn
dư phong kiến, nô lệ ( dân trí thấp, dân khí yếu, tư lợi, tham lam, dối
trá, đểu cáng…). Tôi xin bổ sung một yếu tố khác, hoặc theo Duy thức luận là nêu ra cái “ duyên”. Đó là những phần độc hại của chủ nghĩa Mác-Lênin ( CNML ). Tôi không qui kết toàn bộ CNML là độc hại mà chỉ nêu những phần độc hại trong ấy. Đó
là đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, là công hữu hóa, tập thể
hóa tư liệu sản xuất, là tuyên truyền sự tốt đẹp của CNCS. Tôi cho
rằng việc nêu NN của các tệ nạn tại VN là do một số không ít cán bộ
thoái hóa biến chất là không sai nhưng chỉ nói ra chuyện mọi người đã
biết rõ, thể hiện sự nhận thức nông cạn hoặc sự cố tình bưng bít NN cơ
bản. Thử hỏi, với một tổ chức chặt chẽ như ĐCSVN, tại cuộc bầu cử ở bất
kỳ cấp nào, vào bất kỳ lúc nào cũng đều nêu cao khẩu hiệu sáng suốt lựa
chọn người xứng đáng, với một thể chế chặt chẽ lựa chọn công chức nhà
nước với tiêu chuẩn cao, rõ ràng và thi tuyển hẳn hoi thế thì cái bọn thoái hóa biến chất ở đâu chui ra, lọt
vào từ ngõ ngách nào, mà sao lại nhiều thế và tại sao thấy rõ chúng nó
rồi mà về cơ bản chẳng làm gì được, không những thế càng chống thì càng
phát triển. À, thì ra có cơ chế sinh ra bọn ấy, bảo vệ cho bọn ấy,
đó là sự độc quyền của nền chuyên chính vô sản mà chủ yếu là độc quyền
của một số người giữ cương vị cao trong đảng nấp dưới chiêu bài tập
trung dân chủ, đó là sự toàn trị của ĐCS, đó là việc bầu cử và thi tuyển
chỉ là hình thức còn thực chất được điều khiển bởi thế lực chính trị và
đồng tiền.
Những tệ nạn hiện nay, dù ở lĩnh vực nào, cấp độ nào
thì phần lớn có thể quy về phạm trù đạo đức. Phạm trù này dựa vào 2 trụ
cột chính là lực lượng quản lý xã hội và truyền thống văn hóa, trong đó lực lượng quản lý đóng vai trò rất quan trọng vì nắm quyền lực. Tôi biết một câu như sau: “ Muốn biết đạo đức thật sự của một người hãy cho họ quyền lực và xem họ sử dụng quyền đó như thế nào”. Suy rộng ra: “ Muốn
biết đạo đức của một đảng chính trị hãy xem cách họ hành động lúc đã
nắm chắc chính quyền, cách họ sử dụng sức mạnh của quyền lực như thế
nào” ( chứ không phải nhìn vào lúc họ đang cần vận động người khác ủng hộ để giành hoặc cướp chính quyền ).
Theo Duy thức luận có thể biểu diễn : Đạo đức
XH = KQ [Quản lý xã hội (QL) + nền văn hóa (VH) ]. Ở đây dùng dấu = ,
dấu + không phải là phép toán số học mà gần giống như là “ phép hội”
trong lôgic mờ. Trong phép hội lôgic thì hai thành tố là độc lập, nhưng
trong xã hội thì QL và VH không hoàn toàn độc lập mà có ảnh hưởng qua
lại. Một thí dụ là ĐCSVN đã có nghị quyết về xây dựng và phát triển
văn hóa ( NQ 9 khóa IX. Tôi chỉ nói là có NQ về văn hóa chứ chưa bàn đến
những chỗ đúng – sai, hay – dở của NQ đó ).
Tìm hiểu về văn hóa của người VN thấy rằng chúng ta
có nhiều phẩm chất tốt đẹp và có không ít tính cách xấu xa. Vì đang bàn
về NN tệ nạn nên tôi xin phép không kể ra các phẩm chất tốt mà nhiều
người đã biết rất rõ, chỉ xin mạo muội kể ra một số, chưa đầy đủ, các
tính cách xấu. Chúng cũng đã được nhiều người nói đến. Đó là thói tham
lam ích mình hại người, là thói nặng về tranh giành mà nhẹ về nhường
nhịn, là thói dối trá, lừa lọc, là tâm lý nô lệ, chấp nhận chịu hèn để
giữ thân, gió chiều nào che chiều ấy, là v.v… Chỉ xin tạm dừng lại ở
chỗ kể ra một vài thói xấu, còn chưa truy tiếp NN nào tạo ra chúng.
Những thói xấu này không phải bao giờ cũng gây ra tệ nạn. Trong lịch sử
mấy ngàn năm có thể kể ra nhiều giai đoạn thịnh trị, đạo đức được đề
cao, tình người được tôn trọng, những thói xấu bị co lại, bị dìm xuống,
chúng chỉ gây ra tệ nạn dưới những thời phong kiến suy đồi và trong thời
gian gần đây khi gặp môi trường thuận lợi, kết được với NN khác phù
hợp ( gặp được duyên ).
Về quản lý xã hội, có lẽ chỉ có một số nước, trong đó có VN mới có khái niệm đảng lãnh đạo, còn phần lớn các nước chỉ có khái niệm đảng cầm quyền,
đảng này lo việc chủ yếu là thành lập chính phủ, còn việc quản lý, điều
hành các hoạt động xã hội là của chính quyền. Mà quản lý là do kết hợp
hai nhân tố cơ bản là con người (quan chức, cán bộ ) và thể chế chính
trị.
Về thể chế, trong bài “Đuổi hổ rước sói” tôi đã phân
tích việc một số người yêu nước vì đấu tranh cho cho nền độc lập mà đã
rước nhầm thần sói về để thờ, đó là chủ nghĩa Mác Lênin ( CNML). Trong
bài đó tôi cũng đã phân tích việc chưa thể dùng CNML trong quản lý xã
hội. Trong CNML có những mặt tốt cho cách mạng vô sản nhưng vì đang
phân tích NN của tệ nạn nên tôi không trình bày những mặt tốt đó mà chỉ
xin phân tích một số tác hại của nó ( đã nêu ở đoạn trên ) trong vai trò
nhân hoặc duyên, trong việc kết hợp và làm trầm trọng
thêm các tật xấu của con người. Sự gặp nhau giữa hai yếu tố vừa kể
thường không dừng lại ở mức kết hợp mà nhiều khi trở thành cộng hưởng,
làm cho tác hại tăng lên rất nhiều. Có thể kể ra hàng ngàn, hàng vạn dẫn
chứng về sự kết hợp đó ở mọi cấp độ, chỉ xin nêu ra vài chuyện.
Sai lầm của Cải cách ruộng đất là do kết hợp sự tàn
bạo, sự vô nhân đạo của đấu tranh giai cấp với thói xấu tham lam của bần
cố nông, sự lưu manh của những kẻ cơ hội. Sự cải tạo tư sản gây nên suy
sụp một bộ phận của nền kinh tế là do kết hợp lý thuyết đấu tranh giai
cấp với sự ngu dốt của người này và sự thất thế của người kia. Sai lầm
của hợp tác hóa làm kiệt quệ nền nông nghiệp là do sự áp đặt việc tập
thể hóa sản xuất kết hợp với thói xấu quen nô lệ của nông dân. Tệ nạn
dối trá tràn lan là sự kết hợp của nhu cầu tuyên truyền về sự tốt đẹp
chưa có với tính xấu lươn lẹo của người dân. Tệ nạn đàn áp ý kiến trái
chiều, ngăn cấm tự do ngôn luận là do kết hợp sự chuyên chính với thói
độc đoán của phong kiến và thói xấu hèn nhát, lo sợ của số đông. Tệ nạn
cán bộ, quan chức kém năng lực, gây ra nhiều sai phạm trong công việc
là do kết hợp độc quyền chuyên chính vô sản với thói xấu muốn làm quan
để hưởng vinh hoa phú quý, để đục khoét công quỹ, để vơ vét, để ra oai
với người yếu thế.
Chủ nghĩa Mác được sinh ra tại các nước tư bản phát
triển nhưng tại nhiều nước Âu Mỹ có dân trí cao, người ta không chấp
nhận đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản nên nó chỉ tồn tại như
một học thuyết. Tại Liên xô và các nước Đông Âu cũng nhờ dân trí cao mà
người ta đã sớm nhận ra và từ bỏ CNML. Trung quốc, về hình thức vẫn giữ
CNML nhưng thực chất chỉ giữ lại chuyên chính của ĐCS còn vứt bỏ các thứ
khác, và như vậy đã phạm vào tội dối trá, lừa bịp. Tại Cuba, tuy cũng
du nhập CNML nhưng nhờ dân trí cao nên các độc hại không có cái kết hợp
để tạo nên tệ nạn lớn. Tại VN, CNML được tiếp nhận và phổ biến tương đối
nhanh, ngoài việc hy vọng dựa vào nó để đấu tranh giành độc còn là vì
dân trí thấp, không thấy được mầm mống độc hại trong đó. Đến khi ĐCS
thực thi sự toàn trị thì các mầm mống độc hại phát tác, nó kết hợp, nó
cộng hưởng với những thói hư tật xấu vốn có sẵn và nằm im trong văn hóa
dân tộc để gây ra nhiều tệ nạn, càng ngày càng trầm trọng. Một số người
nhầm lẫn, cho rằng dù sao dân tộc VN cũng nhờ CNML mà làm CM thành công,
mà chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Sự nhầm lẫn ấy là kết quả
của quá trình tuyên truyền một chiều, phiến diện. Trong bài “ Tản mạn về
lòng yêu nước thời cộng sản” tôi có phân tich là CNML vào được VN là
nhờ bám vào lòng yêu nước, nhưng rồi lại dùng người yêu nước này chống
lại người khác cũng yêu nước.
Cách mạng tháng Tám do Việt Minh (VM) thực hiện. Mục
tiêu của VM là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, lật đổ phong kiến.
Thế nhưng một số người nghiên cứu lịch sử cho rằng thực chất của CM
Tháng Tám chỉ là nội chiến, cướp chính quyền vì vào thời gian đó vua Bảo
Đại và chính phủ Trần Trọng Kim đã tuyên bố Việt nam độc lập, xóa bỏ
hiệp ước ký với Pháp, thoát khỏi sự đô hộ của Pháp, hệ thống cai trị của
Pháp đã bị Nhật tiêu diệt và đến lượt Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Việc
chúng ta giành chiến thắng trong chiến tranh chủ yếu không phải nhờ áp
dụng các lý thuyết của CNML như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản.
Mà hễ cứ mỗi lần vận dụng CNML vào đời sống như CCRĐ, hợp tác hóa, cải
tạo tư sản, kinh tế quốc doanh, đàn áp xu hướng bất đồng quan điểm là
mỗi lần tạo nên tai họa. Chỉ những khi làm ngược lại với CNML như khoán
hộ trong nông nghiệp, như mở rộng kinh tế thị trường, như không công
nhận có giai cấp thù địch thì mới phát triển được phần nào.
Muốn khắc phục, muốn dẹp bỏ tệ nạn thì hay nhất, tốt
nhất là xóa được, cải thiện được những tật xấu trong nền văn hóa và từ
bỏ được CNML để xây dựng một thể chế thật sự dân chủ, trong sạch. Xóa
bỏ, cải thiện tật xấu văn hóa là cần nhưng đó là việc làm lâu dài, không
thể một sớm một chiều. Từ bỏ CNML là việc có thể làm được nhanh nhưng
đòi hỏi phải có sự thông minh và dũng cảm ( Liên xô và các nước Đông Âu
chỉ tiến hành trong hòa bình, khoảng 1 năm là xong mọi việc, có nước như
Rumani và thống nhất nước Đức chỉ diễn ra trong vài tuần). Sẽ là rất
tốt khi tự trong các cán bộ cấp cao của ĐCSVN có được một số người giác
ngộ quyền lợi dân tộc, thấy được tác hại của CNML, dũng cảm vận động từ
bỏ nó kết hợp đổi tên đảng (vì tên ĐCS phải gắn chặt với CNML ). Làm
được như vậy sẽ bảo vệ được tổ chức đảng và cứu được dân tộc khỏi rơi
vào cảnh tụt hậu triền miên. Đối với đại đa số nhân dân, chính quyền
nên để cho các tổ chức dân sự hoặc cùng các tố chức đó dàn dựng các buổi
thảo luận, tranh luận về CNML, về cái được cái mất của CM và chuyên
chính vô sản. Làm được như thế sẽ góp phần nâng cao dân trí, chấn hưng
dân khí, xây dựng nền văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 9 của ĐCSVN về
xây dựng và phát triển văn hóa con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững đất nước.
N.Đ.C.
Nguồn: Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét