Bản án tử hình dành cho Hồ Duy Hải được hoãn lại.
Dòng tin này được hàng triệu người Việt nam vui mừng đón nhận vào
ngày 4/12/2014. Trước đó nhà báo Huy Đức viết trên trang FB của mình một
bài mang tựa đề Cần phải cứu một nền tư pháp, sau gần một tuần
lễ công luận đưa vụ án có nhiều nghi vấn này ra bàn luận. Một vụ án mà
tang vật được công khai mua từ chợ về để minh họa, dấu vân tay cũng
không phải của người bị kêu án.
Minh bạch và Tham nhũng
Mọi tình tiết của vụ án đều mờ mờ ảo ảo trong sự không minh bạch, và hơn nữa của một nền tư pháp lệ thuộc vào đảng cầm quyền.
Nhà báo Huy Đức viết rằng trong hoàn cảnh chưa thể có tư pháp độc lập
trong chế độ một đảng cầm quyền, thì ít nhất các quan tòa cũng nên là
những người ngồi nghe các bên biện luận, thay vì làm chuyện kết án cùng
với bên công tố, và hơn nữa lại lo ngại vụ án bị xử lại, mất hết những
thành tích của họ. Theo cách này, ngành tòa án sẽ có những con số đẹp (án ít bị cải,
sửa hơn) nhưng mức oan sai thật – thì nếu không có áp lực kêu oan của
gia đình (như trường hợp Hồ Duy Hải); thủ phạm thật không ra đầu thú
(như trường hợp Nguyễn Thanh Chấn)… – chiếm tỉ lệ cỡ nào là không ai
biết được.
Đó là điều mà người ta hay gọi là bệnh thành tích, mà bệnh thành tích
mà hoành hành cả trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến mạng sống của con
người thì quả là tác hại sẽ không lường được.
Nếu tin vụ án Hồ Duy Hải được hoãn thi hành được công luận chào đón
với không ít hy vọng, thì tin về tình trạng tham nhũng toàn cầu lại làm
người Việt nam thất vọng. Tổ chức Minh bạch quốc tế tiếp tục xếp Việt
nam vào hàng kém cỏi nhất thế giới dựa trên chỉ số nhận thức về tham
nhũng. Nói nôm na là Việt nam là quốc gia có tham nhũng hàng đầu thế
giới.
Blogger Hiệu Minh nhìn sang lân bang Singapore, nơi được nhiều người
Việt nam xem là cũng có một chế độ độc tài, để nói rằng bên xứ ấy có một
nền chính trị trong sạch bậc nhất châu Á.
Sự “độc tài” của Singapore thực ra bị nhiều người lầm tưởng vì tính
nghiêm khắc của pháp luật ở đảo quốc này. Sinh hoạt chính trị ở đây vẫn
có sự cạnh tranh, và ngành tư pháp là độc lập.
Mà không phải chỉ có blogger Hiệu Minh mới nhìn sang Singapore, Chủ
tịch Trương Tấn Sang cũng cảm thán rằng tại sao đảo quốc ấy bé nhỏ như
thế mà sạch sẽ như thế, sạch từ thiên nhiên tới con người! Báo chí chính
thống và nhiều trang blog đều trích lại lời ông.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy viết bài Vì sao tham nhũng?
Việc đồng nhất chính quyền và đảng với
nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành,
có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc
lợi và những kẻ ăn bám.
Trong bài viết này tác giả lại đi tìm hiểu nguyên nhân của tham
nhũng, tự hỏi phải chăng nó bắt nguồn từ những khiếm khuyết bất trị của
dân tộc hay không! Và trên hành trình đó, bà tìm thấy Milovan Djilas,
nhân vật từng đứng hàng thứ hai của đảng cộng sản Nam tư. Đây là đoạn
trích nói về chính quyền cộng sản của Djilas: Thói bon chen, xa hoa, hám quyền là không tránh được.[…] Đây là
loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một
đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì
việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có
lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải
trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà
nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có
thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và
những kẻ ăn bám.
Và câu trích bên trên dường như đã trả lời câu hỏi mà Tiến sĩ Nguyễn Thị từ Huy đặt ra trong đầu đề Vì sao tham nhũng? Nguyên nhân đó là thể chế chứ không phải là từ tính cách của dân tộc.
Những người cộng sản cầm quyền ở Việt nam vẫn liên tục nói đến chuyện
chống tham nhũng, và trong mấy năm vừa qua dường như người đứng đầu
đảng là ông Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cố gắng trong cuộc đấu trang
giành sự trong sạch cho đảng của ông. Song blogger Hiệu Minh nhận xét
rằng: Xem bảng xếp hạng tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc
tế thì hiểu tại sao chương trình nhóm lò của TBT Trọng vẫn
đang nghi ngút khói vì củi ẩm. Độc tài như Singapore nhưng tham
nhũng thấp thì cũng chấp nhận, nhưng độc tài mà để tham nhũng
cao chót vót thì không có gì để biện minh.
Chủ tịch Trương Tấn Sang, như đã nói, cũng cảm thán về sự trong sạch
của nước Singapore, nơi lý thuyết cộng sản bị cấm đoán một cách nghiêm
ngặt nhất thế giới. Không rõ ông đã từng đọc Djilas, người đồng chí một
thời ở Quốc tế cộng sản của ông hay chưa? Bi kịch và Quyền lực
Cuộc đời Djilas là một bi kịch, từ một người cộng sản trẻ tuổi đầy lý
tưởng, lên đến đỉnh cao quyền lực của đảng, ông lại từ bỏ tất cả vinh
hoa phú quí đáng ra dành cho những người thuộc “Giai cấp mới” như ông,
để trở thành người lên án và phê bình chủ nghĩa cộng sản.
Giáo sư Hồng Lê Thọ bị bắt vì điều luật 258
Trong những ngày cuối tháng 11, người ta lại chứng kiến một bi kịch
của một người từng ủng hộ hết mình chủ nghĩa cộng sản Việt nam, đó là
giáo sư Hồng Lê Thọ, một trí thức Việt kiều hồi hương từ Nhật bản. Ông
đã từng tham gia phản chiến chống sự can thiệp của người Mỹ tại miền Nam
Việt nam.
Hồi năm 2006, ông Thọ viết trên báo Sài gòn Giải phóng của đảng cộng
sản về cuộc đấu tranh phản chiến của ông tại Nhật bản trong một chiến
dịch 50 ngày đêm ngăn cản không cho xe tăng Mỹ được vận chuyển sang
chiến trường Việt nam.
Ông Hồng Lê Thọ bị bắt vào cuối tháng 11 với lời buộc tội rằng ông
làm mất niềm tin của nhân dân vào nhà nước của đảng cộng sản, đảng phái
chính trị mà ông hăng hái ủng hộ vào tuổi thanh niên sôi nổi của mình.
Vụ bắt bớ này lại không được báo chí chính thống Việt nam đưa tin mà
chỉ có cổng thông tin điện tử của Bộ công an mà thôi. Vì thế trong không
khí minh bạch 31 điểm do tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá, nhiều lời
đồn đoán được đưa ra: nào là ông Thọ bị bắt vì xưa kia ông chống Mỹ cứu
đảng, nay ông chống đảng cứu nước, nào là các phe phái chống nhau ông
Thọ đột nhiên thành nạn nhân,… Blogger Kami thì cho rằng:
Bởi hơn ba mươi năm sống trượt dài trên
đà tiến bộ loài người, cái mà người Việt Nam đang gánh chịu bây giờ là
một xã hội vô hướng, vô hồn, tin vào cái ác cũng như tin vào những giá
trị huyễn hoặc.
– Blogger Viết từ Sài gòn
Việc bắt GS. Hồng Lê Thọ là một toan tính chiến thuật hoàn toàn
mang ý nghĩa chính trị, nhằm chuyển đi một thông điệp khẳng định rằng,
mọi ý nghĩ cho rằng sẽ có các cải cách mạnh mẽ của phái cấp tiến, kể cả
cải cách thể chế như thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng là điều “viển vông.
Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc, một người bạn thân thiết của
Giáo sưu Thọ thì nghĩ rằng vụ bắt bớ là lời cảnh báo rằng sự phản biện
xã hội và chính trị của các trí thức trong nước đã làm phật lòng những
người cộng sản có quyền lực.
Một tác giả người Anh là Bá tước John Dalberg-Acton nói rằng Quyền
lực dẫn đến nhũng lạm, và quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến nhũng lạm tuyệt
đối.
Blogger Viết từ Sài gòn so sánh thứ quyền lực tuyệt đối của đảng cộng
sản Việt nam hiện nay như là khái niệm Số Má của giới giang hồ. Trong
lúc giới giang hồ sử dụng đẳng cấp sát máu gọi là Số Má của mình thì các
đảng viên cộng sản lại dùng thẻ đảng của mình để trục lợi trong những
thương vụ làm ăn.
Có những vụ tham nhũng lớn mà các đảng viên dùng thẻ đảng để vay tiền
trong ngân hàng rồi chiếm đoạt. Blogger Viết từ Sài gòn đặt ra vấn đề
tại sao xã hội hiện nay lại đổ đốn ra như thế: Vì cơ chế đảng trị đã cho các đảng viên quá nhiều thứ, họ như một
ông vua, bà chúa trên xứ sở của họ. Lòng tham và sự thoả hiệp của đa
phần người dân đã đẩy bản thân đa số này đến chỗ mù quáng, toa rập với
cái ác, xem cái ác là một cơ hội cho bản thân. Và cái giá phải trả đã
hiện ra trước mắt. Nhưng câu chuyện không phải dừng ở đây, nó cho thấy đất nước đang
thật sự lâm nguy bởi lòng người tan rã, niềm tin bị đánh tráo, giá trị
phẩm hạnh bị băng hoại đến tận gốc. Bởi hơn ba mươi năm sống trượt dài
trên đà tiến bộ loài người, cái mà người Việt Nam đang gánh chịu bây giờ
là một xã hội vô hướng, vô hồn, tin vào cái ác cũng như tin vào những
giá trị huyễn hoặc.
Trở lại vụ bắt giam Giáo sư Thọ, Giáo sư này cũng là một blogger và
trước khi bị bắt trang blog Người lót gạch của ông đã đăng một bài mang
tên “Vừa hợp tác vừa đấu tranh và … Vương Thúy Kiều.” Bài này của
tác giả Hạ Đình Nguyên, một lãnh tụ sinh viên tranh đấu trước 1975, và
nay lại thường xuyên có những ý kiến đối kháng với đường lối cai trị của
đảng cộng sản. Trong bài viết này tác giả so sánh nước Việt nam với
nhân vật Vương Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, một thân phận yếu ớt
nhỏ bé phải tìm sinh lộ bên cạnh kẻ xấu tàn ác và hung tợn. Điều mà
nhiều người bàn tán về bài viết này là hình như nó châm chọc câu nói của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó về quan hệ Việt nam Trung quốc rằng
vừa Hợp tác vừa đấu tranh.
Nhưng ngay trong lời dẫn của bài viết, Hạ Đình Nguyên viết rằng ông
không có ý đó. Nhiều người theo dõi bài viết này như nhà nghiên cứu Đinh
Kim Phúc cũng nhận xét rằng bài viết không chỉ trích gì cá nhân ông Thủ
tướng cả, mà là tâm sự của một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, quan tâm đến an
nguy của quốc gia, và sự tồn vong của dân tộc.
Mối ưu tư ấy của Hạ Đình Nguyên dẫn đến một nỗi bi quan khi tác giả
so sánh nhận xét của Thủ tướng Dũng về mối quan hệ Việt Trung với chủ
trương “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “ném
chuột sợ bị vỡ bình.” Tức là rồi cũng chẳng phá vỡ được bế tắc nào, nước
Việt nam và Trung quốc vẫn là hai quốc gia cộng sản cùng ý thức hệ, các
quan chức tham nhũng là chuột cần phải diệt, nhưng cũng lại là cái bình
quý mà đảng không thể làm vỡ đi.
Để kết thúc bài điểm blog này, xin mượn lời blogger Tiến sĩ Nguyễn
Thị Từ Huy khi bà tìm thấy căn nguyên tên gọi là cộng sản của căn bệnh
tham nhũng hôm nay, Và điều đó có nghĩa là chế độ này trường tồn thì dân tộc sẽ tiêu vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét