BBC
Theo thống kê mới nhất của
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mức lương trung bình của Việt Nam vẫn ở
ngưỡng thấp trong khu vực ASEAN, đạt 3,8 triệu đồng (181 đôla Mỹ).
Số tiền này, tính ở năm 2012, cao hơn Lào, Campuchia, Indonesia nhưng
chỉ bằng một nửa so với Thái Lan, một phần ba của Malaysia và một phần
20 của Singapore.Xét trong bối cảnh toàn cầu, mức tăng lương ở khu vực châu Á có xu hướng vượt trội, đạt 6% một năm, so với con số 2% của thế giới vào năm 2013 trong báo cáo của ILO.
Dù vậy, tổ chức này cho rằng một phần ba tổng số người lao động ở khu vực này vẫn không thể vượt qua ngưỡng thu nhập diện nghèo 2 đôla Mỹ một ngày.
Hiệu suất lao động
Mặc dù trải qua đến bốn lần cải cách, mức tăng của thu nhập trung bình đạt gần 14% giai đoạn 2011-2013, nhưng luơng tối thiểu trong hai năm gần đây vẫn chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người Việt Nam, thua xa các quốc gia phát triển và nền kinh tế trong khu vực.Giám đốc ILO Gyorgy Sziraczki tại Việt Nam đánh giá: “Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động.”
Cũng trong khảo sát của tổ chức này, năng suất lao động của người Việt Nam năm 2013 thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.
Ông Sziraczki cũng nhấn mạnh, việc tăng tiền lương có ảnh hưởng quan trọng đến các chính sách của nhà nước, và tiền lương tối thiểu sẽ là bàn đạp để tối đa hóa lợi ích của việc hội nhập kinh tế.
Bất bình đẳng trong cơ cấu ngành nghề
Trích dẫn Điều tra lao động Việc làm 2013, “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” là ngành nghề đạt mức lương cao nhất (7,23 triệu đồng một tháng), theo sau là “hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ” (6,53 triệu đồng) và “hoạt động kinh doanh bất động sản” (6,4 triệu đồng).Trong khi đó, dù chiếm tới một nửa lực lượng lao động của cả nước, thế nhưng ngành nông, lâm, thủy sản lại thuộc nhóm có mức lương bình quân tháng thấp nhất (2,63 triệu đồng).
Tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chiếm chỉ hơn 10% tổng số lao động làm công ăn lương của Việt Nam, do trình độ phát triển và canh tác quy mô nhỏ còn phổ biến.
Thống kê cho biết lao động làm công ăn lương hiện chỉ chiếm 35% trên tổng số lao động có việc làm ở Việt Nam, thấp hơn so với mức 50% trên thế giới.
Cũng theo báo cáo, ngành “nông, lâm, thủy sản” của Việt Nam có chênh lệch lương theo giới lớn nhất trong tất cả cả các ngành. Nữ giới hưởng lương thấp hơn nam giới 32%, con số này là 17% ở ngành “công nghệp chế biến, chế tạo”.
Ở hai ngành có mức lương cao nhất “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, lao động nữ lại được hưởng lương cao hơn nam giới 3,4%, và con số này ở ngành “hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ” là 1,4%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét