Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang đang mang tiếng xấu bởi đã gây ra vụ án oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Cũng chính cơ quan này trước đây từng bị một bị can khác là Hàn Đức
Long tố cáo bức cung nhục hình khi điều tra vụ án giết người và hiếp dâm
trẻ em xảy ra tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang từ năm 2005.Ngay trong quá trình giải quyết vụ án, viện kiểm sát đã xác minh lời tố cáo của Hàn Đức Long nhưng rồi đi đến kết luận là việc tố cáo không có cơ sở.
Xác minh bằng cách nào?
Bị can khai rằng trong các lần đi hỏi cung đều bị điều tra viên đánh bằng hung khí là gậy lim dài 70cm bản rộng 03 ngón tay (thước thợ xây) và cờ-lê, bật lửa đốt râu, bút bi để đập bẻ ngón tay.Để xác minh sự việc, cơ quan tiến hành tố tụng đã hỏi những phạm nhân bị giam giữ cùng phòng với Long và hỏi giám thị trại giam xem có việc Long bị đánh không.
Ngoài ra để củng cố quan điểm Long là thủ phạm, cơ quan điều tra đã hỏi những người từng giam giữ cùng phòng với Long, và những người này khai rằng đã từng nghe Long thừa nhận hành vi phạm tội.
Những lời khai đó được ghi lại thành biên bản và trở thành chứng cứ để giải quyết vụ án.
Trong khi đó thuộc tính quan trọng nhất của chứng cứ là tính khách quan.
Tại các mẫu biên bản ghi lời khai được ban hành đều có các mục thông tin làm rõ người được lấy lời khai có quan hệ thế nào với bị can, quan hệ thế nào với bị hại, có tư cách gì trong vụ án, đã làm gì ở đâu khi tội phạm xảy ra, sức khỏe và tinh thần có minh mẫn hay không… để từ đó xác định xem lời khai báo có độ tin cậy và khách quan hay không.
Vậy trong việc xác minh Long có bị đánh đập nhục hình không mà lại đi hỏi cán bộ quản lý trại giam là người chịu trách nhiệm bảo vệ tính mạng sức khỏe người bị giam giữ thì có hợp lý không?
Lẽ nào những người này thừa nhận mình có lỗi yếu kém trong công vụ khi để bị can bị đánh?
Những người bị giam giữ cùng phòng với Long không hề là nhân chứng của vụ án, thế thì tại sao lời khai của họ lại là chứng cứ sử dụng để kết tội?
Điều này cho thấy có sự nhận thức sai lệch nghiêm trọng về chứng cứ trong tố tụng hình sự.
Thực nghiệm điều tra
Lâu nay nói đến sai phạm trong hoạt động điều tra thường chỉ thấy nói đến vấn đề bức cung nhục hình.Song đó không phải là tất cả và đừng đề vấn đề bức cung nhục hình vốn dễ gây phẫn nộ che lấp đi các vấn đề khác trong hoạt động điều tra.
Để thấy được điều này chỉ cần khảo sát qua nghiệp vụ điều tra ngay trong vụ án Hàn Đức Long.
Cơ quan điều tra quy kết Long là thủ phạm trong vụ án với hành vi tóm gọn như sau: Một chiều mùa hè, một cặp vợ chồng đi làm đồng về không thấy con gái đâu, mọi người đổ xô đi tìm, sáng hôm sau người đi làm đồng sớm phát hiện thấy xác cháu bé ngoài mương nước cánh đồng. Kết quả giám định pháp y cho thấy cháu bé bị hiếp trước khi bị giết chết.
Sau gần bốn tháng điều tra không tìm ra thủ phạm, cơ quan điều tra nhận được thư tố giác của hai mẹ con bà cụ cùng tố một người ở cùng thôn là Hàn Đức Long từng hiếp dâm mình.
Cơ quan điều tra bắt giữ Long, Long thú nhận đã hiếp dâm hai mẹ con bà cụ và thú nhận thêm mình là thủ phạm trong vụ giết hiếp cháu bé.
Kết luận điều tra nhận định chiều hôm xảy ra vụ án, Long đem ngô thóc đến quán xay xát, trong lúc chờ đợi đến lượt mình đã đi sang nhà cháu bé, thấy cháu ở nhà một mình Long bắt bế đưa cháu ra cánh đồng hiếp rồi đẩy cháu ngã xuống mương nước rồi quay trở lại quán xay xát như không có chuyện gì xảy ra.
Qua các lời khai cơ quan điều tra xác định Long phạm tội trong lúc chờ đợi hai người phụ nữ xay xát thóc.
Họ đã cho thực nghiệm điều tra xem thời gian hai người phụ nữ xay xát hết bao nhiêu lâu, có đủ để Long thực hiện hành vi phạm tội rồi quay trở về không.
Tính chính xác của công tác thực nghiệm điều tra
Có mấy vấn đề xung quanh việc thực nghiệm này.Thời điểm bắt Long và tập trung điều tra về Long là đã bốn tháng kể từ ngày vụ án xảy ra. Vậy sau khoảng thời gian đó liệu những người xay xát thóc cùng có nhớ được hôm đó mình đã xát bao nhiêu kg thóc không?
Họ có thể nhớ được hôm đó có những người nào xay xát thóc, nhưng liệu có nhớ nổi thứ tự lần lượt từng người với tổng số gần chục người xay xát thóc không?
Sau bốn tháng, chủ quán xay xát khai rằng có sự khác nhau về điện áp và động cơ máy giữa hôm xảy ra vụ án và buổi thực nghiệm.
Hôm xảy ra vụ án điện lưới yếu nên trong hai động cơ xay thóc và chà gạo phải chạy từng động cơ một.
Chủ quán cũng đã thay động cơ máy mới.
Điều này dẫn đến tốc độ năng suất thay đổi và do vậy thời gian xay xát thóc sẽ khác nhau.
Với những dữ kiện thông tin sai lệch như thế liệu việc thực nghiệm có đảm bảo đưa đến số liệu chính xác hay không?
Không chỉ thế, cơ quan điều tra cũng thực nghiệm cho một người ôm một vật nặng tương đương cháu bé di chuyển trên quãng đường gây án (đi và về khoảng 1,7km) để xem lượng thời gian gây án có phù hợp với thời gian xay xát thóc của hai người phụ nữ không.
Nhưng vấn đề là tốc độ di chuyển trong khi thực nghiệm làm sao đúng khớp với sự di chuyển khi phạm tội?
Việc di chuyển khi phạm tội sẽ lúc nhanh lúc chậm bởi hung thủ còn phải quan sát nghe ngóng và tránh người phát hiện làm sao giống với lúc thực nghiệm?
Cháu bé là thực thể sống giẫy đạp đâu có im lìm như đồ vật thực nghiệm?
Như thế tốc độ di chuyển của khi thực nghiệm sẽ khác với tốc độ di chuyển hôm phạm tội.
Vận tốc khác nhau thì thời gian sẽ khác nhau, vì thời gian là kết quả của phép chia quãng đường cho vận tốc.
Ngoài vấn đề di chuyển còn có giai đoạn bị can hiếp dâm và xuất tinh ra ngoài, khoảng thời gian này thì làm sao tính đếm được bao lâu để có thể tính được tổng thời gian thực hiện hành vi phạm tội là chừng nào?
Bất chấp bao nhiêu sai lệch trong các dữ kiện, cơ quan điều tra vẫn tiến hành hoạt động thực nghiệm điều tra từ đó cho ra kết quả làm căn cứ để định đoạt mạng sống người khác.
Cơ quan điều tra thu giữ được ở hiện trường một số lông và tinh dịch nhưng lại không giám định cho ra được kết quả.
Về tinh trùng thì kết luận giám định cho rằng lượng dấu vết ít và chất lượng vết kém nên không thu giữ được gen.
Thực tế lâu nay người ta dễ dàng hóa giải quy định [không được sử dụng lời khai nhận tội của bị cáo là bằng chứng duy nhất để kết tội] bằng các quy định lỏng lẻo về chứng cứ.
Như vậy những gì thu thập được không giúp tìm ra được thủ phạm.
Cũng tức là không có vật chứng chứng minh thủ phạm.
Không có vật chứng và cũng không có nhân chứng. Vậy thì dựa vào đâu để chứng minh tội phạm?
Trong vụ án này chính xác thì cơ quan tố tụng chỉ dựa vào duy nhất lời khai nhận tội của Hàn Đức Long để kết tội.
Trong khi đó pháp luật hiện tại quy định không được sử dụng lời khai nhận tội của bị cáo là bằng chứng duy nhất để kết tội.
Nhưng thực tế lâu nay người ta dễ dàng hóa giải quy định ràng buộc này bằng các quy định lỏng lẻo về chứng cứ.
Theo đó những tài liệu điều tra như lời khai của những người bị giam giữ cùng phòng với Long cũng là chứng cứ được sử dụng, mặc dù họ không hề tồn tại ở không gian và thời gian xảy ra vụ án.
Và những thứ mặc dù không giúp chứng minh được tội phạm nhưng cũng được coi là chứng cứ như tinh dịch và lông tóc trong vụ án này.
Vấn đề và giải pháp
Chỉ khảo sát trong một vụ án thôi mà đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề về chất lượng trong hoạt động điều tra.Và đây không chỉ là vấn đề tồn tại của riêng cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang mà là vấn đề cần soi xét đối với hệ thống cơ quan điều tra cả nước.
Cho nên cần lưu ý rằng nguyên nhân gây ra oan sai không chỉ là vấn đề bức cung nhục hình mà còn nhiều nguyên nhân khác nữa.
Trong quá trình bào chữa các luật sư đều nêu ra các bất cập trong hoạt động điều tra, nhưng vấn đề lại mang bản chất vĩ mô, đòi hỏi sửa đổi quy định pháp luật và thay đổi lại nhận thức và không thể giải quyết trong phạm vi một vụ án. Chẳng hạn như cần tư duy lại khái niệm thế nào là chứng cứ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư từ Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét