Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Campuchia: Biểu tình lớn Ngày Quốc tế Nhân quyền

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia

2014-12-10
Hàng người biểu tình Ngày Quốc tế Nhân quyền đòi chính phủ thả các nhà đấu tranh độc lập ngày 10/12/2014.
Hàng người biểu tình Ngày Quốc tế Nhân quyền đòi chính phủ thả các nhà đấu tranh độc lập ngày 10/12/2014. Photo Quốc Việt RFA


Hơn 200 tổ chức bảo vệ nhân quyền Campuchia cùng khoảng 6 ngàn dân chúng địa phương tổ chức biểu tình tuần hành khắp đường phố ở thủ đô Phnom Penh nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12). Mục đình đòi chấm dứt tình trạng những hành vi tội ác đã không bị trừng phạt và có một tòa án độc lập. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây:


Tòa án thiếu độc lập, không tôn trọng nhân quyền đang trở thành một nền văn hóa chính trị đáng sợ ở xứ chùa Tháp.
Những vụ bắt giam các nhà hoạt động chính trị từ đảng đối lập, nhà bất đồng chính kiến, những người dân oan, các nhà hoạt động môi trường, nhân quyền, các nhà báo, các lãnh đạo công đoàn, và xét xử nhầm người hay ép cung đã khiến các tổ chức bảo vệ nhân quyền tại xứ này thường xuyên ra thông báo chỉ trích chính quyền.
Các tổ chức nhân quyền uy tín ở Campuchia, như Liên đoàn thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền Campuchia (LICADHO), Hiệp hội nhân quyền và phát triển Campuchia (ADHOC), và Trung tâm nhân quyền Campuchia (CCHR) cho rằng tội ác không bị trừng phạt vẫn là một tình trạng phổ biến do hệ thống luật pháp của Campuchia còn nhiều khiếm khuyết, và nền tư pháp chưa độc lập.
Trước khi tổ chức kỷ niệm lần thứ 66, Quốc tế Nhân quyền (10/12), các tổ chức nhân quyền và nhà hoạt động đất, những người bị cưỡng chế nhà đã tuần hành trên đường phố từ nhiều tỉnh khác nhau kéo vào thủ đô Phnom Penh trong thời 5 ngày nhằm phổ biến thông điệp ‘có tòa án độc lập, có sự tôn trọng nhân quyền’, ‘chấm dứt tình trạng những hành vi tội ác không bị trừng phạt’ và ‘tôn trọng nhân quyền, có công lý và hòa bình’.
Thông điệp trên, các tổ chức dân sự đã nhắm tới những hành động của tòa án Phnom Penh truy tố, xét xử và trừng phạt không thích đáng đối với 4 nhà hoạt động chính trị thuộc đảng đối lập, 11 nhà đấu tranh về đất đai nổi tiếng ở Phnom Penh, và 3 vị sư Khmer Krom, người từng tham gia biểu tình đốt cờ Việt Nam.
Những vụ bắt giam các nhà hoạt động chính trị từ đảng đối lập, nhà bất đồng chính kiến, những người dân oan, các nhà hoạt động môi trường, nhân quyền, các nhà báo, các lãnh đạo công đoàn, và xét xử nhầm người hay ép cung đã khiến các tổ chức bảo vệ nhân quyền tại xứ này thường xuyên ra thông báo chỉ trích chính quyền
Ông Vorn Pov, Giám đốc Hiệp hội dân chủ độc lập và kinh tế phi chính phủ (IDEA), là một trong những nhà đấu tranh nổi tiếng từng bị tòa án Phnom Penh bỏ tù vì bảo vệ quyền lợi của công nhân. Ông phát biểu: “Chúng tôi yêu cầu chấm dứt những tội ác đã không bị trừng phạt vì chính bản thân tôi bị Lữ đoàn 911 cảnh sát quân sự đánh gần chết nhưng họ vẫn có tự do. Thứ hai, chấm dứt sự đe dọa, đàn áp những nhà đấu tranh nhân quyền, đất đai, bất đồng chính kiến, công đoàn và nhà sư. Thứ ba, chấm dứt các kiểu văn hóa sử dụng tòa án để đàn áp các nhà đấu tranh và thứ tư, chấm dứt tình trạng cưỡng chế đất đai, cấp đất tô nhượng làm kinh tế cho Việt Nam.”
Ông Giám đốc LICADHO, Naly Pilorge khẳng định những vụ bắt bớ và truy tố mới đây chứng minh rằng hệ thống tư pháp của Campuchia đã hoàn toàn dưới sự kiểm soát của chính phủ. Bất cứ người nào không thích chính phủ, không ủng hộ người có quyền lực và tiền bạc, sẽ phải đối mặt với sự phạt tù. Giám đốc LICADHO cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến sự không tôn trọng quyền con người.
Ngoài những xung đột xuất phát từ tranh chấp đất đai, cưỡng chế nhà cửa, bất đồng chính kiến; vấn đề chụp mũ và ép cung người lương thiện cũng khá phổ biến tại xứ chùa Tháp.
Cụ thể, vụ ám sát lãnh đạo công đoàn nổi tiếng Chea Vichea vào năm 2004; vụ giết phóng viên điều tra Khim Sambo năm 2008, vụ giết nhà hoạt động vì môi trường Chhut Wuthy năm 2012, và vụ đánh hội đồng Trần Văn Chiến đến chết năm 2014, nhưng cho đến nay chính phủ vẫn chưa bắt được thủ phạm ngoài việc kết tội đối với những nghi phạm bị xem là thủ phạm vụ sát hại.
Còn vụ án một Đại gia Campuchia bị giết chết vào tối ngày 22/11 vừa qua, cảnh sát Campuchia cũng đã rất chậm chạp trong việc điều tra, truy tố, bắt hung thủ.
Mãi sau cảnh sát mới cho điều tra một gia đình một doanh nhân gốc Việt đã bị nghi vấn. Sau đó, tòa án Campuchia đã cáo buộc cha mẹ của doanh nhân gốc Việt này cất giấu cây súng trái phép và cản trở giới chức làm công vụ mặc dù họ xác nhận có giấy tờ sử dụng súng hợp pháp.
Sau đó doanh nhân Thong Sarath, tên Việt Nam là Dương Tuấn hay Tuấn Nhỏ, hiện đang sở hữu Công ty chế biến thực phẩm Meanchey (chả 999) và Công ty đầu tư quốc tế Meanchey, chuyên xây dựng nhà chung cư 999, bị cáo buộc là chủ mưu giết người.
Tuy nhiên vào ngày 8/12, ông Tuấn công bố một đoạn băng ghi âm là ông phải rời xứ Campuchia. Vụ án này không phải là bình thường vì người ta muốn Công ty của ông sụp đổ. Cũng theo ông, trong thời gian gia đình ông bị tam giam tại trụ sở cảnh sát, người ta đòi tiền chuộc hàng trăm ngàn đôla Mỹ.
Chúng tôi yêu cầu chấm dứt những tội ác đã không bị trừng phạt vì chính bản thân tôi bị Lữ đoàn 911 cảnh sát quân sự đánh gần chết nhưng họ vẫn có tự do. Thứ hai, chấm dứt sự đe dọa, đàn áp những nhà đấu tranh nhân quyền, đất đai, bất đồng chính kiến, công đoàn và nhà sư.
Ông Vorn Pov
Doanh nhân gốc Việt, Dương Tuấn nói: “Xin Thủ tướng hãy giúp tôi trở về Campuchia. Xin Thủ tướng lập Ủy ban điều tra độc lập vì đây là vụ án bất công cho gia đình tôi. Bất công nhỏ, nếu chúng ta không giải quyết chúng, sẽ trở thành bất công lớn. Bất công lớn, khi chúng ta không giải quyết, sẽ trở thành một cuộc chiến tranh.”
Trong khi đó, ông Kem Santepheap, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Campuchia lên tiếng rằng không có cơ quan chức năng nào có thể can thiệp vào công việc của tòa án. Những người bị bắt vì họ có tội. Trong trường hợp các tổ chức dân sự, người dân không tin vào tòa án hay nói tòa án thiếu minh bạch hoặc chịu áp lực từ bên ngoài, họ cần phải có bằng chứng rõ ràng.
Còn ông Mak Sambath, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Chính phủ Campuchia nói với RFA rằng Campuchia đã phát triển và cải thiện việc thực hiện nhân quyền rất tốt. Theo ông, Campuchia là một nước dân chủ, đa đảng, nhà nước pháp quyền nên mọi người dân đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình, tập hợp và lập hội.
Theo ông, thì các cuộc biểu tình cần phải tôn trọng quyền của người khác, không gây mất trật tự an ninh, bạo động, hỗn loạn hay kích động phân biệt chủng tộc.
Tôi yêu cầu chính phủ phải sống với dân, thương dân, lo cho dân, đừng áp bức dân quá. Chúng tôi rất buồn, mỗi lần ra khiếu nại là bị đàn áp, bắt bớ, bị đánh và ngăn cản. Nói chúng ra, chúng tôi bị đàn áp đủ thứ.
Bà Sơn Thị Kê
Ông Mak Sambath: “Vấn đề nhân quyền sẽ được cải thiện tốt hơn nhiều sau này khi người dân không còn lợi dụng quyền của mình để đi biểu tình, kích động phỉ báng chính phủ, hay cản trở giới chức. Mọi công dân đều được đối xử công bằng trước pháp luật.”
Sau khi tuần hành, vào sáng ngày 10/12, khoảng 1 ngàn người dân cùng sư sãi đã tập trung trước Quốc hội nhằm kiến nghị thư lên Quốc hội. Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Campuchia Kem Sokha và Chủ tịch đảng đối lập Sam Rainsy ra nhận thư kiến nghị; trong lúc khoảng 5 ngàn người khác tập hợp để bày tỏ ý kiến tại Công viên Tự do.
Bà Sơn Thị Kê, người Campuchia gốc Việt từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống tòa án. Bà chia sẻ với RFA lúc tham gia tuần hành Ngày Quốc tế Nhân quyền: “Tôi yêu cầu chính phủ phải sống với dân, thương dân, lo cho dân, đừng áp bức dân quá. Chúng tôi rất buồn, mỗi lần ra khiếu nại là bị đàn áp, bắt bớ, bị đánh và ngăn cản. Nói chúng ra, chúng tôi bị đàn áp đủ thứ.
Đàn áp nhiều chừng nào, chúng tôi đấu tranh nhiều chừng nấy. Đấu tranh để lấy đất nhà lại, sống có tự do, cho thả hết 18 người. Tòa án xử không công bằng. Nếu tòa án có công bằng, chính phủ công bằng thì chúng tôi rất vui. Nhưng chính phủ đàn áp chúng tôi quá. Do đó, chúng tôi yêu cầu nhà nước phải công bằng, thương dân và tôn trọng dân.”
Để chấm dứt tình trạng những hành vi tội ác không bị trừng phạt, các tổ chức nhân quyền cho rằng chính phủ Campuchia cần có một hệ thống tư pháp độc lập. Khi có một tòa án độc lập, thì cũng có nghĩa là chính phủ cũng như tòa án đã tôn trọng quyền con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét