Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Châu Á của Trung Quốc?

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Minxin Pei, Project-Syndicate
Việc các chính sách ngoại giao được diễn thuyết một cách mạnh mẽ so với thực tế thường không bao giờ là việc làm dễ dàng. Nhưng ở Trung Quốc thì việc này đặc biệt khó khăn hơn, vì lâu nay các hành động của chính phủ thường không đi đôi với những gì họ tuyên bố. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra rằng liệu khẩu hiệu mới nhất được các quan chức Trung Quốc thông qua là “châu Á cho người châu Á” có phải là câu nói giả vờ mang tính dân tộc chủ nghĩa với mục đích dành cho người trong nước hoặc đây thật sự là một tín hiệu về sự thay đổi chính sách.

Nhân vật có thẩm quyền cao nhất ở Trung Quốc đề cập đến câu nói “châu Á cho người châu Á” là Tập Cận Bình, khi ông phát biểu phát tại Hội nghị về các Biện pháp Tương tác và Xây dựng Lòng tin ở châu Á hồi tháng Năm vừa qua. Trong một bài được sắp xếp hết sức cẩn thận, Tập Cận Bình đã đặt ra tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự an ninh mới xung quanh khu vực châu Á – và trong đó, khẩu hiệu này đặc biệt đề cập đến người châu Á phụ trách [các vấn đề liên quan đến châu Á].
Theo Tập Cận Bình, ở cấp độ cơ bản nhất thì “những người châu Á phải điều hành công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của khu vực châu Á”. May mắn thay, ông tuyên bố rằng họ có “khả năng và trí tuệ” để xây dựng khu vực này một cách ôn hoà và ổn định thông qua hợp tác.
Tất nhiên, tầm nhìn này đòi hỏi phải sửa chữa các cấu trúc an ninh ở châu Á, bắt đầu bằng việc giảm thiểu vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực. Tập Cận Bình còn ngầm chỉ trích cấu trúc an ninh của Hoa Kỳ theo tư duy Chiến tranh Lạnh đối với việc thống trị khu vực châu Á như hiện nay, và đặc trưng “liên minh quân sự nhắm vào một nước thứ ba” là “không có lợi cho việc duy trì an ninh chung”. Kể từ khi bài phát biểu này được phát đi, các quan chức cấp thấp và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại nội dung này.
Thoạt nhìn, tầm nhìn này có vẻ hoàn toàn hợp lý, vì hầu hết các nước muốn quản lý công việc nội địa và khu vực mà không có sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Nhưng tuyên bố của Tập Cận Bình đánh dấu sự chuyển hướng về vị trí lâu dài của Trung Quốc đối với sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á–Thái Bình Dương.
Kể từ khi tái lập quan hệ Mỹ-Trung Quốc bốn thập kỷ trước, Trung Quốc đã duy trì sự nghiên cứu mơ hồ về vai trò của Hoa Kỳ trong việc bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á. Các lãnh đạo thực dụng của Trung Quốc biết rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực này chủ yếu nhắ vào việc kềm chế Liên Xô (và sau đó là Nga), ngăn cản Nhật Bản tái sử dụng vũ trang và đảm bảo các tuyến đường biển được tự do lưu thông. Trung Quốc cũng công nhận rằng họ thiếu sức mạnh để thách thức an ninh trật tự do Hoa Kỳ dẫn đầu hoặc cung cấp một hướng khác khả thi hơn.
Điều này có thể đang thay đổi. Mặc dù một số nhà phân tích vẫn tin rằng câu nói “châu Á cho người châu Á” của Tập Cận Bình chỉ là một trong những nỗ lực nhằm củng cố vị thế mang tính chủ nghĩa dân tộc của ông, nhưng ngược lại một số người cho rằng đây là biểu thị của sự thay đổi chính sách đầy tâm huyết. Trong khi việc này vẫn chưa gây nhiều tranh cãi nhưng cũng không nên xem thường.
Các bằng chứng thuyết phục nhất về sự sẵn sàng của Tập Cận Bình trong việc thách thức trật tự của khu vực này chính là lĩnh vực kinh tế. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc đã thành lập các tổ chức phát triển mới, gồm Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank) và Quỹ Con đường Tơ lụa (Silk Road Fund), trong đó họ sẽ chuyển hàng chục tỷ đô la – đây chính là mối thách thức rõ ràng đối với các tổ chức đa phương lâu nay dưới sự thống trị của phương Tây.
Tuy nhiên, về mặt an ninh thì Trung Quốc đã có ít nhiều tiến bộ trong việc biến tầm nhìn “châu Á cho người châu Á” thành hiện thực. Để chắc chắn, Trung Quốc đã có được một số khả năng quân sự để ngăn chặn Hoa Kỷ can thiệp vào Eo biển Đài Loan hay Biển Đông, và họ đã liên tục cải thiện hợp tác an ninh với Nga cũng như các nước Trung Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Nhưng sự gia tăng đó cho đến nay còn khiêm tốn và Trung Quốc đã phải gánh chịu một số thất bại đến từ sự quyết đoán trong các vụ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Thật vậy, sau khi gia tăng các hoạt động quân sự ngày càng mạnh mẽ – đáng chú ý nhất, việc tuyên bố đơn phương về vùng xác định phòng không bao gồm một vùng rộng lớn ở khu vực Biển Đông, gồm luôn cả ác vùng lãnh thổ đang có tranh chấp – thì mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp trầm trọng. Và các nước Đông Nam Á có liên quan đã yêu cầu Hoa Kỳ tiếp tục ở lại trong khu vực để đối trọng lại với Trung Quốc.
Đằng sau ngụ ý “châu Á cho người châu Á” có thể đã được Trung Quốc tin rằng, chính Hoa Kỳ – chứ không phải hành vi của Trung Quốc – đã gây ra những thách thức cho các nước láng giềng trong khu vực. Một số nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ đang sử dụng một số nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, như những con tốt để kiềm chế Trung Quốc. Nếu quan điểm này đã chiếm ưu thế trong các cuộc tranh luận chính sách nội bộ thì các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó bao gồm cả Tập Cận Bình, có thể đi đến kết luận rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á đối với an ninh đang trực tiếp đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc và cần phải loại bỏ.
Đó sẽ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng, dựa trên sự hiểu biết sai lệnh cơ bản về động lực an ninh ở khu vực châu Á. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, thậm chí cả Bắc Triều Tiên, cũng lo sợ một thế lực bá quyền Trung Quốc không bị giới hạn – và, nếu sự hiện diện an ninh của Hoa kỳ đã bị loại bỏ thì đó là chính xác những gì mà họ sẽ phải đối mặt. “Châu Á cho người châu Á” lúc đó sẽ trở thành “châu Á cho người Trung Quốc”.
Thật khó để tưởng tượng rằng những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vốn nổi tiếng với sự tinh tế và tính thực dụng của họ lại có thể theo đuổi một chiến lược không chỉ khó có được sự hỗ trợ từ cộng động người châu Á mà việc này còn châm ngòi xung đột với Hoa Kỳ. Vì vậy, rất có thể – và thực sự – câu nói “châu Á cho người châu Á” sẽ vẫn chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng. Trong thực tế, Tập Cận Bình gần đây đã làm dịu bớt đi những mục tiêu của Trung Quốc, và gần đây đã nói với các lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng, “Chúng ta nên gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc, diễn đạt câu chuyện Trung Quốc tốt hơn và truyền đạt thông điệp của Trung Quốc mạnh mẽ hơn với thế giới”.
Nhưng ngay cả khi hùng biện về chính sách này thì các cụm từ “châu Á cho người châu Á” còn mang vấn đề lịch sử. Trong thập niên 1930, quân phiệt Nhật Bản đã sử dụng ý tưởng về “Thịnh vượng trong Khu vực Đông Á” như một vỏ bọc cho sự tham vọng chinh phục đế quốc của họ. Khẩu hiệu của Nhật Bản sau đó đã bị nhạo báng rộng rãi, đặc biệt là ở Trung Quốc, vì sự thiếu minh bạch của nội dung này.
Điều này có thể giúp giải thích về sự đón tiếp lạnh nhạt mà khái niệm “châu Á cho người châu Á” đã nhận được khoảng thời gian gần đây. Điều thông minh nhất mà các lãnh đạo Trung Quốc cần làm hiện nay và sau này là dẹp bỏ về ý định “châu Á cho người châu Á”.
________
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư về Quản lý Nhà nước tại Claremont McKenna College, California.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét