Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Kinh tế Việt Nam chuẩn bị cắt đuôi định hướng XHCN.

Nguoibuongio

Tháng 9 năm 2013 trong một chuyến công du khá vòng vèo, ông Nguyễn Tấn Dũng lượn qua châu Âu để ký một bản ghi nhớ hợp đồng mua máy bay của Pháp trị giá gần 5 tỷ USD.
 Việc này được báo chí Việt Nam đăng tải rầm rộ, như để chứng minh tiềm lực kinh tế Việt Nam rất đang sung sức.

Từ Châu Âu, ông Dũng bay sang Hoa Kỳ, ở đây ông gặp bà bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ ở hành lang khách sạn. Ông cũng gặp quan chức của ngân hàng thế giới, quỹ tiền tệ thế giới để tìm kiếm một khoản vay mới hay ít ra là giãn khoản nợ đang đến hồi phải trả.
Không báo chí nào tiết lộ ông Dũng nhận được sự giúp đỡ thế nào từ các tổ chức trên.
Chắc chắn việc làm ba xạo ghi nhớ mua máy bay giá 5 tỷ USD của ông Dũng với Pháp chẳng khiến những người ông muốn vay ở Hoa Kỳ cảm thấy tin tưởng tiềm lực kinh tế của Việt Nam.
Ông Dũng mang thất bại đàm phán kinh tế với Hoa Kỳ, WB, IMF quẳng lên bàn họp Bộ Chính Trị. Những kẻ bảo thủ, cuồng tín còn mê đắm nền kinh tế CNXH trong Bộ Chính Trị cảm thấy bị sỉ nhục. Đám này lập tức kết bè cánh, quy lỗi việc mất tín nhiệm trên quốc tế là do tình trạng tham nhũng, tập đoàn lợi ích lũng đoạn, chính sách điều hành mà ông Dũng đứng đầu gây ra.
 Trong suốt năm 2014 phe cánh bảo thủ dùng Ban Nội Chính Trung Ương để đánh các tập đoàn lợi ích, đánh tham nhũng. Đánh đến đâu để Ban Kinh Tế Trung Ương tiếp quản điều hành đến đó. Thật hài hước, y như những trận chiến ngày xưa, công thành, mở cổng, lục soát kho tàng..Ban Kinh Tế Trung Ương chỉ thấy đống đổ nát, hoang tàn, kho tàng sạch bách, sổ nợ chất đầy.
Hoá ra những nhân nhượng, lùi bước của ông Dũng trước Ban Kinh Tế Trung Ương là có chủ đích. Cho đối thủ chiếm thành, gánh luôn quả nợ nặng trĩu phải giải quyết.Nhìn thấy đống đổ nát, nợ nần sờ sờ trước mặt. Các đối thủ của ông Dũng chùn bước không dám tiến thêm sợ nhìn thấy những điều bi đát nhiều hơn nữa theo mỗi lần tiếp quản.
 Giá như phe bảo thủ chiến thắng, hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng, người của phe bảo thủ điều hành kinh tế sẽ là một điều đáng mừng cho những ai ghét đảng cộng sản. Việt Nam sẽ rơi vào một mớ rối ren, không có người cầm cái lão luyện, biết phân chia lợi lộc cho các phe phái nội bộ. Không có người biết chỗ nào có thể vá víu, xoay sở ”trạc” tiền về  tiếp hơi thở cho nền kinh tế hấp hối.
Có lẽ ở hội nghị trung ương 10 vừa qua, ông Dũng chỉ cần nói với các uỷ viên trung ương thế này ( dịch theo lối văn phong của Người Buôn Gió ).
- Mấy thằng Bộ Chính Trị đợt tới về hưu gần hết, chúng ăn đủ rồi nên giở trò ra vẻ trong sạch đòi này nọ. Đời chúng mày còn dăm năm nữa phía trước, nợ nần thì một đống đây. Muốn tao ở lại để xoay sở vay mượn bên ngoài, hay muốn tao về cho chúng mày tự tìm thằng nào giỏi đứng ra qiải quyết.
Chỉ cần nói vậy, chắc chắn ông Dũng sẽ được hầu hết các uỷ viên trung ương ủng hộ. Chẳng biết ông có nói thế không, nhưng đúng là các uỷ viên trung ương ở hội nghị 10 ủng hộ ông thật.
Đứng được vững sau hội nghi trung ương 10, Nguyễn Tấn Dũng vạch ra những hướng đi để xoay được tiền, tìm được nguồn đầu tư. Đó là để ngân hàng thế giới WB theo dõi chính sách kinh tế Việt Nam, đưa ra những lời khuyên ( thực ra là yêu cầu ). Cải cách doanh nghiệp theo nền kinh tế thị trường, cổ phần hoá doanh nghiệp..cắt đuôi định hướng XHCN cho nền kinh tế.
Đấy chính là những đòi hỏi của Hoa Kỳ, WB, IMF trong nhiều năm qua, được nhấn mạnh lần chót ở chuyến đi của Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm 2013.
Bây giờ thì báo chí bắt đầu trở mặt xỏ xiên nền kinh tế thị trường định hướng CNXH. Một cách gián tiếp báo chí đưa tin hình ảnh tệ hại của các quốc gia có mô hình kinh tế tương tự. Thằng thì đi buôn lậu vàng, thằng thì mang vàng đi cầm cố, thằng thì sắp lãnh hậu quả bởi   ngầm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Cao trào của sự nhạo báng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đặt lại câu hỏi về vấn đề này. Một vấn đề lớn lao được toàn đảng, toàn dân ta ra rả theo đuổi bao nhiêu năm.
Ông Dũng nói.
”Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại,  bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo… Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế, giá các dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ, còn người nghèo, đối tượng chính sách phải được chăm lo.”
Nói thế khác nào cắt ngắn cái đuôi định hướng CNXH đi.
Vấn đề đã khá rõ, sắp tới Việt Nam cắt đuôi định hướng XHCH. Các tập đoàn do nhà nước quản lý sẽ phải cổ phần hoá hoặc phải chấp nhận cạnh tranh với tập đoàn tư bản đa quốc gia.  Với tư duy bao năm được bao che một mình một cửa, nhân sự do sắp xếp, chỉ đạo mà thành lãnh đạo. Lấy đâu ra sức cạnh tranh.
Trước cái chết được ưu ái báo trước sẽ đến, các doanh nghiệp nhà nước độc quyền chỉ còn cách tận dụng vị thế một mình một sới trong thời gian tới, để hối hả tăng giá, tận thu để bù đắp cho những hao hụt do quản lý  yếu kém, tham nhũng , lãng phí gây ra.
 Và người dân đen sẽ là những kẻ móc túi trả những cho khoản này trong một thời gian dài, trước khi đến bến bờ của nền kinh tế thị trường đích thực.
Đấy là điều lý giải vì sao chính phủ một mặt lên tiếng cải cách kinh tế, hợp tác với tư bản quốc tế, mặt khác lại đồng ý cho các doanh nghiệp độc quyền nâng giá điện, xăng….
Những người dân đen, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cá thể liệu có tồn tại và tích luỹ được vốn liếng, tiềm lực khi bến bờ kinh tế thị trường đúng nghĩa đến không. Họ có khả năng để phát huy khi cơ hội đó đến không.?
Câu trả lời là không, họ sẽ bị bóp chết hoặc dìm chết trên dòng sông khi chưa kịp đến bờ. Hoặc có đến bờ họ chỉ còn hai bàn tay trắng. Chính sách nâng giá, tận thu, thế má sẽ tiêu diệt họ trước khi họ đến được bờ kinh tế thị trường. Chính sách này vừa nhằm tận thu cho ngân sách nuôi chế độ này bây giờ, vừa nhằm hạn chế khả năng họ trở thành đối thủ kinh tế trong tương lai sẽ cạnh tranh với con cái các vị lãnh đạo.
Bến bờ  kinh tế thị trường đó để dành cho con cái các lãnh đạo đang được hậu thuẫn, được chuẩn bị tốt. Hãy nhìn những công ty của gia đình các vị lãnh đạo cao cấp sẽ thấy những điều đó.
 Cơ hội là của con cái lãnh đạo đảng cộng sản chứ không phải dành cho người dân đen.
Đảng cộng sản tài tình, Nguyễn Tấn Dũng cũng tài tình. Nếu đảng cộng sản tồn tại thì con cháu họ vẫn đời đời nối nhau hưởng lợi. Nếu mai kia đảng cộng sản kết thúc cuộc đời của mình, thay đổi thể chế, trở thành nước tư bản thì con cháu đảng cộng sản ít nhất vẫn là những chủ tập đoàn kinh tế mạnh nhất, nắm thị phần nhiều nhất trên đất nước này.
Đừng tưởng rằng con cái của các lãnh đạo cộng sản không có trình độ làm kinh tế. Nên nhớ bố mẹ chúng không chỉ chuẩn bị cho chúng tiềm lực kinh tế , hỗ trợ ngầm quyền lực…mà chúng cũng được gửi gắm, đào tạo ở những trường đại học tốt trên thế giới, được tiếp cận làm việc với những tập đoàn kinh tế đa quốc gia. Chúng không chỉ được chuẩn bị tốt vốn liếng, bệ phóng mà ngay cả kiến thức kinh doanh, điều hành cũng được bồi dưỡng, chuẩn bị tốt. Nếu có nền dân chủ thực sự thì chúng cũng đủ sức sống tốt trong những gì được chuẩn bị. Có khi lúc đó chúng lại cần chế độ dân chủ hơn là một chế độ độc tài đầy mầm mống những cuộc cách mạnh kinh tế đánh tư sản, đem lại lợi ích cho người nghèo như cha ông chúng đã làm trước kia.
Đấy chính là cái mà đảng cộng sản gọi là thay đổi ổn đinh, êm đềm, không có hỗn loạn, đổ máu.
Đảng cộng sản trong quá trình thay đổi ( nếu có hay không cũng thế )  phải đối phó với những bức xúc trong xã hội vì các nguyên nhân khác nhau như tinh thần dân tộc trong tranh chấp chủ quyền, sự phẫn nộ bị tước đoạt sở hữu đất của nông dân, sự phẫn nộ của người dân đen phải cùng cực móc túi tiền bé nhỏ chi trả cho những khoản tiền nhà nước thu ngày càng lớn, sự đòi hỏi quyền con người, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, đa nguyên, nhân quyền…..những yếu tố có thể gây đột biến bùng phát, cản trở những  toan tính hoạch định cho tương lai con cháu mình.
Cuộc đấu tranh của những người theo chủ nghĩa dân tộc, dân chủ, nhân quyền , công bằng, minh bạch….với đảng cộng sản phía trước sẽ còn nhiều bất ngờ. Trong cuộc đấu tranh dưới thời thế vận hành theo cách mà Việt Nam cởi mở kinh tế, hợp tác nhiều với đa quốc gia, thuận lợi của những nhà đấu tranh là được các nước tiến bộ có quan hệ hợp tác làm ăn với Việt Nam nhìn nhận. Nếu biết chứng tỏ được khả năng vận động quần chúng, có uy tín trong nhân dân, đoàn kết, hình ảnh tốt, bản lĩnh, chuyên môn, phương hướng đường lối phù hợp với quan điểm   nhân văn của các cường quốc tiến bộ… chắc chắn sẽ được ủng hộ làm một thế lực chính trị để giữ cân bằng cho một thể chế dân chủ mới ở Việt Nam.
Nhưng sự tị hiềm, đố ky, ganh ghét hay việc cài đặt nội gián vào hàng ngũ đấu tranh, xúc xiểm, gây bất hoà, cãi lộn sẽ là những biện pháp hàng đầu mà cơ quan an ninh, cơ quan tuyên giáo của đảng cộng sản Việt Nam  thực thi để làm giảm uy tín những nhà đấu tranh trong con mắt quốc tế. Đó là những biện pháp sẽ được dùng nhiều nhất trong những năm tới đây. Đây là biện pháp phù hợp của cơ quan an ninh, không cần phải bắt giữ nhiều quá để quốc tế lên án, mà trái lại nó khiến quốc tế thất vọng về những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.
Tiện đây, anh Gió nói luôn, anh là thằng lưu manh, đéo có học, chỉ chém gió. Những nhà đấu tranh dân chủ đừng có lỡ lời liệt kê anh vào hàng ngũ đứng cùng, như thế là làm mất uy tín của những nhà đấu tranh dân chủ, mắc mưu bọn an ninh cộng sản. Và những gì anh viết trên chỉ là tào lao, nói phét để câu like thoả mãn cái háo danh tầm thường của anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét