Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

AIIB: có gì mà phải lo!

Việt-Long – RFA

2015-04-16
signing-ceremony
Đại diện 21 nước châu Á trong lễ ký kết Bản ghi nhớ tương thuận về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á, tại Bắc Kinh, 24 tháng 10, 2014 -news.cn

Bàn thắng đẹp

Công luận thế giới khen ngợi và chúc mừng Trung Quốc vừa ghi một bàn thắng về ngoại giao quốc tế, trước đối thủ Hoa Kỳ.


Trung Quốc mời gọi được gần 60 quốc gia, trong đó có cả những đồng minh chí cốt của Hoa Kỳ từ gần 100 năm nay, gia nhập và làm thanh viên sáng lập AIIB, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á. Một mình Hoa Kỳ chống đối sáng kiến này của Bắc Kinh, và đã thất bại.
Điều đáng buồn cho Hoa Kỳ là trong số những quốc gia hăng hái bước vào ghế hội viên sáng lập  AIIB đã có đến 4 trong năm nước hội viên thường trực Hội đồng Bảo An, là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, chỉ trừ Mỹ, tất nhiên. Thêm vào đó là tất cả 10 quốc gia ASEAN, nằm trong khu vực mà Hoa Kỳ đang nỗ lực giành chiếm ảnh hưởng, và 16 nước trong số 34 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế OECD. Trong số đồng minh chí cốt của Mỹ chỉ có Nhật và Canada là không tham dự.  Nhật hẳn còn nể trọng đại đồng minh Hoa Kỳ, là xứ che dù an ninh cho mình.  Canada thì không thể làm mích lòng anh láng giềng lớn con và giàu có sát cạnh mình, với mức giao thương chiếm tỉ lệ cao nhất tính cho một quốc gia, so với cả thế giới.

Tự đá vào lưới mình

Điều đáng buồn này thực ra chỉ là về mặt ngoại giao, mà chính vì Hoa Kỳ vội vã chuốc lấy thất bại. Washington đã xử sự thật vụng về và lạc điệu.
Cái Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á làm Hoa Kỳ giật mình hoảng hốt trong khi ảnh hưởng của họ ở châu Á không hề giảm sút mà còn ngày càng tăng tiến, khiến Bắc Kinh đã phải tung ra những đòn phản công, từ quân sự, chính trị đến kinh tế.
Trung Quốc công khai nhưng thận trọng gia tăng bành trướng, từ hành động quy định vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông đến hoạt động xâm lấn lãnh hải Senkaku, rồi cắm giàn khoan thăm dò dầu khí và thăm dò quyết tâm của Việt Nam, của Mỹ ở biển Đông, mới đây lại bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, thiết trí bến cảng, phi đạo, và các trạm radar, tiếp theo là các dàn phóng hỏa tiễn phòng thủ và tấn công tầm xa…
Trung Quốc liên tục hăm dọa và áp chế Việt Nam, Philippines, hai nước có lãnh hải biển Đông chắn ngay đại thủy lộ mở xuống hướng nam ra Ấn Độ Dương cho “Con đường tơ lụa trên biển” trong chiến lược phát triển trong thế kỷ 21 của Bắc Kinh.
Sáng kiến AIIB đi sau sáng kiến “Thị trường tự do APEC” nhằm mục đích giành chiếm thị trường thương mại và tư bản ở châu Á, nhưng còn lâu mới có thể, hay không bao giờ có thể lan rộng trên bình diện thế giới. Chỉ có thế mà Hoa Kỳ cũng phải hoảng hốt như giặc đốt nhà. Những nhà chiến lược ở Washington có thể đã nghĩ rằng Mỹ cần phải ngăn chặn đà bành trường toàn cầu của Trung Quốc ngay từ trong trứng nước, xét vì sức mạnh kinh tế của họ đã tăng trưởng nhanh chóng không thể kiềm chế, lăm le qua mặt siêu cường đứng đầu thế giới.
Hoa Kỳ vừa có những hành động khẳng định chiến lược chuyển trục lực lượng sang châu Á, đó là điều cần thiết và hợp lý trong bối cảnh Trung Quốc lộ rõ dã tâm ở biển Đông và biển Hoa Đông. Nhưng lãnh vực kinh tế tài chính không đòi hỏi hành động vội vã, như khi Hoa Kỳ chống đối sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á của Trung Quốc.
Chính hành động vội vã đó đã khiến một chính sách nhỏ nhoi của đối phương trở thành như một màn bi kịch cho Washington và một chiến thắng vẻ vang của Tập Cận-Bình. Sáng kiến AIIB có khác nào, hay cũng chưa “đầy hào quang” bằng những sự kiện từng được coi là mới mẻ và “cách mạng” trong vài chục năm nay: sự xuất hiện của đồng Euro và khu vực tiền tệ Euro, sự từ bỏ kim bản vị của đồng đô la, ảnh hưởng của chính sách dự trữ ngoại tệ bằng đô la, tính bền vững của đà phát triển kinh tế Trung Quốc, và đồng Nguyên với tham vọng phổ biến trên thị trường quốc tế…  Điều đáng ghi nhận là những dự đoán, những kỳ vọng, cũng đồng nghĩa với những lo ngại, về những sự kiện đó đều đã tỏ ra quá đáng và sai lạc.
Giới nghiên cứu châu Á vẽ phóng đại hình ảnh AIIB như cơn sóng thần sắp vùi dập “đế quốc tài chính” của Mỹ với World Bank, IMF, ADB cùng những cơ chế vệ tinh của hệ thống. Điều nực cười hơn thế là chính Washington cũng hốt  hoảng mà tung ra những đòn thế quờ quạng chẳng trúng ai, chỉ trúng mình.
Điều ngạc nhiên là Hoa Kỳ chẳng cần quan tâm đến một sự kiện tương tự mà mục đích cạnh tranh được công bố rõ ràng hơn cả lần này. Đó là vào năm ngoái tổ chức các nước tân hưng BRICS, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đã đồng ý thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB, New Development Bank), vốn đăng ký cũng là 50 tỉ đô la giống như AIIB, nói là để tài trợ các quốc gia thành viên mà nền kinh tế phát triển có nhu cầu tài chính vượt quá khả năng của Ngân hàng Thế Giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Vậy mà nay sự kiện AIIB, với mục đích tương tự dành cho các nước châu Á, lại khiến Hoa Kỳ phản ứng quá đáng.

Phá đổ trật tự thế giới?

Bên ngoài tòa Bạch ốc và điện Capitol, trong công luận Mỹ còn có ý kiến rằng nếu Trung Quốc dùng Ngân hàng Phát triển Mới NDB cùng với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á AIIB để ép các nước phải chọn giữa hệ thống đó của Trung Quốc với hệ thống hiện có là WB, IMF, ADB thì Bắc Kinh có thể gây một cuộc chiến tranh lạnh mới ở châu Á, đưa đến phá vỡ trật tự thế giới hiện tại, phá đổ các cơ chế làm nền móng của nền hoà bình và phát triển ở châu Á trong 70 năm nay.
Vâng. Trước hết không ai nghi ngờ việc Trung Quốc cấu tạo và sử dụng những cơ sở tài chính quốc tế như vậy vào mục đích chính trị. Nhưng ngược lại ai cũng thấy các chính quyền phương Tây và Nhật Bản từng dùng hệ thống ngân hàng phát triển đa quốc mà họ kiểm soát để tìm lấy lợi thế chính trị quốc tế, như lá phiếu tại Liên Hiệp Quốc, hay ảnh hưởng lên nền chính trị của các nước đang cần tiền để phát triển, trong số đó từng có cả Trung Quốc.
Yếu tố quan trọng mà đáng lẽ người Mỹ không thể bỏ sót là vốn huy động của 57 thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á được dự trù lên tới 100 tỉ đô la  hoặc hơn thế, trong khi chỉ riêng vốn đăng ký của 188 thành viên Ngân hàng Thế Giới đã là gần 230 tỉ đô la, vốn bỏ vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2010 là hơn 750 tỉ đô la, trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở của châu Á lên tới hằng ngàn tỉ. Thêm nũa, đừng quên là cái ngân hàng mà Trung Quốc có Mỹ tiếp tay làm cho ồn ào đó đến hôm nay vẫn còn trong giai đoạn thành lập, khả năng cho vay vẫn còn là con số không, trong khi hầu khắp thế giới đã mượn nợ của WB đến hằng ngàn tì đô la từ hơn nửa thế kỷ nay.
Sau này những khoản tài trợ của AIIB dù có thay thế một số khoản nợ do World Bank cung cấp thì đồng thời cũng thay thế những khoản vay do viện trợ song phương của Trung Quốc và Ngân hàng phát triển châu Á ADB.

Mộng không thành

Trung Quốc chỉ có thể đoạt được vị trí của “vương quốc tài chính” Hoa Kỳ với một số điều kiện mà xem ra khó lòng đạt được.
Trước hết nền kinh tế của Trung Quốc phải phát triển tới mức không nhũng vượt qua Hoa Kỳ mà còn phải chiếm vị thế đầu tàu và thống lãnh toàn thế giới như vị trí của Mỹ trong các thập niên 1940, 1950. Kế đó, đồng Nguyên, tức Nhân dân tệ, phải trờ thành loại tiền tệ chính trong khối dự trữ ngoại tệ của thế giới. Nhìn lại 100 năm qua trong lịch sử của đồng mỹ kim, người ta có thể thấy giấc mộng bá chủ của nhân dân tệ mãi mãi chỉ là giấc mộng, và là không tưởng.
Mãi tới cuối năm ngoái đồng Nguyên mới là một trong năm ngoại tệ chính của thế giới, nhưng chỉ để thanh toán có 2,2% lượng giao dịch, so với tỷ lệ 45% của Mỹ kim hay 28% của Euro. Rồi qua tháng 2-2015 thì tỷ lệ này của đồng Nguyên lại còn sụt tới số 1,8% vì dự kiến giá trị tiền tệ của nó suy giảm, theo một báo cáo số liệu của Mạng lưới viễn thông liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Nếu thế kỷ 21 tiến hóa thành một thế giới lưỡng cực hay đa cực, hoặc giả Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí đầu tàu kinh tế tài chánh, thì lịch sử của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á cũng sẽ giống như lịch sử của những hệ thống, những cơ chế, những sáng kiến từng mang tham vọng giống nó trước đây. Cái tên AIIB sẽ nằm trong danh sách dài những sáng kiến hay cơ chế được thổi phồng với tham vọng biến đổi trật tự kinh tế thương mại chính trị toàn cầu, nhưng nay đành nằm co trong vùng tối của lịch sử.

Mưu đồ?

Thât khó hiểu cho phản ứng vụng về của Hoa Kỳ trước cuộc vận động của Trung Quốc để dựng nên Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á. Làm sao Washington lại có thể lo ngại Trung Quốc sắp gây nên cái gọi là động đất về địa chính trị như một số người Mỹ, người Hoa nghĩ ra?  Tại sao tòa Bạch ốc có thể bỏ qua ý  kiến của nhiều người Mỹ, cho rằng AIIB không phải một thất bại của Mỹ hay một chiến thắng của Trung Quốc, mà chính là một cơ hội hợp tác bằng vàng?
Đúng thế. Mỹ đã bỏ qua cơ hội hợp tác đồng thời kiểm soát được chính sách tài chánh của Trung Quốc. Thế Mỹ-Hoa cạnh tranh ở châu Á là thế không thể tránh khỏi, nhưng người Mỹ từng cổ võ cho sự cạnh tranh lành mạnh sòng phẳng, là yếu tố thăng tiến cho nền kinh tế thương mại chính trị toàn cầu.
Phải chăng Hoa Kỳ đang có mưu đồ nào đằng sau những thái độ giống như hốt hoảng vô căn cứ đó, vào khi Trung Quốc tỏ lộ quyết tâm giành chiếm châu Á và bành trướng sang phương Tây?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét