Tâm Don
Đã một tuần trôi qua kể từ khi
xảy ra sự kiện người dân ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đánh
đập 9 công an và ném đá nhà cán bộ xã để phản đối dự án nghĩa trang
Vĩnh Hằng.
Tôi đã mỏi mòn chờ đợi sự dũng cảm của báo chí
là đi đến cùng của sự thật. Nhưng, sự chờ đợi của tôi cũng như của bao
người khác là vô vọng.Câu hỏi không được hỏi
Theo tôi, trong sự kiện Bắc Sơn, có ba câu hỏi nổi cộm mà báo chí không đề cập đến và dĩ nhiên là không có câu trả lời, nghĩa là không đi đến tận cùng của sự thật.Câu hỏi thứ nhất, dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng có phải do chính quyền tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, và đầu tư với mục đích phúc lợi xã hội hay kinh doanh?
Nếu chính quyền đầu tư vì mục đích phúc lợi xã hội thì đây là một khoản đầu tư phản nhân văn vì chính quyền đã không đầu tư cho người sống mà lại đi đầu tư cho người chết.
Hơn nữa, nếu nghĩa trang Vĩnh Hằng là dự án phúc lợi xã hội thì chỉ người chết ở gần nghĩa trang này mới được an nghỉ ở đây, trong khi đó những người chết ở nhiều vùng miền khác của Hà Tĩnh sẽ không có "vinh hạnh" yên nghỉ trong nghĩa trang này.
Vô hình trung chính quyền Hà Tĩnh đã tạo nên sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng ngân sách tức là tiền thuế của người dân.
Khi nhận thức ra sự bất bình đẳng này, người dân các vùng miền khác của Hà Tĩnh chắc chắn sẽ đòi hỏi chính quyền Hà Tĩnh cho tiến hành xây dựng tại vùng miền của mình những nghĩa trang hoành tráng chẳng khác nghĩa trang Vĩnh Hằng.
Hà Tĩnh sẽ lấy đâu ra tiền để xây dựng nhiều nghĩa trang Vĩnh Hằng và đối phó với sự bất ổn liên miên như thế nào đây?
Đối thoại
Vấn đề thứ hai, dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng có phải do một công ty, một tập đoàn nào đó làm chủ đầu tư với mục đích kinh doanh?Nếu dự án này do một công ty nào đó đầu tư, cần phải nhận thức được rằng, đây là một hình thức kinh doanh bất động sản thời thượng có lợi nhuận cao hơn các hình thức kinh doanh bất động sản nhà ở hay bất động sản công nghiệp.
Nếu dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng do một công ty nào đó đầu tư, tại sao công ty này lại không trực tiếp đứng ra đối thoại và thỏa thuận với người dân xã Bắc Sơn?
Trong trường hợp dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng do doanh nghiệp đầu tư, có thể sẽ xảy ra tình trạng sau đây: những lô đất, những phần mộ huyệt trong nghĩa trang này sẽ có giá cao ngất ngưởng mà chỉ có những người giàu có và thân nhân của những người giàu có mới có quyền thụ hưởng sự yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng.
Tất nhiên, những người dân nghèo ở Bắc Sơn và các vùng lân cận không có cơ hội yên nghỉ ở thiên đường, và đành đắng cay chấp nhận nấm mộ" sè sè nấm đất bên đường".
"Nếu như trước đây, ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, mọi người đều bình đẳng trước cái chết thì nay mọi chuyện đã khác: sự bất bình đẳng trong cái chết cũng não nề như sự bất đẳng trong cuộc sống."
Có lẽ, người dân ở Bắc Sơn đã hiểu rõ các vấn đề sâu kín xung quanh dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng. Hành động đánh 9 công an và ném đá nhà cán bộ xã có thể được hiểu là một lời kêu gọi đau đớn: Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nên đặt quyền lợi của cộng đồng người dân cao hơn lợi ích của doanh nghiệp.
Có lẽ nào việc công an Hà Tĩnh khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 người dân vô tội ở xã Bắc Sơn sẽ làm dịu đi sự phản kháng của người dân? Chưa hẳn. Chính quyền Hà Tĩnh hãy quên đi luận thuyết " súng đạn đẻ ra chính quyền" của Mao Trạch Đông, và luận thuyết " chuyên chính đẻ ra thành tựu" của Lenin và Stalin.
Vấn đề thứ ba xung quanh vụ Bắc Sơn: tại sao chính quyền Hà Tĩnh không nghiên cứu, lập dự án và tiến hành xây dựng một đài hỏa táng ở Bắc Sơn hay ở một vùng nào đó? Một đài hỏa táng dùng khí đốt (gas) sẽ có rất nhiều ưu điểm: chiếm diện tích đất rất ít, tổng mức đầu tư thấp và không gây ô nhiễm môi trường...
Với chính quyền Hà Tĩnh, họ vẫn còn có thời gian để suy nghĩ và quyết định lại mọi điều.
Còn tôi, tôi cũng sẽ suy nghĩ sâu hơn về nghề báo ở Việt Nam mà 24 năm trước tôi đã đam mê cháy hết mình cho nó.
Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, nhà báo tự do hiện sống tại TP HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét