Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

VN có 'sập bẫy' thu nhập trung bình?

BBC

Việt Nam vẫn đang cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với 'bẫy thu nhập trung bình' do sự lạc hậu về thể chế cũng như cách quản lý kinh tế, một chuyên gia trong nước nhận định.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 17/4, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: "Việt Nam hiện có thu nhập trên đầu người là khoảng 1968 đôla/năm, tức là ngưỡng trung bình cao."
"Trong 132 quốc gia thì có khoảng 52 nước lặn lội trong mức trung bình đó trong nhiều năm, trong khi một số nước khác lại vượt lên được và để lại những kinh nghiệm quý trong việc điều hành kinh tế," ông nói.

Quen dùng cái có sẵn

Nguyên nhân cơ bản khiến một nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, theo ông Thành, là do không có những chính sách đột phá mà chỉ biết dựa vào những gì có sẵn.
"Mọi nền kinh tế trong thời kỳ đầu thì có thể phát triển dựa trên lương lao động thấp, tài nguyên sẵn có để vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển, chậm phát triển," ông nói.
"Khi đã bước vào ngưỡng trung bình này thì có nhiều quốc gia không còn khai thác được những lợi thế ban đầu nữa, nhưng lại cứ giẫm chân tại chỗ, không tìm được những phương tiện khác"
Ông Thành đề cập đến những chính sách cải tiến về cơ chế, thể chế, kỹ thuật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đã làm và cho rằng "nhiều nước không làm được những điều này vì chậm tiến về khoa học, giáo dục, tham nhũng, cơ chế hành chính không thông thoáng".
"Những điều này làm nền kinh tế không vươn lên được," ông nhận định.

Làm sao 'tránh bẫy'?

Theo ông Thành, muốn tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần có những thay đổi triệt để từ "thể chế chính trị, thể chế kinh tế, xóa bỏ độc quyền, xóa bỏ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hóa các doanh nghiệp như thế nào mà nhà nước không cần tham gia".
"Từ năm 1985, Việt Nam mới bước vào thời kỳ đầu áp dụng chính sách Đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa," ông nói.
"Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn kẹt trong nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước."
"Như thế là chúng ta vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi cái quan niệm, cái tư duy về vấn đề quản lý kinh tế để hội nhập với những nền kinh tế phát triển."
"Chúng ta đã phát triển đến mức thu nhập khoảng 2.000 đôla rồi đấy, nhưng thể chế đã thay đổi mới bao nhiêu? Trước đây thì kinh tế độc quyền của cơ chế xã hội chủ nghĩa và bây giờ thì vẫn còn vấn vương trong vấn đề độc quyền theo kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành phần tư nhân vẫn chưa được sự ủng hộ."
Ông cho rằng để biết nền kinh tế Việt Nam có bị kẹt mãi với mức thu nhập trung bình hiện nay hay không, cần phải "xem những quyết định lâu nay dẫn đất nước này đến một nền chính trị dân chủ thế nào, một nền kinh tế thị trường thế nào?"
"Chúng ta phải xem chúng ta đã là nền kinh tế thị trường hay chưa, khi mà doanh nghiệp nhà nước vẫn còn là thành phần quan trọng nhất trong nền kinh tế theo sự mong muốn của giới cầm quyền?"
"Đừng nói về con số, tư duy chúng ta vẫn còn đang lặn lội ở trong một khu vực của một nền kinh tế trung bình," ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét