Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Cờ đỏ lại bay, hay sự hồi sinh của Liên Xô

 Procontra

Svetlana Alexievich

Phạm Thị Hoài dịch
 
Tôi đã mất nhiều bạn bè người Nga. Tôi không thể chịu nổi sự phấn khích trong mắt họ khi nhắc tới vụ “gia nhập” hay “sáp nhập”, hay bọn Ukraine “sắp đói nhăn răng, rồi sẽ tự ngửa tay xin hợp nhất với Nga cho mà xem”. Ở Moskva, người ta đắc chí thuê thợ Ukraine làm những công việc hạ đẳng nhất. Một phong trào yêu nước rầm rộ bùng phát.

Không nhà hàng nào còn sâm-panh Krym nữa, tất cả đã dốc cạn để ăn mừng chiến thắng. Chỗ nào cũng thấy nói rằng không gánh vác sứ mệnh đặc tuyển do Chúa, không bá đạo thì chúng ta không còn là dân tộc Nga. Trai tráng chen nhau đến các ủy ban tuyển quân xin tự nguyện nhập ngũ, để cho “bè lũ Bandera”[1] phen này biết tay.
Tôi ngạc nhiên vì Gorbachev. Đến ông ấy cũng bị cuốn vào làn sóng dân tộc chủ nghĩa và phát biểu rằng lẽ ra phải đưa Krym về cố hương từ lâu. Rằng công lí của lịch sử vậy là đã được khôi phục. Cơn cuồng loạn bài phương Tây nổi lên khắp nơi, nên cả ông ấy cũng thôi không nói về con đường châu Âu, về hợp tác với châu Âu, về những giá trị phổ quát.
Ai không hân hoan, đích thị là một kẻ thù của nhân dân. Là thuộc về đội quân thứ năm, là đứng trong hàng ngũ hắc ám phục vụ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vốn từ vựng thời Stalin đã hoàn toàn sống lại: bọn Nga gian, bọn phản bội, bọn nối giáo cho bè lũ phát xít. Khác duy nhất ở một điểm: bây giờ những kẻ Stalinist theo chính giáo. Trong một buổi liên hoan cơ quan ở Kaluga, một nhân viên ngân hàng đã giết một đồng nghiệp. Chỉ vì cãi nhau về Ukraine.
Bị ghét nhất bây giờ là những người cổ xúy cho tự do. Những năm đáng nguyền rủa của thập niên chín mươi là lỗi tại họ, sự tiêu vong của đế chế Nga là lỗi tại họ. Bây giờ nhân dân đòi tịch thu nhà cửa của họ, tống họ vào tù, đem họ ra xử tử. Cái nhân dân của một dân tộc được Chúa Trời đặc tuyển! Truyền hình trình ra những kẻ thù của nhân dân. Chẳng hạn ca sĩ nhạc rock nổi tiếng Andrey Makarevich, phải đè cổ ông này ra mà tước hết các giải thưởng và cả Huân chương Vì Tổ quốc. Nhà sử học Andrey Zubov thì phải bị đuổi khỏi Viện Quan hệ Quốc tế (quyết định đó may thay đã bị hủy). Những người đó đã bôi xấu đất nước. Ai không theo ta, đích thị là chống ta.
Đã bắt đầu có những lời kêu gọi ngừng mua vũ khí từ Hoa Kỳ. Để đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một hình nộm Obama bị đem ra đốt ở thành phố Ufa. Tôi đã trò chuyện với hàng chục người. Không ai lo ngại các biện pháp đó, không ai sợ “Bức màn sắt”. Người ta nhắc nhở nhau rằng thời Xô-viết mình cũng từng sống cô lập với thế giới rồi mà. Có sao đâu? Bù vào đó, bây giờ cuộc sống có một ý nghĩa: giúp những người anh em Ukraine, cái đó quan trọng hơn là khúc xúc xích trong tủ lạnh.
Cảm giác như đất nước này đang sống trong thời chiến rất rõ. Tất cả đều háo hức có thêm chiến thắng. “Bao giờ thì đến lượt Alaska?” Bật ti vi lên mà thấy ghê người. Trên truyền hình, người ta dọa biến nước Mỹ thành một nhúm tro nguyên tử và tính toán khả năng chiếm đóng toàn bộ châu Âu.
Phần còn lại của nước Nga, những người có lí trí bình thường, thì nín thinh. Chỉ cần ho he một tiếng là có thể bị tố giác, thậm chí bị tống giam. Một người quen kể cho tôi nghe chuyện con gái mình vừa đến một trường đại học nhận việc. Cô ấy dạy môn toán. Đầu tiên người ta muốn biết quan điểm của cô về vấn đề Krym. Cô nói: “Tôi không ủng hộ chính sách Krym của Nga. Nga đã hiếu chiến và vi phạm luật quốc tế.” “À, tức là cô muốn Mỹ cũng kích động một cuộc cách mạng mầu ở nước ta chứ gì!”
Rồi không lâu nữa, người ta sẽ vặn hỏi, vì sao ai đó không chọn Sochi mà lại đi nghỉ ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ? Sao không chọn nhạc Nga mà lại nghe nhạc ngoại quốc? Không, không phải Krym, cái chúng tôi được nhận lại là Liên bang Xô-viết.
Ngôn ngữ bạo lực thấm đẫm toàn bộ cuộc sống. Mỗi sáng bật computer lên và tin tức hôm nào cũng thế: người Nga đang đến, người Nga đã vùng lên. Nơi nào cũng thế, khi bạo lực lại trở thành lí tưởng thì sẽ có một kẻ như Karadžić dễ dàng thuyết phục người ta rằng súng máy có thể làm việc thiện.
 

Cờ đỏ lại bay, con người đỏ lại xuất hiện. Tất cả đều sống hơn hớn. Putin đã nỗ lực mười lăm năm cho công cuộc ấy. Ngày lại ngày, truyền hình thổi cho những ý tưởng Xô-viết sống lại. Thế mà chúng tôi đã tưởng những thứ ấy chết hẳn rồi.
Nước Nga tỏ rõ là không có khả năng tiếp nhận những giá trị phương Tây và Thiên chúa giáo phương Tây. Nhà thờ rao giảng rằng: “Chúng áp đặt cho ta một mô hình phát triển xa lạ, khiến ta đánh mất tâm linh mình.” Tôi hỏi một linh mục, bản chất tâm linh của người Nga chúng ta là gì. Ông ta đáp: “Tập trung tất cả bọn đồng tính về một chỗ rồi đem ra bắn tuốt!” Ngoài ra, phải tập hợp mọi người Nga vào một thiết chế nhà nước quân chủ. Bây giờ chúng ta đã mạnh trở lại và đủ sức bảo vệ người của chúng ta ở Baltic hay ở Tajikistan.
Nước Nga đi về đâu? Thay vì cải cách, chúng ta chọn chiến tranh. Nỗi khát thu hồi lãnh thổ xưa có thể khiến hàng triệu con người mất trí. Mà đó là những con người biết nghĩ, mới hôm qua còn mơ ước một nước Nga mang tinh thần châu Âu. Hôm nay họ đã đồng thanh tuyên bố: “Vì Krym, chúng ta tha thứ cho Putin tất cả!”. Sách báo của nhà thờ chính giáo gọi Putin là Thánh, hoàn toàn nghiêm túc. Té ra ở kiếp trước ông ta chính là Vương công Vladimir, người đã làm phép rửa tội cho nước Nga. Có tin đồn rằng dầu một dược rỏ ra từ thánh tượng Putin ở một số nhà thờ. Một vị thánh! Người ban phát phép màu! Sống khắc khổ như một nhà tu. Không vợ, bởi ông ta đã kết hôn với nước Nga.
Nhà thờ, đó không chỉ là kinh, nến và thánh tượng. Nhà thờ ở Nga là một trong những lực lượng hậu bị của tổng tư lệnh quân đội.
Truyền thông bị thanh lọc theo luật của thời chiến. Mọi nguồn thông tin độc lập, cho phép một cái nhìn khác, bị triệt tiêu. Mỗi phát ngôn chân thực đều bị đánh đồng với một lời kêu gọi lật đổ chế độ. Những trang mạng không vừa ý bị chặn. Mới đây, tổng biên tập của Lenta, cổng thông tin lớn nhất, bị mất chức. Bốn mươi thành viên khác trong ban biên tập cũng từ chức để phản đối. Chỗ trống ở các cơ quan truyền thông bị thanh lọc được Putin lấp đầy bằng những người lãnh đạo trung thành với Điện Kreml và bằng nền báo chí của riêng ông ta, do ông ta dựng nên.
Trên mạng đầy những sáng kiến để tồn tại. Ở đó, kinh nghiệm thời Xô-viết cũng tỏ ra đắc dụng. Tôi cũng phòng trước và ghi lại sẵn vài công thức Xô-viết: làm thân với những bà già hay ngồi trước cửa nhà, hay với tài xế taxi, họ là mạng lưới thông tin hữu hiệu. In truyền đơn (mọi người đều đi mua máy quét và máy in), tham gia một câu lạc bộ – chẳng hạn một hội thể thao hay cờ vua – để mở rộng diện giao lưu. Facebook và Twitter cũng còn chưa bị chặn. Và tin nhắn đi động cũng là một cách truyền thông tin tốt.
__________
Svetlana Alexievich (1948), nhà văn Bạch Nga, hiện sống tại Minsk, nổi tiếng từ tác phẩm Chiến tranh không mang bộ mặt đàn bà (1983). Tác phẩm gần đây nhất: Thời Second-hand (2013). Tháng 10 năm ngoái, bà được trao Giải Hòa bình của Hiệp hội Sách Đức.
Nguồn: FAZ 15-4-2014
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra


[1] Stepan Bandera (1909-1959): Nhà chính trị dân tộc chủ nghĩa Ukraine, bị mật vụ Xô-viết (KGB) ám sát tại Đức. Đảng dân tộc chủ nghĩa Svoboda hiện nay tại Ukraine lấy Bandara làm điểm tựa tư tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét