Hiệu Minh
Nhớ hồi năm 1990, chú em họ từ quê ra Hà Nội chơi. Mua được “Dream II” vừa đập hộp, người yêu ôm eo, đang vi vu trên đường chỗ cầu Giẽ, bỗng xe lảo đảo. Nhảy xuống xem thì lốp sau đã xẹp hết hơi.Cố dắt một đoạn gần 1 km, gặp một tay thanh niên sửa xe. Y phán ngay, chắc là bị đinh rồi. Nhân bảo như thần bảo. Một cái đinh dài đã đâm thủng lốp và săm, vì dắt một đoạn dài nên phá tan cả hai thứ. Đành phải thay đồ nội với giá đồ ngoại. Ai đi xe máy đều biết rõ kiểu “đinh tặc” này.
“Đinh tặc”. Biếm họa của Viet Giải trí
Thời xe máy thịnh hành hơn cả xe đạp, nghề vá săm lốp kiếm tiền gặp khó khăn. Toàn xe đẹp, mới, lốp tốt, săm tốt, đường rải nhựa nhẫn thín, ít bị sự cố. Nghề rải đinh kiếm tiền bằng cách phá hoại người khác.
Nhưng kiểu làm ăn bất lương đó cũng không thể so sánh với chính sách “rải đinh”. Nghĩa là luật pháp, chính sách, nghị định…soạn thảo sao cho kẻ có quyền, lợi dụng các kẽ hở và sự ít hiểu biết của dân, moi tiền càng nhiều càng tốt.
Về vi mô, qui định về hộ khẩu từ thời bao cấp và tem phiếu là một trong những chính sách “rải đinh” đầu tiên của thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Muốn có tem phiếu để mua gạo, mua vải, mua thịt, đậu phụ, rau ôi, ở Hà Nội, phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu phải là cán bộ, công nhân viên, có nhà cửa ở thủ đô… đại loại rất nhiều qui định nhiêu khê.
Dân thì vốn gian, tìm cách hối lộ, đút lót để có hộ khẩu. Và người “rải đinh” cứ thế hưởng lợi.
Tem phiếu, sổ gạo cũng hết thời. Nhưng hộ khẩu vẫn có tác dụng xin cho con đi học, vào trường trái tuyến, cấp sổ đỏ, quyền sử dụng đất… Níu kéo chính sách quản lý bằng sổ hộ khẩu là để kiếm tiền, an ninh chỉ là chuyện nhỏ.
Thời mở cửa phải kể đến qui định về xây nhà có phép. Muốn xây một nhà ba tầng phải có thiết kế chi tiết, xin các gia đình bên cạnh đồng ý, rồi mang lên ban quản lý xây dựng phường trình bày.
Ông trưởng ban quản lý phán, lên thành phố xem qui hoạch thế nào, phải có quận đồng ý, rồi kiến trúc sư trưởng ký nháy. Đại loại, có đi lại cả tháng cũng không đủ giấy tờ hợp lệ. Nghe các ông ấy chẳng bao giờ có nhà.
Thôi cứ làm đại, cả nước xây nhà không phép, riêng gì nhà mình. Thuê thợ, đào móng, hì hục vài tuần, vừa đổ bê tông móng, ban quản lý xuất hiện, lập biên bản, phạt và không được tiếp tục công trình. Bác hàng xóm cười, giời ạ, cứ đưa phong bì là xong tất.
Chủ nhà lên phường, gãi đầu, gãi tai trình bày, nhà em khó khăn, mong các bác thông cảm. Gạt cái phong bì dầy dầy vào ngăn kéo, ông trưởng ban xây dựng cười và khuyên, bác cứ tiến hành xây đi, đến phần đổ trần tầng 1, chúng tôi cho người đến lập biên bản. Nguyên tắc là phạt nhưng cho tồn tại.
Ngôi nhà hàng chục tầng chẳng cần phép vẫn hiên ngang bởi cách “rải đinh” của ban quản lý xây dựng từ phường đến quận, còn dân thì rải tiền.
Biết bao chính sách ra đời, trên giấy có vẻ rõ ràng, nhưng trong thực tế, khi thực hiện, rất nhiều người có quyền thế đã “rải đinh” để bắt dân phải “vá lốp” một cách không mong muốn.
Nói về vi mô, có những qui định kìm hãm phát triển. Chính sách thu phí đường bộ của ông Đinh La Thăng rất có thể làm cho ngành lắp ráp ô tô chết yểu. Người mua xe chịu bao nhiêu thứ thuế, nay thêm phí đường, ai còn muốn sở hữu xe nữa. Người ta bảo đây cũng là một cái “đinh lớn” trong hệ thống giao thông nước nhà.
Nói đến thời cải cách ruộng đất, vừa hòa bình xong, hàng chục triệu nông dân miền Bắc vui vì được chia mẫy mẫu ruộng, được làm chủ mảnh đất mà họ đã mong ước từ bao đời. Nhưng chính sách HTX ra đời như một cái “đinh” làm xịt toàn bộ hệ thống kinh tế tư nhân vừa được nhen nhúm. Khi hiểu ra đó là “đinh hệ thống” cũng phải mất 20-30 năm.
Mấy cuộc cải tạo công thương nghiệp sau 1954 và 1975 cũng là những cái “đinh” đâm thủng cả quốc gia mà không ai hiểu vì đâu nên nỗi.
Luật pháp, chính sách, qui định, thiếu hiểu biết, không rõ ràng, chồng chéo, chính là những cái “đinh” phá hoại ghê gớm nhất.
Nhớ chú em họ lần đó ra Hà Nội rất muộn. Hỏi tại sao, chú bảo rất sợ đâm phải đinh lần nữa, tan lốp, ngã xe, nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế chú vừa đi xe máy, vừa nhìn đinh, chậm là phải thôi.
Một quốc gia 90 triệu người lo “đinh tặc” làm sao có thể phát triển.
HM. 21-4-2014
PS. Bạn đọc hãy sưu tầm chính sách, qui định mà bạn cho là “đinh tặc” và đưa lên blog với mục đích tham khảo.
Video chống đinh tặc này rất thú vị. Sự sáng tạo của dân thật bất ngờ. Tuy nhiên chống đinh tặc trên đường dễ hơn nhiều so với “đinh tặc” trong chính sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét