Procontra
Dạ Ngân
Tháng Tư đến rồi đó. Không phải từ một
câu hát nào. Không phải sắp rợp trời hoa phượng mùa thi. Chỉ vì đó là
thời điểm lịch sử, nhức nhối nhiều hơn là sướng vui. Ngày càng xa, thời
gian ở đây không làm lành lòng người, như đất đã lành.
39 năm trước, số đông nói thời điểm ấy
chói sáng, nổ trời, thế giới ngả nghiêng. Dần dần những người từng hoan
ca ấy hạ nhiệt. Bắt đầu có hoài nghi. Cũng bắt đầu xuất hiện những tiếng
nói khẽ khàng của phe “giải phóng”: gọi là kết thúc chứ đừng gọi là
chiến thắng; ừ thì ai thống nhất cũng đáng khen đi, không thì dân miền
Bắc chắc phải ăn cỏ như dân Bắc Triều Tiên rồi!
Giá như hậu chiến được xử lý minh bạch,
khoan hòa, thấu đáo hơn. Có lúc những người của phe buông súng đã ao ước
như vậy. Giờ thì không ít những người của phe thắng cuộc cũng nghĩ như
vậy. Sự nghĩ gặp nhau, sao bao nhiêu năm bị khoét sâu thêm hào hố cách
ngăn. Nhưng không vì vậy mà người ViệtNamcủa hai bên dễ nhìn vào mắt
nhau. Hình như càng lúc càng khó có ngôn ngữ chung mặc dù kiều hối càng
ngày càng dồn dập hơn.
Chỉ mấy ngày nữa thôi thì lại trống
giong cờ mở. Cả một trời đỏ lòe băng rôn, áp phích và mọi thứ. Năm nào
cũng hừng hực như vậy. Để làm gì? Trong khi rất đông người của phe thắng
cuộc đã thấy thấm đau. Trong khi nhiều người muốn có cách diễn giải
khác. Trong khi nhiều người muốn một lễ tưởng niệm chung. Trong khi đa
số đã hiểu “có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”.
Thực sự không ai có thể xem mãi một vở
diễn trong khi chiến tranh chưa bao giờ là một vở cả. Có thể có cách
tránh đi, hoặc nhẹ hơn, hoặc ngắn hơn, kết thúc sớm hơn. Nhưng cuộc
chiến thứ hai quá dài, núi xương sông máu. Nó dài đến mức cả hai bên đều
dễ đồng lòng với Trịnh Công Sơn. Vì vậy mà đề cập mãi về chuyện chiến
tranh là khơi lại vết thương. Và hãy nói nó được kết thúc chứ đừng nói
rằng chúng ta đã chiến thắng.
Trịnh Công Sơn đã được những người kháng
chiến lén nghe nếu sở hữu một chiếc radio. Sau “Bảy Lăm” thì miền Bắc
tràn ngập ca khúc nhạc Trịnh dù còn phải nghe kín, nghe khẽ. Thời nhạc
Trịnh đã được cất lên bởi giọng rền của Khánh Ly thì đúng là âm nhạc đã
thiêng liêng hơn ở sứ mệnh an ủi, nâng đỡ.
Thích Trịnh Công Sơn và Khánh Ly là một
chuyện. Nhưng có lẽ ấy là thường dân và trí thức, hai đối tượng đều
nhiều tổn thương vì cách hành xử của những người nắm quyền sinh sát họ.
Duy nhất nhạc Trịnh được xuất hiện ở những ngày lễ đỏ hoặc sinh hoạt của
đoàn thể đỏ, ấy là khi người ta cần “Nối vòng tay lớn”.
Rồi sẽ có lúc tất cả mọi người của phe
thắng cuộc, từ người chí cao đến người sát đất muốn ngân nga, muốn cất
lên những câu hát kinh kệ về cuộc chiến thứ hai đã xa. Một ngàn năm
nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng
ngày, gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ một nước Việt buồn…
Vâng, phải nhìn nhận ấy là cuộc nội
chiến thì người ta sẽ có cách xử sự khác và nếu đã được vậy, thì chắc
hiện tình quốc gia giờ cũng đã khác.
© 2014 Dạ Ngân & pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét