Hai người Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai hôm 09/5/2014. -AFP photo
Đã 6 tuần trôi qua kể từ khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
hạ đặt trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Dư luận cho rằng phản ứng
từ cấp lãnh đạo đến cả người dân trong nước trước tình hình căng thẳng ở
biển Đông hiện nay chỉ là sự im lặng.
“Tình hình biển Đông bây giờ dân thì cũng nhiều người như tôi, người
ta mặc kệ, chán rồi, chán chả buồn nói nữa vì 1 tháng rồi có làm được gì
đâu. Nghe tivi nói nhiều nhảm nhí suốt ngày, súng phun nước chỉ bắn
được có 1 lần, cứ rêu rao đi rêu rao lại mà cứ để bị lấn lướt như thế
thì người ta cũng chán. Biểu tình thì không cho. Nhiều người kể cả công
an về hưu cũng nói ‘rồi chẳng đi đến đâu’. Những lời nói của truyền
thông như kiểu mị dân là ‘sợ bị Trung Quốc đánh’. Còn bao nhiêu nước,
Liên Hiệp Quốc, có đánh mình chết được ngay đâu? ‘Kiến nghị hòa bình, 4
tốt’: ông Bộ trưởng nói kiểu quỳ lụy Trung Quốc quá thành ra dân cũng
chán. Mình là người dân thấp cổ bé họng chẳng làm được gì cả”.
Vừa rồi là chia sẻ của 1 tài xế lái taxi tên Vũ ở Hà Nội. Do tính
chất công việc, anh Vũ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều độ tuổi
và nhiều thành phần khác nhau trong xã hội nhưng đa số những người anh
Vũ gặp hằng ngày có cùng thái độ im lặng giống như anh trước tình hình
căng thẳng ở biển Đông hiện nay.
…ở đâu không biết chứ ở Nha Trang-Khánh Hòa, người ta nói sao Nhà nước VN không lên tiếng mà cứ im lặng.
- Một người chạy xe ôm ở Nha Trang
Người dân im lặng không phải vì họ hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh
đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà nước VN với phương châm “toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, cả nước một lòng, kiên
quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” như lời phát biểu
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 9
khóa XI hôm 14/5.
Dân chúng im lặng vì họ không thể thực hiện quyền công dân đi biểu
tình chống Trung Quốc một cách ôn hòa, cho thế giới thấy tinh thần tôn
trọng luật pháp quốc tế của họ trước sự xâm lấn chủ quyền biển đảo VN
của Bắc Kinh. Công luận trong nước im lặng do không biết Chính phủ VN sẽ
chọn phương sách nào giải quyết vụ việc giàn khoan HD 981 khi Bộ trưởng
Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng khái tại Đối thoại Shangri-La hồi
cuối tháng 5, cho rằng Việt Nam-Trung Quốc vẫn phát triển tốt đẹp, vẫn
duy trì quan hệ giữa 2 nước và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông
đôi khi có những va chạm gây căng thẳng giống như mỗi gia đình có những
mâu thuẫn, bất đồng nên các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh
chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Nhiều
người dân trong nước mà đài ACTD tiếp xúc đều cho rằng họ rất bất mãn
trước những lời tuyên bố trong quốc nội cũng như trong những diễn đàn
quốc tế của các quan chức lãnh đạo hiện nay. Ngoài sự im lặng, người dân
không còn cách nào khác để bày tỏ sự bất mãn của mình.
“Há miệng mắc quai?”
TBT Nguyễn Phú Trọng gặp Ủy Viên Quốc Vụ TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội chiều 18/6/2014.
Câu hỏi đặt ra có phải sự im lặng này là một sự buông xuôi trước vận
mệnh của quốc gia? Trao đổi với Hòa Ái, một người hành nghề chạy xe ôm ở
Nha Trang không cho là như vậy. Người thanh niên này cho biết:
“Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 thì dân chúng rầm rộ
đi biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng sau này cũng lắng dịu. Tuy nhiên
đây không phải là sự lắng dịu quên lãng đâu mà đây là sự âm thầm giống
như lò áp suất hơi vậy đó, sẽ bùng phát hồi nào không hay, chứ không đơn
giản bình thường. Người ta không dám nói nhưng bàn tán ngầm, ở đâu
không biết chứ ở Nha Trang-Khánh Hòa, người dân có sự chú ý nhiều đến
biển Đông, người ta nói sao Nhà nước VN không lên tiếng mà cứ im lặng.
Người dân bây giờ đang nghi ngại Nhà nước những vấn đề như vậy đó”.
Một trong những người đại diện cho Nhà nước là Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, được người dân đặc biệt nhắc đến trong thời gian từ khi giàn
khoan HD 981 xuất hiện ở khu vực biển cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Nhân
vật lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng CSVN được nhắc tên vì sự im lặng của
ông.
Có nhiều đồn đoán cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không đăng đàn nói
được lời nào vì bị “há miệng mắc quai”. Thậm chí dư luận mặc cả rằng ông
Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ im lặng chính là bằng chứng “cõng rắn cắn
gà nhà” của một Lê Chiêu Thống trong lịch sử VN, thế kỷ 21.
Tình hình biển Đông bây giờ dân thì
cũng nhiều người như tôi, người ta mặc kệ, chán rồi, chán chả buồn nói
nữa vì 1 tháng rồi có làm được gì đâu.
- Một tài xế taxi ở Hà Nội
Còn có dự đoán sau giữa tháng 8 vào lúc thời tiết không thuận lợi
cũng như giàn khoan HD 981 đã tròn nhiệm vụ khoan thăm dò và rút đi thì
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xuất hiện trước truyền thông để lên
tiếng trấn an người dân rằng Đảng Cộng Sản và Nhà nước VN đã giải quyết
thắng lợi tình trạng căng thẳng ở biển Đông đồng thời trỗi lên những lời
ca tụng tình hữu nghị “4 tốt-16 chữ vàng” với người bạn láng giềng
Trung Quốc.
Cho đến ngày 18/6 là ngày gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa Ủy viên
Quốc Vụ viện Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì và đại điện quan chức cấp
cao gồm Thủ tướng VN và Tổng Bí Thư Đảng CSVN thì ý nghĩa sự im lặng của
ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa được giải mã.
Một ngày trước cuộc gặp gỡ giữa các đại diện cấp cao của Hà Nội và
Bắc Kinh để thảo luận liên quan đến việc Trung Quốc triển khai giàn
khoan dầu HD 981 ở vùng biển tranh chấp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo VN nên chú trọng đến lợi ích lớn hơn
trong quan hệ song phương để làm việc cùng Trung Quốc trong tình hình
căng thẳng hiện nay. Trước đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc của VN
nói với báo giới trong nước rằng “vụ giàn khoan trái phép đã dại dột
đánh thức lòng tự tôn dân tộc thiêng liêng bị dồn nén của người Việt,
sức mạnh đã từng quét sạch mọi cuộc xâm lăng của đế quốc Trung Hoa trong
suốt chiều dài lịch sử. Nó phơi trần mọi sự lừa bịp được công phu bày
vẽ lâu nay”.
Người dân trong nước bày tỏ vẫn đang thầm lặng chờ đợi xem phản ứng
của những người đại diện Nhà nước VN trong cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với
đại diện của Trung Quốc như thế nào và họ cũng thầm hy vọng những lời
tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trong cuộc gặp gỡ này sẽ không đồng nghĩa với sự im lặng suốt những tuần
vừa qua khi biển đảo quê hương bị xâm chiếm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét