Boxitvn
(Phamtayson)
Từ Linh
Giữa
những ngày giàn khoan 981 nghênh ngang thách thức chủ quyền Việt Nam và
gây không ít hoang mang, bài này xin được góp một số ý nghĩ về bốn bên
liên quan: Mỹ, Tàu, Đảng và dân. Có ý sẽ làm người lạc quan phật lòng,
có ý sẽ làm người bi quan bất đồng, có ý có thể chủ quan, nhưng xin chép
cả vào đây, như góp một cái nhìn tham khảo. Bài chia làm năm phần,
tương ứng với năm câu hỏi-đáp, xin tóm gọn như sau:
1. Mỹ có đối đầu Tàu vì Việt Nam không? Không! Người hùng giờ thấm mệt, thích chăm việc nhà và việc gần hơn lo việc thiên hạ quá xa.
2. Tàu có đánh Việt Nam không? Đánh làm gì khi
Tàu gần như đã có những gì họ muốn: một chế độ ngoan như tay sai, một
lãnh thổ họ tha hồ tung hoành và đang từng bước trở thành thuộc quốc.
3. Đảng có cứu nước không? Làm gì có, vì có quá nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng đang hành xử như tay sai mẫn cán của Tàu, lo giữ ghế hơn lo giữ nước.
4. Chỉ còn lại dân? Đúng! Khi dân là những người tự do, không sợ hãi, không bị ngoại bang bịt miệng trói tay.
5. Họ đang đẩy dân vào thế bất tuân dân sự?
Vâng! Và đây sẽ là cuộc đấu tranh: ngoài chống giặc ngoại xâm, trong
chống bọn bán nước, giành lại cho dân quyền lực chính đáng của mình.
I. MỸ CÓ ĐỐI ĐẦU TÀU VÌ VIỆT NAM KHÔNG?
Nhiều người muốn Mỹ vào cuộc ở Biển Đông, như ông
cảnh sát trưởng toàn cầu duy nhất có thể rút súng chặn đứng giang hồ Tàu
tràn xuống biển làm cướp. Nhưng, mấy năm nay, giới quan sát thế giới
than rằng Mỹ đang là siêu cường thấm mệt.
“Globocop” đâu rồi?
Đồng minh của Mỹ đang lo. Trong khi Nga ngênh ngang
thò tay tóm lãnh thổ nước bạn, Tàu nghênh ngang giở thói côn đồ ăn hiếp
hàng xóm, Syria ngang nhiên giết hại dân mình, thì câu hỏi được đặt ra
là: “Globocop”, cảnh sát toàn cầu, đâu rồi? Bài “The decline of deterrence” (Bước lùi của chính sách ngăn chặn), đăng trên The Economist ngày 3/5/14 đã mở đầu như thế. Bài báo còn nêu những điểm sau, xin tóm vài ý liên quan:
- Mỹ có sẵn sàng lâm chiến với Tàu không? Ai cũng
biết Tàu muốn làm số một, cũng như Mỹ chẳng muốn làm số hai. Tuy vậy,
nhiều nước Châu Á hoài nghi việc Mỹ muốn gây chiến với Tàu. Tiền lệ là
năm 2012, Mỹ đã im lặng khi Tàu chiếm bãi cạn Scarborough của
Philippines, rồi năm 2013 lại im lặng khi Tàu đe dọa máy bay Mỹ bay qua
không phận đảo Senkaku của Nhật. Chẳng lạ gì, khi đồng minh của Mỹ từ Âu
sang Á đang mua thêm vũ khí tự vệ. Nhật Bản cũng không còn đặt hết lòng
tin vào chiếc ô dù an ninh thủng nhiều lỗ của Mỹ.
- Mỹ sẽ vẫn phản ứng mạnh, nhưng chỉ khi dân Mỹ sôi
sục, chỉ trong trường hợp các đồng minh NATO bị đe dọa nghiêm trọng, hay
Israel bị đánh lớn, hay khi những quốc gia Mỹ đóng nhiều quân như Nam
Hàn, Nhật Bản bị xâm hại, còn ngoài những điểm nóng đó, đội ngũ của
Obama được cho là sẽ “sẵn lòng mặc kệ, một sự sẵn lòng đến rợn người” (a
creeping willingess to let things go). Obama còn được cho là thường
“rất năng nổ tìm đủ mọi đường, nhưng cuối cùng lại thấy đứng im là hay
nhất.”
- Một vụ va chạm xảy ra quanh đảo Senkaku chẳng hạn
sẽ khiến Mỹ có một số phản ứng nào đó, như gửi máy bay do thám và tàu
chiến đến nơi. Nhưng, theo nhận định của một chuyên gia giàu kinh
nghiệm, công chúng Mỹ “sẽ chẳng hứng thú gì với việc tham chiến chỉ vì
mấy bãi đá”.
- Dù cam kết chính thức này kia với các nước, nhưng
dường như Obama đang nhìn thế giới như một khu rừng hoang đầy thú dữ
quấy phá, gây ra những khủng hoảng liên tục mà Mỹ không xử lý được.
Chẳng lạ gì khi bài báo ví von: sói đang xơi tái cừu nhưng anh chăn cừu lại chẳng thấy đến cứu!
Thực vậy, ngay cả trước khi Tàu cắm giàn khoan xâm
phạm biển Việt Nam, các nước trên thế giới đã thấy quá nhiều dấu hiệu về
việc siêu cường Mỹ đang đánh mất ý chí chiến đấu: Các nước Châu Á, khi
thấy Nga nuốt chửng Crimea nhưng Mỹ gần như mặc kệ, đã không thể quên
rằng vào năm 1994, để từ bỏ vũ khí hạt nhân Ukraine đã được Nga, Mỹ và
Anh đảm bảo hẳn hòi rằng biên giới của họ sẽ không bị xâm phạm. Các nước
Baltic cũng không thể quên việc chính quyền độc tài Assad tại Syria
ngang nhiên vượt qua “lằn ranh đỏ” (là dùng vũ khí hóa học giết dân)
nhưng Mỹ đã không phản ứng mạnh như từng tuyên bố, trong khi số người
chết trong cuộc chiến hiện nay dưới chế độ Assad đã lên tới 150.000. Các
đại gia dầu hỏa Ả Rập và đại sứ Trung Quốc cũng không thể không chú ý
đến hiện tượng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đang chủ hòa. Tất cả khiến bạn
của Mỹ âu lo, lo rằng đến khi hữu sự, người hùng không xuất hiện.[1]
Nhạt nhẽo ở West Point
Diễn văn tại West Point của Obama vừa qua cũng được
dư luận quốc tế cho là nhạt nhẽo, thiếu lửa, rất khác với ấn tượng “Mỹ
không ngồi im để Trung Quốc lộng hành” mà nhiều đài Việt ngữ từ RFA,
RFI, đến BBC và báo đài trong nước tạo ra khi trích đoạn và diễn dịch
bài diễn văn.
Trong diễn văn, Obama nhắc đến khủng bố 17 lần, nhưng
không nhắc gì đến Crimea, chỉ nhắc đến Trung Quốc 2 lần lướt qua, cũng
không nói gì đến việc chuyển trục về Châu Á (khiến không ít các nước
trong vùng lo ngại, và họ đã nhắc lại điều này trong Hội nghị G7 gần
đây).
Không những không nhắc, Obama còn than thở không đúng
chỗ rằng Mỹ không thể làm gì đáng kể cho an ninh Biển Đông, dù các
tướng lĩnh khuyến cáo, vì Thượng viện Mỹ chưa thông qua được Quy ước
Luật biển.[2]
Siêu cường thích làm vườn?
Trong luận văn rất đáng chú ý “Superpower don’t get to retire” (siêu cường không được về vườn), (đăng trên The New Republic,
26/5/14), sử gia Robert Kagan còn cảnh báo rằng Mỹ đang muốn “trở về
trạng thái bình thường”, không muốn “làm người hùng” cứu thế giới nữa,
dù sức vẫn còn. Xin tóm tắt vài ý như sau:
- Mỹ muốn “làm người thường” vì nhiều lý do, trong số
có thể kể: Thế hệ trẻ đông đảo ở Mỹ xem Thế Chiến II như đã xa, Chiến
tranh Lạnh cũng lạ. Thế hệ lớn hơn thì mệt mỏi với vai trò của Mỹ như
thần Atlas “bị đày” cứ phải vác đá leo ngược núi. Chủ nghĩa cộng sản, kẻ
thù lớn nhất của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, xem như đã thất bại. Cuộc
chiến Iraq và Afghanistan, được cả thế hệ trẻ lẫn già biết đến, lại quá
tốn kém, trong khi Mỹ vừa trải qua khủng hoảng 2008… Tất cả những điều
đó khiến Mỹ đang đi theo chiều “hướng nội”. Cuộc thăm dò Pew mùa thu năm
ngoái cho thấy có tới trên 50% dân Mỹ, tỉ lệ cao nhất trong 50 năm qua,
muốn Mỹ quay về “lo việc nhà” thay vì lăng xăng ngoài ngõ, và dân Mỹ
cũng muốn “các nước khác phải biết tự lo việc của họ cách tốt nhất có
thể.”
- Đây không là lần đầu Mỹ hướng nội. Điều tương tự
từng diễn ra vào thập niên 20, 30 thế kỷ trước. Năm 1939, khi Đức Quốc
xã chiếm Ba Lan phía Đông, rồi năm 1940 chiếm Paris phía Tây và ném bom
London thì Mỹ vẫn chưa động tĩnh gì. Có ý kiến trong chính giới Mỹ còn
cho rằng Mỹ vẫn có thể buôn bán như thường với Châu Âu thuộc Đức
Phát-xít, y như từng buôn bán với Anh và Pháp, vì “hàng vừa ý” là được,
không cần “bạn vừa ý”! Mãi cho đến khi quân phiệt Nhật tấn công căn cứ
Mỹ tại Trân Châu Cảng năm 1941 thì Mỹ mới bừng tỉnh tuyên chiến với Đức
và Nhật, vì lợi ích ruột thịt của mình.
- Kagan cũng nói tới một thực tế lạnh lùng khác, đó
là loài người và các quốc gia hiện nay nhìn chung không văn minh hay ôn
hòa hơn thời man rợ. Nếu có ‘ngoan’, có chơi đúng luật, có không dám trở
thành côn đồ thì chỉ vì có một ông cảnh sát đầy uy lực sẵn sàng thổi
còi và trừng phạt nếu họ vi phạm.
- Và thực ra thì thế giới này mới chỉ biết đến tự do,
dân chủ, pháp trị, nhân quyền trong khoảng 200 năm qua, còn hàng ngàn
năm trước vẫn là cuộc chiến đấu liên tục của ánh sáng chống lại tối ám
độc tài, toàn trị, của sự thật chống lại dối trá và nắm đấm. Dù sự thật
luôn thắng, nhưng dối trá không chết hẳn mà sẽ nổi dậy và cần phải được
khống chế, bằng sức mạnh. Tổng thống Roosevelt của Mỹ từng nói “Hòa bình
phải được giữ gìn bằng sức mạnh, không còn cách nào khác.” Vâng, “sức
mạnh” chứ không bằng luật lệ, đối thoại hay tình hữu nghị.
Thực ra, khi Mỹ đứng ra cáng đáng an ninh toàn cầu,
nhiều nước chỉ “ăn theo”. Châu Âu được khuyến cáo là cần phải gánh bớt
gánh nặng cho Mỹ vì an ninh của chính Châu Âu! Nhật có vẻ cũng đang theo
chiều hướng này, trở thành một thế lực chủ động hơn trong khu vực (dù
điều này làm không ít chính phủ e ngại khi nhớ đến đội quân Nhật mạnh
đến đáng sợ thời Thế Chiến II.)
Côn đồ như ruồi
Những điều kể trên có nghĩa gì? Phải chăng nó có
nghĩa là khi ông cảnh sát uy quyền bỗng thích về hưu non, thích làm vườn
sau nhà hơn lo việc thiên hạ, thì côn đồ lập tức nổi lên, như ruồi?
Syria sẽ tiếp tục lộng hành giết dân. Rồi với sự hỗ
trợ của Syria, quân khủng bố Hồi giáo nổi lên đánh chiếm các thành phố ở
Iraq như đang diễn ra trong những ngày vừa qua. Putin sẽ còn thêm nhiều
trò mới với các lân bang. Và ở Biển Đông, trong thời gian tới, Trung
Quốc sẽ tiếp tục lộng hành. Không chỉ 981, mà sẽ còn giàn khoan 982, 983
rồi nhiều thứ khác như phi trường và căn cứ quân sự ở Gạc Ma sẽ lại
được cắm phập vào biển Việt Nam và biển các nước khác. Sao lại không,
thế giới có làm gì đáng kể đâu mà côn đồ phải sợ!? Và đó là điều hết sức
đáng sợ! (Trừ khi các nước khu vực, Nhật, Hàn, Philippines, Indonesia,
Malaysia, Singapore, Miến, Ấn, Úc… liên kết lại, thành một khối chống
Trung Quốc, và Mỹ bừng tỉnh, hỗ trợ tích cực để tiếp tục duy trì trật tự
thế giới.)
Điều này dẫn đến câu hỏi kế tiếp: Trong tình hình đó, liệu Tàu có cướp thời cơ đánh Việt Nam không?
II. TÀU CÓ ĐÁNH VIỆT NAM KHÔNG?
Để trả lời câu này, xin nhắc lại điều được gọi là “Bài học Việt Nam”.
Không ngẫu nhiên khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon
đặt tên cuốn sách, xuất bản năm 1987, nói về kinh nghiệm Mỹ tham chiến ở
Việt Nam là No More Vietnams (Không thêm một Việt Nam nào nữa).
Cũng không phải tình cờ mà cố vấn đối ngoại cao cấp nhất của Liên Xô năm
1986, ông Anatoli Chernyaev, đã phải nhắc nhở Tổng Bí thư Mikhail
Gorbachev rằng vụ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, (kéo dài từ 1979 đến
1989), chính là một “Bài học Việt Nam khác.”[3]
Bài học Việt Nam
Là người đi sau Đặng Tiểu Bình, người xua quân đánh
Việt Nam năm 1979, đi sau Gorbachev và Nixon, chắc hẳn Tập Cận Bình
không thể không biết nỗi cay đắng của Mỹ khi rút khỏi Việt Nam năm 1975,
sau khi tốn hao xương máu của trên dưới 50.000 binh sĩ và bao nhiêu
tiền của, hoặc sự ê chề của Liên Xô khi rút khỏi Afghanistan sau 10 năm
chiếm đóng, cũng mất trên dưới 50.000 quân, với bao nhiêu tiền của cùng
cả triệu lượt quân tham gia đã trở thành những cựu chiến binh vất vưởng
thời hậu chiến với chấn thương tâm lý.
Không chỉ mất uy tín trước các nước lớn nhỏ trên thế
giới, cuộc rút quân của Mỹ khỏi Việt Nam năm 1975 và của Liên Xô khỏi
Afghanistan năm 1989 còn đánh dấu sự suy nhược ý chí và năng lực cường
quốc, mở màn cho một thời kỳ suy thoái địa chính trị. Với Mỹ, đó là cuộc
nổi dậy của hàng loạt những chế độ thân cộng sản ở Châu Phi và Châu Mỹ
La Tinh. Với Liên Xô thì chủ trương không đưa quân vào nước khác sau
Afghanistan đã lập tức mở đường cho cuộc vùng lên của các nước Đông Âu,
dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu bắt đầu từ 1989, và
cuối cùng ở chính Liên Xô năm 1991.
Rất có thể nếu chiếm đóng Việt Nam, Tàu sẽ gặp một kịch bản tương tự.
Hãy thử tưởng tượng:
Dù ban đầu chần chừ không muốn động binh nhưng vì chế
độ bù nhìn có nguy cơ sụp đổ, Tập Cận Bình có thể bị cuốn vào thế phải
xua quân chiếm đóng Việt Nam. Từ đó cuộc chiến tiêu hao dai dẳng diễn
ra, du kích quân Việt Nam lúc ẩn lúc hiện khiến quân Tàu xâm lược không
biết đâu mà lần, chiếm được hết nhưng không giữ được gì, thắng trận đánh
nhưng lại thua cuộc chiến, trong khi số thương vong cứ thế tăng dần, từ
5.000, 15.000, lên 30.000, 50.000. Nuốt không trôi, nhả không xuôi, Bắc
Kinh cứ thể phải đổ hàng chục, hàng trăm tỉ nhân dân tệ vào cuộc chiếm
đóng như đổ vào túi không đáy… Xuất huyết cạn kiệt, uy tín xuống thấp,
nội bộ nhiễu loạn, quyền lực cá nhân Tập bị thách thức, mặt trận trong
nước trở nên quan trọng hơn, cuối cùng Bắc Kinh buộc phải quyết định rút
quân, trong ô nhục, (dù sẽ vẫn tuyên bố chiến thắng hoặc ra đi trong
danh dự, như Mỹ đã làm khi rút khỏi Việt Nam, như Liên Xô đã làm khi rút
khỏi Afghanistan). Nhưng đó không phải là kết thúc, mà là lúc khủng
hoảng lớn bắt đầu. Ngay khi thấy Tàu thất bại ê chề tại Việt Nam thì lập
tức các dân tộc đang bị Tàu thống trị như Tây Tạng, Nội Mông, Duy Ngô
Nhĩ, Hồi Ngột… bèn đồng loạt nổi dậy mạnh mẽ, vượt qua sức phản ứng của
Bắc Kinh (y như như dân Đông Âu đã nổi dậy, và Moscow không còn đủ sức
hay ý chí để đưa quân trấn áp.) Và thế là đế quốc Trung Quốc cộng sản
sụp đổ, Tây Tạng cùng các nước bị lệ thuộc khác giành được độc lập. Ngay
sau đó, Trung Quốc lại trở về một tình trạng khủng hoảng hậu Việt Nam,
hậu Tây Tạng, mộng bá quyền tan hoang, mèo trắng mèo đen bị những “chú
tí” sát nách cắn chảy máu đỏ, phải cong đuôi vừa chạy vừa gào. Rồi từ
từ, lại một “Putin Tàu” xuất hiện, và con quay cứ thế xoay…
Diễn biến hòa bình
Dĩ nhiên, “Bài học Việt Nam” của Nixon và Gorbachev –
cũng như của các thế lực từng xâm chiến Việt Nam như Pháp hoặc các nhà
Tống, Nguyên, Minh, Thanh… hoặc các thế lực từng xâm chiến Afghanistan
như Anh và các Nga hoàng trước đó – đã được Tập Cận Bình và tập đoàn
nghiên cứu kỹ. Có lẽ vì vậy mà Tàu cộng sẽ chẳng dại gì xua quân xâm
chiếm Việt Nam để phải lâm vào cảnh “xuất huyết trường kỳ” như Mỹ và
Liên Xô cũ, để cuối cùng mất cả chì lẫn chài, mất cả uy tín lẫn ảnh
hưởng, mất cả ghế và có thể làm sụp đổ cả chế độ tại mẫu quốc.
Nhưng, có lẽ cũng vì vậy mà Tàu đã dùng một con đường khác để thôn tính Việt Nam, một tuyệt chiêu hơn hẳn kẻ đi trước.
Phải gọi tuyệt chiêu đó là gì cho đúng?
Đó là không đánh Việt Nam bằng sức mạnh cứng từ ngoài
đánh vào, mà bằng sức mạnh mềm từ trong ruột đánh ra. Là từng bước biến
Việt Nam thành thuộc địa, thuộc quốc, thành khu tự trị, thành tỉnh lỵ…
mà không cần phải bắn phát súng nào, mà có được cả một chính quyền tay
sai ngoan ngoãn, nói gì nghe nấy, bất chiến tự nhiên thành.
Tên gọi chính thức của nó đích thị là “diễn biến hòa
bình”, và “thế lực thù địch” trần trụi hiện nguyên hình là Trung Cộng.
Lâu nay Đảng tìm cách bẻ ngược kim la bàn về phương Tây, nhưng thực ra
kim la bàn chỉ kẻ thù luôn hướng về phương Bắc!
Điều vừa rồi dẫn đến câu hỏi thứ ba. Hãy thử xem Đảng
đã và đang làm gì, có thực sự chống giặc, hay giặc đang đứng sau lưng
Đảng, và cả hai đang đối đầu dân Việt?
III. ĐẢNG CÓ CỨU NƯỚC KHÔNG?
Cứ nhìn cách Ban Tuyên giáo của Đảng chỉ đạo “mặt
trận” dư luận nội địa trên báo đài trong những ngày qua thì thấy sự thật
không phải là điều đang được tôn trọng, và họ đang cho hạ nhiệt vấn đề
Tàu xâm lược:
Ngày 2/5, khi Cục Hải sự Trung Quốc công bố giàn
khoan 981 bắt đầu khoan từ ngày 1/5, thì liên tục một tuần sau đó báo
đài Việt Nam đồng loạt đưa tin phản đối khí thế, làm dậy sóng dư luận.
Đến ngày 10/5 báo Tuổi Trẻ tại TP HCM còn in
và tặng kèm độc giả cả một poster khổ lớn đòi Trung Quốc rút ngay giàn
khoan để nguời dân mang xuống đường biểu tình vào chủ nhật 11/5.
Nhưng ngay sau vụ bạo động 12/5 và 13/5 thì ba ngày liên tiếp sau đó trên trang nhất báo Tuổi Trẻ
chỉ thấy những gương mặt cười, người dân vui cười khi hồ hởi quyên góp
cho biển đảo, nhưng nhìn qua, nhất là khi những cặp mắt Tàu cộng không
biết tiếng Việt nhìn qua, thì sẽ rất dễ có ấn tượng là đất nước Việt Nam
đang rộn rã một niềm vui lớn!
Những ngày sau đó vẫn còn tin về biển đảo nhưng hạ
nhiệt dần, rồi những ngày tuần đầu và giữa tháng 6/2014, tin về ngoại
xâm lui vào trang trong, nhường gần hết trang nhất cho những tin hiền
lành như mùa thi, sức khỏe, bảng chỉ dẫn lưu thông…
Thực ra, những tờ báo đông người đọc như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, Pháp Luật, Người Lao Động, Phụ Nữ…
, vẫn là một “nhà hát” sáng đèn liên tục và có lượng khán giả khá lớn,
xem “hát” xong, khán giả vẫn oang oang trong đầu những gì được nghe, và
về kể lại cho người khác. Đó vẫn là những hàn thử biểu để phần nào đo
được nước cờ trái-phải, đóng-mở, bóp-nhả của Đảng, và điều quần chúng
đang bị mớm để tin.
Phân vai và hai tay
Đang diễn ra điều gì vậy? Sự thật là gì vậy? Sao có
quá nhiều dấu hiệu trái chiều, từ những vị cao nhất trở xuống? Thay vì
được quyền biết mọi sự thật thì dân không biết ngay cả ai là bạn, ai là
thù!
Phải chăng, ở “trển”, các vị đã được phân vai? Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng phải cứng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải im,
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải lảm nhảm chuyện nhỏ ở chỗ nhỏ, Bộ
trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phải mềm như bún Tàu, còn những
người khác như Nguyễn Chí Vịnh thì lúc cứng lúc mềm như quan hoạn?
Kìa, cứ nhìn cách Đảng đưa Phùng đến Shangri-la ca
ngợi quan hệ “vẫn phát triển tốt đẹp” giữa ta và Tàu là thấy Tàu với
“ta” là một. Phùng đại tướng chẳng khác gì một ông bác sĩ lâu ngày không
đụng đến ống nghe, nhưng cứ ong ỏng bảo rằng bệnh nhân vẫn khỏe, dù
bệnh nhân vừa bị đâm một nhát ngay mạng sườn, máu chảy không cầm được,
hoặc cứ kiên quyết khẳng định rằng quan hệ vẫn trong sáng dù cô em vừa
bị thằng đểu cáng hiếp dâm.
Hay là Phùng nói đúng, cô em không bị hiếp dâm mà tự
dâng hiến? Chắc là vậy thật, họ đã dâng đất nước này cho giặc từ mật
nghị Thành Đô?
Hay là họ đang bắt chước chính sách “hai tay” của Tập Cận Bình[4],
tay búa tay tiền, nửa Mao nửa Mít (Mao Trạch Đông & Adam Smith):
tay trái cứng vừa đè bẹp giới bất đồng chính kiến, vừa thổi chủ nghĩa
dân tộc cực đoan, vừa bành trướng bá quyền, trong khi tay phải mềm cố tỏ
ra thân thiện, chống tham nhũng, mở kinh tế thị trường, đem Khổng Tử ra
trang trí?
Qua mặt dân
Vì sao Ban Tuyên giáo mở trói cho báo đài và nghệ sĩ
nói về Tàu xâm lược, nói về hòa bình, Trường Sa, Hoàng Sa nhưng lại đồng
loạt vừa rút tin bài về thảm sát Thiên An Môn, vừa bai bải chối làm gì
có rút?
Thủ tướng tuyên bố không đánh đổi chủ quyền lấy hữu
nghị viển vông và sẵn sàng để kiện Tàu, nhưng sao Bộ Chính trị vẫn trì
hoãn kiện?
Đó là chưa kể những gì đã diễn ra trong những năm
qua: Bộ Chính trị im khi Tàu chiếm Hoàng Sa năm 1974, im từ đó đế nay về
cuộc chiến 1979, im khi Tàu chiếm Gạc Ma 1988, cho Tàu trúng thầu hầu
hết dự án trọng điểm, mở cửa cho dân Tàu vào làm ăn trái phép, lập mật
khu bất khả xâm phạm, mướn rừng đầu nguồn, mướn nhiều chục năm đất và
vùng biển chiến lược, khai thác boxit Tây Nguyên dù lỗ lớn vẫn lì lợm
làm, rồi chính quyền lại không mệt mỏi đàn áp người biểu tình chống Tàu,
đánh đập, ngược đãi, kết án, bỏ tù ngày càng nhiều năm bao nhiêu người
yêu nước…
Sự thật là gì vậy? Điều gì đang diễn ra trong quan hệ
Việt-Tàu? Sao không lên tiếng trình bày cho dân rõ mọi chuyện? Chỉ cần
nhìn cái cách họ khinh dân trong những ngày này là thấy họ không do dân
bầu ra, không màng tới phản ứng của dân, và chỉ xem dân như một đám dân
thuộc địa hạng tồi, cần cai trị, chứ không cần lắng nghe hay đối thoại.
Ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu, cùng tất cả các ông
các bà có tên tuổi và có trách nhiệm khác, sao không nói gì vậy? Các ông
các bà đứng về phía nào, phía dân hay phía giặc?
Im lặng nhiều lúc là vàng. Nhưng khi 16 chữ vàng đã thối thì im lặng là đồng lõa!
Câu hỏi tối hậu
Sự im lặng của các vị làm người dân không thể không đặt ra các câu hỏi tối hậu như sau:
Có phải chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam hiện nay chỉ là chính quyền tay sai, đang ngồi cai trị dân
dưới sự hỗ trợ và chỉ đạo của Bắc Kinh?
Có phải vì là bù nhìn tay sai nên khi giàn khoan 981
xuất hiện họ làm động tác giả lớn tiếng chống đối ầm ào, rồi lại bày trò
đốt phá nhà máy khu công nghiệp để lấy cớ trấn áp người dân biểu tình?
Có phải Đảng đang diễn một vở kịch dối trá và ô nhục
với Bắc Kinh, một vở “Kinh Kịch” ai nấy tô vẽ mặt mình rõ dầy không cho
thấy mặt thật, rồi cứ thế ra bộ, ấm ứ, ầm ừ, đánh trận giả?
Phải chăng một chính quyền tay sai cho ngoại bang,
một lực lượng chiếm đóng nhận lệnh thẳng từ kẻ xâm lược, một chính quyền
thực dân tuân lời mẫu quốc cũng chỉ có thể làm những điều tương tự như
Đảng và chính phủ đang làm, không thể hơn?
Và một câu hỏi đau đớn nữa rất nhiều người muốn đặt ra, đó là:
Có phải Việt Nam đang hoặc đã trở thành thuộc địa,
thuộc quốc của Tàu từ hội nghị bí mật Thành Đô 1990, từ khi bình thường
hóa quan hệ Việt-Tàu năm 1991, và từ biết bao nhiêu cam kết, thỏa thuận,
hiệp ước trong những năm sau đó?
“Đám cưới” Thành Đô
Đọc lại những thông tin ít ỏi về mật nghị Thành Đô vẫn có thể rút ra một vài điều trớ trêu và đau đớn:
Vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày tuyên bố độc lập,
2/9/1945- 2/9/1990 thì bộ sậu Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và cố vấn Phạm
Văn Đồng lại chuẩn bị khăn gói qua họp kín với Giang Trạch Dân, Lý Bằng
tại khách sạn Kim Ngưu ở Thành Đô, Tứ Xuyên, vào ngày 3-4/9/1990.
Ngoài mấy điểm về giải pháp Campuchia, những thỏa
thuận về bình thường hóa quan hệ Việt-Tàu không được tiết lộ ra ngoài.
Chỉ biết rằng sau khi ký kết “Kỷ yếu hội đàm”, Giang Trạch Dân đã mượn
một câu thơ của Giang Vĩnh đời Thanh (có bản nói là của Lỗ Tấn) để tặng
Nguyễn Văn Linh. Thơ như sau:
Độ tận kiếp ba huynh đệ tại
Tương kiến nhất tiếu mân ân cừu
Nghĩa là:
Qua hết sóng gió anh em vẫn còn
Gặp nhau cười một cái là quên ân oán
Để tỏ lòng trung, Nguyễn Văn Linh đáp lại bằng bốn câu thơ:
Huynh đệ chi giao số đại truyền
Oán hận khoảnh khắc hóa vân yên
Tái tương phùng thời tiếu nhan khai
Thiên tải tình nghị hựu trùng kiến
Nghĩa là:
Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ
Trong khoảnh khắc oán hận biến thành mây khói
Gặp lại nhau cười rạng rỡ
Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại [5]
Và thế là cuộc mật nghị Thành Đô có đủ hương vị của
một “đám cưới” trăng mật, có đủ cả câu đối và lời hứa “em muốn sống bên
anh trọn đời”. “Chú rể” Giang Trạch Dân quen thói giang hồ thì mượn thơ
của người khác qua loa như tán gái cho xong chuyện, còn “cô dâu” Nguyễn
Văn Linh thì rút ruột thề thốt, nào là “mấy thế hệ”, nào là “tình nghĩa
ngàn năm”.
Ly dị chăng?
Thực ra thì có hứa trăm năm hay ngàn năm đi nữa thì
khi hôn nhân bất thành, tên chồng vũ phu, bạo hành, đàn áp, khinh bỉ,
cướp của, làm nhục, xem vợ như nô lệ… thì vợ luôn có quyền hủy hôn ước,
ly dị, đưa chồng ra tòa vì tội bạo hành gia đình, đòi lại tự do và công
bằng. Đó là cách ứng xử bình đẳng của người văn minh và có nhân phẩm,
hoàn toàn khác với lập luận “gia đình lục đục là chuyện thường” theo nếp
nghĩ phong kiến “chồng chúa vợ tôi”, chồng muốn làm gì thì làm vì chồng
luôn đúng, vợ phải cắn răng chịu đựng vì vợ luôn sai, theo kiểu lý sự
cùn, vô tâm, vô tình, vô tích sự và cực kỳ lạc hậu của Phùng đại tướng.
Nhưng, đòi lại sự tôn trọng tối thiểu giữa hai người
bình đẳng trong một quan hệ bình đẳng là điều Đảng đã không làm! Vì sao
thế?
Sáu sao
Nhân tiện xin được hỏi luôn, vì sao khi lãnh đạo Tàu
qua Việt Nam thì thiếu nhi Việt Nam đã được giao cho phất những lá cờ
Tàu sáu sao (năm nhỏ chầu quanh một lớn), thay vì cờ Tàu vốn chỉ có năm
sao (bốn nhỏ chầu quanh một lớn)?
Có lẽ chỉ có thể lý giải rằng Đảng Cộng sản Việt Nam
đang hành xử như tay sai mẫn cán của Tàu, họ đang bán nước để giữ ghế,
và Việt Nam đã được xem như một thuộc quốc của Tàu. Ý nghĩa gốc cờ năm
sao của Tàu như sau: Sao to là Đảng ở giữa, bốn sao nhỏ là bốn giai cấp:
công, nông, tiểu tư sản thành thị, và tư sản dân tộc. Còn trong đối
ngoại thì cờ sáu sao như Việt Nam đã dùng có lẽ chỉ có thể hiểu theo
nghĩa: Tàu là sao to Hán tộc ở giữa, năm sao nhỏ chầu quanh là năm dân
tộc lệ thuộc: Tạng, Mông, Hồi, Ngô, Việt (hay Thanh, Mông, Hồi, Tạng,
Việt)!
Thật không? Thế thì mất nước rồi sao? Phải làm gì bây giờ?
Điều này dẫn đến câu hỏi thứ tư.
(Còn 1 kì)
Hình: Cartoon của Sacrava
© 2014 Từ Linh & pro&contra
Nguồn: procontra.asia
[1] The Economist, “What would America fight for?” (Mỹ chiến đấu vì điều gì?), số ra ngày 3/5/14
[2] Xem Thomas Wright, “Four Disappointments in Obama’s West Point Speech” (Bốn thất vọng trong diễn văn tại West Point của Obama), Brookings, 28/5/2014
[3] Victor Sebestyen, Revolution 1989, The Fall of the Soviet Empire(Cách
mạng 1989, Đế quốc Xô-viết sụp đổ), Pantheons Books, New York 2009,
Chương “Gorbachev’s Vietnam” (bài học Việt Nam của Gorbachev), trang 200
[4] Xem bài “Mao and Forever” của Peter Martin và David Cohen, đăng trên Foreign Affairs ngày 3/6/14. Đã có bản tiếng Việt của dịch giả Huỳnh Phan đăng trên trang Ba Sàm.
[5] Xem “Tài liệu của Trung Quốc về cuộc gặp bí mật Thành Đô, 3-4/9/1990”, bản dịch của Lý Nguyên. Nguồn: Hà Bắc tân văn võng, talawas 30/10/2007.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét