Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) tiếp Ủy viên Quốc vụ viện
TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 6 năm 2014. -AFP
PHOTO/Lương Thái Linh
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc gặp với lãnh
đạo Việt Nam hôm nay để thảo luận các vấn đề trong khuôn khổ cuộc họp
của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam Trung Quốc. Vấn đề căng
thẳng biển Đông được các học giả Việt Nam cho là một trong những chủ đề
chính trong cuộc họp lần này. Liệu Trung Quốc sẽ có nhượng bộ gì hoặc
yêu cầu gì với Việt Nam trong cuộc họp lần này? Việt Hà phỏng vấn bà Yun
Sun, chuyên gia nghiên cứu thuộc chương trình Đông Á của Trung Tâm
Stimson, tại Washington DC.
Thời điểm thích hợp?
Việt Hà: Chuyến đi của ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam lần
này được cho là nằm trong khuôn khổ cuộc họp của ủy ban chỉ đảo hợp tác
Việt Nam Trung Quốc. Nhưng cuộc họp này đã bị hoãn lại từ tháng 5 do
căng thẳng. Phía Việt nam cũng nói Trung Quốc đã nhiều lần khước từ đối
thoại với Việt Nam để giảm căng thẳng. Theo bà tại sao lãnh đạo Trung
Quốc lại quyết định có đối thoại cấp cao với Việt Nam vào thời điểm này? Yun Sun: Trước hết, ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam lần này
là do cuộc họp của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam Trung
Quốc. Đây là cuộc họp thường niên và vì vậy sẽ thật là không hợp lý nếu
Trung Quốc hoàn toàn khước từ cuộc họp hoặc hoãn cuộc họp vô thời hạn.
Cho nên tôi tin là cuộc họp đã được lên kế hoạch nhưng như cô đã nói là
bị hoãn lại từ tháng 5 do căng thẳng đang lên. Nhưng nếu Trung Quốc
khước từ toàn bộ cuộc họp thì đó sẽ không phải là bước đi khôn ngoan. Việt Hà: Một học giả Trung Quốc có nói là đây là thái độ từ Trung Quốc cho thấy thiện chí hòa giải với Việt Nam. Bà có nhận xét thế nào?
Đây là cuộc họp thường niên và vì vậy
sẽ thật là không hợp lý nếu Trung Quốc hoàn toàn khước từ cuộc họp hoặc
hoãn cuộc họp vô thời hạn.
-Yun Sun
Yun Sun: Nếu như các bạn nhìn vào chính sách ngoại giao của
Trung Quốc hoặc chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề tranh chấp chủ
quyền trên biển Đông, nhất là căng thẳng gần đây với Việt Nam gần quần
đảo Hoàng Sa. Chính sách của Trung Quốc rất rõ ràng. Có hai mặt trận.
Thứ nhất là về hành động gọi là gây hấn của Trung Quốc dù là quân sự hay
bán quân sự hay thương mại thì Trung Quốc cũng không lùi bước. Nhưng
mặt khác trên lĩnh vực ngoại giao, Trung Quốc cũng cố gắng cho mọi người
thấy một hình ảnh là Trung Quốc đang cố gắng nói chuyện và đàm phán.
Nhưng tôi nghi ngờ là Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ hoặc lùi bước trong
vấn đề về tranh chấp chủ quyền. Việt Hà: Có học giả Việt Nam cho rằng phía Trung Quốc quyết
định có đối thoại lần này là vì lo ngại Việt Nam đưa vấn đề ra tòa quốc
tế và sẽ làm Trung Quốc mất mặt. Bà có ý kiến gì về nhận định này? Yun Sun: Tôi không đồng ý lắm với cách nhìn nhận đó nhưng tôi
thấy tính logic của lập luận này. Nhưng nếu mọi người hiểu thực sự về
chính sách ngoại giao của Trung Quốc thì sẽ thấy là Trung Quốc không lo
sợ Việt Nam đưa vấn đề này ra tòa quốc tế. Philippines đã làm điều này
và Trung Quốc đã nói rõ là Trung Quốc sẽ không theo phán quyết của tòa
quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Cho nên nếu Việt Nam có làm
giống Philippines thì điều này cũng không làm thay đổi cách tính toán
của Trung Quốc. Và Trung Quốc đã mất mặt trong vấn đề này rồi. Cho nên
dù Việt Nam có đưa vấn đề này ra tòa quốc tế thì nó cũng không làm thay
đổi căn bản chính sách ngoại giao của Trung Quốc với vấn đề này. Mặt
khác, theo tôi chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì là nhắm vào việc có
một số đối thoại, tìm cách giảm căng thẳng và tìm kiếm cơ hội để có đối
thoại có ý nghĩa để hướng tới phía trước. Tuy nhiên tôi không tin chuyến
thăm này diễn ra là vì nỗi lo từ Trung Quốc trước khả năng Việt Nam có
thể đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế. Thứ hai nữa là nó cũng không cho thấy
sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc nhượng bộ hoặc lùi bước.
Chủ đề cuộc họp
Bộ trưởng Ngoại giao
Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết
Trì tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội ngày 18 tháng 6 năm 2014. AFP PHOTO
/ POOL / LƯƠNG THÁI LINH.
Việt Hà: Vậy những chủ đề chính trong cuộc họp lần này sẽ là gì? Yun Sun: Tôi chưa thấy bất cứ thông báo nào từ Bộ Ngoại giao
Trung Quốc về chủ đề của cuộc gặp cấp cao lần này, nên tôi không thể nói
cụ thể. Tuy nhiên tôi có thể dự đoán dựa vào những báo cáo hiện có từ
Trung Quốc là Trung Quốc muốn thảo luận về những gì đã xảy ra đối với
các nhà máy của Trung Quốc và người Trung Quốc trong vụ bạo loạn chống
Trung Quốc gần đây ở Việt Nam vào tháng 5 sau khi giàn khoan được triển
khai. Tiếp theo tất nhiên là vấn đề giàn khoan và căng thẳng quan hệ hai
nước sẽ không thể tránh khỏi. Tôi cũng dự đoán là nếu Trung Quốc khôn
ngoan thì họ sẽ thêm vào nghị trình thảo luận những vấn đề về hợp tác
nhiều hơn là cạnh tranh hoặc căng thẳng trong quan hệ hai nước. Tôi nghĩ
Trung Quốc sẽ không tập trung toàn bộ nghị trình vào vấn đề biển Đông. Việt Hà: Theo bà thì Trung Quốc có thể đưa ra những trao
đổi gì với Việt Nam hoặc yêu cầu gì từ phía Việt Nam để giúp giảm căng
thẳng tại Biển Đông trong cuộc họp lần này? Yun Sun: Tôi không chắc Trung Quốc ở vị trí có thể yêu cầu
Việt Nam hoặc có một danh sách yêu cầu chính phủ Việt Nam phải theo.
Theo tôi, điều này không có vẻ ngoại giao lắm. Đây cũng không phải là
cách làm theo chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng
Trung Quốc sẽ muốn đàm phán về những cách để giảm căng thẳng hoặc giảm
những đối đầu trong khu vực. Tôi không biết là liệu phía Việt Nam có
được những cái đầu nguội tỉnh táo để thảo luận hay không và tôi cũng
không biết phía Trung Quốc cũng có khả năng này hay không. Tuy nhiên hy
vọng là ít nhất hai bên có thể ngồi xuống để nói chuyện về các vấn đề
này mà không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố tình cảm. Việt Hà: Nhưng liệu sẽ có những trao đổi nhất định từ hai phía hay không trong vấn đề căng thẳng hiện tại?
Tôi có thể dự đoán dựa vào những báo
cáo hiện có từ TQ là TQ muốn thảo luận về những gì đã xảy ra đối với các
nhà máy của TQ và người TQ trong vụ bạo loạn chống TQ gần đây ở VN vào
tháng 5.
-Yun Sun
Yun Sun: Theo tôi đó là hy vọng của rất nhiều người nhưng tôi
thắc mắc về việc Trung Quốc có làm điều này hay không vì nói giống như
một trao đổi như cô vừa nói, cái mà Trung Quốc đưa ra phải có đủ ý nghĩa
cho phía Việt Nam để có thể chấp nhận. Nhưng vào lúc này tôi không thấy
có nhiều điểm mà Trung quốc sẵn sàng nhượng bộ hay Việt Nam sẵn sàng
chấp nhận. Cho nên cơ hội trao đổi như vậy là rất khó, nhưng ít nhất hai
bên có cơ hội để nói về căng thẳng. Điều lý tưởng nhất là hai phía có
thể ngưng các hành động gây hấn trong khu vực. Việt Hà: Hồi tháng 5 vừa qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên
bố ngưng một số chương trình trao đổi với Việt Nam sau những vụ bạo
loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam, theo bà thì liệu có khả năng cuộc họp
hai nước nối lại những chương trình này sau cuộc họp lần này? Yun Sun: Tôi nghĩ điều này cần một thời gian dài hơn chỉ là
một cuộc gặp lần này, vì từ phía Trung Quốc họ cũng có những ý kiến mang
tính dân tộc chủ nghĩa rất mạnh từ công chúng. Vụ bạo loạn chống Trung
Quốc hồi tháng 5 vừa qua đã trở thành một chủ đề nóng được bàn thảo rất
nhiều ở Trung Quốc. Quan điểm của công chúng nói chung là không chấp
nhận chính phủ có những hành động hòa giải ngay lập tức. Cho nên chính
phủ Trung Quốc cần thời gian để vượt qua ý kiến công chúng lần này. Điều
mà chúng ta có thể thấy trong báo chí của Trung Quốc lúc này là Trung
Quốc lo ngại không có một câu trả lời hoặc giải pháp hợp lý cho vụ bạo
loạn chống Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua. Cho nên từ phía Trung Quốc,
họ có thể yêu cầu một câu trả lời, bản án hoặc đáp ứng đối với những gì
đã xảy ra, và chính phủ Việt Nam phải làm gì để giải quyết vấn đề này.
Theo tôi biết thì có một vấn đề đã được nói đến trong công chúng
Trung Quốc là việc đền bù cho các hư hại đối với các cơ sở và doanh
nghiệp Trung Quốc hay cho những người Trung Quốc bị thương hay bị giết
trong vụ bạo loạn. Những ý kiến này từ công chúng Trung Quốc không thể
bỏ qua và không thể không trả lời trước khi quan hệ song phương có thể
được nối lại. Việt Hà:Bà có dự đoán thế nào về thành công của cuộc họp lần này? Yun Sun: Nếu hai bên may mắn thì có thể là họ sẽ có một tuyên
bố nào đó trong tình thần của bản tuyên bố về ứng xử của các bên DOC.
Nếu may mắn thì hai bên có thể đồng ý là ngưng các hành động gây căng
thẳng trong khu vực. Đó là tất cả những gì mà chúng ta có thể hy vọng
vào lúc này. Việt Hà:Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét